11-04-2024 - 06:59

Bùi Quang Thanh… và “Nam hành ký sự”…

Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu bài viết Bùi Quang Thanh… và “Nam hành ký sự”… của nhà văn Đức Ban

1. Tôi tuổi Kỷ Sửu (1949), Bùi Quang Thanh tuổi Canh Dần (1950), nhà cách nhau vài chục cây số; cùng thế hệ, cùng trải những thăng trầm của thời cuộc, vậy mà số phận đẩy mỗi người mỗi nẻo. Tuổi thanh xuân trăng tròn, trăng khuyết, Bùi Quang Thanh ở chiến trường đánh Mỹ trên rừng núi Tây Nguyên. Tôi thì đi cày ruộng, rồi gia nhập thanh niên xung phong. Sau chiến tranh, Bùi Quang Thanh thành anh cán bộ kỹ thuật sửa chữa ô tô ở Ty Giao thông, tôi đi làm văn chương. Đến khi ấy, cũng đã ngoại tứ tuần, chúng tôi mới gặp nhau. Tôi đọc thơ ông in đều đều trên báo chí Trung ương và địa phương. Năm 1995, ông về làm Chánh Văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh do tôi làm Chủ tịch. Từng trải, nhanh nhẹn, khoáng đạt, ông lo liệu đâu vào đấy cho một cơ quan nghèo khó làm văn chương. “Bên đông giành vài miếng ăn/ Phía tây giật dăm tấm mặc/ Lớn bé trẻ già chia khắp/ Lưng vốn lại về số mo/ Văn chương chưa kịp nửa bồ/ Nợ nần chật ba chái bếp/ May mà còn chai rượu nếp/ Cho đời sủi bọt lăn tăn” (Tự bạch). Rồi có gì đó thôi thúc, hoặc đam mê, hoặc hoàn cảnh, hoặc bạn bè vẫy gọi, chỉ tròn 8 năm sau ông bắt tay tôi chuyển sang Báo Bảo vệ Pháp luật làm Trưởng Cơ quan đại diện miền Trung và Tây Nguyên, đóng trụ sở ở Đà Nẵng. Lúc này, ông đã có 4 tập thơ: Một thời sao lãng quên (1992), Hạt đắng (1998), Đò dọc sông đêm (2002) và Ngọn gió dòng sông (2003). Dù khá nhiều bài đã in trên tạp chí văn nghệ của tỉnh và các báo văn khác, tôi vẫn bị bất ngờ khi đọc những tập hợp thơ của ông. Những bài thơ về hai mảng đề tài lớn: “Người lính và tình yêu” giàu chất trữ tình và tính nghĩa vụ. Từ ấy về sau này, các tập thơ của ông kế tiếp nhau đều đặn đến tay bạn đọc: Mật ong vàng lũng núi (2007), Cánh đồng thời gian (2015), Bùi Quang Thanh - Thơ tuyển chọn (2020). Người ta cảm nhận được một tâm hồn đa cảm, đa mang, đa tình, nhân hậu, vui thật, buồn thật, đau thật về con người và thời cuộc. Nói tới các nhà thơ đương đại miền Trung không thể không kể tên Bùi Quang Thanh.

2. Rồi như bao người khác đến tuổi 60, ông nghỉ hưu. Không như nhiều người khác, ông tiếp tục theo niềm đam mê có trong máu thịt từ thuở ở Hội Văn nghệ và những năm làm phóng viên Báo Bảo vệ Pháp luật. Đấy là đi và viết. Dưới trời cao, trên đất rộng, ông rong ruổi hầu như khắp mọi vùng miền từ mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ rừng xuống biển, mặt đất đến bầu trời, từ biên giới ra hải đảo trùng khơi, cả trong và ngoài nước… để xem, ngẫm, chụp ảnh, giao lưu với bạn bè  cũ, mới, quen, lạ… Sự “ham chơi” của Bùi Quang Thanh làm tôi sốt ruột. Tôi nói với ông, 80 sờ sờ trước mũi rồi, ông định “rửa tay, gác kiếm” sao? Bùi Quang Thanh cười vẫn nụ cười thoáng đạt quen thuộc và không nói gì.

