21-10-2021 - 08:52

Bút ký Vị Phó chỉ huy trên công trường Thủy nông Linh Cảm ngày ấy của Phan Thế Cải

Với sự khiêm tốn lặng lẽ, ít bộc lộ về mình, đồng chí Nguyễn Hoàng Trạch, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khóa XIII, XIV đã có một thời oanh liệt, đem tuổi xuân cống hiến cho sự nghiệp thủy lợi tỉnh nhà. Đặc biệt, sau khi rời ghế Trường đại học thủy lợi, ông đã được cấp trên giao nhiệm vụ làm Phó chỉ huy xây dựng Công trình thủy nông Linh Cảm. Đồng chí đã từ trần Vào hồi 7 giờ 6 phút ngày 18/10/2021 ( tức ngày 13/9 năm Tân Sửu ), hưởng thọ 83 tuổi. Văn nghệ Hà Tĩnh xin giới thiệu bài viết của tác giả Phan Thế Cải như một nén tâm hương tiễn biệt đồng chí.

Những thử thách đầu tiên:
Tôi biết ông Nguyễn Hoàng Trạch từ thời ông làm giám đốc thủy lợi Nghệ Tĩnh. Khác với nhiều vị lãnh đạo, ông Trạch không hùng biện khi diễn thuyết trước nghị trường, nhưng người ta vẫn nể trọng ông ở chữ Tâm làm người, và chữ Nhẫn trong công việc. Đằng sau chữ Nhẫn ấy, Nguyễn Hoàng Trạch còn tạo cho mình một sự say mê, sáng tạo trong từng hoàn cảnh khác nhau và tự đi lên bằng chính mình. Ông thường nói ít và không bao giờ thái quá, khi mình chưa tin. Đây cũng là một đặc điểm riêng của ông mà tôi thu thập được qua những bạn bè thân hữu cùng thời công tác với ông.
Câu chuyện mà tôi ghi lại hôm nay, xuất phát từ một buổi tâm sự rất tình cờ cởi mở của anh Lê Quang Úy, một con người biết tôn trọng lịch sử, biết tôn vinh các bậc hiền tài. Ông Úy bảo tôi: “ Nếu không có trạm bơm Linh Cảm thì dân ba huyện phía Bắc Hà Tĩnh hôm nay làm gì có chuyện dư lúa, thừa ngô được. Không tạc bia đúc tượng, nhưng nhân dân suốt đời đội ơn ba vị Trần Quang Đạt, Đinh Sĩ Nam và Nguyễn Hoàng Trạch. Ông Đạt chỉ đạo tầm xa, còn ông Nam, ông Trạch chỉ huy trực tiếp tại công trường”. Đây là ba nhân chứng và sự kiện, ba pho tư liệu quý cho những bậc hậu sinh khai thác những dòng lịch sử thủy lợi,  buổi đầu phôi thai của Hà Tĩnh.
Để hiểu thêm chuyện xây dựng công trình Thủy nông Linh Cảm của ông Nguyễn Hoàng Trạch, tôi đã tìm đến gặp lại ông tại nhà riêng. Chị Khiêm, vợ ông khá lịch lãm và niềm nở pha trà ngon mời tôi uống. Đang mặc quần áo cộc và cuốc đất, tưới rau sau vườn, ông Trạch bước vào  lấy khăn lau mồ hôi trán, và mời tôi lên gác hai trò chuyện. Một chi tiết khá thú vị cho tôi, khi thấy trên bàn cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh, sắp xếp ngay ngắn từng cuốn sách về khoa học thủy lợi, bên cạnh những cuốn sách về chính trị và văn học nghệ thuật. Ông Trạch nhỏ nhẹ bảo tôi “Mình không phải mệnh Thủy, nhưng nghề thủy lợi đã ăn sâu vào máu thịt mình rồi. Cậu biết đấy, tóc mình sớm bạc cũng vì đau đáu làm sao có đủ nước bạc, để dân đủ cày, đủ cấy quanh năm ”. Câu nói khiến tôi lặng người đi trong giây lát, rồi tiếp tục nghe ông kể về những dòng ký ức xanh trong cuộc đời mình.
