25-07-2024 - 07:14

Bài thơ: “Cúc ơi!”dựng tượng đài trong lòng người đọc

Nhân dịp Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, chúng tôi có cuộc gặp gỡ Yến Thanh (Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh), tác giả của bài thơ: “Cúc ơi” là một trong những tác phẩm “đi cùng năm tháng”, nhất là sau khi được 5 nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ. Bản nhạc đã chắp cánh cho bài thơ bay bổng và đến với độc giả.

Ngày 23/12/2023, bài thơ: “Cúc ơi” đã được khắc trên đá hoa cương, đặt trong Khu mộ 10 liệt nữ ở Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng có thể nói, từ khi ra đời, bài thơ đã dựng tượng đài trong lòng người đọc.

Văn Lê: Chào nhà thơ Yến Thanh. Rất vui được gặp nhà thơ tại Tiên Điền, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du. Nhiều độc giả trong và ngoài tỉnh đã biết bài thơ “Cúc ơi”, nhất là sau khi được các nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng tác giả thì chưa hẳn ai cũng biết. Vì vậy, xin nhà thơ có đôi lời về mình với độc giả!

Yến Thanh: Vâng, cảm ơn nhà thơ Văn Lê đã dành cho tôi vinh hạnh được trò chuyện, được giới thiệu mình với độc giả. Tôi tên thật là Nguyễn Thanh Bính, kỹ sư cầu đường biệt phái sang phụ trách kỹ thuật TNXP trong thời kỳ CMCN tại Ngã ba Đồng Lộc. Tôi lấy bút danh Yến Thanh để lưu ký lại một mối tình với một cô TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc (1968 - 1971). Cô tên là Ái Liên (nói lái là Yến Lai).

Sau khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom Đồng Lộc, tôi đi học khoa Kinh tế Xây dựng - Trường Đại học Giao thông sắt bộ Hà Nội. Sau giải phóng 1975, tôi vào Sài Gòn làm đường sắt Thống Nhất rồi ra Bắc làm ở một Công ty Cầu đường, năm 1997 tôi vào làm việc ở Ban quản lý dự án cầu Mỹ Thuận (TPHCM), năm 2003 tôi ra Bắc rồi nghỉ hưu. Hiện tôi sống ở TP Vinh nhưng vẫn sinh hoạt ở Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.

Văn Lê: Nhiều người nói rằng: Bài thơ “Cúc ơi” là bài thơ gọi hồn đồng đội, có đúng không thưa Nhà thơ? Xin Nhà thơ nói rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của bài thơ?

Yến Thanh: Tiểu đội TNXP (A4-C552-N55-P18) do Võ Thị Tần - A trưởng; Hồ Thị Cúc - A phó là một tập thể thuộc Đội TNXP - N55 - P18 nơi tôi làm cán bộ kỹ thuật. Đội chúng tôi gồm 1.300 cán bộ đội viên, hàng đêm gặp nhau ở hiện trường (trong đó có Ngã ba Đồng Lộc). Tiểu đội 4 gồm 17 cô thuộc lính hai nhiệm kỳ khác nhau (1965 và 1967).

Ban đêm ra Đồng Lộc, ban ngày tôi vừa nghiên cứu chuyên môn đề ra phương án tác chiến cho các đơn vị, còn thời gian tôi sáng tác các câu hò (cả đối lẫn đáp), rồi gửi xuống đơn vị để cho chiến sỹ học thuộc, tối đến ra hiện trường hò đối đáp lẫn nhau cho đỡ sợ đạn bom, máy bay. Lúc 10 cô còn sống, chúng tôi gắn bó với nhau, tôi vẽ gối, vẽ khăn cho các cô thêu, khắc bút cho các cô. Vì thế khi các cô hy sinh, tôi có mặt ở hiện trường, cớ sao tôi không đau xót. Chiều 24/7/1968, trong khi cả Tiểu đội đang thi công ở hiện trường (tại Đồng Lộc) thì bất ngờ một trong ba chiếc máy bay phản lực F105 cắt bom trúng nơi 10 cô ẩn nấp (7 người không có mặt tại đó, vì làm việc khác). Thi thể 10 cô bị vùi dưới đất. Sau 2 tiếng đồng hồ (khoảng 18 giờ cùng ngày), đơn vị đào được  thi hài 9 cô, đặt trên 9 cáng xếp thành một hàng ngang như khi còn sống Tiểu đội tập hợp. Riêng Hồ Thị Cúc, khoảng 10 h ngày 26/7/1968 đồng đội C552 tìm thấy thi thể Cúc trong tư thế ngồi trong chiếc hầm tròn cạnh hầm chữ T mà 9 cô gái khác ẩn nấp. Chiếc nón Cúc đội trên đầu bẹp dí, vai ôm cái cuốc, 10 ngón tay đầy máu khô. Thi thể Cúc đã bốc mùi và phình to, phải dùng “phép thuật” mới nhỏ lại bỏ vào hòm cấp táng.

