27-01-2020 - 10:40

Bút ký TRÊN ĐỈNH TRỜI MÙA XUÂN của Nguyễn Xuân Diệu

NGUYỄN XUÂN DIỆU                                       

 

                                TRÊN ĐỈNH TRỜI MÙA XUÂN

                                                                                                       Bút ký

 

       Một sáng cuối năm mưa dăng trắng trời. Chúng tôi rời Bộ Tư lệnh sư đoàn phòng không B77 lên trạm rada trên Đồi RaDa. Theo anh em kể thì ngọn đồi này có tên, nhưng có lẽ do bảo đảm bí mật quân sự hay vì ngọn đồi đặt rada nên gọi thế lâu thành quen. Xe chúng tôi xuyên mưa mà đi. Tiết trời Cam Ranh dịp này se se lạnh, hao hao giống tiết trời mùa xuân đất Bắc. Vượt cầu Long Hổ, nhìn qua kính xe, ảo mờ trong những đám mây mưa sũng nước đang sà xuống đỉnh đồi là thấp thoáng những dàn ăng ten rada đang từ từ quay, tung cánh sóng kiểm soát bầu trời. Trung tá Nguyễn Văn Đại, trợ lý tuyên huấn, quê ở thị trấn Hương Khê nói với tôi:

-      Anh lên đận này gặp nhiều đồng hương Hà Tĩnh mình đấy. Phải chuẩn bị tinh thần mà trả lời anh em về quê hương đi. Cán bộ, chiến sĩ trên trạm hầu như huyện nào của Hà Tĩnh mình cũng có anh ạ.

       Nghe thế, tôi mừng lắm, tủm tỉm cười một mình. Xe chạy đến chân đồi, bắt đầu rồ máy để leo lên dốc, bỗng một chiến sĩ mặc áo mưa ngồi trong lùm cây ven đường đột ngột đứng dậy, giơ tay lên vành mũ chào. Thấy lạ, tôi quay sang trung tá Đại:

-     Trạm ra đa cũng có vọng gác dưới chân đồi à? Gác xách gì mà chả có súng ống thế hả anh Đại?

        Nguyễn Văn Đại mỉm cười:

-     Rồi các anh sẽ biết thôi. Đây không có trạm gác đâu. Đồng chí ấy là “trợ lý tiếp phẩm” của trạm đấy!

        Tôi tròn xoe mắt. Lại còn thế nữa! Trong quân đội ta có rất nhiều chức danh trợ lý, nhưng cái chức trợ lý tiếp phẩm thì mấy chục năm làm anh nhà báo Quân khu, đi khắp các đơn vị, quả tôi chưa thấy bao giờ! Nghĩ thì nghĩ thế, nhưng tôi không tiện hỏi. Thôi thì hẵng để thế xem sao!

        Chiếc U oát chở chúng tôi là xe đời mới, còn mới mà phải ì ạch lắm mới leo được lên con đường trải bê tông phẳng lì. Trung tá Trần Xuân Cường quê Kỳ Anh, Chính trị viên trạm, dẫn chúng tôi vào nhà chỉ huy trạm. Căn nhà được xây dựng khang trang, nhưng nơi làm việc lại chìm sâu vào lòng đất như những căn hầm của sở chỉ huy thời chiến tranh. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là doanh trại đơn vị hết sức quy củ, sạch sẽ, ngăn nắp. Dọc theo đường lên trạm, đường đi trong trạm, những khẩu hiệu “Vinh quang thay người chiến sĩ bảo vệ bầu trời” được viết trang trọng bằng chữ vàng trên nền đỏ thắm, như nhắc nhở mọi người làm tròn sứ mệnh của mình. Trong nhà, những dãy ba lô, chăn màn gấp vuông góc, các loại súng bộ binh đặt trên giá thẳng tắp. Thiếu tá Trạm trưởng Lê Minh Thắng tâm sự:

-      Các anh thấy đấy, gọi là trạm nhưng quân số đơn vị lên đến hơn một đại đội. Cán bộ, chiến sĩ hầu hết còn rất trẻ, đang ở tuổi thanh niên. Quê quán anh em từ Bắc đến Nam đủ cả, nhưng nhiều nhất là người hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Anh là người Hà Tĩnh phải không? Chẳng phải “nịnh” anh đâu, nhưng thật lòng thì lính hai tỉnh này nổi tiếng vừa thông minh vừa cần cù, chịu khó. Là một đơn vị kỹ thuật, tiếp xúc với khí tài hiện đại để quản lý bầu trời, nên càng cần những phẩm chất đó của người lính lắm!

