Tạp chí Hồng Lĩnh số 212 tháng 4/2024 trân trọng giới thiệu Bút ký dự thi NGỌT NGÀO DÒNG LA của Nhà văn Phan Trung Hiếu
PHAN TRUNG HIẾU
NGỌT NGÀO DÒNG LA
Bút ký dự thi
Sông La chỉ dài hơn 12 cây số nhưng là nơi khởi nguồn và lắng đọng bao trầm tích văn hóa, lịch sử của quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hợp lưu của Ngàn Sâu, Ngàn Phố tại ngã ba Tam Soa, sông chảy qua các làng mạc, xóm thôn, đến ngã ba Phủ thì nhập với dòng Lam đổ ra biển cả. Cách đây hơn 200 năm, sách “Yên Hội thôn chí” của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch đã từng bình phẩm dòng sông này “tuy không nông cũng không sâu, chảy không nhanh nhưng cũng không quá chậm. Vị nước ngọt mà thơm, tính bình mà nhuận, có cảnh trí tắm nước hóng gió, có phong độ của bọn bút nghiên. Đây là nơi núi sông giao hội, âm dương hòa hợp, xứng đáng là con sông đẹp nhất Nghệ An…”.
Ở Đức Thọ, một nửa huyện có địa giới tiếp giáp với sông La như thị trấn Đức Thọ, các xã Tùng Ảnh, Trường Sơn, Liên Minh, Bùi La Nhân, Tùng Châu, Quang Vĩnh, Yên Hồ. Dọc hai bên bờ sông vẫn còn những di tích cổ như chùa Thạch Động còn gọi là chùa Đá (Tùng Ảnh), đền Cả ở Bùi La Nhân thờ Tứ vị Thánh nương Nam hải Đại Càn, chùa cổ Vạn Phúc còn gọi là chùa Vền thờ Bạch Ngọc Hoàng Hậu Trần Thị Ngọc Hào (Tùng Châu), đền thờ Nghĩa vương Nguyễn Biểu gắn với ‘thủ đô kháng chiến’ của vua Trùng Quang nhà hậu Trần (Yên Hồ), mộ và nhà thờ chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng trong phong trào Cần vương chống Pháp, nhà thờ Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (Tùng Ảnh)… Nơi đây còn có khu mộ của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người cộng sản kiên trung đã để lại câu nói nổi tiếng nhắn gửi lại đồng chí, đồng bào trước lúc hi sinh “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Bắt đầu từ ngã ba Tam Soa, mạch nước thấm nhuần tạo nên một vùng đất học trải dài suốt đôi bờ dòng sông mang “phong độ của bọn bút nghiên”, góp cho đất nước nhiều danh nhân, chí sĩ, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng khác như Trạng nguyên Đào Tiêu, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Thái học sinh Nguyễn Biểu, Luật sư Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phan Mỹ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Phủ Thủ tướng, nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, Nhà toán học Lê Văn Thiêm, Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, Nhà văn Hoàng Ngọc Phách… cùng hàng trăm vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhiều sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, các văn nghệ sĩ có tiếng tăm.
Bùi Xá cũ quê tôi nằm ở bờ hữu ngạn, vừa tiếp giáp cả dòng chính và rào Trổ, một nhánh nhỏ sông La nay đã hợp nhất vào xã mới Bùi La Nhân từ đầu năm 2020. Chỉ tính riêng một xã Bùi La Nhân đã có các vị đại khoa là Tiến sĩ Hoàng Hiền, Nhị giáp Tiến sĩ Hoàng Trừng đều làm đến chức Tả thị lang bộ Lễ, Tam giáp Tiến sĩ Nguyễn Doãn Huy làm quan Tham chính, Tam giáp Tiến sĩ Nguyễn Tắc Trung làm Đô cấp sự trung, Tạo sĩ Lê Trọng Phiên và sau này là hàng chục những tên tuổi các vị Giáo sư, Phó Giáo sư, các văn nghệ sĩ có tiếng tăm như Phạm Khắc Hòe, Phạm Khắc Quảng, Phùng Hồ, Phùng Hồ Hải, Nguyễn An, Lê Hồng Mận, Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trần