24-11-2020 - 09:39

Ba cung đàn và một cái kết có hậu

Nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Ba cung đàn và một cái kết có hậu” của Nhà thơ Lê Quốc Hán.

 

            

                                                              Đại thi hào Nguyễn Du                                                       

       Nói đến Đại thi hào Nguyễn Du, trước hết không ai không nhớ đến hai câu kết trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký” của ông: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (“Ba trăm nữa mơ màng/ Ai trong thiên hạ khóc chàng Tố Như “– Xuân Diệu dịch). Nguyên văn bài thơ đó như sau:

 

    讀小青記

    西湖花苑盡成墟

    獨吊窗前一紙書

    脂粉有神憐死後

    文章無命累焚餘

    古今恨事天難問

    風韻奇冤我自居

    不知三百餘年後

    天下何人泣素如

 

        Phiên âm

       Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư

        Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

        Chi phấn hữu thần liên tử hậu

        Văn chương vô mệnh lụy phần dư

        Cổ kim hận sự thiên nan vấn

        Phong vận kỳ oan ngã tự cư

        Bất tri tam bách dư niên hậu

        Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

 

        Cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du do các cụ Lê Thước, Trương Chính chủ trì biên soạn với sự tham gia của nhiều người (NXB Văn học, 1965) có 249 bài. Đây là lần đầu tiên thơ chữ Hán của Nguyễn Du được công bố nhiều nhất, được tìm hiểu xuất xứ và chú giải kỹ nhất. Bài Độc Tiểu Thanh ký được các soạn giả phát hiện: “bài này không phải làm khi nhà thơ đi qua mộ Tiểu Thanh, mà khi còn ở nhà” (trích “Lời giới thiệu” của Trương Chính). Bài thơ không xếp vào phần thơ đi sứ mà giữ trong tập Thanh Hiên Thi Tập , ở phần “Làm quan ở Bắc Hà 1802-1804”. Bản dịch sau đây (cả dịch nghĩa và dịch thơ) là của Vũ Tam Tập, rút từ cuốn sách ấy.

 

Đọc truyện nàng Tiểu Thanh

 

Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang

Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ mà thôi

Son phấn có thần chắc phải xót chuyện xảy ra sau khi chết

Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên lụy, đốt đi còn sót lại một bài

Mối hận cổ kim, thật mà khó hỏi ông trời

Ta tự coi người cùng một hội, một thuyền với nàng là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng

Chẳng biết ba trăm năm sau nữa

Thiên hạ có ai khóc Tố Như ta?

 

Dịch thơ

 

Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

       Ngoài bản dịch thơ của Vũ Tam Tập, còn có các bản dịch thơ của Quách Tấn, Thân Bá Trường Sơn.

       Muốn hiểu một phần tâm sự của Đại thi hào qua bài thơ trên, trước hết phải hiểu về cuộc đời và cái chết oan ức của nàng Tiểu Thanh.

       Truyền thuyết kể rằng Tiểu Thanh (1594 – 1612), họ Phùng, tên Văn Cơ, người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Có truyền thuyết nói nàng người Dương Châu, con nhà gia thế, tên chữ là Phùng Huyền Huyền). Mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, được một bà sư nuôi và cho ăn học. Năm 16 tuổi, nàng lấy một người họ Phùng, và để tránh đồng tính, nên gọi là Tiểu Thanh. Vì vợ cả ghen, nàng phải lánh ra ở nhà riêng của Phùng sinh trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ rồi buồn bực mà chết lúc mới 18 tuổi, đời Vạn Lịch nhà Minh, nay còn mộ ở Cô Sơn. Trước khi chết Tiểu Thanh cho vẽ một bức chân dung truyền thần nàng. Về bức vẽ đầu tiên, nàng nói: Hình tôi thì giống, nhưng chưa lột hết thần của tôi. Với bức thứ hai: Thần thì được rồi, nhưng bóng dáng chưa được linh động. Đến bức vẽ thứ ba, đủ lộng lẫy, nàng nói: Được rồi đấy. Rồi nàng để bức tranh ở trước giường, đốt hương thơm, khấn:  Tiểu Thanh! Tiểu Thanh! Chốn này có phải là duyên phận của mày đâu. Nói xong, nước mắt chan hoà, nấc lên một tiếng rồi chết (Theo Mai Quốc Liên, “Nguyễn Du toàn tập”).