Tuy nhiên bài thơ “Cúc ơi” tôi viết vào ngày 25/7/1968 tức ngày thứ 2 Cúc và đồng đội hy sinh. Riêng Cúc vẫn chưa tìm thấy. Vì thế, tại nhà Ban chỉ huy C552 (tại xóm Mai Long, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đêm 24/7 có 10 cái hòm chở về thì 9 cái đã có chủ, riêng hòm Hồ Thị Cúc còn chờ người. Chiều 25/7/1968 (tức chiều ngày thứ 2 Cúc hy sinh), tôi đến BCH Đại đội 552 thì chiếc hòm của Cúc đã được ai đó chuyển ra để sau vườn nhà BCH (có lẽ gia đình kiêng), lúc đó cảm xúc thương xót trào dâng. Tôi nghĩ, đời này sao lại có một cô Cúc bất hạnh cả khi sống và khi đã chết. Lên 1 tuổi, cha Cúc và bà nội chết đói năm 1945, lên 3 tuổi (1947) bà Trinh mẹ Cúc đi bước nữa, 8 tuổi Cúc đi ở chăn trâu cắt cỏ cho nhà chú mự và 1 lần nữa mự sẩy tay đổ cả nồi cám lợn đang sôi lên lưng Cúc. O Loan chữa bỏng và nuôi Cúc 2 năm trời mới lành nhưng để lại một vết sẹo từ vai xuống mông làm da Cúc nhăn nhúm (theo người nhà Cúc kể). Nghĩ thế và tôi vừa khóc vừa viết bài thơ “Cúc ơi” cạnh hòm của Cúc. Sáng hôm sau (26/7), tôi và anh Nguyễn Hải Đường Bí thư chi bộ C552 ra ngay hố bom thắp hương khấn bằng bài thơ “Cúc ơi”. Quả nhiên trưa hôm đó, đồng đội đã tìm thấy thi thể Hồ Thị Cúc (như đã nói trên).

Nhà thơ Yến Thanh bên Bia đá khắc bài thơ "Cúc ơi!"

Văn Lê: Bài thơ “Cúc ơi” là một trong những tác phẩm gây xúc động và có vị trí trong lòng bạn đọc, nhất là sau khi bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Có những nhạc sĩ nào phổ nhạc bài thơ này? Trong số những bản nhạc phổ thơ thi sĩ thích tác phẩm nào nhất?

Yến Thanh: Sau khi bài thơ Cúc ơi ra đời, có 5 nhạc sĩ (NS) đã phổ nhạc bài thơ này. Cả 5 NS tôi không hề thân quen và bản thân tôi cũng không gửi tác phẩm cho họ. Có lẽ họ đã đọc được bài thơ của tôi ở đâu đó và tìm thấy một sự đồng điệu nào chăng. 5 NS đã phổ nhạc bài “Cúc ơi” là NS Bùi Hăng Ry, Võ Công Diên, Phạm Thắng, Vũ Phúc Ân, Nguyễn Trung Nguyên. Trong 5 NS phổ nhạc bài thơ “Cúc ơi”, tôi đã gặp 4 người. Cuộc gặp gỡ của tôi với NS Bùi Hăng Ry rất bất ngờ. Đêm 22/7/2008, tại Đồng Lộc, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội Nhạc sĩ TP HCM, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP HCM làm lễ tổng kết, trao giải thưởng cho cuộc thi sáng tác ca khúc về 10 anh hùng, liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc, tôi gặp Bùi Hăng Ry. NS đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) ca khúc viết về Ngã ba Đồng Lộc. Ca sĩ Đông Xuân đã thể hiện rất thành công tác phẩm này. Tôi gặp NS Võ Công Diên, Vũ Phúc Ân tại Thành phố Hồ Chí Minh trong đêm công diễn những tác phẩm viết về Ngã ba Đồng Lộc trong đó tôi là khách mời đặc biệt, có tác phẩm viết được 5 NS phổ nhạc. NS Phạm Thắng tôi gặp ở Thạch Hà. Còn cho đến nay tôi chưa được gặp  NS Nguyễn Trung Nguyên.

Mỗi nhạc sĩ khai thác bài thơ ở một góc độ khác nhau và thể hiện giai điệu khác nhau. Có người giữ nguyên tên tác phẩm “Cúc ơi”, nhưng cũng có người  đã thay tên: “Em ở nơi mô?”. Nói chung là 5 bản nhạc 5 phong cách, 5 giai điệu khác nhau. Nhưng tôi thích nhất là bản nhạc của Bùi Hăng Ry. Còn ca sĩ thể hiện tôi lại thích ca sĩ Thu Hiền thể hiện bài “Em ở nơi mô” của Võ Công Diên.

