21-08-2017 - 13:43

Chùm thơ của các tác giả Nguyễn Tiến Liêu, Nguyễn Xuân Linh, Nguyễn Lộc

Xin hân hạnh giới thiệu chùm thơ của các tác giả xa quê được rút từ tuyển thơ "Hồn quê".


NGUYỄN TIẾN LIÊU

- Sinh năm 1938. 
- Quê xã Kỳ Phong, Kỳ Anh 
- Nơi ở hiện nay: Dã Tượng, Vĩnh Nguyên, Nha Trang 
- Hội viên Hội VHNT Khánh Hòa


QUÊ HƯƠNG

 
Quê hương!
Khối nam châm khổng lồ
Người xa quê
                 - những mạt sắt tháng ngày lăn lóc
Mỗi lần về
Trái tim bật khóc
Khi lại phải đời chân
Quê hương!
Nơi ta nợ nần
Chất chồng tình cảm
Của bầy bồ chao
Lao xao mỗi sáng
 
Tặng tuổi thơ ta những bình minh hồng
Của cái lạch nước chảy từ giếng Diệc
Bầy cá bơi theo, trêu chọc
Không kịp xắn quần, lội bắt.
 
Quê hương- Hương quê đậm đặc
ổ sim khô thơm nức mũi mùa đông
Mùi nồng khai lối trâu vừa đi khuất
Quyện hương bồ kết nhà ai hun muỗi
                                            lúc hoàng hôn
 
Quê hương!
Nơi có những mối tình ngoài tiểu thuyết
Họ như rắn yêu nhau quấn quýt bụi sim già
Chiều bứt tấp…(1)
Vội vàng trao kỷ niệm
Quê hương!
Âm thầm khấn niệm,
Cầu mong đời chẳng sớm già!
 
________________
(1) Lá và cây nhỏ mọc ở đồi, phơi khô làm vật liệu đun, nấu

Đường tới trường - Ảnh: Trung Hiếu

 
VẪN CON ĐƯỜNG ẤY

 
Khi hương khói bay lên
Lòng con nằng nặng xuống
Cúi đầu trước Tổ Tiên
Bao cuộc đời hiển hiện
 
Đi chưa trọn nẻo đường
Bước cao và bước thấp
Vững vàng và ngã vấp
Đường dài con vẫn đi!
 
Một ngọn đèn thấp thoáng
Mấy đốm lửa hương lòng
Cúi đầu con vẫn thấy
Phía trước một con đường.
 
Một con đường phía trước
Tổ Tiên từng đi qua
Gập ghềnh và gai góc
Gió lành và hương hoa…


NGUYỄN XUÂN LINH (1909 - 1988)

- Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh
- Chủ tịch danh dự Hội Văn nghệ Hà Tĩnh


TẶNG ĐỘI VĂN NGHỆ NGHIỆP DƯ TÂY CHÂU (KỲ ANH)

 
Xuân về tiếng hát ngọt trong hơn
Cất giọng xa đưa nhịp tiếng đờn
Gửi tặng đầu xuân mừng thắng lớn
Đánh to, đánh tiếp thắng thêm giòn
 
Em hát cho đường mãi suốt thông
Cho khoai, cho lúa tốt xanh đồng
Cho dân toàn huyện đều no ấm
Cho cả miền Nam cũng thỏa lòng.
 
Bình Định bà con thắng thật giòn,
Xe ta quyết vượt chạy bon bon,
Chở vào trong ấy hàng vô tận
Và chở ra tin thắng dập dồn.
 
Tây Châu tiếng hát lại càng trong
Tất cả gửi vô nguyên một lòng
Dốc hết sức mình cho chiến thắng
Và cho xây dựng đẹp non sông.
                                 2-1968


NGUYỄN LỘC

- Sinh năm 1934. 
- Quê xã Đức Hòa, Đức Thọ
- Nơi ở hiện nay: Hà Nội


ĐẤT NGHÈO

 
Sinh ra từ mảnh đất nghèo
Hình như ai cũng biết chèo biết bơi
Lên rừng chặt nứa Ngàn Trươi
Hình như ai cũng bè xuôi đôi lần
Bến Eo trăng rải trắng ngần
Hình như ai cũng có lần “tắm tiên”
Chín ngày chợ Nướt ba phiên
Hình như chẳng mấy ai quên được ngày
Gặp nhau một chuyến đò đầy
Hình như mắt ấy đến rày vẫn đen
Bờ tre khắc chữ ghép tên
Hình như cũng có đôi nên vợ chồng
Trưa hè cho đến chiều đông
Hình như mẹ vẫn lưng còng chiếc tơi
Nhà trôi nước ngập bời bời
Hình như cha vẫn nói cười như không
 
Bập bùng lửa trại ngoài sân
Hình như ai cũng góp phần chia vui
Đàn con khắp nẻo ngược xuôi
Hình như còn nhớ mẹ nuôi thuở nào
Sông vơi theo ngọn gió Lào
Hình như mùa hến vẫn cào suốt trưa
Lon cà vại nhút vại dưa
Hình như đã cũ chuyện xưa quê nghèo.
 
Hình như mình vẫn mang theo
Bao nhiêu chuyện cũ, cái chèo cái bơi
Cái dáng đất, cái hình người
Để nay nói lại từng lời với con.
Dấu xưa tìm lại vẫn còn
Bởi quê đã hoá tâm hồn đất ơi!

Bình minh - Ảnh: Trần Bình


 
BẾN VẮNG SÔNG QUÊ

 
Con sông quê như một tấm thân gầy
Khoác chiếc áo bãi bờ xanh quá rộng
Làn nước mỏng chiều về như đứng lặng
Thả hồn trong giấc mộng mấy ngàn năm.
 
Ngày ra đi không kịp đến với sông
Để thầm thỉ một đôi lời từ biệt
Xa quê hương dặm trường chinh mải miết
Vẫn trong lòng da diết khúc sông quê.
 
Con sông quê không có một triền đê
Nên thoải mái bên bồi bên lở
Ngay tên gọi cũng gợi về cái thuở…
Mới khai thiên lập địa: Ngàn Sâu.
 
Ôi con sông biết mấy tôi yêu
Tình yêu ấy trong đời tôi sớm nhất
Bao kỷ niệm êm đềm không thể mất
Mỗi khi về tôi lại thấy bâng khuâng
 
Chiều hôm nay trong bảng lảng hoàng hôn
Một mình tôi lẻ loi trên bến vắng
Trong giây phút tim tôi như đứng lặng
Bến nước quê mình giờ vắng vẻ thế sao?
                                       Hè 2003
. . . . .
Loading the player...