13-08-2021 - 07:21

Bút ký dự thi CHUYỆN NGƯỜI “VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG” của Nguyễn Xuân Diệu

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi CHUYỆN NGƯỜI VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG của tác giả Nguyễn Xuân Diệu trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 179 tháng 7/2021

NGUYỄN XUÂN DIỆU

CHUYỆN NGƯỜI “VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG”

                    Bút ký dự thi       

Rừng bần phòng hộ đê Hội Thống vùng bãi ngang huyện Nghi Xuân hơn mười năm nay đã hồi sinh. Đi dọc con đê, những ngày gần cuối tháng năm ta, mùa mưa lũ đang cận kề, nhìn những rừng bần giăng như thành, như lũy, lòng tôi nôn nao nghĩ tới những người một đời yêu quê nhà, lo cho cây bần, lo cho con đê như lo cho chính cuộc đời mình.

- Trồng cây bần phải như chăm con nít anh ạ! Phải yêu thương, chăm chút nó. Đừng nghĩ cây là thứ vô tri. Không hẳn thế đâu! Cây bần cũng biết buồn, biết vui, biết trả nghĩa con người đấy!

Ông Hoàng Anh Triện, “chủ rừng bần”, bởi có một cánh rừng bần do ông trồng lên, được người dân đặt tên “rừng bần ông Triện” rủ rỉ nói với tôi như vậy. Nghe ông nói, thấy “ra vấn đề quá”, tôi vờ bâng quơ:

- Nghe người ta đồn, ông tự bỏ tiền, bỏ công sức ra để trồng nên rừng bần. Có điều chi khiến ông nảy ra cái việc làm không công này hay vậy?

- Chuyện xẩy ra từ hơn 10 năm trước, anh ạ. Ngày đó cái bãi sông Lam này trống trơn như sa mạc. Chẳng phải sa mạc cát đâu mà là sa mạc…bùn! Những năm chiến tranh máy bay Mỹ ném đủ thứ bom, bắn đủ thứ đạn, thả đủ thứ thủy lôi làm rừng bần tan tác, tàn tạ. Đất nước hòa bình, người dân quê tui lúc đó lại tự cầm dao chặt vào tay mình, kéo nhau ra chặt bần về làm củi, thấy mà xót xa quá. Rồi tui lại thấy người ta mang mang giống cây đước tận đẩu, tận đâu về dong trống, mở cờ ra quân không dưới 3 lần manh nha trồng lại rừng. Dễ thường bỏ tiền tỉ xuống bãi sông mà đước chẳng thấy đâu, bùn vẫn hoàn bùn. Lúc đầu thấy tiếc tiền của nhà nước, thấy tiếc cái công sức của bà con mình quá, tui cũng đánh liều thử trồng xem sao. Tui chui vô rừng bần nguyên sinh có từ những năm 30 của thế kỷ trước còn sót lại, trong đó bần con nhiều lắm, đào dăm ba chục cây con về trồng thử. Thấy nó bén rễ, xanh cây, thế là tui nảy ra ý tưởng trồng bần. Trước chỉ là ngăn sóng, chắn gió cho cái đồng nuôi tôm ngoài đê của gia đình tui. Sau thấy làm được quá, tui làm tới, quyết định trồng thành rừng để che chắn cho con đê. Anh không biết đó thôi, không có rừng bần, con đê tội lắm! Như cơn lũ cái năm 1989 ấy, không có rừng bần che chở,  con đê trần trụi giơ lưng đơn độc chống đỡ sóng nước không xuể, bị sóng đánh vỡ toang. Ruộng vườn, nhà cửa ngập trắng. Nhà tui ở xóm Trường Hoa, xã Xuân Trường ni, cách đê hơn cây số mà nước cũng tràn vô tận thềm…!

Ông Thiện khoát tay chỉ về phía trong đê, nơi nhấp nhô giàn quạt khí của những cánh đồng tôm đang bình yên khỏa nước tung lên muôn ngàn bụi hoa trắng; nơi rộm vàng một màu lúa đang vào vụ gặt, mỉm cười. Ngoài đê thủy triều đang lên, hợp sức cùng nước lũ từ thượng nguồn đổ về, dâng sóng đập vào những hàng bần đang độ cường tráng ì oạp. Có rừng bần che chở, những con sóng chỉ uể oải vỗ nhẹ vào thân đê như đã mệt nhoài…!

