26-03-2024 - 00:29

Bút ký MÙA XUÂN VỀ VỚI BẢN THOỌNG PẸ của Tác giả Phan Thế Cải

Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 phát hành tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu Bút ký MÙA XUÂN VỀ VỚI BẢN THOỌNG PẸ của Tác giả Phan Thế Cải

PHAN THẾ CẢI

mùa xuân về với bản thoọng pẹ

                                                                                                                                     Bút ký

"Không chỉ có nhà tui, cả bản Thoọng Pẹ bây giờ ai cũng thừa lúa thừa ngô, đau ốm có bộ đội biên phòng chăm sóc. Trẻ em lại được học hành, người lớn lo làm ăn và sống hòa thuận yêu thương. Bản mình đổi mới nhiều lắm nên tui sướng bụng lắm rồi ". Đó là lời tâm tình đầy xúc động của Trưởng bản Soong Giở.

Lên nương xem bò trại:

Gặp nhau lâu ngày, Soong Giở vẫn nhận ra tôi. Mái tóc ông giờ đã bạc xóa như bông lau núi, nhưng sức vẫn khỏe tựa con voi rừng. Vừa ngồi xuống ghế chưa ấm chỗ, Soong Giở đã lên tiếng mời:

- Đi với ta lên đỉnh Pứ Xay đi, lên đó uống rượu ngô và xem bò trại chơi.

- Ồ thế hay tuyệt. Bò gia đình ông nuôi à?

- Không phải bò ta đâu, bò thằng Và Lúa Chả đó.

 Soong Giở đi trước, tôi bám lưng đi sau, lách qua nhiều bụi cây rậm, chằng chịt dây leo chặn cả lối mòn cuối cùng tôi và già làng đã chinh phục được trái núi với độ cao gần bốn trăm mét. Trước mắt tôi hiện lên những cây săng lẻ thẳng tắp, có cây đã tróc võ nhẵn bóng còn hằn vết dây thừng buộc bò. Tôi đứng dưới một gốc cây săng lẻ cổ thụ nhìn bao quát xung quanh thấy dờn dờn màu xanh được phân thành lô thành khoảnh giống như nương rẫy người Dao ở Hoàng Su Phì. Chỗ này trồng gừng, trồng đậu, chỗ kia trồng lạc trồng ngô, vượt thung sâu khoảng năm mươi sải tay một rừng dó trầm được lợp kín màu xanh đậm đặc theo hình xoáy trôn ốc.

- Trang trại của thằng Và Lúa Chả có tới 5ha đấy, nó trước nghèo nhất bản bữa ni thì giàu rồi. Soong Giở bộc bạch.

Và Lúa Chả nghe thế tiết lộ thêm: - Bộ đội biên phòng tốt lắm không chỉ có mình mà cả bản này đều được họ giúp. Nếu không có họ, bụng mình giờ vẫn héo như tàu chuối khô.

Trong tiếng chim lảnh lót rót khúc nhạc chào xuân mới, tôi và Trưởng bản Soong Giở cùng ông chủ trang trại trải chiếu ngồi dưới ngôi nhà chòi, ăn ngô nướng và uống rượu ngô của người Mông làm mới thấy thi vị biết bao. Men rượu ngọt, bắp ngô thơm dẻo, câu chuyện làm ăn của Và Lúa Chả càng xôm hơn. Cách đây mười năm đồn trưởng cửa khẩu Cầu Treo Võ Trọng Hải, trong chuyến công tác dài ngày tuyến ngoại biên, anh cùng với ba cán bộ hôm ấy đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà" mục đích tìm hiểu hoàn cảnh người nghèo bản Thoong Pẹ. Bản Thoọng Pẹ có 320 gia đình người Mông sinh sống. Thời điểm ấy dân bản đã biết tập trung làm lúa nước, năng suất cao hơn làm lúa rẫy, biết đắp suối nước Nậm Hờ thành đập rồi đào mương dẫn nước tưới cho 243ha ruộng lúa. Tuy vậy số hộ đói nghèo vẫn chiếm tới 50%.