Ngày ấy, ông Nguyễn Hoàng Trạch mới 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp hệ chính quy Trường đại học thủy lợi Hà Nội, năm 1963 ông được cấp trên phân về tỉnh Hà Tĩnh công tác. Được về lại mảnh đất mà nơi mình sinh thành, ông Trạch vừa vui vừa lo. Vui vì được gần cha mẹ và người thân, lại sống quen thuộc với tập quán người Hà Tĩnh. Lo vì làm thủy lợi trên mãnh đất khắc nghiệt này không dễ.
Lúc đó, gặp chàng thanh niên trẻ đầy mơ mộng, ông Trần Quang Đạt, giám đốc Ty thủy lợi Hà Tĩnh nói: “ Vừa có sức khỏe, lại được đào tạo chính quy, số người như cậu ở đây hiếm lắm. Vì vậy cậu phải có niềm tin ở chính mình để không ngừng phấn đấu”. Ông Đạt còn đọc lại cho chàng thanh niên Trạch nghe mấy câu thơ, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết “Làng tôi nghèo, mái lá nhà tre/ Gió bấc thổi vào gốc rạ/ Làng tôi nghèo, bão mưa tơi tả/ Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi”. Rồi ông Đạt chùng giọng bảo: “Dân xứ Nghệ mình nghèo thế. Nghèo vì hạn hán, nghèo vì bão lụt liên miên. Cái nghèo đó đã được nhà thơ nói hộ rồi. Cậu cũng sinh ra từ núm ruột nghèo đói đó đi lên, nên bây giờ cậu phải giúp dân làm được công trình thủy lợi, để có nước sản xuất lúa khoai”. Gặp nhau chỉ trong khoảnh khắc thời gian “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” vẫn neo mãi bóng hình vị chỉ huy thủy lợi Trần Quang Đạt, rất đỗi giản dị gần gũi, tràn đầy khát vọng  sự nghiệp cách mạng “xóa đói, giảm nghèo” cho quê hương.
Thế là chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hoàng Trạch đã đi ngược chiều mùa hè ngun ngút nắng. Xung quanh ông, gió Lào từng đợt đuổi theo như táp lửa vào mặt. Ông nhìn xuống dòng sông La vẫn xanh rười rười, ẩn trong màu xanh vô cùng ấy, đang giao thoa bao ý nghĩa giữa sông và người.
Công trình xây dựng Trạm bơm Linh Cảm, mới làm lễ khởi công chưa đầy ba tháng. Bây giờ là cả một núi công việc đang dồn lên đôi vai chàng kỷ sư trẻ. Mục tiêu đặt ra trong lúc này là đào móng, phấn đấu trong ba tháng  phải đào được 3,5 vạn mét khối đất, đá xây lát 14 vạn mét khối, đúc 1,8 vạn mét khối bê tông, để bước sang năm 1964 công trình Trạm bơm Linh Cảm có thể vận hành và đưa nước lên kênh được. Trong tay Nguyễn Hoàng Trạch lúc này, chỉ có một bản vẽ thiết kế của Bộ thủy lợi. Chủ đồ án thiết kế là Phạm Đình Hòe và Nguyễn Xuân Lâm, cả hai vị kỹ sư tài năng này đều được đào tạo công phu từ Nga về. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cả ông Lâm và ông Hòe đều là người con quê hương Đức Thọ. Mọi việc thành công của công trình thủy lợi dù lớn hay nhỏ, đều phải đầu từ quy trình thiết kế.
Để có một công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung, khi Trung ương dốc lòng đầu tư cho Hà Tĩnh như Trạm bơm Linh Cảm, không biết bao nhiêu đêm ông Phạm Đình Hòe và ông Nguyễn Xuân Lâm đã chong mắt trắng đêm dưới ngọn đèn. Đằng sau đó còn có bộ phận chỉ huy, giám sát thẩm định bản thiết kế như đại tá Lê Tính (Viện trưởng Viện thiết kế quân đội) ông Vũ Khắc Mẫn, một kỹ sư thâm niên nhà nghề từ hồi Pháp thuộc. Rồi đến thứ trưởng Đào Trọng Kim, phụ trách duyệt nội dung trước lúc khởi công. Người được giao đọc, nghiên cứu và thực thi nghiêm túc bản thiết kế này là chàng kỷ sư trẻ Nguyễn Hoàng Trạch.