Thế rồi cuối năm 2023, ông đến nhà tặng tôi một tập văn xuôi “Nam hành ký sự” đang là bản thảo, dày đến 400 trang. Ông cười: "Bác xem hộ chú trước khi in, nhé!". Đây là lần thứ hai tôi bị bất ngờ về ông. Tôi cầm tập văn xuôi nằng nặng trên tay và nói, tôi biết ông từng viết văn xuôi, viết từ thời làm lính, thời làm tạp chí và cả những bài báo đẫm chất văn nữa. Nhưng để có được tập văn xuôi dày dặn thế này thì nói thật là tôi bị xúc động. Ông nói như giãi bày, tôi nợ ký ức, nợ đồng đội, nợ người thân thích, nợ bè bạn và nợ những người đã mất... Viết văn là một cách trả nợ. Mỗi lần gặp lại đồng đội, gặp lại mảnh đất mình từng chiến đấu ngày xưa, là ký ức thức dậỵ, kỷ niệm với bao nỗi buồn vui, khắc khoải, đớn đau òa lên trong lòng, không viết về nó không chịu được. Tôi viết lúc nửa đêm về sáng, viết giữa hai cuộc rượu, viết trên tàu, trên xe giường nằm…

“Nam hành ký sự” gồm 42 tác phẩm, chủ yếu là bút ký. Những tác phẩm về người lính thời chiến và thời bình chiếm hơn một nửa cuốn sách: Sâu nặng nghĩa tình, Người anh hùng của chúng tôi, Đồng Lộc - ký ức và hiện tại, Đến hẹn lại về, Tướng “sáu sao”, Xe tăng 377… Những tác phẩm mà tư liệu, chi tiết, nhân vật trong quá khứ Bùi Quang Thanh lưu giữ trong ký ức bao nhiêu năm trời tuần tự hiện lên theo cảm giác, cảm xúc và suy nghĩ của ông. Đồng đội của ông, bạn bè, người thân thích ruột rà của ông, người còn sống, người đã về miền mây trắng đều thức dậy, chân thật, sinh động, hào hùng và đớn đau, xa xót qua từng con chữ: “Lớp chúng tôi, lớp những người có cái tuổi khai sinh chia thế kỷ hai mươi làm hai mảnh, lớn lên trong hậu phương chống Pháp, chưa kịp học xong mặt chữ đã vội giã quê cầm súng lên đường đánh Mỹ. Chẳng biết bạn bè nằm lại trên khắp nẻo chiến trường để trở thành bất tử may hơn hay những người sót lại sau bom đạn để mà đau đáu nhớ thương may hơn, nhưng khi đốt nén hương trước vong linh các liệt sĩ, chẳng mấy ai cầm nổi nước mắt. Bình minh tuổi trẻ trong ngần những ước mơ, dự định của các chàng trai, cô gái chân đất chưa kịp buông dây cho cánh diều của mình bay bổng thì tiếng lòng đã thôi thúc đón chờ buổi lao vào binh lửa chiến trường. Những đôi môi chưa biết nói lời yêu, những ánh mắt chưa tan hết ngu ngơ của tuổi thơ đồng nội; Những giọt nước mắt nhớ nhà chưa biết lặn vào trong mà nóng hổi lăn tròn trên những đôi má phúng phính lông tơ. Họ ra đi từ miền quê nghèo khó nhưng tuyệt đẹp về truyền thống ông cha, lòng vẫn thầm ước mong sớm được trở về dưới những mái nhà tranh để xây đời mở nghiệp…” (Đến hẹn lại về).

Và đây là tâm tư tình cảm của Bùi Quang Thanh trong chuyến đi tìm mộ liệt sĩ, dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ mà chỉ gặp ngôi mộ gió bà con Cà Tang đắp dưới gốc cây rừng từ bao giờ: “Khi tất cả những thứ gửi cho người âm đã hóa hết, chúng tôi dập hết tàn than, rưới nước ướt đẫm đám tro nóng. Bé Thương lẩm bẩm quỳ mọp bên đám đất mộ và vốc những nắm đất rừng trên đó bỏ vào một túi nhỏ mang sẵn lúc nào. Tôi chợt hiểu ra chủ ý của Thương, sẽ khó lòng đưa được mộ bố về giữa quê hương, nắm đất ấy sẽ tượng trưng cho linh hồn bố bên tiên tổ, vợ con; thay bố nhận lấy phần hương khói, nghĩa tình. Khi cửa rừng đột ngột khép lại sau lưng, mọi người không ai bảo ai cùng quay lại nhìn vào cánh rừng Ma, tôi chợt thấy rất nhiều, rất nhiều những đôi mắt đỏ kè như lửa hương, cay xè như khói bếp hấp háy nhìn mãi về phía chúng tôi, đau đáu, xót xa đến vô cùng vô tận”. (Đi tìm nơi vĩnh hằng của Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ)

