Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Bút ký TÌNH ĐẤT CƯU MANG của Tác giả NGUYỄN XUÂN DIỆU
NGUYỄN XUÂN DIỆU
TÌNH ĐẤT CƯU MANG
Bút ký
Suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đơn vị của Hoàng Văn Vượng “đóng chốt” ở bên sườn núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Nghi Xuân làm nhiệm vụ sửa chữa xe cộ trên chặng đường vận tải ra tiền tuyến chặng từ Hà Tĩnh tới Vĩnh Linh. Tháng 4 năm 1972, xưởng sửa chữa bị trúng bom, Vượng bị thương khá nặng. Anh được đưa về viện Quân y 4 điều trị. Những ngày chống chọi với vết thương, bà con Xuân Lĩnh nơi xưởng sửa chữa anh đứng chân mang trứng gà vượt đường xa trên bom, dưới đạn đến nằng nặc bắt Vượng phải nhận với lý do không thể chối từ: “Chú phải ăn cho chóng khỏe, để còn sửa chữa xe cộ vận tải bộ đội ta ra chiến trường đánh thắng giặc Mỹ!” Điều trị khỏi vết thương, thấy sức khỏe của Vượng đang yếu, Binh trạm cho anh về xưởng cũ, nhưng không làm nhiệm vụ sửa chữa mà lập trại tăng gia. Làm trưởng trại tăng gia, ở vùng núi quê hương của “Chào em cô gái Lam Hồng”, có hai con đường huyết mạch là Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 22 chạy qua nên máy bay Mỹ đánh phá ác liệt lắm. Đất đai hoang hóa chi chít hố bom, hố đạn. Trại tăng gia Binh trạm gồm 20 cán bộ chiến sĩ vừa khỏi vết thương hay đang sốt rét. Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, Vượng đã chỉ huy anh em trồng được lúa, khoai, sắn; nuôi được cả đàn dê, đàn bò gần 100 con, chưa kể gà, lợn cung cấp thêm lương thực, thực phẩm tươi sống cho bộ đội.
Đất nước thống nhất, Hoàng Văn Vượng được về nghỉ mất sức ở xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa với quân hàm thiếu úy. Về quê, thấy quê hương đất chật, người đông. Để có đất canh tác, ngày ấy Đảng bộ, chính quyền xã phải di dời dân lên các vùng đồi. Chị Châu vợ anh mấy lần nỉ non: “ Thôi ta lên xã xin đăng ký vào Tây Nguyên đi kinh tế mới thôi bố mi ạ!” Nghe vợ nói, Vượng phân vân lắm. Nhiều đêm khó ngủ, hình ảnh cái trại tăng gia của Binh trạm dưới chân núi Hồng Lĩnh cứ hiện về chập chờn, nhiều khi không dứt ra được. Nơi đó đất rộng, người thưa. Dưới bom đạn chiến tranh mà các anh, những người lính bị thương, sốt rét còn sản xuất ra được lúa khoai, nuôi được gia súc, gia cầm tự cung cấp lương thực, thực phẩm cho mình và cung cấp cho đồng đội. Bây giờ bình yên rồi, chắc việc làm ăn sẽ dễ hơn nhiều! Nghĩ thế, anh liền ngồi dậy, ôm lấy vai vợ:
- Theo anh, ta đừng vào Tây Nguyên làm gì, xa xôi quá. Vào Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, nơi anh đóng quân ngày xưa thôi, em ạ!
Chị Lê Thị Châu vợ anh vốn tin chồng, đồng ý liền. Cả nhà rối rít chuẩn bị. Giờ nghĩ lại thật cười ra nước mắt. Gia tài người lính sau chiến tranh rời quê hương bản quán đi lập nghiệp chỉ vẻn vẹn cái ba lô con cóc đựng vài bộ quần áo, chăn màn. Thêm vài ba cái xoong, cái nồi, dăm con dao, cái cuốc…Tất cả buộc gọn trên chiếc xe đạp Thống nhất cà tàng anh được phân phối khi ra về. Thế là đi! Đến nơi, Xuân Lĩnh là xã kinh tế mới của huyện Nghi Xuân mới thành lập, đất đai mênh mông. Huyện Nghi Xuân cũng có kế hoạch vận động dân các xã miền ven biển lên lập nghiệp, nhưng ngày đó đã có mấy người lên, đi cả cây số mới lèo tèo vài nhà dân… Chủ tịch xã là một đại úy cao xạ pháo về hưu, ngày trước có quen biết Vượng, mừng lắm, ôm choàng lấy anh:
- Đất này đang cần người, rất cần những con người dũng cảm, từng trải, cần cù chịu khó. Hoan nghênh cậu đã về với chiến trường xưa, về với chúng mình!