       Theo chân Thiếu tá Trạm trưởng, chúng tôi vào đài 12 đang phát sóng. Giữa cái lạnh cuối đông trên đỉnh trời Cam Ranh này mà trong buồng máy hơi nóng phả ra hầm hập, cứ như đang ngồi giữa rốn gió Lào mùa hè nơi quê nhà. Trong buồng máy tối om, hai chiến sĩ, một Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp, một trung sĩ, quân phục chỉnh tề, mồ hôi ướt cả lưng áo đang dán mắt vào màn hình tròn xoay. Tiếng máy nổ chát chúa, đinh tai, nhức óc. Tôi phải hét vào tai người lính mang quân hàm trung sĩ:

-      Mỗi phiên các đồng chí trực mấy giờ?

-      Báo cáo: hai giờ ạ! – Người lính cũng nói như hét vào tai tôi.

-      Vất vả thế này, có được bồi dưỡng gì không?

-     Báo cáo: có ạ! Những năm trước mỗi tháng bọn em được bồi dưỡng thêm 50 ngàn đồng. Bây giờ thì hơn ạ!

        Câu chuyện trao đổi của chúng tôi liên tục bị cắt vụn bởi tiếng chuông điện thoại trong buồng máy réo rắt, thông báo mục tiêu. Chỉ mấy phút trong buồng máy chật chội, tối đen, nóng hầm hập, mắt dán vào màn hình tròn xoay cùng vệt quét màu đỏ và tiếng máy nổ chẳng khác gì lấy búa sắt nện liên hồi vào chiếc kẻng đặt ngay sát lỗ tai, ra khỏi buồng máy, ai cũng như say sóng, người chống chếnh, đi chân nam đá chân chiêu. Anh bạn nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, một người chưa bao giờ làm lính, hít hà:

-     Vất vả quá! Thật tôi không thể tưởng tượng nổi. Đúng họ là bộ đội vì nhân dân quên mình!

       Phải mất mấy phút đứng yên, chúng tôi mới lấy lại được thăng bằng. Vừa bước đi được mấy bước, những đám mây mưa không biết lẩn quất từ đâu chợt bay đến dăng mờ cả đỉnh đồi. Thoáng chốc, nhưng dàn ăng ten rada, cây cối, nhà cửa, mặt người cứ nhập nhòa như thật, như ảo, chỉ còn tiếng máy nổ rền rĩ là có thật. Rồi đám mây lại tan biến đi đột ngột, chỉ còn lãng đãng như khói sương. Tôi nhìn ra xa bốn hướng chân đồi, chỉ thấy khoảng xanh, khoảng trắng của cây cối, của biển, của cát tít tắp, mênh mông. Đến những con sóng uốn lượn xô vào bờ, gần lắm mà vẫn bị tiếng máy nổ át đi, trông như những làn sóng câm!

       Biết tôi là đồng hương Hà Tĩnh, Trung úy Đài trưởng Hoàng Tâm An vừa ra khỏi buồng máy 13 đã chạy đến, cầm chặt tay tôi, rối rít:

-     Anh người Nghi Xuân phải không? Gặp được đồng hương ở trên đỉnh trời này em mừng lắm. Đã đành ở đây đồng hương Hà Tĩnh cũng nhiều, nhưng đó là người…ở đây. Đã đành ngày nay có điện thoại thông minh, gặp được người thân thật dễ dàng, nhưng gặp được đồng hương bằng da, bằng thịt từ quê choa vô, lại là chuyện khác. Phải không anh?

