17-06-2022 - 07:32

Bút ký VŨ QUANG- MÙA TRÀ MY VÀNG của Tác giả Nguyễn Ngọc Vượng

Văn nghệ Hà Tĩnh xin giới thiệu Bút ký VŨ QUANG- MÙA TRÀ MY VÀNG của Tác giả Nguyễn Ngọc Vượng đăng trên tạp chí Hồng Lĩnh số đặc biệt ( tháng 5,6/2022 ).

nguyễn ngọc vượng

vũ quang - mùa trà my vàng!

                                                                                                           Bút ký

Vũ Quang ôm trọn hết thảy lưu vực Ngàn Trươi, con sông từ thủa bắt đầu được thai nghén trong lòng mẹ Giăng Màn đã như thể muốn đạp tung cả nóc nhà Trường Sơn ruổi theo người tình trong mộng Ngàn Sâu mà hò hẹn cùng nhau ở chốn Cửa Rào cho tang bồng thỏa chí! Những cuộc truy hoan của cặp thủy tình này bao giờ cũng cuốn theo cuồng phong mưa bão, gây ra những cơn lũ lụt kinh hoàng! Vậy nhưng, khi cơn khát ái ân đã mãn nguyện thì sông nước lại yên bình và đẹp đến mê lòng!

Ngàn Trươi là thế đó, đã yêu thì cháy bỏng hết mình, đã thương thì chảy đến kiệt cùng dòng trôi!

Là mạch nguồn của một vùng địa chính trị đầy trầm tích lịch sử, nên chăng Ngàn Trươi đã tạo ra sự khác biệt bởi những giá trị mang nét đặc thù về quê hương, đất nước, con người Vũ Quang mà không thể nơi nào có được.

Trước hết, ngược Ngàn Trươi vào mùa này ta có thể gặp muôn loài hoa rừng khoe sắc lộng lẫy như hoa Móng bò đỏ quạch, chất phác và khỏe khoắn như những gã lực điền; hoa Lan lọng vàng thẫm như những chiếc lọng của Chúa rừng treo lơ lửng trên đầu sơn khách; hoa Cẩm cù vàng sáng có hình dạng y hệt những chùm đèn lồng nơi khuê các; hoa Đoạn trường thảo hay còn gọi là hoa lá ngón với biệt danh “vẻ đẹp chết người” khoe vàng rực rỡ, nhưng ẩn chứa bao câu chuyện tình kì bí đầy nước mắt oan ai!; hoa Côm nước trắng và mộng mơ tựa làn da sơn nữ đang tuổi dậy thì uốn mình gội đầu bên mép suối... đặc biệt là hoa Trà my vàng ủ mùi hương thơm dìu dịu với vẻ đẹp đài trang và lộng lẫy tựa nàng công chúa chốn rừng xanh bị vua cha hắt hủi.

Đúng là “Trà mi hoa vàng” đã xuất hiện ở Vũ Quang từ lâu nhưng ít ai nhắc tới, chỉ đến khi các nhà khoa học bất ngờ phát hiện trong một chuyến thực địa tại Vườn quốc gia Vũ Quang với 2 loài quý hiếm là “Trà mi Camellia vuquangensis” còn gọi là Trà my Vũ Quang  và “ Trà mi Camellia hatinhensis” còn gọi là Trà my Hà Tĩnh đều được mô tả chi tiết, và được công bố trên tạp chí quốc tế khoa học chuyên ngành Korean Journal of Plant Taxonomy vào năm 2018 đã khiến cả Đông Nam Á phải bất ngờ. Bởi, ngoài sắc hương đệ nhất , 2 loài Trà my này còn được xếp vào nhóm những loài thực vật có nhiều giá trị về dược liệu, cần được nhân giống và bảo tồn.

Khi đã đến bến Đền- bến đợi cuối cùng hồ Ngàn Trươi là ta đã đặt chân tới bãi đất đỏ, một phần chứng tích còn sót lại chứng kiến những dấu chân thiên di đầu tiên của đồng bào miền xuôi và từ bản Na Ca Đốc (Lào) đến đây dựng nghiệp vào nửa thế kỷ trước, thành lập nên bản Kim Quang.

Bây giờ thì người dân bản Kim Quang đã nhường lại vườn tược đất đai, nhà cửa của mình cho Đại công trình thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang, để tiếp tục cuộc hành trình mới đến khu tái định cư Hương Thọ và bắt tay vào cuộc cách mạng xây dựng phong trào nông thôn mới trên vùng quê mới. 

Tôi từng tới bản Kim Quang nhiều lần trước khi chưa xây dựng “Công trình thế kỉ” Ngàn Trươi- Cẩm Trang. Dĩ nhiên khi trở lại đây dù bản làng không còn nữa nhưng tâm trạng tôi chợt thoáng chạnh lòng, bởi bao nỗi nhớ miên man ở nơi quê nghèo cố bản ấy cứ thế bất giác hiện về! Biết rằng, chỉ đổi lấy một chút buồn của riêng cá nhân tôi là niềm vui của cả dân tộc và là niềm kiêu hãnh của bao thế hệ con người Vũ Quang.

