30-04-2024 - 01:52

Bút ký dự thi VÙNG ĐẤT VÀNG SON VANG BÓNG DANH NHÂN của tác giả Tống Phú Sa

Tạp chí Hồng Lĩnh số 212 phát hành tháng 4/2024 trân trọng giới thiệu Bút ký dự thi VÙNG ĐẤT VÀNG SON VANG BÓNG DANH NHÂN của tác giả Tống Phú Sa

VÙNG ĐẤT VÀNG SON VANG BÓNG DANH NHÂN

                                                                                                             Bút ký dự thi

Thuở hồng hoang, con người bám đất bằng hai chân đứng thẳng, chưa đủ áo để che thân nhưng biết tựa lưng vào núi, uống sự sống từ dòng nước thiêng vắt rịn từ đất.

Sông núi linh là nguồn mạch của vạn vật, nguồn mạch của sự sống. Sự kết hợp diệu kì giữa sông linh, núi linh tạo nên vùng “địa linh”, nhào nặn tinh hoa giữa trời đất tạo nên những bậc “nhân kiệt”.

*

Chưa có nơi nào hội tụ linh thiêng, kỳ bí như vùng đất này. Dãy Giăng Màn chưng cất dòng nước ngọt lành nhất của trùng trùng núi, đổ xuống một ngàn Sâu xanh ngắt, ngọt ngào. Núi Đại Hàm của vùng núi thơm (Hương Sơn) xiết vòng dãy Thiên Nhẫn ở phía Bắc đổ về một dòng Phố Giang thơ mộng, trữ tình. Hai dòng sông của hai miền đất thiêng hợp lại thành dòng La Giang, nơi ngọn đầu của mảnh đất Địa Linh.

La Giang gối đầu trên núi Tùng Lĩnh, uốn mình chảy bên dãy Thiên Nhẫn chập chùng. Núi Tùng Lĩnh là ngọn núi đầu tiên của dãy Trà Sơn, kéo dài vào tận Can Lộc, Hương Khê. Ngọn núi có hình dáng tròn trịa, thẫm xanh như màu mây nước, bốn mùa vi vút tiếng thông reo, nên núi còn có tên gọi khác là rú Thông. Nhân dân ở hai miền tả ngạn dòng La Giang chọn ngọn núi này để  lập đền thờ công thần Đinh Lễ - nhân vật lịch sử tiêu biểu, có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc (1418- 1428). Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, theo các tư liệu lịch sử, Đinh Lễ được ban biển ngạch Công thần Khai quốc, chức Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ và được ban Quốc tính (họ Lê). Vua Lê Lợi đã lấy vùng đất Tùng Ảnh phong ấp cho các bậc Công thần Khai quốc như Lê Bôi, Võ Lộng, Phan Đán. Tướng Quân Đinh Lễ được phong Vương hiệu Linh Cảm Đại Vương. Và, do đó, đền thờ Đinh Lễ còn có tên là đền Linh Cảm Đại Vương, núi cũng mang tên Linh Cảm, ngã ba sông là ngã ba Linh Cảm. Trước núi, nổi lên mặt sông một toà đá kỳ lạ. Sử cũ chép rằng “Phượng ngậm sách mà uống nước” tạo nên nét đẹp kì bí cho bến Tam Soa thơ mộng. Dòng La Giang dồn tụ nguồn mạch trời đất tạo nên bãi bồi Ngưu Chữ. Dân làng khai khẩn bãi ấy lập thành làng xóm. Nam La Giang là làng Hạ, bắc La Giang là làng Thượng. Dân làng Thượng bươn chải sông nước, rắn đanh, thô ráp, chăm chỉ thương thuyền “Trường Sơn trên chợ dưới thuyền/ Phố giăng mát mắt thuyền lên kín dòng”, dân làng Hạ kín đáo, nho nhã mà cương trực.

Nôi “địa linh” Việt Yên Hạ như bàn chân, gót chân xiết rịt bến Tam Soa, ngã ba Linh Cảm. Năm ngón chân uống nồng say dòng tinh tuý ngọt ngào đất trời ban tặng, choãi ra năm hướng, dựng lập nên xóm làng với những Châu Sơn (Rú Son), Mặc Sơn (Rú Mực), Trường Xuân, Nghĩa Yên… tạo nên La Sơn - La Giang “địa linh nhân kiệt”.