        Thấy cách nói Hà Tĩnh quá, tôi gật:

-      Các cậu ở đây làm việc trong máy vất vả thì mình rõ rồi. Nhưng cuộc sống, sinh hoạt nó ra sao?

-       Cũng vất vả như nhau cả thôi anh ạ. Nhưng đó là “chuyện thường ngày của lính” mà anh. Cánh lính Hà Tĩnh chúng em ở đây, ở đơn vị không có hội đồng hương, nhưng chúng em nhất trí bầu anh Trần Xuân Cường làm đương kim chủ tịch. Bầu bán theo luật bất thành văn mà anh! Chúng em vẫn tự động viên nhau, mình là người Hà Tĩnh phải làm sao xứng đáng là người Hà Tĩnh, xứng đáng là anh bộ đội Cụ Hồ! Phải biết phát huy truyền thống quê hương, không được vô ý thức kỷ luật, đàn đúm rượu chè bê tha, quyết tâm làm một người lính tốt. Anh thấy đấy, ngọn đồi này nằm gần biển, nên thấy nó cao chót vót. Nghe anh em cũ kể lại, ngày trước, cái khoản chở nước, gùi nước dưới chân đồi lên cho anh em sinh hoạt là nỗi lo canh cánh của cán bộ, chỉ huy đơn vị. Ngày ấy nước ngọt trên trạm chẳng khác gì ngoài đảo. Mà với lính trạm, ngoài việc tắm, giặt còn phải lau chùi máy móc, nên nước đã thiếu, càng thiếu.

        Dừng lại một lúc, An nhỏ nhẹ:

-      Em kể cho anh chuyện này, chuyện lâu rồi, nghe để mà biết thôi. Một lần Đại tá Hải, em quên mất họ, hình như là Nguyễn Đình Hải, Chủ nhiệm Chính trị quân chủng đến thăm trạm. Ông hết sức bất ngờ thấy anh em chiến sĩ, lúc đi ngủ không có nước rửa chân, phải lấy bao ni lon bọc hai bàn chân lại kẻo đất hay cái “mùi tất” lan sang cả chăn chiếu. Thấy thế, thương anh em quá, ông Đại tá  bật khóc. Nghe mà xót lòng lắm anh ạ. Giờ thì khác rồi! Trạm đã có nước sạch lên tận nơi cho anh em thoải mái dùng.

       Đang vui chuyện với An thì Thiếu úy Hồ Văn Ngọc quản lý trạm đi đến. An nháy mắt cho tôi:

-     Tay này quê Đức Lạc, Đức Thọ đấy. Làm quản lý nhưng cái cách trồng trỉa rau ria hắn lấy kinh nghiệm từ vùng quê Đức Lạc của hắn mang vô, nên tươi tốt lắm. Rau của trạm chúng em mấy năm nay không những ăn thoải mái mà còn cấp cho trạm 11 ngoài Trường Sa nữa. Anh cứ “phỏng vấn” hắn là ra vấn đề đấy!

        “Được lời như cởi tấm lòng”, tôi quay ngay sang Ngọc. Cậu ta cười rung rinh:

-     Chuyện đâu có đó anh đồng hương ơi! Để em dẫn đồng hương ra vườn rau tăng gia của trạm “mục sở thị”. Rồi tà tà em kể đồng hương nghe!

        Ra tới vườn rau, Ngọc khoát một vòng tay:

-      Đất đồi này toàn đất cát hạt to. Loại cát hạt to này mưa xuống không giữ được nước đâu, hết mưa là khô như…cát! Nên đất trồng rau chúng em phải tổ chức cho bộ đội tranh thủ ngày chủ nhật phát động anh em gùi từ các chân ruộng tít dưới chân đồi lên đấy. Chưa tính xúc đất, chỉ tính việc đi xuống rồi trèo lên đã mất đứt 30 phút lận. Lại phải rào cho kỹ bằng lưới sắt, cành cây, bao bì xác rắn để chống lũ thỏ rừng vào phá rau. Thỏ rừng, gà rừng, kỳ nhông ở đây vô thiên lủng. Thi thoảng bọn em vẫn bẫy để cải thiện.