Tôi ngồi xuống tấm phản trong lán canh đồng ngay trên mặt đê, nhâm nhi bát nước chè xanh, nghe ông Triện rủ rỉ kể chuyện trồng bần. Ông kể rằng, khi đào cây bần con phải cẩn thận như nâng niu đứa trẻ. Nhát xẻng phải từ tốn, chớ làm đứt rễ cây bần. Bởi để bần con đứt rễ, khi trồng, cái rễ đứt ấy ngâm trong nước, trong bùn, là bị thối ngay, như người bị ung thư vậy. Vết thối lan rất nhanh vào gốc, lên cây, thế là cây chết. Trồng cây xong, vài năm đầu phải giữ bần như giữ trẻ. Nào là canh chừng cánh thuyền chài từ bên kia sông sang thả lưới. Lưới vốn nhẹ, bị sóng gió đưa đẩy rất dễ vướng vào cây bần mới trồng. Sợ rách lưới thế là bọn họ nhổ luôn cả cây lên để gỡ. Đôi khi cũng gặp những tay thuyền chài bặm trợn, chúng còn múa dao dọa chém. Nhưng thấy ông can trường, chúng đành thu dao tháo lui. Rồi lại phải canh chừng không cho trâu thả rông tràn vô rừng. Đồng ruộng vùng hạ lưu này, giờ phần lớn đã thành ao, đầm nuôi tôm cua xuất khẩu. Hiếm cỏ, lũ trẻ mục đồng đuổi trâu ra chăn trên đê. Thấy bần con xanh tốt, thế là cả đàn trâu tràn xuống, khác chi một đoàn xe bọc thép càn vô đó, bần con cứ là tan nát. Rồi hàng ngày phải lội xuống bãi sông bùn ngập quá đầu gối  để gỡ đám rong, rêu nhớt theo thủy triều lên bám vào vô cây. Thủy triều xuống, cây bần con vốn đang yếu ớt bị rong, rêu đó vít cổ xuống bùn. Không gỡ chúng ra, cây sẽ bị bùn dìm ngạt mà chết. Lại thấy cây nào bị nước sông xói trốc gốc, lòi rễ thì bốc bùn đắp lại. cả ngày ông phải lội lóp ngóp ở bãi sông ngập ngụa chỉ nước với bùn, người ngợm cứ là lấm lem, hôi sì sì sì…!

Thấy tôi cứ ngẩn ngơ hết nhìn con đê lại ngắm rừng bần, ông Triện kéo tôi ra khỏi cái lán canh rừng. Cái lán tường xây bằng gạch, mái lợp phi-bro-xi-măng trông nhỏ nhoi nhưng chắc chắn giữa lớp lớp rừng bần. Thả bộ dọc con đê, tiếng ông bồng bềnh trên nền tiếng gió, tiếng sóng:

- Mấy ông “dự án” thừa biết vùng ni thiếu chi bần con, thế mà lại đi mua cái thứ giống cây đước lạ hoắc tận đẩu, tận đâu về đây trồng cho chúng chết yểu. Cái thứ giống đước ấy, theo tui nghĩ, thứ nhất nó chẳng hợp đất, hợp nước ở đây. Chớ nghĩ đã là cây ngập mặn thì nơi mô ngập mặn cũng trồng được! Thứ hai, cây đước giống  chở về, thân chỉ nhỉnh hơn chiếc đũa, đã nhỏ lại yếu, đường vận chuyển thì xa, tránh sao khỏi bầm dập, gãy đứt, trồng lên nếu sống được cũng chỉ lay lắt dăm bữa, nửa tháng là chết queo ngay. Thứ ba, trồng cây kiểu gì mà ra quân thì rầm rộ, nhưng cắm cây xuống bùn rồi chẳng có ai chăm sóc, bảo vệ, sống chết mặc…cây! Trồng thế, cây nào mà sống nổi!

