Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11/2023 trân trọng giới thiệu Bút ký MÊNH MÔNG ĐỒI CHÈ TÂY SƠN của Tác giả PHAN THẾ CẢI
phan thế cải
mênh mông đồi chè tây sơn
Bút ký
Tôi ngỡ mình như lạc vào một thế giới cổ tích, trước những đồi chè xanh hút tầm mắt, lượn sóng nhấp nhô theo hình xoáy trôn ốc. Đã bước sang tháng Mười, một chút gió thu hanh hao lướt nhẹ trên cánh đồng chè đưa tôi về với ký ức xưa.
Nhớ lại buổi “khai sơn, phá thạch” ngày 11/ 9/ 1959, những chàng trai cô gái từ bao miền quê lên đây lập nghiệp, đến nay đã tròn 64 năm. Hình bóng họ đã khắc lên cây, in trên lá theo dòng chảy của thời gian. Cây chè Tây Sơn không phụ công người mở đất, gieo hạt giống đầu tiên. Thế hệ hôm nay, một bước đi không quên người mở lối.
Cách mạng bao giờ cũng cần sự dấn thân, sự dấn thân ấy được hun đúc từ khát vọng và niềm tin. Khi khát vọng dâng trào và niềm tin đã chín trong khát vọng, thì trái tim họ, sức lực họ khỏe khoắn phi thường như người thủy thủ cưỡi sóng vượt trùng khơi.
Tôi còn nhớ vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Nông trường chè Tây Sơn, khi đặt vấn đề với anh Nguyễn Văn Sơn, giám đốc giới thiệu giùm một nhân chứng trong đội quân “áo vải, cờ hồng” ngày ấy. Anh Sơn đã bố trí tôi phỏng vấn cụ Nguyễn Mạnh Thường. Lúc này cụ Thường đã bước vào tuổi tám mươi, tuy vậy trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Cụ Thường nhắc lại những năm tháng đầu tiên đặt chân lên miền sơn cước này lòng đầy tự hào. Ông Thường bảo:
- Hồi ấy bọn tôi lên đây, đều là những người trai chưa vợ, gái chưa chồng, gian khổ lắm, vẫn sống vô tư hăng say công việc đến lạ. Mùa đông rét tím da, mùa hè nắng như đổ lửa, thời tiết khắc nghiệt cứ tuần hoàn theo mùa. Nhưng ghê rợn hơn là phải chống chọi với voi rừng, hổ dữ. Nửa đêm voi ra phá chè, anh em phải cầm đuốc đốt lửa đuổi voi. Đấy là chưa kể muỗi rừng “châm” vi trùng sốt rét vào người. Nhờ tình yêu thương đùm bọc của đồng đội, chúng tôi lấy đây làm “neo đậu” bến quê, thủy chung gắn bó với xứ sở này. Cây chè lớn lên từ hơi ấm bàn tay của chúng tôi, tình yêu đẹp được nẩy nở, để rồi mỗi cặp trai gái có một tổ ấm riêng, dựng nên Làng chè Tây Sơn hôm nay.
Theo cuốn sách Lịch sử nông trường Tây Sơn ghi lại “Từ năm 1967 cho đến ngày giải phóng miền Nam năm 1975, là những năm tháng nông trường tập trung sức người, sức của, phát huy cao độ phẩm chất anh hùng cách mạng của những người đi mở đất. Thời gian này Nông trường Tây Sơn đã giao nộp cho nhà nước 2235 tấn chè thành phẩm để đổi lấy máy móc, góp phần vào công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc. Ngoài làm chè đơn vị còn tập trung phát triển đàn gia súc trâu, bò, lợn.. bình quân mỗi năm 450 đầu con, năm cao nhất 487 con bò, 116 con trâu và đàn lợn 212 con. Trong thời gian này đơn vị đã hình thành 4 đội sản xuất trồng trọt, 2 tổ chăn nuôi, 1 đội xây dựng cơ bản, 1 đội ô tô máy kéo gọi là đội quân chủ lực, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng chế biến chè. Thành lập một ban đời sống, sau này đổi tên Hợp tác xã tiêu thụ”.
Thời bao cấp, Nông trường chè Tây Sơn làm ăn theo quy mô nhỏ, tuy có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng lại thiếu cơ giới phục vụ cho việc khai khẩn đất hoang. Khi cây chè đúng vòng thời gian sinh trưởng, công nhân thu hái về lại thiếu máy móc chế biến nguyên liệu. Trong chiến tranh bom rơi đạn lạc, người công nhân vẫn ngày hai buổi bám trụ đồi chè. Sau khi đất nước thống nhất, tình hình kinh tế cả nước khó khăn, đời sống cán bộ và công nhân nông trưởng thiếu thốn mọi thứ, nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men. Tuy đơn vị vẫn làm ăn hoàn thành theo chỉ tiêu kế hoạch, nhưng diện tích khai mở ít, sản lượng thấp, chất lượng chè chưa cao.