         Dừng một lúc, Ngọc lại rủ rỉ:

-      Quả thật, anh em chúng tôi sống ở đây chẳng khác chi ngoài đảo. Ở đảo xa dân hơn, vắng vẻ hơn. Nhưng như thế, suy cho cùng lại có cái hay của xa dân, bởi với lính trẻ, chỉ ít ngày là nỗi nhớ nó vơi dần đi, nguôi ngoai đi. Còn ở đây, chỉ cần nhìn xuống chân đồi là “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” rồi. Đồi dốc cao thăm thắm các “bóng hồng” có muốn lên thăm đến chân dốc phải để xe lại, cuốc bộ lên nên cũng ngại. Ai có bạn gái đành chấp nhận “nấu cháo điện thoại”, nhắn tin hay hôn gió người yêu qua zalo thôi. Nhất là ban đêm, dưới chân mình là vô thiên lủng đèn màu nhấp nháy, rồi xe chạy trên đường trông cứ như những dòng sông ánh sáng.  Ai gặp trường hợp ấy mà chẳng xao xuyến trong lòng. Nhớ quê lắm! Cũng may là đồng đội ở đây cùng quê Hà Tĩnh nhiều, gặp nhau chuyện trò như ngô rang  nên cũng đỡ nhớ phần nào…!

        Nghe Ngọc kể tôi chợt thấy có cái gì đó cay cay nơi khóe mắt. Thấy chúng tôi chuyện trò rôm rả quá, cũng vừa tới giờ nghỉ trưa, anh em ồn ào chạy đến. Thì ra anh em ở đây biết rất rõ về sự đổi thay của quê nhà. Cả chuyện huyện nào đạt chuẩn nông thông mới đầu tiên của tỉnh, họ cũng kể vanh vách. Ai cũng hớn hở mừng cho quê hương đang đổi mới từng ngày. Ai cũng mừng nói với tôi Tết này chắc Hà Tĩnh mình ăn Tết vui lắm. Người hỏi về chuyện xây dựng nông thôn mới, kẻ hỏi về con đường một chiều ven biển đang mở và cầu Cửa Hội bao giờ thì thông xe? Nhìn gương mặt bừng sáng của các chiến sĩ, tôi mỉm cười hỏi cái điều mình chợt nhớ:

 -     Khi đến dưới chân đồi tôi nghe trung tá Đại nói trạm ta có chức danh trợ lý tiếp phẩm. Sao lại có cái chức danh hay vậy?

        Trung tá Trần Xuân Cường cười lớn:

-      Ở đây anh em họ gọi vui thế thôi. Là thế này anh ạ. Trạm chúng tôi ở trên cao, đường lên trạm các anh thấy đấy cứ là dốc đứng. Chiến sĩ tiếp phẩm thì ngày nào cũng phải đi…tiếp phẩm. Mà xe tiếp phẩm thường chỉ là “không chuông, không phanh, không gác đờ bu”. Vậy nên khi xuống dốc phải có một người đi đằng sau giúp người tiếp phẩm kéo xe lại cho khỏi trôi. Xuống hết dốc, người ấy ở lại chờ để khi tiếp phẩm về, phụ đẩy xe lên, chứ lúc đó xe chở toàn rau quả, cá thịt, mắm muối…nặng nề thế, dốc lại cao một mình tiếp phẩm đẩy lên sao nổi. Thế nên bọn tôi gọi đùa người lính ấy là “trợ lý tiếp phẩm” đấy anh ạ.

        Anh em ồ lên cười mà lòng tôi thì rưng rưng. Thì ra đến cái chức danh người lính tếu táo đặt cho nhau cũng gợi cho người nghe một niềm vui rất lính, để cho vơi đi sự gian khó. Sẵn đà, tôi hỏi vui:

-     Vậy chứ Tết nhất năm nay anh em Hà Tĩnh mình có ai nhớ nhà, nhớ người yêu, mà khóc nhè hay say bí tỉ không đấy?

