19-02-2024 - 01:47

Chân dung Nhà văn

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn (209+210) năm 2024 trân trọng giới thiệu chân dung Nhà văn vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam 2023

PHẠM SONG HÀ (SONG HÀ)

  • Sinh ngày: 11 - 12 - 1974
  • Quê quán: Thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh
  • Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh
  • Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2023)
  • Các tác phẩm đã xuất bản: Giấc mơ không có con dế nhỏ (in chung,1997). Nghe Boy Già kể chuyện đời (Nxb Hồng Đức, 2015). Nhật ký XYZ (Nxb Dân trí, 2016). Trúng số (Nxb Lao động, 2017). Những chuyện bựa thời sinh viên (Nxb Lao động, 2018). Ngoại tình (Nxb Phụ nữ, 2018). Ranh con tên Ly (Nxb Lao động, 2019). Biến tấu đời thường (Nxb Thanh niên, 2023).
  • Giải Nhất Tác phẩm Tuổi xanh, báo Tiền phong năm 1996.

 

 

PHẠM SONG HÀ

 

 

 

 

 

 

 

Ly dị                          

 

                       

 

           

 

                              Truyện ngắn

 

 

 

Hôm nay Chủ nhật. Đã thành cái nếp, hắn luôn coi Chủ nhật là một ngày đặc biệt. Sáng nay dậy sớm hơn mọi khi, hắn lui cui nhóm lò than tổ ong, đun một ấm nước sôi, luộc nồi khoai lang sắp lẫn mấy bắp ngô. Trong lúc ngồi chờ khoai chín, hắn lôi điện thoại ra đọc lại lần thứ 28 mẫu tin nhắn của vợ.

“Tôi báo cho anh biết, sáng mai đúng 8 giờ, có mặt tại tòa án thị xã để giải quyết việc ly hôn”.

Có mấy con chữ, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Mỗi lần đọc, hắn lại cố hình dung thêm thái độ và nét mặt của vợ lúc bấm lách cách dòng chữ này. Thị đã chuyển sang xưng “tôi” cho tăng thêm phần dửng dưng. Ấy là lòng thị đã hết vấn vương, hay cố tình tỏ ra lạnh lùng, dứt khoát như một cách để ngầm cho đối phương biết: bà đang dỗi đây, khôn hồn thì xuống nước nài nỉ may ra còn kịp?!

Khoai đã chín, vớt ngô ra trước cho ráo nước, đổ khoai ra cái rá nhựa, đoạn hắn quay ra thong thả pha ấm trà. Trời mùa thu lành lạnh. Ngồi vắt chân chữ ngũ uống trà, nhẩn nha ăn khoai, thi thoảng vớ cái điếu bắn một hơi rồi ngửa cổ từ từ nhả khói. Nhã thế không biết! Phải là người đi qua quá nhiều cay đắng và bầm dập của cuộc đời mới có thể đối diện với sự đổ vỡ nhẹ nhàng và điềm tĩnh đến vậy. Trong hắn, tình yêu đã chết. Một chút thương cảm còn lại đối với vợ cũng đang từ từ đội nón ra đi. Rất may, thị cũng từng đỏ mặt hét vào tai hắn “Tôi muốn giải thoát khỏi cuộc sống này!”. A ha! Nghĩa là chính thị cũng đã quá bế tắc và cảm thấy ngột ngạt với thằng chồng “mặt khi nào cũng cau có như khỉ ăn gừng” – lời thị. Thì hắn sẽ sẵn sàng giải thoát cho thị luôn.

Buổi chiều. Ngủ dậy, hắn lôi xe máy ra tra dầu xích, sửa soạn balo, rót chai nước chè hãy còn âm ấm để đi đường lỡ khát còn có cái mà uống. Nhà ngoại khá xa. Mỗi lần sang thăm con, hắn vẫn chạy xe máy băng qua những rừng keo không một bóng người. Kể từ ngày vợ con hắn ôm nhau về ngoại, tháng một lần hắn nhong nhong đi đi, về về bạc cả mặt chỉ vì nhớ con.

Gần xẩm tối mới mò được đến nơi. Em gái vợ chạy ra mở cổng. Hắn bỏ mũ bảo hiểm ra. Em gái vợ nhìn một lượt, vừa lủi nhanh vào nhà trong vừa lẩm bẩm “Tưởng ai…”. Bên trong ai đó đang quạt khói um lên. Thấy cái mông quen quen nhấp nhổm chìa ra, hắn nhận ra vợ. Thị đang nhóm bếp củi, chắc hầm nồi cháo cho con gái. Mẹ vợ nhặt rau bên cạnh ngước lên hỏi “Đi giữa nắng rứa à? Không đeo kính, đeo khẩu trang chi cả à?”. Hắn nói dạ, đàn ông sương gió cho nó quen. Chợt con gái nghe tiếng bố liền chạy ra hét toáng lên “Bố! Bố”. Mẹ vợ cười cười “Bố mi sang để mai ra tòa với mẹ mi đó!”. Con gái nhăn trán hỏi “Ra tòa là chi, bà?” Mẹ vợ giải thích “Là bỏ nhau”. Bố vợ thò cổ ra cằn nhằn “Bà cứ nói linh tinh. Con nít hắn hiểu chi mà nói linh tinh”.

