03-09-2019 - 16:29

Bố tôi

Nếu ai đó hỏi tôi rằng người tôi yêu quý nhất là ai thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời “Người đó là bố của tôi”!

     Bố tôi là một người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn như bao người nông dân khác. Thế nhưng trong mắt tôi bố luôn là người vĩ đại nhất. Năm tôi lên mười, mẹ tôi ra đi sau một cơn đau tim đột ngột. Kể từ đó bố sống cảnh gà trống nuôi con lo cho hai chị em tôi từng bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành
     Kể từ ngày mẹ mất, bố gầy rộc và già đi trông thấy. Nhiều đêm tôi thấy bố đứng trước bàn thờ mẹ, bàn tay run run mân mê tấm di ảnh của mẹ, lẩm nhẩm những câu nói mà tôi nghe không rõ, những giọt nước mắt đục ngầu từ trong hố mắt bắt đầu tràn ra trên gương mặt hốc hác, khắc khổ. Rồi bố quỳ xuống trước bàn thờ mẹ, hai tay ôm chặt tấm di ảnh vào lòng và bắt đầu nấc lên từng tiếng một, ngắt quãng như có một cái gì đó nghẹn ứ nơi cổ họng. Tôi đứng nấp sau cánh tủ cứ thế nước mắt cũng trào ra, nỗi nhớ mẹ ùa về quay quắt. Suốt đêm ấy tôi thấy bố không ngủ. Ông ra ngoài sân vớ chiếc điếu cày và rít từng hơi sòng sọc. Đây là điều mà khi mẹ tôi còn sống bố chưa bao giờ làm. Từ ngày mẹ mất chiếc điếu cày trở thành người bạn tâm giao mỗi đêm của bố. Và tôi hiểu đó là lúc tâm hồn bố cô đơn, trống trải nhất. Mẹ ra đi không những là mất mát to lớn với hai chị em tôi mà còn để lại một khoảng trống vô hạn trong tâm hồn bố tôi.
     Để có thể trang trải cho cuộc sống, sau những ngày đồng áng, bố tranh thủ làm thêm nghề phụ. Nói là nghề phụ nhưng đó là ngồn thu nhập chính của gia đình tôi. Bố tôi làm thợ nề. Sau một ngày lao động vất vả, quần áo bố lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi và lem lấm vôi vữa. Bàn tay bố ngày một thô ráp hơn, chai sạn hơn, làn da cũng trở nên cháy nắng. Những ngày đông nhiều hôm hai bàn ta, bàn chân của bố ứa máu, nứt nẻ. Những hôm đó tôi thương bố vô cùng! Tôi bảo bố nghỉ làm nhưng những lúc đó bố đều gạt đi, chỉ xoa đầu tôi rồi cười, nụ cười thật hiền: “Bố không sao đâu, con gái đừng lo!”. Rồi một hôm khi bố xây nhà cho bác Hải trong xóm, tôi mới thật sự tận mắt chứng kiến sự vất vả, khó nhọc của bố. Dưới cái nắng bỏng rát khi người ta đang ngồi trong điều hòa máy lạnh thì bố tôi vắt vẻo treo mình trên cái giàn giáo chênh vênh. Cái giàn giáo được làm kê bằng bằng những thân tre nhỏ bé, cong vênh và mấy tấm ván mỏng khập khiễng. Lo cho sự an toàn của bố tôi đứng dưới mặt đất cứ thế ngẩng đầu lên mà thét lớn: “Bố ơi, bố nhớ cẩn thận bố nhé!”. Trả lời tôi là một nụ cười và cái gật đầu của bố: “Bố biết rồi, con gái yên tâm đi!”

     Bẵng đi mấy năm, sau ngày mẹ tôi mất có đôi lúc tôi thấy các cô tôi khuyên bố đi bước nữa. Những lần như thế bố thường không trả lời, chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn hai chị em tôi. Tôi biết bố đang muốn dò xét thái độ của chúng tôi. Tôi rất ghét khi có ai đó nhắc đến việc bố tôi lấy vợ vì thế mỗi lần nghe đến đó tôi  thường chạy vụt đi. Lúc tôi ra vườn ngồi dưới gốc cây mít ôm mặt khóc, có lúc tôi bỏ chạy một mạch ra rìa sông. Những lúc đó tôi nhớ mẹ vô cùng. Tôi không cho phép bất cứ người phụ nữ nào bước vào nhà thay thế vị trí của mẹ tôi. Và lúc đó không hiểu sao tôi lại ghét bố, sau những yêu thương, hi sinh của bố tôi vẫn giữ khoảng cách với ông. Tôi trở nên trơ lì hơn, ít gần gũi với bố hơn mặc cho ông hết sức quan tâm. Tôi nhớ có lần bố chạy đi tìm tôi, lúc thấy tôi ông ôm lấy tôi vào lòng an ủi nhưng tôi ra sức khóc, đấm thùm thụp vào ngực ông, tôi thét lên “con ghét bố” rồi vùng chạy để lại một mình ông đứng tần ngần bên bến sông.
      Thời gian cứ thế trôi đi, chẳng mấy chốc hai chị em tôi đều đã yên bề gia thất. Cuộc sống với bao bộn bề cuốn chúng tôi đi. Có khi dăm bữa, nửa tháng không về thăm bố. Mỗi lần về thấy bố ngày một già đi, vẫn thui thủi một mình bên mâm cơm nguội lạnh trong ngôi nhà lẻ bóng chợt thấy lòng quặn thắt một nỗi đau. Chính sự ích kỷ, nhỏ nhen của bậc làm con đã để đấng sinh thành chịu quá nhiều thua thiệt. Tôi muốn chạy thật nhanh sà vào lòng bố nói lời xin lỗi nhưng không hiểu sao chân tôi cứ thế khựng lại, nước mắt trào ra. Phải đến lúc này tôi mới thực sự hiểu hết những mất mát và hi sinh của bố. Tôi muốn thét lên thật to cho cả thế giới biết rằng tôi yêu bố - người đàn ông vĩ đại nhất cuộc đời tôi.

                                                                      Nguyễn Thị Liên
 

. . . . .
Loading the player...