12-10-2023 - 07:49

Bút ký HỒ KẺ GỖ - MỘT KỲ TÍCH CỦA TUỔI TRẺ của Tác giả TRẦN ĐĂNG ĐÀN

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Bút ký HỒ KẺ GỖ - MỘT KỲ TÍCH CỦA TUỔI TRẺ của Tác giả TRẦN ĐĂNG ĐÀN

TRẦN ĐĂNG ĐÀN

HỒ KẺ GỖ - MỘT KỲ TÍCH CỦA TUỔI TRẺ

                                                                    Bút ký

Tôi trở lại Kẻ Gỗ vào một ngày nắng hạ, chợt nhận ra một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ngày này cách đây vừa đúng 66 năm (15/6/1957), khi về thăm Thành Sen, Bác Hồ kính yêu đã nhắc nhở lãnh đạo Hà Tĩnh cần lục lại và nghiên cứu hồ sơ của hồ Kẻ Gỗ. Đó là hồ sơ về công trình thủy lợi mà người Pháp đã khảo sát xây dựng từ những năm 1932 đến 1934 và bắt đầu tiến hành thi công năm 1936. Nhưng rồi công trình vừa mới khởi công thì phải dừng lại vì cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.

Năm 1958 khi miền Bắc sôi nổi bước vào thời kỳ phát triển kinh tế một cách có kế hoạch, Viện Thiết kế thủy lợi đã cùng Hà Tĩnh nghiên cứu kỹ hồ sơ hồ Kẻ Gỗ. Nhưng do hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, phải dốc sức người sức của để thực hiện nhiệm vụ chính trị lịch sử, quyết tâm xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, nên cũng phải đợi đến 13 năm sau công trình mới được Quốc hội Khóa IV nhiệm kỳ 1971-1975 chính thức thông qua.

Để chuẩn bị cho việc thi công hồ Kẻ Gỗ, ngay từ tháng 6 năm 1974, Hà Tĩnh đã thành lập hai Công ty Xây dựng thủy lợi, huy động trên 6.000 cán bộ và Thanh niên xung phong lao động cải tạo lòng hồ, làm đường giao thông, xây dựng kho tàng bến bãi. Chỉ trong vòng 6 tháng miệt mài không kể ngày đêm, hơn 24 ngàn mét vuông kho tàng bến bãi và 20 km đường giao thông đã được hoàn thành. Ngày 26 tháng 3 năm 1976, công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ chính thức được khởi công, lúc đầu dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm, sau rút xuống 6 năm. Nhưng rồi chỉ 3 năm, cũng đúng ngày 26 tháng 3 năm 1979, công trình đã được khánh thành trong niềm vui vô bờ của nhân dân và tuổi trẻ Hà Tĩnh.

Tôi đứng trên đập chính của hồ Kẻ Gỗ hôm nay với bao xúc cảm và suy nghĩ. Ba năm (từ 1976-1979) tổng cộng là 1095 ngày đêm với biết bao tiền của, công sức mồ hôi, cả nước mắt và máu nữa của con người đã đào đắp hơn 10 triệu mét khối đất đá, 90 nghìn mét khối bê tông, 1.800 tấn sắt thép, 96 nghìn mét khối đá lát, hơn 1200 tấn thiết bị cơ khí để làm nên công trình thủy lợi lớn gồm một đập chính có chiều dai 970m, độ cao 37,4m và ba đập phụ, ba tràn xả lũ, một cống lấy nước và hệ thống kênh mương lớn nhỏ, tạo ra một hồ nước khổng lồ có chiều dài gần 30km, nơi rộng nhất gần 3km, diện tích lưu vực của hồ là 223km2, dung tích hữu ích 345 triệu mét khối nước, với độ sâu trung bình xấp xỉ 20m, nơi sâu nhất gần 40m, dư sức điều tiết và tưới tiêu hơp lý cho ruộng đồng các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh.