Rồi anh khoát tay chỉ rộng ra cả một vùng đất:
- Bây giờ nơi đây đang còn đầy hố bom, hố đạn, nhưng là đất lành cả đấy. Cậu tùy ý chọn lấy một khoảnh rồi vợ chồng đổ mồ hôi ra gắng gỏi mà khai phá, trồng trọt, chăn nuôi…!
Anh em trại tăng gia Binh trạm thấy anh về cũng mừng không kém, kéo đến mỗi người một tay giúp chặt cây, cắt tranh, dựng cho hai vợ chồng ngôi nhà tranh hai gian, vách trát đất cẩn thận. Anh em lại làm thêm cho cả chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà. Thế là hai vợ chồng vào cuộc. Nơi nào đất bằng phẳng ở sườn núi thì trồng khoai, sắn. Nơi nào trũng thấp thì trồng lúa. Thiếu sức kéo thì bà con lên trước cho mượn trâu, bò, lại rủ nhau cày cuốc giúp theo kiểu đổi công. Ban ngày hai vợ chồng đi làm nương, làm ruộng; đêm Vượng cùng đứa con lên 5 tuổi đốt đèn đi soi cá, bắt lươn, ốc…vừa làm thức ăn, vừa để vợ đem ra chợ bán. Đất chẳng phụ công người, sau một năm tằn tiện, tích góp đồng tiền kiếm được từ lúa, khoai, sắn; từ con cá, con cua, lươn, ếch…vợ chồng anh mua được đôi lợn, con trâu. Những năm đầu thập kỷ 80, việc thông thương không như bây giờ, huyện Nghi Xuân chưa mấy ai biết đến lúa mới. Nghe bên Đức Thọ, Can lộc, người ta trồng giống lúa mới, chỉ 3 tháng là thu hoạch mà cho năng suất cao. Vượng liền đạp xe sang vừa thăm bạn vừa mua giống và học cách gieo trồng. Mùa đầu tiên anh trồng bằng giống lúa Bào thai ấy, gia đình anh thu hoạch hơn 10 tấn thóc. Anh lại thấy những nơi đó, đất đai trước đây chỉ trồng khoai lang nay họ chuyển sang trồng lạc xuất khẩu, cho thu nhập gấp 3-4 lần. Anh liền mua giống lạc về. Vụ đầu tiên, toàn bộ sườn núi vốn trồng khoai, sắn anh thay bằng lạc ngắn ngày. Sau 3 tháng vợ chồng anh thu về hơn 1 tấn lạc củ. Tin lành bay xa làm xôn xao cả huyện Nghi Xuân. Bởi ngày đó vợ chồng Hoàng Văn Vượng là gia đình đầu tiên có thu hoạch lạc tính bằng đơn vị tấn ở vùng quê này.
Rồi xã sắp xếp lại các đội sản xuất. Rồi tỉnh, huyện quy hoạch mở mang đường sá. Nhà nằm trên con đường mới, nên vợ chồng anh quyết định xin chuyển sang thôn Nam Viên, xã Xuân Viên. Thôn này cũng là dân kinh tế mới, nằm bên sườn núi Hồng Lĩnh chỉ cách nơi ở cũ chỉ một cánh đồng. Đất rộng người thưa thả sức làm ăn. Từ đầu những năm 1990, gia đình Vượng đã nổi tiếng làm kinh tế giỏi. Từ một người lính trở về đến vùng quê mới, gia tài chỉ buộc gọn sau chiếc xe đạp, vợ chồng anh đã có của ăn, của để, trở thành triệu phú. Ngày ấy, riêng đàn trâu, bò của Vượng đã có 18 con, đàn dê có 25 con, lợn có 9 con. Vượng đã xây được nhà mới, sắm được xe máy đắt tiền…!
Đầu năm 2000, ở vùng quê này rộ lên phong trào nhà nhà trồng nấm xuất khẩu. Đi tham quan một vài gia đình, thấy cách trồng nấm cũng hay, dễ sinh lời. Nhưng người dân ở đây chỉ biết trồng theo kinh nghiệm học hỏi được, chưa có bài bản, nên thu hoạch phập phù, có khi mất trắng. Vượng nghe nói ngoài Hà Nội có công ty Thiên Tân dạy nghề này, Vượng bàn với vợ quyết chí đi học. Cầm theo 5 triệu đồng (thời giá năm 2.000), Vượng tìm ra công ty Thiên Tân học nghề. Đang học, một hôm Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Chìu và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đến thăm lớp. Thấy Vượng tuổi đã cao mà vẫn đi học cách làm ăn, vị Giáo sư đến hỏi anh về gia cảnh, về mô hình kinh tế đang làm. Nghe Vượng kể, giáo sư mừng lắm, vỗ vai anh:
- Thế thì việc trồng nấm xuất khẩu anh cứ trồng. Nhưng đất đai bên sườn núi rộng rãi thế, anh làm thêm nghề nuôi gà thả vườn đi. Kinh tế lắm!
