Tạp chí Hồng Lĩnh số 208 tháng 12/2023 trân trọng giới thiệu chùm thơ của các tác giả Nguyễn Thạch Đồng, Trịnh Lan Oanh, Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Trọng Đồng, Nguyễn Văn Minh, Hoàng Hữu Tùng, Đỗ Toàn Diện, Phan Văn Chương, Phạm Thị Thanh Hoa, Lê Thanh Nga, Trần Vũ Thìn
NGUYỄN THẠCH ĐỒNG
Hát ru
Chiều nay mẹ về thăm con
Nhớ thương như đã héo hon thân già...
Con ơi! Tuổi trẻ xông pha
Hy sinh vì nước vì nhà con ơi!
Đất trời xanh tuổi đôi mươi
Nay con của mẹ tuổi đời xanh hơn
Ngày con xẻ dọc Trường Sơn
Là ngày lòng mẹ mỏi mòn nhớ mong
Mong ngày thống nhất non sông
Bắc Nam sum họp thỏa lòng ước ao
Lời ru mẹ hát hôm nao
Bây giờ mẹ hát gửi vào đất sâu
Chiến chinh giờ đã qua lâu
Con cùng đồng đội mãi câu quân hành
Quên mình hiến trọn tuổi xanh
Máu đào thắm cỏ đất lành thơm hoa
Đời con là một bài ca
Hát lời non nước thiết tha dâng đời...
Nghĩa trang hương quyện mây trời
Thương con mẹ khóc mẹ ngồi hát ru...
(Chiều nghĩa trang, 26/7/2023)
Bên tượng đài mẹ Suốt
Con về quê Mẹ chiều nay
Lắng nghe tiếng sóng những ngày gian lao
Mẹ ơi! Sông nước dạt dào
Đò ngang Mẹ chở con vào Miền Nam
Sá chi bom đạn gian nan
Thương con Mẹ vượt qua ngàn hiểm nguy
Mái chèo nâng bước con đi
Miền Nam ruột thịt quyết vì Miền Nam
Dẫu hy sinh dạ không sờn
Non sông thống nhất Bắc Nam một nhà...
Vui cùng đất nước reo ca
Bến sông Nhật Lệ muôn hoa tươi màu
Lung linh dáng Mẹ trên cao
Ngàn năm đất nước tạc vào trời xanh...
Con về ríu rít vây quanh
Ngỡ như còn Mẹ nhanh nhanh mái chèo.
(Nhật Lệ chiều, 09/5/23)
TRỊNH LAN OANH
Sau trận đánh
Sau trận đánh
Rừng Trường Sơn hoa vẫn nở
Suối vẫn trong - Ba lô thêm vết đạn bên sườn
Sau tiếng đạn bom mịt mù khói lửa
Đồng đội nhiều người hoá mây trắng Trường Sơn.
Sau trận đánh
Máu bạn loang trên báng súng
Hoa dại ven rừng mọc trên mộ đơn sơ
Bình tông nước thành bát nhang định vị
Đồng đội vây quanh lặng lẽ hàng giờ.
Sau trận đánh - Mùa Xuân đại thắng
Tôi trở về làng xóm quê xưa
Trao mẹ bạn kỷ vật còn nhuốm máu
(Máu chúng con tô thắm đỏ ngọn cờ)
Sau trận đánh
Đứa nằm lại rừng già vĩnh viễn
Đứa trở về quê dép không đủ thành đôi
Nhưng trái tim vẹn nguyên không thiếu hụt
Trái tim mình với dòng máu đỏ tươi !
Sau trận đánh gối đầu lên báng súng
Mơ cánh đồng mẹ gặt một đời rơm
Thóc không lép, rơm lợp thành mái rạ
Đó chính là máu thịt của quê hương.
Sau trận đánh
Chiến tranh im tiếng súng
Nhưng vẫn còn báo động ở trong ta
Những trận chiến kẻ thù giấu mặt
Rừng Trường Sơn vẫn thao thiết gọi ta.
Cung đường hoa mẫu đơn
Sau loạt pháo bầy, rừng yên ắng lạ
Bom đạn kẻ thù xé nát người em
Núi đồi rung Trường Sơn nghiêng ngả
Chỉ lửa na pan không một tiếng chim.
Không lọn tóc không dấu chân để lại
Rừng trắng lân tinh, núi trắng lân tinh
Từng hòn sỏi vang lên tiếng gọi
Em ở đâu trong mảnh tước mảnh sành?
Thật bất ngờ cạnh hố bom bên bờ vực
Nơi trái tim em đã dâng hiến tuổi xuân
Mọc lên một cây hoa đỏ rực
Mỗi cánh hoa như một nét môi son.
Cây hoa lớn như chùm đèn thắp lửa
Bất chấp ngày đêm đạn réo bom gầm
Có người gọi là cung đường bất tử
Có người gọi là cung đường hoa mẫu đơn.
Mấy chục năm rồi trở lại Trường Sơn
Cây hoa ấy đã thành huyền thoại
Nghe tiếng gió như cả Trường Sơn gọi
Em lộng lẫy trở về hoa mẫu đơn ơi!