Những làng mạc trù phú, giàu vỉa tầng trầm tích hai bên dòng La Giang đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ tài năng, một lòng dâng hiến cho thảo thơm bãi bờ, cho phù sa mãi xanh trên đồng đất của quê hương, xứ sở. Nằm ở vị trí địa chiến lược đặc biệt, dân tộc ta đã phải đi qua bao thăng trầm, đã phải tuốt gươm đao, nhuốm màu khói trận để non sông thu về một mối. La Giang - La Sơn, mảnh đất địa linh, nơi trời đất giao hòa, linh khí hội tụ, nơi có dòng La Giang bốn mùa biếc thẫm. Mảnh đất ấy đã hiến tặng núi sông bao trái tim trai trẻ, bao nhịp đập khát vọng cho bình yên của quê hương. Năm 1407, cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nhà Hồ thất bại, nhân dân Đại Việt rên xiết dưới cảnh lầm than “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã bùng lên ở vùng rừng núi Chí Linh (Thanh Hóa), và phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc rộng lớn. Năm 1424, theo kế của Nguyễn Chích, Lê Lợi mở rộng địa bàn vào phía Nam, lấy một vùng đồng bằng rộng lớn của vùng đất Nghệ An làm đất đứng chân. Trong bước chân hào hùng, mạnh như vũ bão của nghĩa quân Lam Sơn, mảnh đất của sông La, núi Tùng đã ghi đậm dấu ấn, góp sức mình cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhân dân tả ngạn dòng La Giang đã theo ngọn cờ của nghĩa quân Lam Sơn, dưới sự tập hợp và chỉ huy của vị tướng tài năng Đinh Lễ - Lê Bôi mở mang đồng bãi, khai khẩn đất hoang, trồng ngô khoai sắn… Một dải đất màu mỡ được phù sa sông La Giang bồi đắp, dưới bàn tay lao động cần cù và khéo léo của nhân dân, trở thành kho lương thực cho nghĩa quân Lam Sơn... Núi Tùng Lĩnh, bến Tam Soa là nơi ghi dấu những chiến thắng lẫy lừng của nghĩa quân Lam Sơn. Tháng 4.1425, quân Minh theo sông Ngàn Phố đánh lên căn cứ Đỗ Gia nhưng bị phản kích phải tháo chạy qua núi Tùng Lĩnh để vào sông La về thành Nghệ An; quân của Đinh Lễ chặn đánh tại đây. Dòng sông hiền hòa bốn mùa xanh biếc, nơi hẹn hò của biết bao đôi lứa đã kinh qua những trận phục binh đẫm máu gươm đao, khiến cho quân thù hồn xiêu phách tán.

Đất địa linh La Gang - La Sơn, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, nơi cách đây hơn bảy trăm năm đã được Hoàng Hậu Bạch Ngọc chọn làm nơi dừng chân để cùng nhân dân khai khẩn đất hoang, dựng xóm, lập làng. Trang Phụng Công và một vùng đất trù phú gần bốn ngàn mẫu dưới chân núi Cóc, núi Trà Lập; một vùng bãi bờ đồng đất thẫm xanh kéo dài đến Đồng Công - Thượng Bồng, Hạ Bồng; Thượng Nga, Lại Thạch đã nên vóc nên hình dưới bàn tay cần cù chịu khó, thông minh và ham học hỏi của những con người chân chất nơi đây. Năm 1425, các tướng Bùi Bị, Đinh Lễ, Đinh Bộ đã đưa Bạch Ngọc Hoàng Hậu đến yết kiến Lê Lợi. Trang Phụng Công và toàn bộ lương thực, của cải do Bạch Ngọc Hoàng Hậu cùng Nhân dân trong vùng tích trữ, trở thành một trong những nhân tố góp phần tạo nên chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn chống lại giặc Minh.

Trong phong trào Cần Vương chống Phá, làng Đông Thái (Tùng Ảnh) là nơi đầu tiên Phan Đình Phùng chiêu mộ quân sĩ, hưởng ứng chiếu Cần Vương. Những ngày đầu quy mô còn nhỏ bé, nhưng lực lượng khởi nghĩa được phát triển nhanh chóng nhờ việc phối hợp với nghĩa quân của Lê Ninh ở Trung Lễ (Ðức Thọ), nghĩa quân của Cao Thắng ở Cồn Chùa (Hương Sơn). Trong từng bước chân của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, đều in đậm dấu ấn của vùng đất núi Tùng - sông La. Khi Phan Đình Phùng ra Bắc để mở rộng địa bàn, khi căn cứ được chuyển về vùng đất Thượng Bồng - Hạ Bồng, rồi lùi dần về vùng núi Vụ Quang, nhân dân làng Đông Thái và đồng bãi ngát xanh của quê hương luôn là chỗ dựa vững chắc cho nghĩa quân. Năm 1896, tiếng súng dần tắt trên vùng rừng núi Vụ Quang, quê mẹ linh thiêng của vùng đất nghĩa tình sâu đượm lại giang rộng vòng tay đón những trái tim đã dâng trọn cuộc đời mình cho núi sông.

