29-11-2021 - 09:27

Bút ký ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC QUA RỪNG KẺ GỖ của NGUYỄN XUÂN HƯỜNG

Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu Bút ký ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC QUA RỪNG KẺ GỖ của tác giả Nguyễn Xuân Hường

NGUYỄN XUÂN HƯỜNG

 

ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC QUA RỪNG KẺ GỖ

                               Bút ký       

Đường mòn Hồ Chí Minh được mở từ tháng 5 năm 1959 nên thường gọi là đường 5-59. Đây là con đường quan trọng chạy dọc miền trung để chuyển hàng hóa vào Nam phục vụ cho công cuộc chống Mỹ giải phóng niềm Nam, thống nhất đất nước. Những năm đầu đoạn qua Hà Tĩnh, đường đi theo phần đất Hương Khê, chủ yếu theo đường sắt. Sau tháng 8/1964 máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc đường 5-59 qua ngã ba Đồng Lộc, vượt qua Khe Giao rẽ về phía đông, đi qua địa hạt Thạch Hà - Cẩm Xuyên và được gọi là đường 21. Đến phần đất Cẩm Xuyên, đường 21 chạy xuyên qua rừng Kẽ Gỗ.

Theo tầm nhìn chiến lược, các nhà khảo sát thiết kế cho đường qua vùng này là một sự sáng tạo độc đáo, tạo thuận lợi cho việc mở đường và sử dụng sau này. Vượt qua đồi Thình Thình dưới chân đồi Nhật Lệ, đường lao thẳng theo hướng Đông - Nam bám theo tả ngạn dòng sông Rào Cái (Cẩm Mỹ). Đường vắt qua nhiều khe suối nhỏ. Suối Rào Hạ bắt nguồn từ động Yên, hai bên suối bạt ngàn đồi móc sim tô thêm màu xanh bạt ngàn rừng núi. Suối Rào Cời từ Trạng Ván dội xuống, đôi bờ đá trắng ngổn ngang, chảy qua vách đứng thành những ngọn thác trắng xóa. Trước cửa Rào Cời là một vùng đất bằng phẳng, tốt tươi. Trại ông Thư Viện đóng tại từ những năm 1952. Sau này trại được xây dựng nhà cửa khang trang, cây cối rậm rạp. Những vườn mít, vườn xoan dầu trẩu cao vút xanh rờn kín cả một vùng rộng lớn có đến 2 - 3ha đất rừng. (ông Thư Viện, chính tên là Đặng Văn Thư, bố ông là Đặng Văn Viện, nên người ta thường gọi là ông Thư Viện. Vợ ông người xã Cẩm Hưng con ông Nguyễn Đình Từ, em trai ông Nguyễn Đình Liễn. Nguyễn Đình Liễn là Bí Thư Huyện Ủy đầu tiên huyện Cẩm Xuyên. Ông Thư Viện là người dân làng Cẩm Bào (xã Cẩm Tiến trước đây) nay thuộc Tổ dân phố 2 Thị Trấn Cẩm Xuyên. Hồi trước Thư Viện nhà nghèo nên phải tìm kế sinh nhai bằng cách lên rừng mở trại làm thuê chăn nuôi trâu bò (Lúc trâu bò nhàn rỗi) cho dân vùng Mỹ Duệ, khai phá đất đai trồng chè, sắn khoai, cây dầu trẩu, xoan thành một vùng sầm uất cạnh đường 21. Trại ông Thư Viện trở nên một trạm dừng chân của nhiều đoàn trong ra, ngoài vào tấp nập suốt ngày đêm. Cũng chính nơi đây trở thành một trạm trung chuyển hàng hóa, đạn dược từ ngoài Bắc chuyển vào một cách an toàn bí mật.