Bỏ lại mặt hồ Ngàn Trươi với diện tích mặt nước hơn 4.000 ha cùng hơn 30 hòn đảo lớn nhỏ như “biển bồng lai” giữa miền tục thế, ta tiếp tục đi về hướng mặt trời lặn khoảng 8 km nữa, trèo lên núi Rào Cỏ giữa hệ thống dãy Giăng Màn của Trường Sơn kì vĩ, chính là căn cứ địa nghĩa quân Phan Đình Phùng, hay còn gọi là “Thành cụ Phan” mà vái vọng linh hồn của các tướng sĩ đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước để vĩnh viễn nằm lại nơi sơn cùng, thủy tận này! 

Thành cụ Phan rộng khoảng hơn 2 km2 được bao bọc bởi những vách đá tự nhiên gần như dựng đứng; các lán trại trong thành được xây dựng trong 2 năm, từ 1887 đến 1889 với vật liệu chủ yếu là cây lá trong rừng nên đã phong hóa theo thời gian, nay không còn dấu tích gì để lại.

Kẹp lại cả ngọn Rào Cỏ là 3 con suối Sà Vách, Và Rền và Cà Tỏ, chính là những nguồn mạch đầu tiên tạo thành con sông Ngàn Trươi,  và là nhân chứng lịch sử về giai đoạn 10 năm chống Pháp của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Chính tại nơi đây chí sĩ Phan Đình Phùng đã cảm tác những vần thơ đầy nghĩa khí sau một trận chiến thắng giặc trở về doanh trại: “Non rất cao, mà núi rất xanh - Núi xanh linh hiểm giúp cho mình”. 

Căn cứ nghĩa quân Phan Đình Phùng tuy nằm sâu giữa rừng núi hiểm trở, nhưng với tầm ảnh hưởng lớn đã trở thành “Thủ đô kháng chiến chống Pháp” của đồng bào miền Trung trong suốt cuối thế kỉ thứ XIX, từ 1885 đến 1895. 

Trước khi trèo lên Thành Phan Đình Phùng khoảng chừng 2km men theo tuyến độc đạo ngoằn nghèo, chúng ta tranh thủ dừng chân nghỉ ngơi và dâng hương tại “Nhà bia tưởng niệm Phan Đình Phùng và nghĩa quân”, còn gọi là “Miếu thờ cụ Phan”.  Lịch sử đã nhắc đến vùng đất này như “Đôi mắt chim ưng” nơi cửa ngõ Đông tiền tiêu của căn cứ địa nghĩa quân Phan Đình Phùng.

Ngay lối vào Miếu thờ còn có hai cây cổ thụ sừng sững đứng đối xứng nhau, cao chọc trời, tỏa cành lá sum suê, có hình dạng y hệt hai chiếc lọng rừng khổng lồ, bốn mùa rợp bóng. Từ xưa, dân sơn tràng truyền miệng nhau rằng, linh hồn của hai vị tướng Phan Đình Phùng và Cao Thắng nhập vào hai cây cổ thụ này nên không một ai dám đụng rìu tới.

Có lẽ cũng một phần vì lí đó nên những cánh thợ sơn tràng thường chọn nơi này để hạ lán trại, phòng tránh giông ngàn, sấm núi và các loài thú dữ.

Ngôi Miếu được xây dựng từ năm 2002 với khuôn viên nhỏ và đơn sơ. Trong Miếu chỉ có một lư hương ở giữa và một tấm “Bia kỷ niệm khởi nghĩa Hương Khê và chiến thắng Vũ Quang”. Nội dung trên tấm bia do Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm biên soạn,  một mặt khắc Việt ngữ, một mặt khắc Pháp ngữ, ghi lại những chiến công oanh liệt và đức hy sinh to lớn của tướng sĩ Phan Đình Phùng.

Mặc dù hiện nay Miếu thờ này đã được tôn tạo khá rộng, thoáng, có trường rào xây quanh, nhưng thế vẫn chưa xứng với tầm với giá trị lịch sử của nó.