Trải qua hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa danh bến Tam Soa (Ngã ba Linh Cảm), phà Linh Cảm là ký ức không thể nào quên của bao thế hệ. Những chuyến phà vội vã rời đi trong những chiều mưa phùn lạnh cắt da, những bàn tay nắm riết những bàn tay, những nụ hôn vội vàng trong hoàng hôn buốt gió. Phà Linh Cảm là nhân chứng lịch sử, là niềm khát vọng trở về của những người con trong mưa bom bão đạn. “Chia tay trên bến Tam Soa/ Bồi hồi nhìn dòng sông quê mẹ/ Ôi dòng sông chảy trong lòng ta mát mẻ/ Bốn mùa xanh xanh ngắt phù sa…”. Khi đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá miền Bắc, địa danh phà Linh Cảm là mục tiêu bắn phá của kẻ thù. Mặc cho bom đạn cày xới, núi Tùng sông La vẫn mãi ngát xanh, bãng lãng trời mây và vi vút tiếng thông reo. Trùng trùng núi của dãy Giăng Màn ngàn năm chưng cất dòng nước ngọt ngào để cho dòng La Giang ngọt thơm vị hến, đằm đượm nụ cười trên khuôn mặt của người con gái sông La.

*

Miền đất thiêng sông La - núi Tùng  là nơi nuôi dưỡng những nhân tài cho Tổ quốc. Trải qua các thời kỳ phát triển của lịch sử, với tên gọi Cổ La (629), Chi La (Lý - Trần), La Giang (Thời Lê), La Sơn (Lê Trung Hưng), Đức Thọ (1945), vùng đất này được biết đến bởi sự đậu đạt cao nhất trong cả nước. Trong thời kỳ phong kiến, Đức Thọ có 39 vị đại khoa (Tiến sĩ) với những dòng họ nổi tiếng khoa bảng như: Trần, Phan Đình, Lê Văn, Hoàng Xuân,  Hà Học... và các làng giàu truyền thống văn hoá như: Làng mộc Thái Yên; làng rèn đúc Yên Hồ, Trung Lương; làng đóng thuyền, đan cót Trường Sơn… Hàng ngàn người là phó bảng, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… người có bằng đại học qua các thời kỳ nhiều không kể hết. Những, thái học sĩ Nguyễn Biểu, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tổng Bí thư Trần Phú, Luật sư Phan Anh, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Nhà văn Hoàng Ngọc Phách, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm, Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Bạch Thu Hà, Giáo sư Đào Vọng Đức.

Sông núi linh là nguồn mạch của vạn vật, nguồn mạch của sự sống. Sự kết hợp diệu kì giữa sông linh, núi linh tạo nên vùng “địa linh”, nhào nặn tinh hoa giữa trời đất tạo nên những bậc “nhân kiệt”. Những ngày tháng Ba nồng nã sầu đông, đi trên quốc lộ 8A thênh thang rực rỡ hoa chuông vàng, trong tiếng thông reo vi vút và bãng lãng mây nước La Giang…Một phút cúi đầu trước lăng mộ cụ Phan Đình Phùng (1847 - 1895), người con ưu tú, kiệt xuất của vùng đất địa linh. Phan Đình Phùng là biểu tượng sáng ngời của trí thông minh, lòng yêu nước và sự khẳng khái đầy chất “Nghệ”. Năm 1883, do bất đồng quan điểm với Tôn Thất Thuyết về việc phế vua Dục Đức, lập Hiệp Hòa, ông bị cách chức. Nhưng, khi Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng đã đến yết kiến vua, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê, một cuộc khởi nghĩa lớn gây bao sóng gió cho thực dân Pháp. Trả lời thư dụ hàng của Lê Kinh Hạp, Hoàng Cao Khải, ông khẳng khái “Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ là đất nước Việt Nam. Tôi chỉ có một ông anh rất to là mấy mươi triệu đồng bào…”. Phan Đình Phùng - người con tài đức vẹn toàn của núi Tùng, sông La ấy đã luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tổ quốc lên  trên hết. Cụ mãi mãi là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, xứng danh là bậc “nhân kiệt” của vùng đất nhiều vỉa tầng trầm tích, vàng son vang bóng những danh nhân.

