22-08-2024 - 06:45

Bản thổ quê mình

Tạp chí Hồng Lĩnh số 216 tháng 8/2024 trân trọng giới thiệu tùy bút “Bản thổ quê mình” của tác giả Nguyễn Ngọc Vượng

Tôi sinh ra ở thị xã Hà Tĩnh còn có tên thân mật là Thành Sen, một thị xã nhỏ bé khiêm tốn nép mình dưới những bóng cây ngô đồng quanh năm rợp mát. Ở nơi ấy, tôi được bầu vú sông Cụt và những buổi chợ phiên nửa tỉnh, nửa quê... nuôi nấng nên người.

Những hàng cây ngô đồng ấy vợi vời theo năm tháng cũng đã già nua, nhưng lúc nào cũng thanh thản đón nhận cơn gió lành nào đó viếng thăm để kết thúc chu kỳ sinh diệt sau khi đã làm trọn bổn phận của mình, nhường chỗ cho những thế hệ cây mới trẻ trung hơn, phù hợp với môi trường đô thị thời đại mới hơn như các loài: Sò đo cam, bằng lăng, bàng Đài Loan..; mái lều, đình chợ Tỉnh cũng theo đó mà có thể vào một ngày không xa sẽ xếp lại cuộc hành trình thế kỉ, rồi nhẹ nhàng như không mà bước lên cây thánh giá nhận lấy bi kịch "đóng đinh câu - rút", để chuộc lại nỗi đau cho những "tín đồ" trung thành nhất trước sự xâm lấn của các siêu thị, cửa hiệu, tiệm hàng và các dịch vụ thương mại online...

Tôi từng chứng kiến những kết cục đầy xa xót như thế trên đất thiêng Thành Sen này, khi người ta giáng bao nhát búa chết chóc rền xuống những "thánh đường" tưởng như bất khả xâm phạm như: Nhà hát nhân dân, Cống cửa Hậu, Đền thờ Đức Mẹ; hay những xe đất đá như thần chết rống lên đổ sập xuống, lấp lấy những khúc sông, những ao hồ lớn... giữa long mạch quê tôi!

Và tôi cũng thấu được thế nào về nỗi day dứt của các bậc cha, ông mình trước những sai lầm tai hại từng đi qua đã khai tử những "thánh địa" trong lòng người Thành Sen như: Thành cổ Hà Tĩnh, Thành phủ Hà Thanh, Chùa Cổ Lam, Chùa Phật Học... một cách không thương tiếc.

Biết rằng, núi Nài, sông Cụt sẽ còn ở lại mà chứng kiến, nghi nhận bao cuộc đổi thay của Thành Sen giữa vòng dịch dời thiên lý. Bởi ngọn núi này, dòng sông này đã được thần linh trát lên tờ tấu sớ, cúng dường cho bản mệnh quê tôi từ xa xưa, mà dấu ấn lịch sử được điền tên cúng cơm từ ngày thành lập tỉnh lị Hà Tĩnh vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831). Đặc biệt là kể từ ngày Toàn quyền Đông Dương ra Quyết định chuẩn y Chỉ dụ của Vua Khải Định thành lập Trung tâm Đô thị Hà Tĩnh vào ngày 30/7/1924, thêm một lần nữa khẳng định vị thế của Thành Sen theo suốt dọc dài cuộc hành trình dân tộc.

Lễ hội Văn Miếu thành phố Hà Tĩnh năm 2024. Ảnh: PV

Từ bao đời nay, người Thành Sen đã ký thác cuộc đời họ vào núi Nài, sông Cụt... Để núi, sông che chở cho họ vẹn toàn, và cho quê hương này ngày càng hưng vượng. Họ có một đức tin lớn rằng, những lời nguyện cầu ấy không bao giờ bị thần linh phụ bạc. Đúng vậy! Dù một viên gạch cổ lăn lóc giữa đất trời hưng phế, dù một tăm nước sông hồ, một cành cây ngô đồng... bị vùi lấp dưới mưa nắng phù vân, thì linh hồn của nó vẫn phảng phất đâu đó giữa Thành Sen. Đó cũng là chất keo nguyên thủy, kết nối long mạch với các thế hệ người quê tôi bằng mối quan hệ tâm linh đầy quyền năng để kiểm soát mọi hành vi của hậu thế, và để sai khiến hậu thế biết cách ứng xử thế nào cho xứng với tiền nhân.