Nghe giáo sư nói cách nuôi gà thả vườn, Vượng đâm mê, nài nỉ ông xin cho được đi học. Giáo sư giới thiệu Vượng với Viện chăn nuôi. Sang đó nhìn cách nuôi gà của họ, anh càng mê. Vượng liền điện cho vợ gửi gấp tiền ra xin nhập học. Sau hơn 3 tháng “sôi kinh, nấu nghiệm” Vượng có bằng chứng nhận tốt nghiệp của cả hai nơi: nuôi trồng nấm xuất khẩu và nuôi gà thả vườn!
Trở về thấy việc trồng nấm xuất khẩu ở quê đầu ra đì đẹt, vợ chồng Vượng mạnh dạn đầu tư vốn nuôi gà thả vườn. Ở Viện chăn nuôi, họ chỉ nuôi gà công nghiệp. Vượng thấy người dân quê mình chẳng ưa gì thứ gà đó, bởi thịt không hợp khẩu vị, giá lại rẻ bằng nửa “gà ta”, nên anh quyết định nuôi gà cỏ tức “gà ta”. Lứa đầu vợ chồng anh nuôi thí điểm 100 con. Sau 3 tháng rưỡi, nhờ chăm sóc, phòng bệnh “đúng sách”, vợ chồng anh xuất chuồng được gần 200kg gà thịt. Lứa ấy xuất chuồng đúng dịp Tết gà thịt lên tới 45-50 ngàn đồng một kg, vợ chồng anh thu về hơn 8 triệu đồng (thời giá năm 2001). Khởi đầu thuận lợi, sang năm mới, lứa thứ hai Vượng nuôi một lèo 819 con gà giống. Sau 4 tháng con bé nhất cũng đạt 1,2kg, con lớn đạt 3,5kg, còn lại sàn sàn ở mức 2,3kg. Vợ chồng Vượng xuất rỉ rả trong 3 ngày hơn 1 tấn gà thịt, thu vào xấp xỉ 24 triệu đồng. Cứ thế xuất gọn lứa gà này, vợ chồng Vượng lại nuôi ngay lứa gà khác. Mỗi năm, ngoài thu nhập ở đồng ruộng, vườn tược, vợ chồng anh nuôi được 3 lứa gà, thu vào khoảng 25 – 30 triệu đồng (thời giá năm 2002). Tiếng lành đồn xa, đã có hàng trăm lượt người tìm đến nhà vợ chồng anh tham quan học cách chăn nuôi. UBND huyện cũng chỉ đạo cho Hội nông dân, hội CCB huyện mời anh về tận các xã phổ biến cách nuôi gà thả vườn.
Tôi và ông Nguyễn Viết Đức Chủ tịch CCB huyện đã vài lần đến thăm, lấy tư liệu để viết bài về ông, nhưng xô bồ bao nhiêu công chuyện nên cứ lần lữa mãi vẫn chưa viết được. Tôi không ngờ sự trễ nải của mình đã bị trả giá. Bây giờ ở Nghi Xuân, nuôi gà thả vườn đã trở thành chuyện bình thường và xã Xuân Viên đang trên đường tiến lên xây dựng “nông thôn mới kiểu mẫu”, nhưng thật ân hận khi tôi viết bài này, ông Hoàng Văn Vượng đã an nhiên “về” với miền mây trắng. Chỉ có điều an ủi làm tôi nguôi ngoai đi phần nào lỗi lầm của mình là nhiều người dân ở đây vẫn nhắc cái “sự kiện” những năm thập niên 1980 thế kỷ trước của vợ chồng ông đã dấy lên một phong trào nuôi gà thả vườn rộng khắp. Ngày ấy, riêng xã Xuân Viên quê ông đã có hơn 50 gia đình và tính cả huyện thì đã có gần 500 gia đình làm theo mô hình nuôi gà thả vườn thành công. Hoàng Văn Vượng đã mặc nhiên trở thành người đi tiên phong, là chuyên gia nuôi gà thả vườn của huyện Nghi Xuân…
“Đất lành chim đậu”, Hoàng Văn Vượng đã tìm về chiến trường xưa nơi đã gắn bó suốt thời tuổi trẻ của mình. Miền đất Hồng Lĩnh cưu mang, tình người Nghi Xuân chân thật. Mang nặng tình đất, tình người, vợ chồng ông đã trăn trở đem trí tuệ, đổ mồ hôi tìm cách làm giàu cho mình, cho mọi người, cho quê hương mới; góp phần cùng người dân quê hương “cô gái Lam Hồng” biến vùng đất đạn bom thành đất lành, thành quê hương thứ hai yêu quý của mình!
N.X.D
Mây chiều (ảnh Đặng Thiện Chân)