Ngoài ra, nhạc sĩ An Thuyên còn phổ bài “Quê thơ”, nhạc sĩ Mạnh Chiến phổ bài “Quê thơ”“Lục bát Tiên Điền” của tôi. Gần đây nhạc sĩ Trịnh Ngọc Châu đã phổ nhạc bài thơ “Nén hương đồng đội” của tôi.

Các nhạc sĩ đã chắp cánh cho thơ tôi bay lên làm nên một hợp xướng cộng hưởng giữa âm thanh và ngôn từ trác tuyệt. Tôi xin tỏ lòng cảm ơn tất cả các nhạc sĩ.

Văn Lê: Được biết, bài thơ “Cúc ơi” đã được khắc trên đá đặt trong Khu mộ 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc. Cùng với bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng, “Cúc ơi” nhận được vinh dự này! Dẫu biết “Cúc ơi” đã được dựng tượng đài trong lòng bạn đọc, nhưng được khắc đá đặt tại nơi linh thiêng này là điều kiện để lan tỏa bài thơ đến độc giả, nhà thơ Yến Thanh đã đón nhận thông tin này ra sao?

Yến Thanh: Tôi vô cùng xúc động. Rưng rưng xúc động. Không có từ nào để diễn tả hết tâm trạng của tôi. Thương nhớ đồng đội không để đâu cho hết! Đã từng “chia lửa”, “vào sinh ra tử” cùng đồng đội, bài thơ “Cúc ơi!” thay cho lời gọi hồn. Tôi không làm thơ mà đó là tiếng khóc, lời gào thét của tôi, từ gan ruột với đồng đội. Nước mắt thương xót thấu đá, thấu tâm can. Ngã Ba Đồng Lộc nơi đi về thường xuyên của tôi. Không có sự kiện nào ở đó mà tôi không có mặt.

Tôi còn nhớ 8h sáng ngày 23/12/2023, lễ khánh thành Bia đá khắc bài thơ “Cúc ơi” được tiến hành trong khu mộ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc trước sự chứng kiến của đại diện Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, lãnh đạo, CBCNV Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Ban Giám hiệu trường Văn hóa, Nghệ thuật Hà Tĩnh, đại diện Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, tác giả và bạn bè vv…

Văn Lê: Nhà thơ đã từng có một thời lăn lộn sống chết với Đồng Lộc. Ngoài “Cúc ơi”, nhà thơ còn có những sáng tác nào nữa?

Yến Thanh: Xin nói thêm, thời gian phụ trách kỹ thuật Đội TNXP N55-P18, tôi là cây sáng tác “đa hệ” để có tiết mục cho Đội văn nghệ của đơn vị. Tôi viết cả thơ, hoạt cảnh, kịch nói, vũ đạo múa, hò, vè, tấu hài,… góp phần cho phong trào tiếng hát át tiếng bom của đơn vị ở Đồng Lộc lên cao trào thuở đó.

Tiếc rằng cái vũ khí "phi vật thể" ấy hiện chưa có văn nghệ sĩ nào để ý tới. Làm thơ về TNXP và ngã ba Đồng Lộc từ năm 1965 đến nay (2024), tôi đã viết khoảng 300 bài, trong đó có 3 bài thành công, đó là “Cúc ơi”, “Nén hương đồng đội” (Tuyển thơ thế kỷ XX của Hà Tĩnh) và bài “Ngã ba tên em” (Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã ngâm 1968).

Ngoài đề tài TNXP và Đồng Lộc, tôi còn là một tác giả chuyên viết về Nghi Xuân, Uy Viễn và Tiên Điền. Tôi đã thành công bài “Lục bát Tiên Điền” (1993) (Tuyển thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XX do Nhà xuất bản giáo dục tuyển chọn năm 2002) và bài “Cái dằm” (Tuyển tập thơ tình do Báo Văn nghệ Hội nhà Văn xuất bản 2009)

Văn Lê:  Những dự định sáng tác của nhà thơ trong thời gian sắp tới?

Yến Thanh:  Cách đây 10 năm, tôi đã cùng các nhà báo hoàn thành cuốn sách Tư liệu lịch sử quý hiếm về Ngã ba Đồng Lộc: “Khúc anh hùng ca Ngã ba Đồng Lộc”, dày 256 trang do Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 2013. Nay tôi vẫn tiếp tục viết, viết cho đến khi tim không còn đập nữa và những bí ẩn về Đồng Lộc sẽ tiếp tục ra đời nếu ngày nào tôi còn sống.

Văn Lê: Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này. Xin chúc nhà thơ Yến Thanh sức khỏe, có nhiều những tác phẩm được bạn đọc yêu mến như “Cúc ơi”

  Văn Lê (thực hiện)

. . . . .
Loading the player...