Bữa cơm tối. Bố vợ lôi dưới gậm bàn lên bình rượu ngâm hoa thuốc phiện, nói ta mần chén hè. Rượu rót ra trong vắt, hoa thuốc phiện chắc đã ngâm đến lần thứ 186. Hắn ngửa cổ làm một tiếng “khà” rất sang và hào sảng. “Sáng mai răng đó?” Bố vợ đặt cái ly xuống bàn, hỏi bâng quơ. Câu này hắn tạm hiểu: bọn mày định làm thật à?

Thật ra bố vợ là người rất khó đoán. Hơn hai năm làm rể nhà này, hắn chịu chết không thể biết ông nghĩ gì về mình. Hắn đến, ông thò cổ ra hỏi “Đi mấy giờ mà đến sớm hè?”. Vui vui thì bàn chuyện bóng đá, nói thằng ni chuyển nhượng giá mấy triệu, mấy chục triệu đô mà đá như cứt. Đến bữa lôi bình rượu ngâm hoa thuốc phiện, chắt lần thứ 186 ra, nói “mần chén hè”. Hắn dắt xe chào về, nếu chưa lơ mơ ngủ gật sẽ thò đầu ra nói “Về à! Ừ về nha!”. Có rứa thôi, yêu hay ghét cũng chịu!

Vợ hắn cắn sật cọng rau muống luộc, nhóp nhép nhai ra ý câu giờ để xem hắn nói gì với ông nhạc. Nhìn thái độ của thị đến ghét, hắn đủng đỉnh “Thì nghe nói sáng mai ra tòa”. Mẹ vợ lấy đũa khuấy 6 vòng trong bát mắm tôm cho tan mì chính, xong đưa đũa lên môi hút cái “chụt”, bảo “Bọn bay đã suy nghĩ kỹ chưa đo?”. Vợ cúi mặt, gạt gạt hạt cơm vương bên mép, nói “Không cần phải suy với nghĩ nữa! Đây suy nghĩ lâu lắm rồi”. À, thị dùng chữ “đây” một cách rất tài tình cốt để đá câu trả lời sang hắn. Hắn bẽ mặt quá. Liếc sang thị, hắn thấy cái mặt thị thật đáng ghét. Giá không có bố mẹ và cô em vợ ở đây, hắn sẽ sửa soạn trong đầu thật kỹ để thở ra một câu khiến thị cứng họng vì uất. Được rồi, thích giải thoát ông sẽ cho giải thoát.

Ăn cơm xong hắn lấy cái tăm, cầm chén trà ra ngõ hút thuốc. Đi ngang phòng khách, nhìn lại khung ảnh cưới treo tít trên cao, một cảm giác ngao ngán xâm chiếm lòng hắn. Hắn nhớ như in bữa chụp ảnh cưới. Hôm ấy trời lạnh, gió thổi buốt người nhưng hắn rất vui. Chỉ sau ngày hôm nay thôi, đúng 1 tháng nữa sẽ là đám cưới. Từ khi quen nhau đến khi cưới chưa đầy 3 tháng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, hắn cũng lờ mờ nhận ra vợ hắn là một đứa ngang bướng và thực dụng. Mỗi khi giận dỗi, gân cổ thị nổi lên như cái dây chão, mắt thị gườm gườm, cánh mũi đỏ tấy và phập phồng liên tục. Nhưng hắn tặc lưỡi về làm vợ sẽ khác, mặc dù không biết sẽ khác như thế nào.

Đang miên man thì bố vợ ngậm tăm đi ra. “Rứa là bọn bay quyết rồi à?”, bố vợ nhổ toẹt ngụm nước xuống sân. Hắn bảo vâng. Thực ra, trong hắn đang có một sự chờ đợi. Chỉ cần bố mẹ vợ ngồi lại tỉ tê, xuống nước với hắn, hắn sẽ nghĩ lại. Không còn tình nhưng sẽ còn chút nghĩa, hắn sẽ vì con mà sống tiếp quãng đời còn lại với thị như một sự hy sinh. Hắn lấy vợ không phải vì tình. Chia tay mối tình sâu nặng với bạn gái, mang trong lòng vết thương đau nhói, hắn thề sẽ không bao giờ cần tình yêu nữa. Rồi hắn gặp thị. Sau vài ba lần hẹn hò, đi ăn và qua lại nhà nhau, một hôm hắn bảo “Cưới nhá?”. Thị im lặng 15 giây, vân vê vạt áo rồi gật.