Năm 1986 dưới ánh sáng đường lối đổi mới từ đại hội VI Trung ương Đảng, cả đất nước xóa bỏ cơ chế Tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang cơ chế thị trường. Nông trường chè Tây Sơn thực hiện cơ chế tự chủ, khoán sản phẩm cuối cùng tới người lao động. “Được mùa khoán mới đất lên men” khi ngưởi công nhân qua trải nghiệm thực tế, đã có ý thức làm chủ bản thân, linh hoạt và sáng tạo trong sản xuất. Nhờ vậy, năng suất lao động tăng, sản lượng chè sản xuất nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Sản lượng chè búp tươi tăng dần theo biểu đồ của sức sản xuất. Sản lượng chè búp tươi thu hái, năm 1987 đã đạt 712 tấn, tăng hơn 200 tấn năm 1975. Tuy vậy, trong sản xuất kinh doanh Nông trường chè Tây Sơn cũng những cung bậc thăng trầm. Vào thời điểm năm 1990 - 1992, về “đầu vào” thiếu vốn, thiếu vật tư, thiếu máy móc thiết bị chế biến công nghệ cao, còn “đầu ra” thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh. Sản lượng chè thời điểm này đã “tụt dốc” xuống 210 tấn, nhưng tiêu thụ rất khó khăn. Không ít gia đình đã không mặn mà với cái nghề mà mỉnh đã gắn bó trong nhiều năm qua, thậm chí có người định phá dỡ đất trồng chè để trổng cây khác thay thế.
Anh Võ Thanh Hải, hồi đó làm giám đốc tâm sự với tôi: “Khi tư tưởng con người biến động, đơn vị không thể áp đặt theo mệnh lệnh hành chính, mà cần có sự vận động, thuyết phục khơi thông về tư tưởng”. Xí nghiệp tổ chức họp các gia đình nhận khoán lại, xác định cho họ nghề trồng chè là một nghề bền vững nhất. Cái khó khăn trước mắt, chỉ là khó khăn nhất thời, đơn vị sẽ tìm cách tháo gỡ. Trong cuộc trao đổi thấu lý, đạt tình với mọi người anh Võ Thanh Hải không quên nhắc lại lời đánh giá của danh y Hải Thượng Lãn Ông về lợi ích của cây chè “Chè xanh giải nhiệt sinh tân, hóa đàm, giải độc lợi tiểu, tiêu cơ, Váng đầu, chóng mặt lại càng được than..”. Sự thật cây chè không chỉ là thứ giải nhiệt để nguôi cơn khát, còn là cây thuốc dưỡng sinh cho con người. Chính nhân loại đã hiểu được giá trị này, nên cây chè mới có chổ đứng trên thương trường, trở thành sản phẩm xuất khẩu. Đất Tây Sơn có duyên cây chè bén rễ, tạo ra sản phẩm xanh - sạch - đẹp.
Khi mọi người đã hanh thông về tư tưởng, Nông trường chè Tây Sơn tiếp tục đổi mới công tác giao khoán vườn chè cho người lao động, mở rộng đối tượng giao khoán tới dân. Nông trường thực hiện thí điểm “Khoán vườn cây” thực chất là “bán vườn chè” trao quyền tự chủ cho người lao động. Đây chính là sự “đột phá” để phát huy năng lực con người, tiềm năng đất đai.
Một vận hội mới thúc đẩy, khi nhà nước mở hướng phát triển kinh tế vùng đồi bằng đầu tư dự án 327. Mặt khác, mạnh dạn cải tổ lại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè hiện có, tinh gọn bộ máy và phương thức quản lý điều hành. Thời điểm này Nông trường chè Tây Sơn, được đổi tên thành Xí nghiệp chè Tây Sơn. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, trực thuộc sự điều hành Công ty đầu tư và phát triển chè Hà Tĩnh. Giá chè được điều chỉnh, “đầu ra” được công ty “bao tiêu” sản phẩm, tạo nên cú hích cho các gia đình yên tâm sản xuất. Từ năm 1997 - 2002 đơn vị đã trồng được gần 48 ha chè, sản xuất được 2433 tấn chè búp tươi, chế biến được hơn 446 tấn chè thành phẩm.