 Đồn trưởng Võ Trọng Hải đến thăm nhà Và Lúa Chả mới thấu hiểu cảnh nghèo tận đáy của chàng thanh niên khỏe như đô vật nhưng trong nhà Chả chăn màn rách tướp, đồ đạc chẳng có gì. Chưa đầy ba mươi tuổi vợ Chả đã sinh tới bốn mặt con, đứa bồng đứa dắt, mặt mũi nhem nhuốc. Vợ ở nhà, một mình Chả quần quật làm nhưng hạt gạo không đủ nuôi "sáu chiếc tàu há mồm". Nhà Chả không đủ tiền để sắm một con dao lên nương phát rẫy. Ngày hôm sau anh Hải nhờ Trưởng bản dẫn anh đi khảo sát tiếp toàn bộ địa hình địa vật bản Thoọng Pẹ. Thật không ngờ đất rừng bản này còn mênh mông, chỉ tiếc rằng người dân chưa biết làm ăn thôi.

Sau chuyến đi ấy, đồn trưởng Võ Trọng Hải tổ chức ngay một cuộc họp với toàn bộ cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị bàn về công tác giúp người dân bản Thoọng Pẹ thoát khỏi đói nghèo bằng cách lấy nguồn quỹ từ đất rừng để hướng dẫn người dân trồng trọt và chăn nuôi. Lấy người nghèo nhất để bộ đội biên phòng "cầm tay chỉ việc". Thế là Và Lúa Chả được đứng đầu trong danh sách người Mông nhận cây giống và vật nuôi. Đôi bò của Chả cùng với 50 hộ nghèo được hình thành bằng nguồn tiết kiệm mỗi tháng hai ngày lương của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và các tổ chức kinh doanh quan hệ mật thiết với đồn cửa khẩu.

Đã qua bao mùa rẫy, đã qua mấy mùa trăng, Và Lúa Chả vẫn nhớ một buổi sáng tháng ba khi cả núi rừng quanh bản ngập tràn hoa nở trắng, ngập tràn tiếng ong bay, đột nhiên thấy Thượng úy Nguyễn Ngọc Nguyên dắt một đôi bò vàng đến tặng cho nhà Chả. Chả và vợ chàng cứ chăm chắm nhìn đôi bò vàng, trong tâm trạng vui mừng không tả xiết.

Và Lúa Chả bảo tôi:

- Mình đội ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm, họ cho bò rồi họ còn theo mình lên núi để bày vẽ cho mình xới đất phát quang bụi rậm để trồng hẳn 1ha cỏ voi nuôi bò. Thứ cỏ này ngon lắm, bò ăn béo lên.

Đôi bò bộ đội biên phòng tặng Và Lúa Chả, chỉ sau một năm đã sinh ra một chú bê vàng chạy cũn cỡn bên chân chủ. Sự trìu mến của con vật kiến Chả lại tin hơn vận làm ăn của mình. Chả siêng hơn cả con ong rừng, chưa sáng đã cầm rựa, cầm dao lên trang trại, có hôm trăng rải đầy thềm nhà Chả mới về. Và Lúa Chả nuôi bò mát tay lắm, trồng ngô, trồng gừng, trồng cà cũng mát tay. Tôi nhẩm tính đàn bò của Chả hiện tại có tới 15 con, trong đó 8 con bò cái năm nào cũng sinh nở đều đặn. Một con bò được chủ chăm sóc vuốt ve, cứ đến 9 tháng hay mười tháng tuổi, Chả đã có trong tay mình 10 triệu - 12 triệu đồng. Chuồng trại nuôi bò của Chả được kết lại bằng cây vầu rừng, trên lợp lá cọ, cạnh chuồng trại Chả đào một hố đựng phân lớn hình chữ nhật. Sau khi phân ủ hoai, Chả đưa ra bón cho cây trồng. Trang trại Và Lúa Chả mỗi năm thu hoạch tới 4 tấn thóc, 2 tấn ngô, 1 tấn gừng. Tiền từ chăn nuôi và sản phẩm sạch ở trang trại đã giúp gia đình Chả xây được nhà sang, sắm được ô tô bán tải để chở hàng.