Mẹ vợ cho mèo ăn xong, kéo cái bàn nhựa ra giữa sân, đặt ấm trà và mấy cái chén lên. Bố vợ hỏi lại lần nữa “Rứa là xong hết trong ngày mai à?”. Vợ ngồi xuống, mắt gườm gườm “Chỗ tòa án có người quen, mai chắc hắn giải quyết cho nhanh thôi”. Không khí vẫn bình thường như khi. Chợt mẹ vợ ngước lên hỏi “Nhân ơi! Chán con gái mẹ rồi à con?”.

Hắn cười ngượng ngịu. Chẳng lẽ lại bảo chán thì chán lâu rồi nhưng nếu nó không láo quá, không vênh cái mặt lên thách thức con thì cũng chưa đến mức phải ra tòa. Thấy hắn im lặng, bố quay sang hỏi con gái “Rứa mi lấy cái xe mô?”. À, vợ chồng hắn có 2 cái xe máy đi chung. Gớm, người chả tiếc, tiếc gì cái xe. Hắn nói “Đó, có hai cái xe đó. Thích lấy xe mô thì lấy!”. Vợ hắn bảo “Tôi lấy cái A bờ lết!” Tài sản chung coi như đã phân chia xong. Thực ra hãy còn mấy bộ nồi niêu, cái tivi 16 inch đời Tống, bộ bàn ghế gỗ từ đời ông bà hắn để lại và vài thứ lặt vặt khác, nhưng hắn biết thị không nhắc tới vì có chia ra thì cũng không đủ tiền thuê xe rước về.

Vậy là xong. Bây giờ ngủ một giấc, sáng mai dậy ra tòa ký cái roẹt là hắn trở về cái máng lợn, còn thị sẽ lãi ra được đứa con. Nhắc đến con hắn bỗng dưng đau nhói trong lòng.

Buổi sớm rủ bố vợ đi làm bát cháo lòng, cũng định để nói hết những gì còn cấn cái bấy lâu. Vào cái quán ngay gần dốc cây đa, gọi chai rượu gạo, hai cái bánh đa, đĩa lòng và mỗi người một bát cháo. Bố vợ nói công nhận quán ni mần ngon, vèo ngọt lừ, tiết canh cũng được lắm nhưng bố bị gút nên bác sỹ hắn khuyên không nên ăn linh tinh.

Chạm ly cái cạch, bố hỏi “Dạo ni mi có con mô chưa?” Hắn bảo chưa. Bố gật gù “Không lấy con ni thì lấy con khác. Hay là để bố giới thiệu cho đám ni hè! Có con nhà ni xinh gái lắm, dáng dấp được, cũng chỗ quen biết nhưng hơi ăn chơi. Không biết mi có theo nổi không!”.

Hắn hỏi đám mô đó bố. Bố vợ rung rung đùi nói, bố hắn hay đánh phỏm với tau. Ưng thì bựa mô sang đây tau đưa đi. Nghe kể dáng dấp ngon, hắn cũng ưng ưng cái bụng, bèn hỏi dạ, rứa hắn làm nghề chi bố? Nhai miếng dồi, ngắt cọng rau ngổ bỏ vào bát, bố vợ bảo “Ghi đề”. Đang gắp miếng vèo non, hắn bật cười rơi cả đũa. Ăn xong bố bảo, thôi về đi, mần mà đến tòa giải quyết cho xong.

8 giờ sáng. Hắn chở thị đến tòa án thị xã. Con gái níu lấy tay khóc đòi đi theo. Vợ hắn dỗ, con ngoan nha, bố mẹ đi chợ mua lát về ngay. Ở nhà đừng quấy bà nha con. Hôm nay thị bận quả quần vải trơn, áo sơ mi mỏng, trông cũng tương đối ưa nhìn. Trông thị không có vẻ gì của một người chuẩn bị ra tòa nhận quyết định ly hôn. Hắn cũng thế, đủng đỉnh như chĩnh trôi sông ra cái kiểu kệ mặc đời đến đâu thì đến.

Hắn sẽ không bao giờ quên nổi buổi sáng hôm đó. Chở vợ đi trên con đường rợp lá me xanh, gió vi vu trước mặt. Có cảm giác chỉ thiếu cái ôm eo nữa thôi là giống cặp tình nhân đang dạo phố. Vợ ngồi sau, cách ra một khúc vừa đủ chặn cái túi xách ở giữa.