Những tác phẩm về đất và người nơi ông dừng chân trên đường rong ruổi, mắt thấy, tai nghe cuộc sống chuyển động chung quanh mà ghi lại: Những bút ký, du ký, ghi chép về vẻ kỳ thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời cùng những cảm tưởng, suy nghĩ về những con người tử tế, tình nghĩa, thân ái, về thế giới chung quanh: Tản mạn Vũ Quang, Tiếng chim rừng Bạch Mã, Hương rừng ngọc đất, Lúa thơm lấp ló, Hội An - Di sản tình người… Phẩm chất thi sĩ đã giúp những trang văn của Bùi Quang Thanh lãng đãng chất thơ, mềm mại, bâng khuâng: “Với rừng rậm núi cao, khí hậu ẩm ướt, rừng ở Phia Oắc cây cối đan dày lớp lớp như tựa vào nhau để chống lại tuyết lạnh và gió gào. Cây gỗ ở đây hầu hết có thân to, lùn và cổ quái rêu phong. Hình như chẳng loài cây nào dại dột vống cao lên để hứng gió bão và lạnh giá. Khi đứng trên đỉnh Phia Oắc giữa một ngày nắng đẹp, mây trời xanh ngăn ngắt mà nhiệt độ vẫn xuống 5 độ C, tôi đã cảm tác: “Cây như tóc như tơ như xương cốt/ Gió ngàn năm đẽo gọt đủ hình hài/ Bởi giá lạnh cây ken dày lớp lớp/ Hay gió gào mưa thét chúng kề vai?”... (Hương rừng ngọc đất). Trong tập, nhiều chỗ xen giữa giọng văn trữ tình đằm thắm là những chi tiết, tư liệu khô khan, tỉ mỉ: “Thống kê của ngành Lâm nghiệp cho biết, rừng ở đây có đến 1.287 loài, thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam; Gần 500 loài động vật có xương sống, hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng...“ (Tản mạn Vũ Quang). Ta gặp ở đây sự giao thoa hay nói cách khác là sự kết hợp linh hoạt các phương thức nghị luận, tự sự trữ tình giữa phóng sự báo chí với ký văn chương: Nam hành ký sự, Đảo Quốc mãnh sư, Những hạt giống đỏ, Những người giữ báu vật vua Hàm Nghi là những ví dụ.

Từ một Bùi Quang Thanh nhân ái, day dứt trong thơ: “Làng tôi đò vẫn cắm sào/ Mẹ già đầu thấp váy cao lội bùn/ Một đời… gan ruột rưng rưng… / Mồ hôi lưng mẹ ngập ngừng mắt con/ Sông đã cạn, núi đã mòn/ Mẹ ơi sao mẹ vẫn còn khổ đau?” (Về quê), một Bùi Quang Thanh hồn hậu, yếu mềm: “Em nhón nhén gom từng bông từng chẽn/ Rưng rưng bông chẽn gục tay người/ Bùn sục tăm vỡ òa ngàn tiếng nấc: Lúa ơi!”(Đồng sau bão) đến một Bùi Quang Thanh trầm tĩnh, sâu lắng, trữ tình, trí tuệ trong văn xuôi Nam hành ký sự. Một hành trình sáng tạo liên tục không ngưng nghỉ cho dù cuộc đời, thời thế bao nỗi nổi, chìm. Dọc hành trình sáng tạo ấy, ông cho ra đời những tác phẩm thơ và văn xuôi mới, phát hiện các giá trị chìm lấp trong dòng chảy thao thiết của cuộc đời và bộc lộ những bí mật tâm hồn ông, nhờ thế nó lay thức, thuyết phục, quyến rũ được bạn đọc các thế hệ xa, gần.

Bùi Quang Thanh đã trọn một vòng nửa thế kỷ cầm bút, nếu tính từ bài thơ đầu tiên in báo (1976) và bài văn xuôi đầu tiên xuất hiện (1990) đến nay, ông đã có bao nhiêu trang viết không kê đếm nổi. “Nam hành ký sự” ra đời làm dày dặn thêm sự nghiệp văn chương của Bùi Quang Thanh và khắc họa rõ hơn tâm hồn, cốt cách, trách nhiệm công dân của ông.

Hà Tĩnh, 12/2023

Đ.B

. . . . .
Loading the player...