Có thể nói công trình hồ Kẻ Gỗ là một kỳ tích của tuổi trẻ, kỳ tích của Hà Tĩnh Nghệ Tĩnh được khánh thành đúng vào ngày thành lập Đoàn TNCS 26 tháng 3. Đó là cột mốc thời gian lịch sử rất đáng tự hào của tuổi trẻ Việt Nam.

Giờ đây miền Kẻ Gỗ không còn là nơi khô cằn đá sỏi như xưa nữa mà thực sự đã trở thành một vùng non nước cảnh quan sơn thủy hữu tình. Đứng trên cao con đập chính của hồ, nhìn xuôi về phía dưới kia là cách đồng bằng phẳng đã quy hoạch, những con đường làng thẳng tắp, những ngôi nhà thấp thoáng trong từng mảnh vườn được chỉnh trang sạch đẹp. Năm 2020, Cẩm Mỹ được công nhận là xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Quả đúng như người đời vẫn thường ví von “đất lành chim đậu”.

Bây giờ đến tham quan hồ Kẻ Gỗ ta sẽ được chiêm ngưỡng đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, một điểm nhấn du lịch tâm linh đầy sức hấp dẫn được xây dựng từ năm 2011 và khánh thành vào đầu năm 2014, tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ giữa lòng hồ, có cây cầu hình cánh cung nối từ bờ ra. Đứng bên này hồ phóng tầm mắt nhìn sang bên kia là dải Giăng Màn trùng điệp. Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây gỗ quý hiếm như lim xanh, sến mật, song mật, lát hoa, vàng tâm, trầm hương, côm bạch mã, chùm bao Trung Bộ... Đến nay tại khu bảo tồn này đã phát hiện được hơn 364 loài đông vật có xương sống thuộc 99 họ, 18 trong tổng số 47 loài thú được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, đặc biệt có loài gà lôi đuôi trắng đặc hữu đang có nguy cơ tuyệt chủng là đáng báo động. Rừng Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của nhiều loài hoa phong lan như quế hương, tai trâu, tai tượng, đuôi chồn, nghinh xuân, phượng vĩ…

Tháng trước tôi cùng mấy anh chị em văn nghệ sỹ Hà Tĩnh du thuyền trên hồ Kẻ Gỗ. Đó là một chuyến đi với những trải nghiệm thật thú vị sau nhiều lần lỡ hẹn. Ngồi trên thuyền máy nhẹ lướt theo hướng ngược nguồn Rào Cái trong lao xao sóng gió rười rượi, tôi có cảm giác như mình đang ở vịnh biển Hạ Long, một Hạ Long với trời xanh, nước xanh, rừng xanh cùng rất nhiều hòn đảo và bán đảo trên đất liền do nước hồ dâng lên tạo thành của Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ còn làm ta không khỏi ngạc nhiên trầm trồ bởi một đường viền màu vàng mỡ gà của đất vòng quanh ven bờ. Đó là nét tự họa tài hoa của thiên nhiên, đánh dấu mực nước dao động của lòng hồ khi mùa nước dâng nước hạ. Có một lúc thuyền chậm lại rẽ vào khúc khe thuộc Rào Len, đưa chúng tôi ghé vào khu đồi thấp thoai thoải để được thỏa thích ngắm và chụp ảnh lưu niệm với rừng cây sang (có nơi gọi là cây săng hoặc cây săng mòi) mọc tự nhiên mà đều tăm tắp như thể được bàn tay con người chăm sóc trồng tỉa vậy. Rồi chúng tôi quay trở lại lòng hồ tiêp tục tiến sâu vào phía thượng ngàn. Tôi nhìn thấy phía mờ xa trên bán đảo ven bờ thấp thoáng lá cờ đỏ. Nhà báo Trần Vũ Thìn là cán bộ lâu năm làm việc ở Đài phát thanh và truyền hình Hà Tĩnh nói với chúng tôi: “Chỗ đó là đền thờ các liệt sỹ. Chúng ta đang di chuyển trên vùng Đá Bạc nơi có rất nhiều chứng tích lịch sử oanh liệt. Nơi đây ngày xưa là con đường 22 chạy qua, có sân bay dã chiến Li Bi, khu doanh trại của bộ đội, công nhân quốc phòng và đơn vị TNXP nữa. Đường 22 được hoàn thành cuối năm 1970 có tổng chiều dài 65 km từ ngã ba Thình Thình thuộc Thạch Điền đi qua Kẻ Gỗ và nhiều xã miền núi Kỳ Anh vào tận Tuyên Hóa (Quảng Bình). Hiện nay có khoảng 25 km đường 22 nằm sâu dưới lòng hồ Kẻ Gỗ. Sân bay dã chiến Li Bi gắn với tuyến đường 22 được xây dựng từ khoảng cuối năm 1972 đến đầu năm 1973. Gọi là sân bay Li Bi vì nó nằm ở khu vực hạ lưu của khe Li Bi chảy từ trong rừng ra. Khi sân bay đã cơ bản hoàn thành thì bọn Mỹ phát hiện và dùng máy bay B52 ném bom rải thảm, vì thế chưa có chuyến bay nào kịp cất cánh từ sân bay này. Dưới lòng hồ hiện nay chắc là vẫn còn có nhiều ngôi mộ chưa quy tập được”.