      Tiểu Thanh đã tự mình đốt các bài thơ của mình, chỉ để lại 12 bài gọi là tập Phần dư. Theo Nguyễn Quảng Tuân, sách Nữ liêu trai chí dị có chép rằng: “Người vợ cả biết chuyện giận lắm. Người vợ cả đòi lấy tập thơ. Thơ đưa ra cũng bị đốt hết. Người ta lục bản thảo, không còn chi nữaMay khi nàng sắp mất có mấy chiếc xuyến hoa, tặng cho con gái nhỏ của nàng, bọc vào hai tờ giấy. Chính ở những tờ giấy ấy, người ta thấy thi cảo của nàng gồm 12 bài”. Người ta cho khắc in số thơ đó, đặt là Phần dư tập. Đọc chuyện kể về nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã hết sức thương xót, đồng cảm với số phận của người con gái tài tình mà bạc mệnh, viết ra bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký”.

 

       Nói đến Đại thi hào Nguyễn Du, trước hết cũng là nhớ đến Truyện Kiều, kiệt tác của Người. Truyện Kiều vốn tên là “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu đứt ruột mới), một tiếng khóc xé lòng đầy cảm thông của Nguyễn Du cho những người phụ nữ có tài có sắc nhưng đường đời truân chuyên bất hạnh: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Trong Truyện Kiều, cảnh đầu tiên gây ấn tượng nhất là cuộc “gặp gỡ” kỳ lạ giữa Thúy Kiều với cô kỵ nữ Đạm Tiên – một người con gái tài sắc bạc mệnh. Sau một ngày cùng hai em nô nức chơi xuân, đến lúc Tà tà bóng ngả về tây/ Chị em thơ thẩn dan tay ra về bắt gặp cảnh Sè sè nắm đất bên đường/ Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Hỏi ra biết đó là mộ nàng Đạm Tiên: Vương Quan mới dẫn gần xa/ Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi/ Nổi danh tài sắc một thì/ Xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh/ Phận hồng nhan có mong manh/ Nửa chừng xuân, thoắt, gẫy cành thiên hương/ Có người khách ở viễn phương/ Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi/ Thuyền tình vừa ghé tới nơi/ thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!/ Buồng không lặng ngắt như tờ/ Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh/ Khóc than khôn xiết sự tình/ Khéo vô duyên bấy là mình với ta!/ Đã không duyên trước chăng mà/ Thì chi chút ước gọi là duyên sau/ Sắm sanh nếp tử xe châu/ Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa/ Trải bao cỏ lặn ác tà/ Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm. Thúy Kiều động lòng trắc ẩn: Lòng đâu sẵn mối thương tâm/ Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa/ Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung/ Phũ phàng chi bấy hóa công/ Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha/ Sống làm vợ khắp người ta/ Khéo thay! thác xuống làm ma không chồng!/  Nào người phượng chạ loan chung/ Nào người tiếc lục tham hồng là ai?/ Đã không kẻ đoái người hoài/ Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương. Từ cuộc đời bạc mệnh của người kỹ nữ kiếp trước vận vào cuộc đời sau này của mình, rồi liên tưởng tới nỗi đau muôn thuở của “một nửa nhân loại”: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung, mới thấy tâm hồn Thúy Kiều nhạy cảm đến chừng nào! Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân từng nhận xét về Nguyễn Du: Nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy. Trong bài Tựa Truyện Kiều, ông nhận xét: Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một; người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy. “Từ một Đạm Tiên, Kiều khái quát đến phận đàn bà. Nguyễn Du lại không chỉ mở rộng đến đây mà ý thơ mở ra đến thắt lòng: Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chungLời chung, trong đó có thi hào Nguyễn Du? Trong đó có bao nhiêu số phận tài hoa mà bạc mệnh? Nhớ khi Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh và nhà thơ tự hỏi: Bây giờ ta khóc cho nàng, còn ta? Hơn ba trăm năm sau liệu ai khóc Tố Như? Thúy Kiều thật trong lịch sử mất đi, Thanh Tâm Tài Nhân đã khóc cho Thúy Kiều. Hai trăm năm sau tiếng khóc của Thanh Tâm Tài Nhân lại là của Nguyễn Du! Cái vòng hệ lụy ấy, cái sự liên tình ấy vì đời quá bạc nên còn mãi” (Hồn ma Đạm Tiên trong Truyện Kiều, Hà Linh). Đêm về Thúy Kiều mộng gặp Đạm Tiên, lại còn “Hẹn nơi gặp gỡ là sông Tiền Đường”!

      Ôi! Cái sợi dây liên tài, liên phận của người xưa sao buộc những thân phận “tài mệnh tương đố” chặt thế!