  Nước bạc cơm vàng từ trạm bơm Linh Cảm 
       Ảnh : P.T.C

Ăn gió nằm sương trên công trường: 
Ông Nguyễn Hoàng Trạch kể : Đây là thời kỳ gian khổ nhất, nhưng cũng là thời kỳ vàng son nhất  của cuộc đời mình. Bởi khí thế xây dựng công trình Trạm bơm Linh Cảm đã trở thành hành động cách mạng mới của toàn dân. Không chỉ có ông Trần Quang Đạt làm “vị tư lệnh tầm xa”, ông Đinh Sĩ Nam hồi ấy làm Bí thư huyện ủy Đức Thọ, được tỉnh điều về làm chỉ  huy trưởng công trình. Cứ mỗi tuần ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư tỉnh ủy và ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch UBND tỉnh lại đến trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công trạm bơm một lượt. Ông Trạch bảo: “Tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta hồi ấy, mình có ba điều phục: Phục kiến thức thực tiễn rất phong phú, Phục ý chí tiến công mãnh liệt, Phục miệng nói, tay làm và tai lắng nghe”. 
Những ngày ấy, ông cảm thấy mình và mọi người quanh mình đều như cỗ máy hoạt động vượt quá công suất, nhiều lúc ai cũng mệt phờ người nhưng tất cả đều cảm thấy hào hứng và tự hào. Ông Đinh Sĩ Nam bảo với ông Trạch: “Cậu cần bao nhiêu quân, huy động bao nhiêu vật tư, thiết bị lên kế hoạch cụ thể là mình đáp ứng kịp thời”. Giữa lời nói và hành động của ông Đinh Sĩ Nam, cứ răm rắp như người lính bước vào hàng quân, không trễ ngày, trễ tháng.
Mỗi sáng mai thức dậy, công trình xây dựng trạm bơm Linh Cảm lại dâng lên những sóng người tay cuốc, tay ven, xe cải tiến, xe ben chở đất hối hả. Lẫn trong màu nón trắng nhấp nhô ấy là đôi mắt xanh của người con gái sông La, người con gái sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu với nụ cười ánh lên trong trẻo, đẹp lạ thường. Rồi bao nhiêu chàng trai từ làng Trung Lương, đến Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Sơn.. đều đổ về đây. Họ dốc hết sức lực và nhiệt tình tuổi xuân, để nhanh chóng đưa bản thiết kế công trình trên giấy sớm trở thành hiện thực  dưới chân đồi này, cạnh bến nước Tam Soa, dáng đứng  một trạm bơm sừng sững.
 Mỗi ngày trên công trường rộn tiếng ca,  là mỗi ngày tuổi trẻ đã hãnh tiến trước ngọn cờ đỏ chói lọi của chi đoàn mình, tổ đội mình, đơn vị mình  với những năng suất lao động  gấp hai, gấp ba lần so với dự định. Ông Trạch tâm sự: “ Máy  phát điện chạy suốt ngày suốt đêm, tôi cùng với 10 cán bộ kỹ thuật thay nhau bám công trình quên ngày, quên tháng. Lúc đầu tóc tốt, cứ tự lấy kéo cắt cho nhau và sướng nhất sau mỗi chiều mặt trời lặn được tắm nước sông La”. Để tiện làm việc gần công trường, ông Trạch và mấy anh em xin nghỉ nhờ tại nhà bác Hạnh. Nhà bác Hạnh vốn dĩ là dân nghèo, nhưng tính tình rất cởi mở. Nấu một nồi nước chè xanh hay nồi khoai lang đầu mùa, cũng mời cán bộ thưởng thức. Tình cảm chân thành và bóng hình vợ chồng bác Hạnh thỉnh thoảng những giấc mơ đẹp lại hiện về trong tâm trí ông. Ông Trạch còn nhớ cả Cửa hàng giải khát huyện Đức Thọ,  lúc bấy giờ là nơi phục vụ ăn uống cho những cán bộ, công nhân, người lao động  tham gia xây dựng công trình Trạm bơm Linh Cảm. Chao ôi! mỗi sáng được điểm tâm những chiếc bánh mì hay  bánh sắn,  các chị phục vụ đưa tới tận tay. Nghĩ đến bây giờ vẫn thấy ngon và thèm,  khát cái sức khỏe ở vòng đời tuổi xuân hơ hớ. Ông Nguyễn Hoàng Trạch bộc bạch: “Chiến dịch xây dựng  trạm bơm Linh Cảm ngày ấy là cú thử thách đầu tiên trong cuộc đời. Chính niềm đam mê và khát vọng được cống hiến đã giúp tôi trưởng thành, không chỉ về nghề nghiệp mà còn trưởng thành cả nhân cách làm một người tử tế nữa.”