Vào đầu xuân năm 2024 tôi có dịp đi cùng một đồng chí cán bộ Đồn cửa khẩu Cầu Treo tới thăm bản Thoọng Pẹ và gặp lại già làng Soong Giở. Bây giờ ông đã gần tuổi 80, nhưng vẫn chắc khỏe, da dẻ hồng hào, giọng vẫn sang sảng như ngày nào. Soong Giở cho tôi hay về sức làm ăn của dân trong thời kỳ mới này. Cả bản hiện có 15 trang trại, trong đó 12 chủ trang trại nuôi từ 25 - 30 con trâu bò, một số trang trại mỗi năm thu hoạch 10 - 15 tấn rau cải, ngô bắp, cà pháo và gừng. Ông chủ có gan làm giàu từ kinh doanh dịch vụ buôn bán và làm trang trại giàu có nhất bản là Và A Lùng. Gia đình Và A Lùng và gia đình ông có lao động đều siêng năng và có chí làm giàu. Và A Lùng xin nhận 9ha đất trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Trang trại Lùng nuôi trâu, nuôi gà. Trâu nhà Lùng hiện có tới 45 con. Soong Giở tiết lộ cho tôi biết cả bản Thoọng Pẹ này về thu nhập chưa ai vượt gia đình Nhia Cô về mát tay nuôi gà, trang trại gà của Nhia Cô đã lên tới hàng ngàn con. Nhia Cô vừa giỏi làm trang trại, vợ và con gái lại giỏi buôn bán tại chợ Lạc Xao.

Hiện tại ở bản số người sử dụng ô tô đã nhiều lắm, dân nhà nào cũng dư thừa lúa ngô. Trẻ em các gia đình đến tuổi đều đến trường học.

Ta không lo con ma bắt vì có trạm y tế rồi:

Trạm y tế Thoọng Pẹ nằm chót vót trên ngọn đồi cao, nhưng đường lên đã được xi măng hóa nên ô tô và xe máy vào tận cửa. Trạm có một phòng khám, ba phòng cho bệnh nhân nằm điều trị, một phòng bếp nấu ăn cho bệnh nhân.

 Bác sĩ Nguyễn Viết Đức cho tôi biết: - Mỗi năm trạm y tế tiếp nhận hơn 2000 lượt người đến khám, tiếng là trạm xá bản nhưng gọi là trạm xá khu vực Thoọng Pẹ - Na Pê - Lạc Xao cũng đúng. Người ở Na Pê thường nghỉ lại để điều trị nhiều hơn người bản địa, nhưng dân bản chổ ni lại lui tới thường xuyên. Họ đến khám rồi cầm thuốc cấp theo lời hướng dẫn của bác sĩ về nhà mình uống... Chỉ trường hợp không đi lại được người nhà dìu tới,  họ mới chịu ăn cháo và tiêm thuốc bộ đội biên phòng.

Chợt cánh cửa sổ mở toang, một người đàn ông nhìn ra hiên thấy tôi cười, tôi bạo dạn vào phòng ông. Trò chuyện một lúc biết rõ tên ông là Xầu Bá Chay và bà vợ là May Hon ở bản Viêng Thoong, cách đây 150 cây số. Ông tự bạch cả hai vợ chồng chuyên chở hàng tạp hóa cho chủ hàng ở chợ Lạc Xao, đang ăn ngon ngủ khỏe bỗng dưng chán ăn, chán ngủ, mắt vàng… Nhờ bộ đội khám mới hay mình bị viêm gan cấp. Xầu Bá Chay bộc bạch: - Mình điều trị đây đã hơn một tuần lễ rồi. Bây giờ ăn ngon rồi, ngủ ngon rồi, chắc  ngày mai họ cho xuất trạm. Mình chỉ áy náy một điều thuốc bộ đội cấp, cơm bộ đội nấu, nhưng khi đưa tiền ra trả họ chẳng lấy một đồng kíp nào. Họ bảo nhà đang quá vất vả để tiền đấy bồi dưỡng cho lại sức. Chao ôi bộ đội biên phòng quý hóa quá.