“Lảm ăn hai chữ quen mà lạ” trước dòng chảy của cơ chế thị trường buộc con người phải năng động hơn. Từ công ty đến xí nghiệp, đều phải thực hiện theo mô hình cổ phần hóa, để gắn trách nhiệm sản xuất và kinh doanh. Công ty đầu tư vào tập trung phát triển vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường. Xí nghiệp là thành viên tập trung vào trồng chè, đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong chuyến đi thực tế lần này, tôi đã có dịp gặp lại anh Nguyễn Hồng Sánh, hiện làm giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn. Anh Sánh khẳng định: “Cây chè Tây Sơn tạo được vị thế trên thương trường hôm nay, đều có một tiến trình lịch sử, qua sự chuyển giao nhiều thế hệ. Sự vận động đi lên đó, chính là đơn vị biết vận dụng nhuần nhuyễn các cơ chế chính sách vào thực tiễn. Đặc biệt trong 10 năm đổi mới (2010 - 2019) đơn vị liên kết với bà con nông dân các xã: Sơn Kim, Sơn Tây, Sơn Lâm mở rộng thêm vùng nguyên liệu. Nhờ sự liên kết này, đã đưa diện tích trồng chè hơn 90 ha, một con số kỷ lục trong lịch sử ”. Dĩ nhiên, khi diện tích trồng chè được “nối vòng tay lớn” thì sản lượng và thu nhập của người làm chè cũng lớn theo. Từ “mốc son” đó Xí nghiệp chè Tây Sơn đang tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao sản lượng, chất lượng theo hướng sản xuất chè an toàn. Việc sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế (RA) nhằm đảm bảo sản xuất chè bền vững.
Đang hào hứng với câu chuyện đổi mới từ khâu tổ chức, chế biến theo công nghệ cao, mẫu mã đẹp, tôi bất ngờ hỏi anh Sánh:
- Trong hai năm cả thế giới gặp đại dịch Covid - 19, nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Vậy sản phẩm chè của đơn vị anh thế nào?
Anh Sánh vui vẻ trả lời:
- Tuy giá thành sản phẩm có giảm xuống từ 70.000đ/kg xuống 65.000đ/kg, nhưng mỗi năm đơn vị vẫn xuất khẩu được hơn 1000 tấn búp khô. Năm 2023 này, giá sản phẩm chè đã được điều chỉnh lại cao hơn trước, Xí nghiệp chè Tây Sơn, đang phấn đấu sẽ xuất khẩu với sản lượng 1400 tấn chè búp khô. Đây là một sự nổ lực lớn của Tổng công ty chè Việt Nam, chúng tôi rất biết ơn sự năng động của cấp trên.
Chiều hôm nay một cán bộ kỷ thuật của đơn vị, dẫn tôi và một đồng nghiệp đến thăm “3 kiện tướng sản xuất chè” lớn nhất Làng chè Tây Sơn: ông Phạm Đình Hương (thôn Hạ Vàng) ông Phan Đình Nhâm (thôn Lảng Chè) bà Nguyễn Thị Thúy (thôn Tiền Phong). Các gia đình này, đều sản xuất từ 0,8ha - 1ha, mỗi vụ thu hái đều đạt sản lượng từ 60 tạ- 70 tạ, doanh thu từ 450 triệu đồng - 500 triệu đồng.
Tôi tới hộ nào cũng bắt gặp vợ chồng cần mẫn trên cánh đồng chè lớn của mình. Người thì đang tỉa búp, người đang xới cỏ, công việc cứ liền tay, liền chân. Tôi dừng lại khá lâu ở đồng chè gia đình bà Thúy và hỏi người phụ nữ này:
- Động lực nào giúp gia đình chị dám nhận khoán 1ha, lại có sản lượng cao đến vậy?
Bà Thúy cười bảo:
- Ở đâu cũng vậy chú à! Sống phải nhờ tập thể mới tồn tại và phát triển được. Động lực lớn nhất, khiến tôi an tâm khi “đầu vào” và “đầu ra” sản phẩm đều có trợ lực của Xí nghiệp chè Tây Sơn. Gia đình tôi và các gia đình khác, chỉ lo sản xuất và chăm sóc, còn các loại giống, phân bón... đều có dịch vụ đơn vị cung ứng kịp thời. Sản phẩm làm ra được xí nghiệp thu gom và chế biến. Chưa bao giờ tôi thấy nghề trồng chè xanh lại thuận lợi như lúc này.
Tôi nghĩ khi người lao động đã có niềm tin, cánh đồng chè Tây Sơn sẽ còn xanh mãi cùng năm tháng.
10- 2023
P.T.C
Đồng chè vào thu