Ông Thư Viện đóng trại ở đó cho đến khi xây Hồ Kẻ Gỗ (1976) nhà nước đền bù một số tài sản cây cối để ông di chuyển nơi khác. Năm 1977 ông và gia đình chuyển về ở Cầu Phủ, Thị xã Hà Tĩnh hồi đó. Ở đây ông mở lò nấu kẹo Cu đơ bán. Sau một thời gian kẹo cu đơ của ông trở thành nổi tiếng từ Bắc chí Nam thành thương hiệu đặc biệt “Kẹo cu đơ Thư Viện”. Kẹo Cu đơ Thư Viện đã được tỉnh Hà Tĩnh mang dâng Vua Hùng nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến nay kẹo vẫn giữ được chất lượng tốt nhất của cu đơ Hà Tĩnh và đang được phát triển mạnh mẽ.

Đầu năm 1965, hàng ngàn thanh niên xung phong từ các tỉnh ngoài Bắc vào thực hiện chiến dịch mở đường. Hầu hết trong số họ sống dựa vào nhà dân, những nơi xa dân cư họ lập nên các lán trại để ở. Nhờ có cây rừng rậm rạp nên máy bay Mĩ không thể nào phát hiện được. Các đơn vị thanh niên xung phong lao động rầm rộ như một công trường lớn. Trên một dải dốc núi dài hàng chục km, các anh chị rải dọc cả tuyến đường hăng hái xẻ núi lấp sông. Tiếng phên, thuổng đào đất đá đổ ào ào tiếng xe kéo đá cồng cộc, keng kéc hòa cùng tiếng hát, tiếng hò vang dội cả núi rừng. Một vùng Đá Bạc lặng yên bỗng giật mình tỉnh giấc, đường qua đoạn sông lớn nước sâu, hàng ngàn khối đất đá được lăn xuống lấp dòng. Đường mở đến đâu ô tô chạy qua đến đó. Càng lên ngược Rào Cái, con đường luồn qua rừng cây rậm rạp, có đoạn đường chỉ vài ba trăm mét đã phải đốn hạ hàng trăm mét khối gỗ. Việc đốn gỗ do công nhân lâm trường đảm nhận. Số gỗ đốn hạ phần lớn do lâm trường quản lý, phần nhỏ được dùng để cắm kè, lấp suối phục vụ cho việc mở đường. Do nhu cầu cấp bách, hàng ngàn thanh niên xung phong đã được điều động về đây thi đua lao động với khẩu hiệu: “Tất cả để đánh thằng giặc Mĩ xâm lược” “Tất cả vì niềm Nam ruột thịt”. Khí thế thi đua sôi nổi quên mình cả tuyến đường đang mở ngày đêm vang động ầm ào, náo nhiệt. Chỉ hơn một năm con đường cơ bản đã hoàn thành. Cuối mùa xuân 1966, đường chiến lược 21 đoạn qua rừng Kẻ Gỗ đã phát huy tác dụng.

Những đoàn xe từ miền Bắc ngày đêm nối đuôi nhau rầm rập chở hàng vào Miền Nam an toàn thuận lợi. Trại ông Thư Viện trước cửa Rào Cời có vườn cây rậm rạp đã trở thành trạm dừng chân của các đoàn người và xe trong ra ngoài vào và là nơi trung chuyển lý tưởng hàng hóa từ Bắc đưa vào, đảm bảo an toàn và bí mật.

Cũng tại nơi này, một bệnh viện dã chiến, một trại an dưỡng tiền phương đã được lập nên để đón nhận thương binh của bộ đội, thanh niên xung phong từ các vùng chuyển đến. Gia đình Ông Thư Viện đã trở thành ân nhân người bạn thân thiết của bộ đội thanh niên xung phong ra Bắc vào Nam qua trại ông để dừng chân nghỉ ngơi. Đến nay nhiều người từng ở quanh đây, từng đi lại qua đây còn nhớ đến Ông nhắc đến Ông nhiều kỷ niệm của một thời rực lửa.

Từ Bến Lội (Cẩm Mĩ) vào tận Kỳ Lâm (Kỳ Anh) đoạn đường 21 qua rừng Kẻ Gỗ dài gần ba chục km. Những năm 1966 - 1968, máy bay Mĩ đánh phá ác liệt, Quốc lộ 1 bị đánh phá nhiều cầu hư hỏng, nên tuyến đường 21 này chủ yếu cho xe vận chuyển hàng vào Nam. Hàng trăm, hàng ngàn xe qua lại ngày đêm vẫn an toàn. Các loại xe đủ cỡ: xe Tăng Xích, xe Cẩu, xe Reo, xe Zin Ba Cầu, xe Gáz, xe U Oát… chở tên lửa  và hàng hóa vượt băng băng vì con đường này có nền đất cứng, dọc đường có cây rừng che phủ máy bay Mĩ không phát hiện được.

