12-08-2019 - 04:12

BẢY NGÀY LÀM VỢ

Với dáng người nhỏ nhắn khuôn mặt bầu bầu mặc dầu đã ngoài bảy mươi tuổi bà vẫn toát lên vẻ dịu dàng, thuần khiết, đôn hậu của người phụ nữ chân quê vốn hay làm chịu thương chịu khó. Bà đứng thẳng dậy thắp nén hương cắm lên bàn thờ chồng. Khói hương phả vào mái tóc bạc trắng của bà rồi từ từ bay lên hàng ngói ố vàng trên nóc nhà.

   Thuở nhỏ với gia cảnh nghèo khó bà chỉ học hết lớp bốn trường làng rồi theo cha lên rú Hốông ( Tức núi Hồng Lĩnh) cắt gianh lấy củi về bán để đỡ đần cha mẹ. Lớn lên cô thôn nữ có dáng người nhỏ nhắn đó đem lòng yêu anh trai làng cùng cảnh ngộ. Anh Nật-Tên anh trai làng ở khác xóm. Anh là con thứ trong một gia đình có sáu người con trai. Anh hay làm, học giỏi,vóc dáng cao to khoẻ mạnh. Anh là tâm điểm của những cô gái trong làng thời đó. Hình như có sự giun giủi của trời đất hay của ông Tơ bà Nguyệt mà anh Nật lại đem lòng yêu cô Chuyên cô thôn nữ hơn mình một tuổi và chỉ cao đến vai mình.
      Hai người quấn quýt bên nhau như hình với bóng chưa được bao lâu thì anh Nật lên đường nhập ngũ. Đó là năm một ngàn chín trăm sáu ba…..
      Rồi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước lan rộng ra toàn quốc anh Nật theo đơn vị vào Nam chiến đấu. Đến năm một ngàn chín trăm sáu tám trong một lần ra an dưỡng ở miền Bắc anh được đơn vị cho nghĩ phép mười ngày về quê cưới vợ.
      Mối tình sâu đậm của người lính vừa trở về trong khói lửa chiến tranh và cô thôn nữ ngày ngày đỏ mắt chờ mong đã được đền đáp. Họ nên duyên chồng vợ sau lễ cưới đạm bạc theo đời sống mới thời đó mâm cỗ chỉ có trầu và nước chè xanh đạm bạc đãi bạn bè làng xóm. Thời mà tất cả sức người sức của đều dành cho tiền tuyến anh Nật lại vào Nam chiến đấu để lại làng quê cô vợ trẻ mới cưới và bố mẹ già đang ngày đêm dõi theo bước chân anh.


    Từ niềm hạnh phúc tột cùng sau lễ cưới, chị Chuyên lại đối diện với sự hụt hẩng khi chồng lên đường ra mặt trận. Chị một mình phải lo phụng dưỡng cha mẹ chồng đã cao tuổi vừa ngày ngày làm tròn nhiệm vụ lao động sản xuất của một xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đêm đến lại cùng đơn vị dân quân đi canh giữ biển. Người phụ nữ nhỏ nhắn đó nhiều lúc tưởng không đủ sức vượt qua nổi gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ nhắn của mình.
     Những ngày gian khó nhất  đã đến. Bom Mỹ dội xuống, dân làng người chết, người bị thương. Nhiều gia đình bị xoá khỏi cỏi đời vì bom đạn.Cuộc chiến tranh khốc liệt vẫn tiếp diễn và người phụ nữ đó đau đáu mong đợi tin chồng ngoài mặt trận.
      Và ngày định mệnh không mong đợi đó đã đến. Chị nhận được giấy báo tử báo tin anh hy sinh tại mặt trận phía Nam tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy hai. Chị gục xuống trong nỗi đau đớn tột cùng. Trước mắt chị một màn đen bao phủ. Ba mươi tuổi chị đã mất anh mất người chồng luôn luôn yêu thương chăm sóc chị lúc gần cũng như lúc đị xa. Những ngày đằng đẵng sống mà như đã chết chị gượng dậy chăm sóc bố mẹ chồng và hương khói cho anh.
      Rồi bố mẹ chồng lần lượt ra đi để lại chị một mình trong ngôi nhà tranh nơi góc vườn. Tháng năm trôi qua nhiều người hỏi:“Sao chị không đi bước nữa?” Chị thực lòng trả lời họ:“ Tôi không nỡ để anh ấy lại một mình tôi phải ở lại đây để hương khói cho anh. Cưới nhau tôi không sinh cho anh được một mụn con nào, tôi không thể để bàn thờ anh ấy nguội lạnh mà đi lấy người khác được!”.
      Khi dọn vào ngôi nhà tình nghĩa vừa mới làm xong, một nhà thơ vườn đã viết tặng chị bài thơ.Trong đó có đoạn:
Thăm chị một chiều tháng bảy
Hai gian nhà ngói mới xây
Nặng nghĩa ấm tình đồng đội
Làm nơi hương khói mỗi ngày.

Chiến tranh đi qua đời chị
Khăn tang trắng cả cuộc đời
Tuổi xuân mỏi mòn chờ đợi
Người về theo khói hương bay…….

       Người phụ nữ đó giờ đây đầu đã bạc trắng. Chồng hy sinh khi chị vừa tròn ba mươi tuổi. Với vẻn vẹn bảy ngày làm vợ, chị đã ở vậy hương khói thờ chồng đến nay vừa chẵn bốn mươi bảy năm.
     Người phụ nữ đó là bà Lê Thị Chuyên, vợ liệt sĩ Nguyễn Đình Nật ở Thôn Hai xã Bình Lộc Huyện Lộc Hà Tĩnh Hà Tĩnh.


                                                                            Tháng 7/2019
                                                                            Nguyễn Văn Th
anh
 

. . . . .
Loading the player...