Không những Thành và Mếu thờ cụ Phan là những điểm nhấn giữa đại ngàn, Vườn Quốc gia Vũ Quang với diện tích 57.000 ha còn ôm trọn lấy cả phần lòng hồ Ngàn Trươi và hàng trăm kiệt tác thiên nhiên độc đáo như: Thác Thang Đày cao hơn 40 mét, tựa hồ dải mây trắng buông xuống đại ngàn; khe Rào Rồng dài hơn 20km, nước trong như mắt ngọc, uốn lượn quanh co chín khúc qua những vách núi cheo leo trước khi xòe cái vây thần phủ phục dưới lưỡi gươm báu của chủ tướng Phan Đình Phùng, rồi ngoan ngoãn hòa vào sông Ngàn Trươi dâng hiến phù sa đời. Tương truyền các tướng sĩ nghĩa quân Phan Đình Phùng khi bắt đầu dựng nghiệp đã cắt máu hòa vào nước khe Rào Rồng uống chung để hội thề giết giặc; bãi đá Tù Kì bằng phẳng rộng cả trăm mét vuông là nơi bàn việc quân của tướng lĩnh Phan Đình Phùng...

Vườn Quốc gia Vũ Quang là di sản thiên nhiên quý hiếm bậc nhất của Việt Nam nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực với vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn,  xen kẽ giữa Vườn Quốc gia Pù Mát ở phía Bắc và Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ở phía Nam. 

Đồng thời còn có chức năng nhiệm vụ bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn,  góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ, bảo đảm an ninh môi trường tự nhiên bền vững của các tỉnh Bắc Trung Bộ; phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái.  Vì thế Vườn Quốc gia Vũ Quang hội tụ đầy đủ các tiêu chí trước khi được Hiệp hội Vườn di sản ASEAN (AHP) công nhận “Vườn Di sản ASEAN” vào năm  2019.

Sau một chuyến đi thưởng ngoạn ở thượng nguồn Ngàn Trươi, ta trở lại thị trấn Vũ Quang khi mặt trời bắt đầu chếch xuống dãy Giăng Màn. Gió từ Cửa Rào thổi lên nhè nhẹ, vừa đủ hôn lên làn môi thơ ngây của những cô gái phố núi vừa đến độ đôi mươi mà lần đầu ta có may mắn được bắt gặp.

Không thể đợi lâu hơn được nữa,  nguồn cảm hứng đó đã sai khiến ta trèo lên 227 bậc đá cao ngất  trên núi Độông Voi  ngay bên vách đường mòn Hồ Chí Minh, ở trung tâm thị trấn Vũ Quang, tham quan Khu tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa quân. 

Đây là công trình văn hóa lịch sử in dấu tâm linh, thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn của nhân dân Vũ Quang đối với chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng và nghĩa quân được xây dựng trong khuôn viên rộng 3,8ha, gồm cụm tượng Phan Đình Phùng và 2 nghĩa sỹ Cần Vương cao 7,3 m; chân tượng khắc họa hình ảnh đại ngàn đều được đúc bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa; 1 bức phù điêu rộng 156m2, mô tả lại công tác hậu cần và chiến đấu của nghĩa quân trong trận “Sa năng úng thủy” cùng 10 phiến đá mặt có chạm khắc, 35 khối điêu khắc trang trí và 2 lư hương lớn. 

Đứng trên tượng đài nhìn xuống ta có thể quan sát thấy gần như hết thảy thị trấn Vũ Quang và cả miền hạ du Ngàn Trươi rộng lớn. Xa hút phía cuối dòng hợp lưu của cặp tình nhân đầy lãng mạn Ngàn Trươi và Ngàn Sâu là Ân Phú, quê hương của cố nhà thơ Cù Huy Cận. Sinh thời, có lẽ thi sĩ họ Cù quá bị ám ảnh bởi tính khí thất thường của con sông quê gắn với những chuyến đò kinh hoàng đầy phiêu lưu mạo hiểm nơi vực Ác, vực Trùng Liềng mỗi khi mưa lũ ập đến! Để rồi dù đi xa, những hình ảnh đó vẫn luôn can thiệp vào cuộc đời của ông như một phần tự sự qua tác phẩm Tràng Giang bất hủ!

Ân Phú nói riêng và huyện Vũ Quang nói chung từng là một huyện nghèo từng nằm trong nhóm huyện miền núi đặc biệt khó khăn của cả nước, được hưởng chính sách 30B, thuộc Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững được Chính phủ tài trợ.

Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực phấn đấu không hề mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Vũ Quang đã nhanh chóng thoát nghèo và trở thành huyện miền núi biên giới đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên trên cả nước.

Không thể so sánh sự khập khiễng  của Vũ Quang  từ ngày đầu huyện được thành lập vào năm 2000 so với hiện tại bây giờ. Song để trải qua một chặng đường “nước rút” gần 22 năm qua thì bộ mặt của Vũ Quang đã hầu như khác biệt hoàn toàn. Cái được của Vũ Quang phải kể đến trước mắt là hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch xây dựng với quy mô bài bản và đời sống vật chất tình thần của người dân.