Kể từ khi bắt đầu mở đường 22 rồi làm sân bay Li Bi đến khi kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại (1966-1973), có biết bao xương máu đã đổ xuống nơi đây bởi bom đạn của đế quốc Mỹ. Điển hình là trận bom ngày 2 tháng 9 năm 1968 trên tuyến đường 22 khiến gần 60 chiến sỹ bộ đội và TNXP đã ngã xuống. Đặc biệt trước khi hiệp định Pa ri đựơc ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 thì rạng sáng ngày 7 tháng 1 năm 1973, giặc Mỹ đã điên cuồng trút một trận bom B52 xuống sân bay Li Bi làm 135 người hy sinh. Để ghi nhớ công ơn và tưởng niệm linh hồn các liệt sỹ, lúc đầu một số người tự phát cùng nhau xây miếu nhỏ để vọng thờ. Năm 2011 chính quyền và nhân dân địa phương đã dựng lên một cái am, sau đó vận động kêu gọi lòng hảo tâm, quyên góp xây đền thờ. Đến nay khuôn viên đền thờ mới khang trang đang gần hoàn thiện. Chúng tôi vào dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ, lòng bồi hồi xúc động, cảm thấy như có gì chưa trọn với những người đã khuất.

Gần nửa thế kỷ qua đi nhưng khi vào mùa nước hồ rút xuống, hình ảnh những đoạn dài của con đường 22 và nơi giao cắt với đường băng sân bay Li Bi, cùng những hố bom chằng chịt mang chứng tích những trận bom B52 của giặc Mỹ vẫn còn hiện ra rõ rệt. Và đâu đó trong lòng Kẻ Gỗ còn vương những thịt da xương cốt hay phần mộ  liệt sỹ chưa kịp quy tập hoặc không thể quy tập, thì xin kính cẩn nguyện cầu cho linh hồn các anh chị được vĩnh hằng siêu thoát, phù hộ độ trì cho gia đình hạnh phúc, quốc thái dân yên.

Nhà văn Pháp nổi tiếng ở thế kỷ 19  Marie Henri Beyle được biết đến với bút danh Stendhal từng nói: “Ai chưa từng đau khổ thì không thể hiểu thế nào là hạnh phúc”. Về với Kẻ Gỗ hôm nay chúng ta càng thấm thía những giá trị của niềm vui cuộc sống mới mà cháu con được thừa hưởng chính là nhờ các thế hệ cha anh đã phải đổi lấy bằng biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt và máu xương. Trong lao xao sóng gió như nghe âm vang giai điệu khúc ca tuổi thanh xuân của một thời và mãi mãi. Miên man bên mạn du thuyền, lòng tôi thầm nghĩ, có con đường hạnh phúc nào mà không từng phải đi qua những miền đau!

                                                                                                         T.Đ.Đ

Một thoáng Hồ Kẻ Gỗ (ảnh: Nguyễn Thanh Hải)

. . . . .
Loading the player...