Thì ra là thế! Lâu nay tôi và không ít người cứ băn khoăn chẳng hiểu vì sao người dân vùng bãi ngang này bao bận ra quân trồng rừng ngập mặn là bấy lần trở về tay trắng. Thấy ông đang vui, tôi hỏi thêm:

- Tôi thấy nhiều người do trồng rừng mà thành ông chủ, thành triệu phú, tỉ phú. Ông tay không mà trồng nên rừng, đã thành một ông chủ rừng, đã bao giờ có ý nghĩ mình trồng bần để làm giàu chưa?

- Thực lòng ai chẳng mong mình bỏ tiền, của, công sức ra rồi được đền đáp. - Ông Triện mỉm cười - Nhưng trồng rừng bần thì khác đấy. Bần là thứ cây phòng hộ cho đất, cho người, chứ đâu phải thứ cây trồng lên để chặt bán. Mà bán thì ai mua? Bần thành rừng là tài sản chung của xã hội, của mọi người bởi nó là cái lá chắn bảo vệ con đê, bảo vệ xóm làng. Mặc dù dân làng vẫn gọi cánh rừng tui trồng đây là rừng bần ông Triện. Họ quý mến mà gọi đó thôi. Tui tự đi đào bần con. Hết “nguồn” thì tui chèo đò sang bên Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nghệ An bỏ tiền ra mua giống về. Vậy nên rừng bần của tui phủ kín hơn 3ha bờ sông. Ngày đó, xã huyện có mời tui lên biểu dương thành tích trồng rừng phòng hộ. Tui cũng được trao cái phong bì. Về nhà mở ra tui thấy có 150 ngàn đồng. Thấy thế, bà Dần vợ tui ỉ eo: “Ông cứ cặm cụi trồng bần cho tợn vô! Đúng là ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng!” Tui im re. Anh bảo không im thì cãi làm sao. Tui biết bà ấy nói thế cũng có cái lý của bà ấy. Là người mẹ của 5 đứa con, ai chẳng lo niêu cơm của nhà mình. Nhưng với tui thì tui nghĩ, vì thương con đê, thương xóm làng, thương cả mình nữa mà cất công trồng bần để che dòng mước xiết, chắn con sóng lũ, cho mùa màng khỏi thất bát, cho làng mạc bình yên, vậy thôi! Vác tù và hàng tổng cũng chẳng hề gì, miễn là mình làm cái việc có ích cho gia đình, cho quê hương thì cứ làm!

Tôi ngồi nghe ông nói mà thấy ấm cả lòng. Bởi con đê Hội Thống trấn giữ bờ nam sông Lam miền hạ lưu này từ thập kỷ 80 thế kỷ trước đến nay, đã không dưới 3 lần con sông hợp sức cùng biển dâng nước, cuộn sóng chặt con đê làm mấy khúc ở những nơi không còn rừng bần, cuốn theo dòng chảy của nó biết bao nhà cửa, ruộng vườn, cùng bao sinh mạng con người. Nhưng đã gần hai mươi năm nay, Đảng bộ, chính quyền huyện xã đã có nghị quyết quyết tâm phủ xanh rừng ngập mặn vùng bãi sông hạ lưu sông Lam. Hàng chục ha rừng bần được người dân trồng lên, được chăm sóc, bảo vệ của các xã Xuân Hải, Xuân Phổ, Đan Trường, Xuân Hội đã thành rừng giữ bình yên cho vùng quê bãi ngang Nghi Xuân đang tưng bừng xây dựng nông thôn mới, đang đổi thay khởi sắc từng ngày!

*     

Tiếng gió Lào quất ào ạt trên tán lá xanh rừng bần ngút ngát và tiếng sóng sông đầu mùa lũ cũng cồn lên ràn rạt. Nhìn rừng bần cường tráng của người dân nơi đây và của ông Triện trồng lên như dáng đứng người lính, ưỡn ngực che gió, chắn sóng giữ đất, lòng tôi rộn rực một niềm cảm phục sâu xa. Giữa cuộc đời nặng nợ áo cơm mà ông Triện - người “vác tù và hàng tổng” tiên phong trồng bần - mà người dân Hà Tĩnh mình vẫn kiên gan lặn lội, cần mẫn, rưới mồ hôi xuống bãi sông, chín nắng mười sương cho bần nên rừng, nên lũy, nên thành gìn giữ bình yên cho cuộc đời tươi mới hôm nay…!

                      N.X.D

Chiều buông trên sông ( Ảnh Đậu Hà) 

. . . . .
Loading the player...