Sau khi thành công giai đoạn đầu của công việc đào chân móng, kỹ sư Nguyễn Hoàng Trạch tiếp tục hướng dẫn anh em thực hiện giai đoạn hai: đổ bê tông, lắp máy và xây dựng hệ thống điện. Thời gian này, Bộ thủy lợi đã bổ sung cho Ban thi công, Công trình trạm bơm Linh Cảm, số lượng 40 cán bộ kỹ thuật và  chuyên viên nữa. Người được phân công làm đội trưởng của đạo quân này, là ông Vũ Huy Cầu. Theo tính toán và  đề xuất của kỹ sư Nguyễn Hoàng Trạch, lập tức Bộ thủy lợi đưa vào các nhóm thợ mộc, thợ sắt, thợ nề có trình độ và tay nghề cao. Mỗi nhóm thợ số lượng 10 người. Khi đã có nhân lực, dĩ nhiên phải có vật lực, thế là mọi công việc như chuẩn bị cát, sỏi, xi măng, cốt pha lúc này Ban chỉ huy công trường phải lên kế hoạch và lịch trình rất khoa học. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Trạch đã bàn với ông Đinh Sĩ Nam, thành lập ngay một trạm cung ứng vật tư tại khu vực gần chợ Hạ. Bởi địa điểm này, thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư kịp thời theo tiến độ thời gian thi công. Tại trạm này, ngoài cán bộ nhân viên coi giữ vật liệu cẩn thận, còn có một tổ kiểm tra nghiêm túc, giám sát rất kỹ từng hạt cát, viên sỏi đến thanh gỗ làm vật dụng cốt pha. Nếu khối cát nào bị dính tạp chất, đều đưa ra sàng lọc lại, thanh thép nào han rỉ lập tức rời khỏi đội hình.
Ông Nguyễn Hoàng Trạch bật mí thêm cho tôi hay: Ngoài bộ khung làm việc thường ngày, Ban chỉ huy tiếp tục đi về cơ sở  tuyển  chọn thêm những người thợ giỏi để phục vụ cho công việc xây dựng trạm bơm. Đợt tuyển thêm đó, chọn  được 30 thợ rèn Trung Lương, làm công việc uốn thép, làm khung dầm, 50 thợ mộc Thái Yên làm cốt pha. Ngoài ra bổ sung thêm khoảng vài trăm thợ xây, phụ nề ở hai xã Đức Trường và Đức Thủy. Nhắc đến đây, tôi bỗng thấy đôi mắt ông sáng lên và trải lòng mình với quá khứ: 
“ Có được công trình xuyên suốt thế kỷ như Trạm bơm Linh Cảm, tôi nhận thức ra một điều sâu sắc rằng: “ Thành tích của tôi còn nhỏ bé lắm, thành tích nhân dân mới vĩ đại hơn nhiều. Họ vừa có sức khỏe,  lại vừa có bàn tay vàng. Cái hay của thời khó khăn và gian khổ ấy là huy động được nguồn lực tại chỗ”. Một kỷ niệm sâu đậm trong ông, đó là ba ngày ba đêm ông cùng tổ cán bộ kỹ thuật điều hành và giám sát đổ bê tông công trình. Ba đêm ròng rã  kỹ sư Nguyễn Hoàng Trạch, cùng tập thể thức trắng, ba ngày gói cơm nắm ăn tại hiện trường, và quần áo nhầy nhụa mồ hôi, bùn non và bụi vẫn  không kịp giặt giũ. 
Đến tháng 3 năm 1964, công việc xây dựng công trình Trạm bơm Linh Cảm, theo đồ án thiết kế kỹ thuật, cơ bản đã hoàn thành. Tầng Một của trạm bơm, đã bắt đầu bước sang giai đoạn lắp đặt máy. Vào mùa hè  năm 1964, hai chiếc máy đầu tiên chạy thử tưới 900 héc ta đồng ruộng Đức Thọ, lấp loáng dòng nước bạc giữa tiến reo vui vỡ trời,  dậy đất của nhân dân.  Ông Đinh Sĩ Nam ghé tai nói với Nguyễn Hoàng Trạch “ Thế là ta đã thực sự làm được việc lợi lớn cho dân rồi!” 

 

                                                                     Phan Thế Cải 
  

. . . . .
Loading the player...