Đến năm 1967, trước cửa suối Li­­­­­-Bi, được xây dựng một sân bay dã chiến, hàng ngàn thanh niên xung phong được điều động đến lao động suốt cả ngày đêm. Trong thời gian ngắn giữa đồi cây đã xuất hiện một bãi đất rộng bằng phẳng (Sau này người ta đoán rằng chính vì lẽ đó mà máy bay trinh sát Mĩ phát hiện được).

Trận bom sân bay Li-Bi:

Khoảng 2 giờ sáng ngày mồng 7 tháng 1 năm 1973 máy bay Mĩ bỗng nhiên xuất hiện gầm rú trên bầu trời đang yên tĩnh, bom nổ chát chúa, mặt đất rung chuyển. Từng cột khói khét lẹt bao trùm cả thung lung. Một lúc sau trên sân trại, một cảnh rung rợn hiện ra lán trại, gỗ, tranh bay khắp một vùng đồi. Hàng chục thi thể cán bộ, TNXP… bị vùi lấp, hất tung, quanh đống đổ nát. Tiếng người la hét, rên rỉ vọng ra từ hốc đá, bụi cây. Một lúc sau công nhân lâm trường gần đó đã có mặt đến cứu hộ. Họ nhặt nhạnh các thi thể gói vào trong túi ny lông. Nhanh chóng lục tìm những người còn sống đưa lên băng ca về trạm y tế. Ông Lưu Văn Nhân (91 tuổi ở Cẩm Duệ) kể lại “tôi và anh Mại” bốc vội một cô gái lên băng ca, chạy về trạm y tế, trên đường cô gái rất tỉnh, em quê ở Hà Nam, cha mẹ chỉ có mình em là gái …vv… Một lúc sau nghe một tiếng nấc cô gái im bặt, tắt thở. Nổi đau thương đọng mãi trong ký ức hai người. Nay ngồi nói chuyện mà đôi mắt già của bác còn rưng giọt lệ. Trận bom bất ngờ đó  làm chết 32 TNXP chủ yếu người Hà Nam Ninh và Thanh Hóa.

Mấy năm sau bên bờ phía tây Hồ Kẻ Gỗ, ngay sát sân bay dã chiến năm nào một ngôi đền thờ được dựng lên. Cũng như trước đây và cho đến tận bây giờ vào những ngày lễ, tết từng đoàn cán bộ anh em và bè bạn của những người đã khuất bơi thuyền đến thắp hương đặt lễ tưởng niệm những người đã dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp chống Mĩ cứu nước.

(Được biết khi khởi công xây dựng Hồ Kẻ Gỗ (1976), những ngôi mộ trong lòng hồ đã được cất bốc lên đồi cao, nhiều ngôi mộ các TNXP ở Hà Nam Ninh Thanh Hóa được người nhà của họ chuyển về quê mai táng).

Giờ đây toàn bộ đường chiến lược 21, đoạn vắt qua rừng Kẻ Gỗ đã ngập chìm trong hồ nước mênh mông. Con đường 21 mạch máu giao thông quan trọng đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử của nó góp phần làm nên thắng lợi công cuộc chống Mĩ cứu nước. Những tháng ngày sôi động hào hùng của một thời phá đá mở đường chống Mĩ, những kỷ niệm vui buồn diễn ra trên quảng đường này hẳn còn in đậm trong ký ức bao người và mãi mãi sẽ đi vào lịch sử hào tráng của Hà Tỉnh thời chống Mĩ cứu nước.

                              Ngày 10 tháng 7 năm 2021

                 N.X.H

Gần 45 năm nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ (từ năm 1976), nhưng khi nước rút, hình ảnh những đoạn dài của con đường 22 vẫn hiện ra rõ rệt. (ảnh Tiến Hiệp) 

. . . . .
Loading the player...