        Một chiến sĩ mang quân hàm hạ sĩ, nói giọng đặc sệt Can Lộc, tự giới thiệu mình tên là Trần Văn Trung quê gốc xã Song Lộc, trả lời rất nghiêm túc:

-     Báo cáo anh: khóc thì có đấy, nhưng say thì tuyệt đối không. Đối với người lính rada chúng em, tối kỵ cái anh rượu chè, bia bọt. Chỉ tơ lơ mơ một tích tắc thôi là để lọt mục tiêu, là bị kẻ thù làm vấy bẩn, thậm chí giết chết mùa xuân. Với lại – cậu ta hóm hỉnh – chúng tôi là lính phòng không nên ở gần ông trời, khác chi lính nhà trời. Gần gũi thế, Ngọc Hoàng Thượng đế mà thấy mình say, ông sai Tề thiên Đại thánh đến, thì chết cả lũ!

Trên đỉnh trời mùa xuân (ảnh Phạm Chiến)

         Tiếng cười ấm cả làn mây trên đỉnh đồi. Tự nhiên một “sàn diễn” được hình thành ngay dưới hàng cây trứng cá, trúc anh đào đang đơm hoa, do Trung tá Trần Xuân Cường trực tiếp làm “em xi”. Có ai đó nhanh chân chạy vào phòng Hồ Chí Minh lấy ra cây đàn ghi ta trao tận tay cho Xuân Cường. Thôi thì những bài hát nào hay nhất của Hà Tĩnh được anh em đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca hết sức say sưa, nhộn nhịp. Từ “Cô gái sông La’, “Mời anh về Hà Tĩnh”, đến “Điệu ví giặm là em”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Hà Tĩnh mình thương”, “Đưa anh về Hà Tĩnh”…Rồi chẳng ai bảo ai, khi nghe Xuân Cường “chát xình” dạo khúc đầu, mọi người đồng thanh ưỡn ngực hát vang “Đi mô rồi cũng nhớ về Hả Tĩnh”. Tiếng hát bay vút lên bồng bềnh trong những làn mây đang bất chợt bay lên từ biển, nghe xao xuyến lạ lùng…

                                                     *

       Xế chiều, chúng tôi trở về Bộ Tư lệnh sư đoàn. Cán bộ, chiến sĩ trạm rada ùa đến bắt tay tạm biệt. Khi anh em trở về sân bóng, những người lính Hà Tĩnh còn đứng lại vây quanh, bịn rịn chia tay chúng tôi. Trần Xuân Cường vẫy tay. Một chiến sĩ ôm một cành mai vàng rực, chạy đến tươi cười trao cho tôi. Tiếng Xuân Cường ấm áp trong tiếng gió đang rào rạt thổi về từ biển:

-     Anh cho chúng tôi, những người lính canh giữ bầu trời, canh giữ mùa xuân trên đỉnh trời Cam Ranh này gửi một chút mùa xuân về quê hương. Chúng tôi xin hứa với quê hương mỗi người lính Hà Tĩnh sẽ làm tròn sứ mệnh của người lính, mãi mãi xứng đáng là Anh bộ đội Cụ Hồ, mãi xứng đáng là những đứa con của quê hương Hà Tĩnh yêu thương!

        Chúng tôi “xuống núi”. Sương chiều bay bảng lảng. Hai bên đường xuống trạm, trời ơi, một rừng hoa mai vàng như đang cháy rừng rực làm ấm cả chiều cuối đông lạnh giá. Bồng bềnh trong sương là những dàn ăng ten rada vẫn lặng lẽ, cần mẫn tung cánh sóng kiểm soát bầu trời mùa xuân. Nơi ấy những người lính phòng không, những người lính Hà Tĩnh đang lặng thầm trong gian khó, hy sinh để canh giữ bình yên cho mùa xuân, cho bầu trời Tổ quốc!

                                                                                       Tháng 12-2019

                                                                                               N.X. D

  

 

      

   

. . . . .
Loading the player...