       Viết về Đại thi hào Nguyễn Du (1766 -1820), về Truyện Kiều, đã có hàng nhìn tác phẩm. Không phải đợi đến “ba trăm năm lẻ”, không phải đợi đến khi Người được Unesco công nhận “Danh nhân văn hóa thế giới” (1965) mà ngay từ khi Truyện Kiều xuất hiện, đã có không biết bao nhiêu thơ Vịnh Kiều, bao nhiêu bài viết ca ngợi Người. Trước hết là thiên tuyệt bút của Tiên Phong Mộng Liên Đường đề tựa Truyện Kiều dẫn ở trên. Ở cuốn “Đoạn trường tân thanh” (tên chính thức Truyện Kiều do Nguyễn Du đặt), năm Thành Thái Nhâm Dần (1902) ở đầu sách Kiều Oánh Mậu, bản in có bài Đề từ kèm theo tên của Phạm Quý Thích: Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường/ Bán thế yên hoa trái vị thường/ Ngọc diện khởi ưng mai Thủy quốc/ Băng tâm tự khả đối Kim lang/ Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu/ Bạc mệnh cầm chung oán hận trường/ Nhất phiếm tài tình thiên cổ lụy/ Tân thanh đáo để vị thùy thương? (Dịch Nghĩa: Người đẹp phải đâu đến Tiền Đường/ Món nợ nửa kiếp gái lầu xanh chưa được trả/ Mặt ngọc nỡ sao vùi nơi đáy nước/ Lòng băng tuyết tự thấy xứng đáng với chàng Kim/ Nỗi đau đứt ruột trong mộng, căn duyên nay đã hết/ Khúc đàn bạc mệnh chấm dứt, oán hận nay còn dài lâu/ Một mảnh tài tình tự ngàn xưa mang lụy cho người/ Cuối cùng, tiếng mới dành cho nỗi đau thương?). Cuối bài ghi “Hoa Đường Lập Trai” Phạm Quý Thích đề: Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan/ Phong hoa bao trắng nợ hồng nhan/ Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng/ Gót ngọc không tiêu chốn thùy quan/ Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp/ Một dây bạc mệnh dứt cầm loan/ Cho hay những kẻ tài tình lắm/ Trời bắt làm gương để thế gian. Rồi những chùm thơ của các bậc danh nho: Chu Mạnh Trinh, Trần Bích San, Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến…

      Đến gần cuối thế kỷ hai mươi, một bài thơ viết về Người xuất hiện đã gây một tiếng vang lớn, góp phần không nhỏ thức tỉnh những người có trách nhiệm xây dựng lại khu di tích Nguyễn Du và khu lăng mộ Người từ trước đó không khác gì ngôi mộ nàng Đạm Tiên thuở xưa. Ấy là bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” của thi sĩ Vương Trọng: Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây!/ Ngửng trời cao, cúi đất dày/ Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình/ Một vùng cồn bãi trống trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề// Hút tầm chẳng cánh hoa lê/ Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non/ Xạc xào lá cỏ héo hon/ Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi/ Lặng yên bên nấm mộ rồi/ Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm// Không cành để gọi tiếng chim/ Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời/  Không vầng cỏ ấm tay người/ Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu/ Thanh minh trong những câu Kiều/ Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân// Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân/ Phong trần còn để phong trần riêng ai/ Bao giờ cây súng rời vai/ Nung vôi, chở đá tượng đài xây nên//  Trái tim lớn giữa thiên nhiên/ Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa…. 

      Từ những truyền thuyết, huyền thoại, các những nhân vật trong đời thực đã bước vào thi ca. Rồi cũng các nhân vật ấy cùng hậu thế, từ thi ca bước vào cuộc sống và tiếp nối trở lại về thi ca theo những vòng tròn vô tận tuần hoàn. Ấy là nhờ tấm lòng tri ngộ của các nghệ sĩ, những người luôn tâm niệm chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài đã viết nên những bài thơ giữ gìn và tôn vinh cái đẹp cho muôn đời.

     Thanh Minh, 2020

Lê Quốc Hán

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

[1] . Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Bùi Kỉ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh dịch), Nxb Văn hoá, H, 1959, tr. 69.

[2] . Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam (Quang Huy, Võ Văn Trực, Nguyễn Bùi Vợi tuyển chọn), NXB Văn hóa Thông tin, 1994.

[3] . Truyện Kiều. (Nguyễn Thạch Giang chú giải và giới thiệu), NXB Giáo dục, 4.1996.

[4] . Trương Chính: Lời giới thiệu, sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, H,1965, tr.14.

[5] . Nguyễn Đình Chú: - Lại bàn về hoàn cảnh sáng tác “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, Văn nghệ, số 23 ngày 4/6/1994.

[6] . Nguyễn Khắc Phi: Tiểu Thanh truyện (giới thiệu và dịch), Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5/1997.

[7] .  Trần Đình Sử: “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, sách Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb. Giáo dục, H, 1995.

[8] . Nguyễn Quảng Tuân: Cần phải tìm hiểu chính xác hơn bài “Độc Tiểu Thanh kí”của Nguyễn Du, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1994.

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...