 Trong những ngày tháng tư lịch sử, bến Tam Soa như dải lụa óng ánh sắc màu của mây trời nước biếc. Ngã ba Linh Cảm - bến Tam Soa bừng lên dưới sắc nắng vàng tươi. Đứng trên ngọn núi Quần Hội, trước anh linh của người chiến sĩ cách mạng trung kiên, người con ưu tú của Đảng lòng người trào dâng những cảm xúc khó tả. Tiếp nối thế hệ cha ông, đồng chí Trần Phú, người con của quê hương núi Tùng, sông La đã làm rạng danh vùng đất địa linh. Từ một người yêu nước, mang trong mình nhiều hoài bão và khát vọng, đồng chí Trần Phú đã vinh dự được học tập tại lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. Là một trong những học học viên ưu tú, đồng chí đã  được tin cậy, kết nạp vào nhóm bí mật (Cộng sản Đoàn) với tên gọi Lý Quý, được giới thiệu sang học tại Trường đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Chính những năm học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tham gia hoạt động thực tiễn, đặc biệt trao đổi với các Đồng nghiệp của các Đảng anh em về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, Trần Phú đã có bước trưởng thành lớn đủ sức gánh vác những nhiệm vụ do Đảng phân công. Luận cương chính trị do Trần Phú dự thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10-1930 thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Đồng chí Trần Phú – người con ưu tú của làng khoa bảng Đông Thái, được nuôi dưỡng trong dòng chảy yêu nước và hiếu học của quê hương, đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Với cương vị là Tổng bí thư đầu tiên, dự thảo và thông qua bản Luận cương chính trị, đồng chí đã gánh lên vai mình trọng trách lớn lao, chèo lái con thuyền cách mạng để có ngày cập bến vinh quang. Đồng chí ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, khi sự nghiệp cách mạng còn dở dang, nhưng, nhiệt huyết và ý chí cách mạng, niềm tin và lòng quả cảm, trí tuệ và tầm nhìn của một lãnh tụ tài ba vẫn trường tồn và mãi chảy như dòng La Giang bốn mùa xanh biếc. Câu nói bất hủ của đồng chí Trần Phú trước khi ra đi “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” là lời của non sông đất Việt, lời của lớp lớp cha anh đã ngã xuống, cho dòng sông mãi xanh, cho cánh đồng ngọt thơm mùi lúa chín, cho đồng đất căng chật ước mơ và khát vọng. “Hãy giữ vững khí chiến đấu” là ngọn lửa rực cháy của trái tim yêu nước nồng nàn, là khát vọng viết tiếp trang sử vàng vẻ vang của quê hương, đất nước. Lời nhắn gửi ấy, khát vọng không nguôi ấy là điểm tựa cho bao chiến sĩ cách mạng trong tù gông của kẻ thù. Và, trong nắng ấm thênh thang của những ngày tươi đẹp, lời nhắn gửi của Người là nguồn mạch của tin yêu để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha ông, viết nên những trang sử mới trong thời kỳ hội nhập. Để Nhân dân Đức Thọ viết tiếp ngọn lửa truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, văn minh và hiện đại.

Núi Tùng, sông La trong những ngày tháng Tư lịch sử, rực rỡ cờ hoa và nồng tươi sắc nắng. Đứng trên bến Tam Soa, lòng ta bỗng trào dâng nhiều cảm xúc trước mây trời sông nước nơi đây. Phía Nam núi Quần Hội là nơi thờ Linh Cảm Đại Vương Đinh Lễ, một vị tướng tài ba, có công lao vô cùng to lớn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và Nhân dân hai bên bờ dòng La Giang. Phía Bắc núi Quần Hội là nơi yên nghỉ của nhà yêu nước vĩ đại Phan Đình Phùng, người đã gác lại tình nhà, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết  “Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ là đất nước Việt Nam. Tôi chỉ có một ông anh rất to là mấy mươi triệu đồng bào…”. Và, trên thênh thang mây nước của một cõi đất thiêng, là nơi yên nghỉ của Cố Tổng Bí thư Trần Phú, nhà cách mạng trung kiên, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Trong sắc nắng tươi vàng rực rỡ của những ngày tháng tư lịch sử, trong nồng say của hương lúa đang độ ngậm đòng, trong sắc chiều bãng lãng của mây nước Tam Soa, lớp lớp thế hệ trẻ của muôn ngã quê hương hội tụ về đây, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống để làm nên một Việt Nam hội nhập, một Việt Nam vươn mình với khát vọng bay lên.

                                                        Đức Thọ những ngày rực rỡ cờ hoa 2024

                                                                                                        T.P.S

Tác phẩm nhiếp ảnh “Quần thể di tích Tổng Bí thư Trần Phú” của tác giả Quang Diện 

. . . . .
Loading the player...