Ngang qua cái quán chè cũ, nơi lần đầu tiên hai đứa hò hẹn, chợt hắn thấy nôn nao một cảm xúc rất lạ. Không hẳn là còn tình yêu, cũng không đến nỗi ghét bỏ kiểu muốn xúc đất đổ đi, nhưng trong lòng hắn có một nỗi mơ hồ nào đó. Hắn có vẻ chỉ chờ thị níu vai bảo dừng lại, dừng lại em nói cái này! Hắn sẽ vờ vịt nhíu mắt hỏi, cái gì đấy? Thèm ăn chè đỗ đen à? Thị sẽ ghé tai thì thầm “Hay quay về đi? Em và con gái không muốn mất anh”. Hắn đắn đo vài phút, rồi làm ra vẻ phân vân rồi tặc lưỡi “Về thì về”.

Nhưng bây giờ thì hắn và thị đã có mặt ở phòng thư ký tòa án. Cầm tờ giấy ghi đơn ly hôn, hắn quay sang hỏi thị “Ghi lý do gì đây?”. Thị chép miệng “Thì ghi đại đi, chồng đánh bạc, say rượu, bồ bịch lăng nhăng, đánh chửi vợ… chẳng hạn”. Hắn quảng bút gắt “Điên à? Tao đánh mày khi nào? Say rượu, đánh bạc khi nào?”. Thị cười khục khục trong cổ bảo “Cứ chọn một lý do để có cái cớ bỏ nhau là được, tùy anh chứ tôi biết răng được”

Suy nghĩ trong 5 giây, hắn cắm mặt nắn nót ghi lý do: đời sống vợ chồng không hạnh phúc; ở dưới ghi thêm dòng, đề nghị không hòa giải. Thư ký đọc lại biên bản xong, bảo hắn “Bây giờ anh qua chỗ cục thi hành án nộp 200 nghìn lệ phí rồi đợi 15 ngày sau đến lấy quyết định nha”. Nghe xong hắn lẩm bẩm “Rẻ thế”. Vợ hắn hỏi cái chi rẻ. Hắn bảo “Bỏ nhau rẻ, mất có 200 nghìn. Hèn gì bây giờ chúng nó thi nhau bỏ vợ”. Thị lườm cho cái, nói rẻ thì anh đi đóng tiền đi.

Ra bãi lấy xe, hắn bước chầm chầm trên sân tòa án để cảm nhận sự thay đổi. Vậy là hắn đã trở lại kiếp độc thân. Sẽ không nghe tiếng vợ léo nhéo gọi về ăn cơm. Không phải nhìn khuôn mặt khắc khổ, cạu cọ của vợ mỗi khi hỏi tiền đi chợ. Sẽ không còn những bữa cơm nghèo, bát canh nước rau muống luộc vắt chanh, đĩa rau và mấy miếng đậu phụ kho. Nhiều hôm vừa ăn hắn vừa nghĩ, không biết sẽ còn kéo dài được đến bao lâu những bữa cơm như thế này. Hắn thấy hận cuộc đời vì nghèo.

Phải rồi, vì nghèo mà hắn đâm tính toán quẩn quanh với vợ đôi khi chỉ là 10 nghìn tiền mua thêm thức ăn. Nghèo khiến hắn hèn đi rất nhiều. Hèn và hư tính với những thứ tủn mủn, nhỏ nhặt và hết sức tầm thường. Nghĩ đến đây hắn thấy mắt ướt ướt. Hắn thương mình, thương thị. Thị cũng vì hắn mà đâm ra cay nghiệt, cái mặt khó đăm đăm một cách mãn tính vì không mấy khi có tiền trong túi. Sự tù túng, bế tắc nó bào mòn đi tình yêu, sự tôn trọng của vợ chồng giành cho nhau.

Về đến nhà ngoại. Mẹ vợ hắn, à bây giờ không còn là mẹ vợ nữa, hắn nhắc mình điều đó – chạy ra hỏi “Răng rồi? Kết quả răng rồi?”. Hắn lạnh lùng “chào bà” rồi bảo “Mười lăm ngày nữa đến lấy quyết định ly hôn”. Mẹ vợ tái mặt, loạng choạng suýt ngã, miệng lắp bắp “Thật a? Xong rồi a?”. Hắn gật đầu rồi thu dọn hành lý.

Xe nổ máy. Sau lưng, tiếng con gái khóc gọi bố mãi không dứt. Hắn cắn bật môi, máu hay thứ gì đó rỉ ra mằn mặn, đắng chát nơi cổ họng.

Hôm nay là ngày đầu tiên hắn hoàn toàn tự do.

P.S.H

 

 

. . . . .
Loading the player...