Cũng từ những nỗi ray rứt ấy, người Thành Sen hết đời này qua đời khác cứ âm thầm xây dựng quê hương mình ngày một to đẹp hơn. Một điều đáng mừng là càng ngày chính quyền và người dân càng ý thức được việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị mà tiền nhân đã gây dựng. Điển hình gần đây, thành phố đã phục dựng lại Đền Văn Miếu tại phường Thạch Linh, tôn tạo lại công viên Lý Tự Trọng cùng Đài liệt sĩ ở phường Nam Hà, và đang lập dự án xây dựng Khu di tích Lịch sử - văn hóa Núi Nài, gắn với các hoạt động tín ngưỡng và du lịch tại phường Đại Nài...    

Nhắc lại chợ Tỉnh, một trong những cái nôi của các hoạt động kinh tế - xã hội, giao thương buôn bán tập trung tại tỉnh lị Hà Tĩnh. Chợ Tỉnh được thành lập từ năm 1915. Hơn một thế kỉ qua chợ luôn là bức tranh sinh động nhất, phản ánh đầy đủ nhất về đời sống vật chất, tinh thần theo tiến trình lịch sử của Thành Sen. Với tầm ảnh hưởng lớn, phần nào chợ Tỉnh đã khắc họa lên chân dung con người quê tôi với tính cách hào phóng, mộc mạc, chân thành!..

Nữ nhà văn Nguyệt Tú - con gái cố danh họa Nguyễn Phan Chánh, nay đã gần 100 tuổi, sống tại Hà Nội từng viết một đoạn hồi ức về chợ Tỉnh vào những năm của thập niên 30, thế kỉ trước. Đó là thời nhà bà nội của bà tọa lạc trên dãy phố Hoàn Thị. Dãy phố này nhìn ra chợ Tỉnh còn được gọi là "chợ cộ", (nay là Công viên Lý Tự Trọng), cạnh đó là bến xe cũ có các tuyến xe đi Vinh, Huế và Tà khẹc, Na Pe (Lào)... có âu thuyền thông xuống Cửa Sót, thuận lợi cho giao thương đường thủy.

Trong hồi ức của bà có đoạn:

- "Vào một ngày trời nắng nóng, tôi thấy người ở quê đem đồ đạc của gia đình mình ra chợ Tỉnh bán. Những chiếc đĩa có hình con phượng, cây trúc, những đồ đồng, lư hương... của gia bảo lâu đời để lại. Bán được đồ họ mua bạc nộp thuế thân. Các bà, các chị mặc váy đụp, váy nhiều mảnh đen, mảnh nâu dày như mo nang, gánh đồ ra chợ. Mỗi phiên chợ Tỉnh người ở các vùng  quê lên rất đông. Sau khi mua bán họ đến trước cửa thềm nhà bà tôi ngồi nhờ để ăn cơm. Hầu như tất cả đều có xuất cơm giống nhau: mo cơm nắm gạo đỏ trộn khoai, túm mắm tôm đựng trong lá chuối, dăm quả cà muối quả trắng, quả đen...

Người đi chợ đem bán chó, mèo, lợn, gà... Thậm chí có người dắt cả con đi bán làm con nuôi cho người ở phố. Trong cảnh ồn ào nháo nhác, có một chị dắt đứa con chừng 5 tuổi dừng lại trước cửa nhà bà nội. Sắc mặt chị xanh xao, những đường gân xanh nổi trên gương mặt, trên đôi bàn tay gầy gò. Đứa bé mái tóc cháy nắng, đôi mắt ngơ ngác cam chịu túm chặt tay mẹ.

Đứng rụt rè trước cửa một lúc, chị đánh liều hỏi bà tôi qua tấm rèm:

- Có mua con nhỏ ni? Con chỉ xin cố hai đồng rưỡi, đủ tiền nộp sưu cho bọn hắn. Con cho cháu ở với cố với cụ năm năm. Khi mô có đủ tiền con lại chuộc cháu về.