Linh Thước, Đặng Như Toàn, Nguyễn Văn Cung, Nguyễn Võ Kỳ Anh, Phùng Duy Dũng, Đặng Xuân Phong, Trần Ứng, Lương Sỹ Cần, Lê Thị Ngọc Dung, Nguyễn Quốc Dũng, Bùi Thanh Duyến, Nguyễn Thanh Hội, Nguyễn Văn Huân, Hoàng Xuân Nhuận, Lưu Thị Kim Thanh, Nguyễn Võ Thông, Trần Thị Thanh Hóa; Trung tướng Hoàng Hữu Thái, Đào Việt Hưng, các Thiếu tướng Trần Thức Vân, Trần Ngọc Ninh, Dư Xuân Bình, Phạm Hồng Cử; Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành, Nhà văn Nguyễn Xuân Thiều, Nhà viết kịch Phan Lương Hảo, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thảo…
Hai bên bờ sông La dày đặc các di tích cùng với thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng hiền hòa tạo nên một vùng văn hóa du lịch phong phú, đặc sắc. Không phải ngẫu nhiên mà một con sông ngắn, nhỏ chỉ chảy qua phần đất của một huyện mà lại trở thành biểu trưng, niềm tự hào của cả huyện, cả tỉnh, niềm cảm hứng cho bao tác phẩm thơ nhạc còn lưu lại trong ký ức của bao người. Có câu ca lưu truyền trong dân gian “sống làm đế làm vương, chết làm con cá mương Đức Thọ”. Đức Thọ còn được mệnh danh là “miền gái đẹp”. “Muốn ăn cơm nếp đỗ chà/ Muốn con gái đẹp thì ra Yên Hồ”. Lại còn có câu “Ai về Đức thọ thì về/ Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn”. Không chỉ là vùng đất học, dọc bờ sông La vốn từng tồn tại nhiều làng nghề truyền thống như làng nón Thượng, nón Hạ, dệt lụa Châu Phong, làng nghề cào hến ở Trường Sơn, làng đan dè cót, đóng thuyền Trường Xuân. Chính vị ngọt mát của dòng sông này cũng đã sinh ra nhiều đặc sản nổi tiếng như hến Thượng, bánh gai Nghĩa Yên, nước cáy Láng Ngạn, nghề kéo che làm mật mía kẻ Trổ…Quê tôi xưa từng nổi tiếng một thời với nghề cào hến, làm bánh đúc, đánh bắt cá trên sông. Đặc biệt, miến bột lọc của thôn Hạ Tứ từng giành Huy chương khi dự Hội chợ đấu xảo ở Huế và được đưa sang tận nước Pháp. Ngày nay, rất tiếc một số nghề đã thất truyền nhưng nhiều làng nghề truyền thống vẫn còn được lưu giữ, có sản phẩm trên thị trường góp phần tạo nên “thương hiệu” cho quê hương Đức Thọ.
Lâu nay, chúng ta vẫn thường tự ti, mặc cảm Hà Tĩnh nói chung và Đức Thọ nói riêng là một tỉnh nghèo, huyện nghèo nhưng không thể phủ nhận những năm gần đây, bộ mặt nông thôn mới của miền quê này đã rất nhiều đổi khác. Từ năm 2020, Đức Thọ đã được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới và diện mạo từ thị trấn huyện lỵ cho đến cảnh sắc của các làng quê đang từng bước hồng da, thắm thịt. Dọc sông La hôm nay là một bức tranh mượt mát màu xanh được điểm tô thêm nhiều điểm sáng của các công trình mới của các khu dân cư kiểu mẫu. Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức cho tôi biết trên địa bàn của huyện, nhiều công trình, dự án đi vào hoạt động như Nhà máy may mặc xuất khẩu Apapretech, bê tông Viết Hải, bao bì Sông La Xanh, khu nhà ở thương mại thị trấn, cụm công nghiệp Thái Yên… cùng nhiều dự án sản xuất công nghiệp đang được xúc tiến đầu tư hứa hẹn mang lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội. Hiện tại, cả huyện đã có 8 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Những ngày này, thiết thực lập thành tích đón chào lễ kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, thêm nhiều hoạt động, công trình đang được tập trung chỉ đạo triển khai trên địa bàn huyện.