Đặc biệt là sự ra đời của Công trình thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang với sức chứa gần 8 trăm triệu mét khối nước đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong việc điều tiết lũ, cung cấp nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt, điều hòa khí hậu...tạo đòn bẫy cho phát triển công, nông nghiệp, du lịch dịch vụ, nuôi trồng thủy sản... đánh thức tiềm năng vốn ngủ quên từ bao đời của vùng đất đồi núi ba- zan phát huy thế mạnh của các loại cây ăn quả như cam, bưởi, hồng... kết hợp nuôi ong lấy mật, chăn nuôi... trở thành mũi nhọn kinh tế với các mô hình vườn và trang trại điển hình, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xây dựng quê hương Vũ Quang ngày một đẹp giàu.

Về cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông, điện lưới, hệ thống viễn thông, y tế và nhà cửa từng là nỗi ám ảnh khủng khiếp, mà tôi đã được chứng trên chính Vũ Quang từ ngày đầu thành lập huyện.

Hồi đó, cùng một người bạn ở thành phố Hà Tĩnh biết tin huyện Vũ Quang mới thành lập còn thiếu cán bộ, nên chúng tôi bàn nhau muốn thử sức một chuyến xin về đây làm việc, để được trải nghiệm cuộc sống ở vùng miền núi xa.

Nhiều lần chúng tôi đã chở nhau bằng phương tiện xe máy lên huyện mới để tìm hiểu. Thời đó chưa có đường mòn Hồ Chí Minh xuyên suốt qua trục ngang địa bàn thuận tiện như bây giờ; đường từ chợ Bộng lên Hương Đại còn lổm chổm đất đá mà dốc đèo quanh co;  đường đất nhỏ  ngoằn nghèo  từ Phúc Đồng sang Hương Minh, Hương Đại không đủ rộng cho một  luồng xe ô tô mùa mưa thì lầy lội rất dễ bị trơn trượt rơi xuống vực. 

Đã thế, ngay giữa trung tâm huyện ngày ấy chỉ có 1 chiếc máy điện thoại bàn ở điểm bưu điện, mà mạng lại chập chà, chập chờn thường xuyên, nên nhiều lúc muốn gọi điện thoại về nhà có khi cả ngày cũng không nối được liên lạc; muốn nghỉ ngơi hay ăn uống gì thì phải mắc võng dưới bụi cây, pha tạm gói mỳ tôm cho qua bữa, bởi tuyệt nhiên không có bất  kì một nhà nghỉ, quán ăn nào.

Đúng là ở ngay giữa huyện lị Vũ Quang mà cứ ngỡ như những kẻ bị lưu đày nơi biệt xứ. Nên sau vài tháng đi lại, chúng tôi bàn nhau quyết định từ bỏ giấc mộng “tây kha”.

Cũng thời đó, trụ sở làm việc của các cơ quan huyện đều tạm bợ, nhà dân hầu hết là tranh tre sơ sài, hộ nào khá giả lắm mới có vài ba gian nhà gỗ lợp ngói; trẻ em đến trường cách trở khó khăn; ốm đau không có điều kiện được chăm sóc y tế đầy đủ...

Thời gian chưa lâu, chỉ  chưa đầy một phần tư thế kỉ vụt qua, Vũ Quang đã trở thành biểu tượng của 3 cuộc  cách mạng vĩ đại. Đó là cuộc cách mạng “Xóa nhà tranh tre dột nát”; cuộc cách mạng “Xóa đói giảm nghèo bền vững” và cuộc cách mạng “Phong trào xây dựng nông thôn mới”.

Ba cuộc cách mạng này đã đưa Vũ Quang trở thành một điểm sáng chói lọi trên bầu trời miền núi của cả nước với  diện mạo của đơn vị hành chính trẻ có sự hội tụ đầy đủ những tiềm năng về công nghiệp hiện đại, nông nghiệp tiên tiến, trung tâm nghiên cứu khoa học  và du lịch sinh thái... là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, các nhà khoa học và du khách muôn phương.

Đó cũng là nền móng vững chắc để Vũ Quang tiếp tục chinh phục những thành tịu mới, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn xa hơn trong tương lai.

Đúng là con người Vũ Quang từ bao đời xưa vẫn hồn nhiên chất phác và đặc biệt mến khách. Dù trong tiềm thức của tôi vẫn có cảm giác còn mắc nợ với hình bóng của một người thiếu phụ gánh nước dưới bến Ngàn Trươi, khi người thiếu phụ đó chưa kịp nở nụ cười trên khuôn mặt trái xoan đã vội bị gió Lào thổi khô môi của hơn hai mươi năm về trước!

Vậy nhưng, giờ đây đang tận mắt nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt bao người ở xứ này, mà cứ ngỡ như cả một rừng Trà my vàng Vũ Quang đang đua nở!

                                                                  Trại viết Vũ Quang 7/5/2022

                                                                                                N.N.V

Trầm tích Vũ Quang (tranh: Nguyễn Hoàng Khai)

. . . . .
Loading the player...