Trưa nắng gắt, bà nội bảo hai mẹ con vào ngồi trước thềm tránh nắng. Bà sai tôi lấy cho họ bát nước chè xanh. Uống nước xong, thấy bà tôi không có ý định mua đứa bé, hai mẹ con đành dẫn nhau đi.

Tôi nhìn theo ái ngại không biết đứa bé sẽ vào cửa nhà ai?"

Có lẽ đó không phải là cảnh tượng duy nhất, mà rất nhiều hình ảnh khác từ chợ Tỉnh đã ám ảnh lấy bà, vây bủa lấy bà. Nên mỗi khi nhắc đến chợ Tỉnh là bà như được tiếp thêm năng lượng kể lại bao câu chuyện buồn vui không biết mệt.

Thời kỳ chống Mỹ, tôi theo gia đình sơ tán về vùng quê nông thôn xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà. Thị xã hồi đó thật trống lạnh, hoang tàn bởi bom đạn chiến tranh. Mỗi khi được bố, mẹ cho về Thị xã ra chợ Tỉnh mua kem, uống nước xi-rô, hay xuống Nhà hát nhân dân xem hát kịch, ăn kẹo kéo... là lòng rạo rực, nên tôi cùng đám bạn bè chạy ùa theo niềm phấn khích bất tận như cá ùa về nước. Sau này nhiều lúc đi xa, ai hỏi tôi về đâu tôi luôn tự tin trả lời rằng về Thành Sen.

Nhà thơ Quang Thắng, tác giả lời bài hát nổi tiếng "Điệu ví giặm là em" cũng là một người dân Thành Sen hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh tâm sự: "Hội đồng hương TP. Hà Tĩnh ở trong này rất đông, nhưng bọn anh vẫn thường gọi là Hội đồng hương Thành Sen, thường í ới gặp mặt giao lưu, thăm hỏi giúp đỡ nhau. Dù ở xa nhưng cộng đồng bà con dân ta trong này luôn đồng hành và dõi theo những đổi thay hàng ngày ở quê nhà, luôn hướng về đó bằng bao nỗi nhớ mong rứt ruột!”.

Bây giờ thì thành phố đang thật sự chuyển mình. Nhiều tòa nhà cao tầng, nhiều con đường lớn, nhiều công trình phúc lợi công cộng... được mọc lên với dáng vẻ hiện đại. Song song với đó là đời sống vật chất tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên. Giữa không khí vui tươi ngày mới, người dân Thành Sen càng hồ hởi được góp sức mình xây dựng quê hương; cùng với đó là ra sức gìn giữ những di sản đã trở thành hồn cốt Thành Sen, đồng thời phát huy những giá trị truyền thống của các thế hệ đi trước, tạo nên một khối sức mạnh bền vững.

Đúng vậy, tôi và bao công dân Thành Sen khác có quyền được hưởng lợi từ những thành quả mà thành phố hôm nay đã đạt được. Nhưng tôi và họ cũng có quyền luyến tiếc những buổi xem phim ngoài trời đêm mùa hè ở Nhà hát nhân dân, những buổi chợ phiên đông nghịt người cận ngày áp Tết, những hàng cây ngô đồng vây phủ phố xưa; hay những chiếc bánh xốp hình tròn, những cốc nước xi-rô màu đỏ trước cửa hàng giải khát... mà thêm mến, thêm thương, thêm nhớ quê mình!  

Giờ đây đã ngót hai phần ba cuộc đời gắn bó với chốn đất quê. Cho dù phải nhiều lần dịch dời nhà cửa, thay đổi tờ khai tùy thân theo tên phố, phường như: Thành Đông, Đồng Vinh, Lê Bình; Bắc Hà, Tân Giang, Nam Hà... nhưng lá số tử vi của tôi đã được an bài dưới sự bao bọc, chở che của thần thiêng bản thổ Thành Sen.

Vậy nên, tôi luôn biết nhắc mình phải sống ra sao để xứng danh với cái tên lá "bùa hộ mệnh" Thành Sen của mình. Chừng đó với tôi cũng đã là quá viên mãn lắm rồi!

Mùa hạ 2024

N.N.V  

. . . . .
Loading the player...