Đầu xuân, tôi có dịp tranh thủ về quê đưa món quà Tết của Hội đồng hương Bùi Xá tại thành phố Hà Tĩnh hỗ trợ cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Trò chuyện với đồng chí Hoàng Văn Lợi - Bí thư Đảng ủy, tôi được biết xã Bùi La Nhân được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2021 và năm 2024, huyện đã giao nhiệm vụ và xã cũng đang quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Linh hào hứng cho biết thêm, ngoài sản phẩm dầu lạc, dầu vừng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, hiện nay xã đang xây dựng thương hiệu gạo sạch ST25 trên ruộng rươi cáy và gần đây đã thành lập mới Hợp tác xã nông nghiệp tuần hoàn hữu cơ trong đó có sản phẩm rươi cáy, hy vọng sẽ góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời lưu giữ được một cái nghề xưa của ông cha. Một trong những công trình đang được tập trung hoàn thiện là xây mới Nhà văn hóa xã với sức chứa 350 chỗ ngồi với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng bằng nguồn lực xã hội hóa. Một số công trình khác cần nâng cấp như Nhà văn hóa thôn Triều Đông, Hoa Đình, việc thảm nhựa bê tông 1 cây số đường thôn Đông Đoài bằng nguồn vốn Nhà nước và Nhân dân cùng làm cũng đang được triển khai.
Mỗi lần về quê, đứng trên đê La Giang ngắm nhìn cảnh sông nước mà thấy gợn lên bao điều đáng suy ngẫm. Dòng sông La từ bao đời nay cung cấp nguồn nước mát lành cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp không chỉ cho người dân ở kề cạnh đôi bờ mà còn cho các xã, các huyện phụ cận. Nước sông La qua mùa lũ lụt lại bồi đắp nguồn phù sa màu mỡ để đồng bãi nơi nào cũng xanh mướt lạc, vừng, mía, đỗ, ngô, khoai, là tuyến giao thông đường thủy cho các tàu, thuyền chuyên chở vật liệu. Sông ngọt ngào dâng hiến cho con người nguồn lợi thủy sản như hến, cáy, rươi, tôm cá, cung cấp nguồn cát sỏi sạch phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa công trình. Với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, mang trong mình bao giá trị lịch sử - văn hóa cùng những nguồn lợi tự nhiên nhưng để đánh thức tiềm năng, thế mạnh này phục vụ cho cuộc sống hiện tại cũng không phải dễ. Ví như chuyện làm sao để khai thác thế mạnh du lịch của dòng sông này vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều người vẫn thầm ao ước một lần được trải nghiệm du thuyền trên sông La. Từ khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú trên đồi Tùng Lĩnh, mọi người xuống bến Tam Soa, lên thuyền qua ngắm làng cào hến Kẻ Thượng, đền ông Nốc Phạm Đà và làng đóng tàu thuyền Trường Xuân, cầu Thọ Tường mới bắc qua sông, nghe tiếng chuông nhà thờ giáo xứ Thọ Ninh, ghé thăm đền Cả mới được trùng tu tôn tạo... Chỉ độ chục cây số dập dềnh trên sóng nước, bạn sẽ được thả mình vào câu hò điệu ví, những bài hát hay về con sông đẹp như huyền thoại, ngắm cảnh sắc những xóm làng trù phú, màu xanh mướt mát của ngô, khoai, mía, đậu, lạc vừng dọc bờ bãi ven sông. Ngay trên thuyền, du khách sẽ được thưởng thức hương vị của rượu Thanh Lạng nhấm nháp với món cơm hến Thượng, dê, bò, cá sông, rươi đặc sản của vùng quê Đức Thọ kèm bát nước chấm mắm cáy Láng Ngạn lừng thơm nhức lưỡi nổi tiếng một thời.
Sông La đi nhớ về thương. Đã xa quê hơn 45 năm, gặp những đêm khó ngủ, tôi lại nghĩ về quê, mường tượng trước mắt mình dòng La êm đềm lặng lẽ chảy giữa đôi bờ xanh mát như cánh võng ru đưa tâm hồn trở về với bình lặng, an yên. Dẫu còn muôn vàn khó khăn thử thách, tôi vẫn tin khát vọng vươn lên của Đảng bộ nhân dân dân Đức Thọ trong đó có Bùi La Nhân quê tôi - miền đất ngấm vị ngọt ngào của sông La và được tiếp thêm ý chí phấn đấu như di nguyện của Tổng Bí thư Trần Phú sắp tới sẽ có thêm nhiều thành quả mới. Mong ước trên miền đất La Sơn - Đức Thọ nổi tiếng địa linh nhân kiệt, dòng La không chỉ mãi hiền hòa như dải lụa, êm đềm như cánh võng mà sẽ trở mình biến thành con Rồng xanh đưa quê nhà cất cánh bay lên.
Tháng Ba, năm 2024
P.T.H
Đôi bờ sông La. Ảnh: Huy Tùng