Dường như lời tâm sự của Xầu Bá Chay đã trở thành lời cảm ơn chung của hàng trăm người khi được tiếp xúc với đội ngũ thầy thuốc trong trạm: Đại úy, bác sĩ Nguyễn Viết Đức và y sĩ, thượng úy Nguyễn Văn Ân. Người Mông rất thương bộ đội, khi họ mang chuối, mang gà tới biếu ngày lễ Tết mà các anh không nhận thì họ giận lắm. Từ ngày thành lập tới nay trạm y tế Thoọng Pẹ chẳng bao giờ vơi bệnh nhân, nên cả bác sĩ Đức và y sĩ Ân phải trực 24/24h. Nhờ trang thiết bị y tế được trang cấp đầy đủ như máy siêu âm, sinh hóa, huyết học, khí dung nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho các anh phát huy tay nghề, chẩn đoán nhanh và chính xác các căn bệnh hiểm nghèo để kịp thời giới thiệu lên tuyến trên điều trị.

Người dân tộc do thiếu i ốt nên thường hay mắc căn bệnh bướu cổ, đã có hàng chục trường hợp được các anh tận tình chở bệnh nhân đi phẫu thuật ở tuyến trên đều thành công. Năm 2023, có 5 trường hợp phụ nữ Lào ở độ tuổi 25 - 40 mắc bệnh bướu cổ. Hai người ở bản Na Pê, hai người ở bản Noọng Ó. Đưa họ đi đã vất vả nhưng cử người đi cùng với người nhà để khi họ trở về an toàn khỏe mạnh lại càng vất vả hơn. Xác định giúp đỡ bệnh nhân như chính giúp người thân trong gia đình mình, nên cán bộ trạm và đồn cửa khẩu Cầu Treo không một phút nề hà. Suốt cả mười hai ngày chăm sóc chu đáo họ tại Bệnh viện quân y 4, cả bốn người phụ nữ kia giờ không còn cảnh cục bướu phình ra như quả ổi đào treo lòng thòng trước cổ nữa. Một chuyện khác bác sĩ Đức thuật lại khiến tôi nghe cũng sởn gai ốc. Một cháu bé người Mông ở bản Thoọng Pẹ mới 12 tuổi nhưng không hiểu sao bụng cháu ngày mỗi căng tròn lên. Người nhà đưa tới trạm khám, bác sĩ Đức siêu âm và phát hiện ngay một khối u lớn. Sau khi đưa tới Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, các bác sĩ đã kịp thời cắt bỏ khối u nặng tới 7,2kg.

Trưởng bản Soong Giở bảo tôi: "Ngày trước không có trạm, dân bản "nhờ cậy" tới thầy mo "đuổi ma trừ tà" nhưng bệnh nhân vẫn chết dần, chết mòn. Hiện giờ thầy mo Sùng Bá Dùng cũng vứt áo thầy cúng từ lâu. Tháng trước lão đau dạ dày đến trạm điều trị, bác sĩ khuyên lão uống thuốc đúng liều và chịu khó kiêng bia rượu. Bây giờ da dẻ lão hồng hào lắm".

 Già làng Soong Giở cười, tiếng cười ông lan trong mùi hương giò phong lan người lính biên phòng đang nở trắng trước gian phòng ươm đầy nắng xuân.

                                                                                                     P.T.C

Bác sĩ quân y Nguyễn Anh Đức khám bệnh cho nhân dân bản Thoọng Pẹ. Ảnh: Viết Lam

. . . . .
Loading the player...