NGUYỄN MINH KHIÊM
Khoảng lặng sau cánh cổng
Chị lặng lẽ một mình nơi xóm vắng
Mấy chục năm sau kết thúc chiến tranh
Bất chợt sáng nay chùm hoa xoan nhàu nát
Khoảng lặng ùa ra trong cánh cổng nhà mình!
Chị đem áo hong lại thời xuân trẻ
Sợi dây trùng nhăn hết vệt sống lưng
Thấm nước bọt vuốt lại từng năm tháng
Ngón tay gầy, nước mắt rưng rưng!
Đồng đội ơi! Đồng đội ơi! Chị gọi,
Gánh đá về sân chị dựng lại Trường Sơn
Chị dựng lại cầu phà, bến bãi
Dựng lại tiếng cười trong đạn trong bom.
Mình chị hát bài ca kéo pháo,
Mình chị hát bài ca mở đường
Một mình nguỵ trang, một mình xây trận địa
Hồn thẫn thờ đón lõng cả bốn phương!
Rồi chị giở bao nhiêu trang nhật ký,
Mỗi một trang chị gấp một con thuyền
Thả dày đặc dưới chân ngọn nến
Chị gọi hoài con bống chẳng thấy lên!
Chị cứ gọi trong lặng im của đá
Rồi xõa tóc che Trường Sơn sắp một mùa mưa.
Quả bàng vuông
Những cạnh sắc như lưỡi búa bổ vào khắc nghiệt
Nhọn như đinh xuyên thấu mọi phong ba
Bốn mặt quả mặt nào cũng bão
Bốn phía quả bàng bốn phía nắng chẻ ra.
Xuân hạ thu đông bốn mùa sóng gió
Những quả tim vuông vặn xoắn bốn hướng trời
Cứ va đập cứ sóng lừng lốc tố
Thanh thản xanh trên đảo giữa trùng khơi!
Không đếm hết bom ngang rồi bom dọc
Lô cốt hầm ngầm chuồng cọp súng lê
Hương vẫn thơm những gốc bàng nghìn tuổi
Hải âu bay trắng muốt gọi thơ về.
Những con dấu vuông thả nhạc vào hồn biển
Sóng đảo xa vỗ ấm ngực đất liền
Quà lính tặng đất liền quả bàng vuông bốn cạnh
Chùm pháo hoa đón Tết thật bình yên
NGUYỄN TRỌNG ĐỒNG
Tiếng vọng non sông
Đất nước bốn nghìn năm
Máu và hoa tươi thắm
Đây khoảng trời mây trắng
Muôn dặm khói lam chiều
Mặt đất và cánh diều
Cung đàn xuân khát vọng
Màu thanh thiên như nắng
Lồng lộng bóng cờ bay
Ba Đình nắng từ đây
Vang vọng lời sông núi
Ngỡ bóng Người vẫy gọi
Kết đoàn vẫn ngân lên…
Thao thức tiếng quê hương
Tự ngàn năm vọng lại
Như tình yêu lẽ phải
Như đất Việt nở hoa!
Bàn tay dệt bài thơ
Của non sông gấm vóc
Của trái tim bất diệt
Đất nước khải hoàn ca…
NGUYỄN VĂN MINH
Đi qua cánh rừng
Vòm trời xanh, vòm trời xanh
Tôi miên man giữa bức tranh núi rừng
Chim ca trong nắng mai hừng
Sương nghiêng mắt lá, sáng bừng âm thanh
Con đường vượt cánh rừng xanh
Con đường qua cuộc chiến tranh trở về
Rừng ơi tôi kể rừng nghe
Ngày tôi mang ánh sao khuya của rừng
Ba lô - chiếc võng - chiến trường
Tôi đi có cả quê hương đi cùng
Suối rừng hay tiếng tơ rưng
Lá rừng hay mắt người thương hiện về
Trái tim thắp lửa mùa hè
Có rừng khẩu súng ta kề chặt hơn
Giờ tôi lạc giữa mùi hương
Giờ tôi lạc giữa con đường rợp cây
Hoa rừng đan tiếng ong bay
Rừng ơi tôi có bàn tay mở rừng
Rừng ơi dốc núi chập chùng
Gỗ ta vượt dốc, người mừng xe reo
Mùa xuân vừa tới đỉnh đèo
Tôi dâng hoa với rừng chiều vào thơ
HOÀNG HỮU TÙNG
Bên dòng sông Thạch Hãn
Thầy sẽ kể em nghe
chuyện tám mốt ngày đêm bên dòng sông Thạch Hãn
Mùa hè năm ấy, trong mưa bom bão đạn
Thành Cổ được mệnh danh "cối xay thịt" người
Là mùa hè năm một chín bảy hai em ơi
Hàng ngàn chiến sĩ ta lập nên chiến công hiển hách
Hào hùng khí phách dù đạn rơi máu đổ
Không biết bao nhiêu người trong số họ
Vĩnh viễn hóa thân cùng sông núi cỏ cây
Hai mươi “giọt máu hồng” bên dòng Thạch Hãn nơi đây
Là tượng đài các anh - những chiến sỹ yêu dấu:
Đã "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"!
Máu các anh nhuộm đỏ ý chí quật cường:
"Tất cả vì miền Nam ruột thịt!
Ôi mất mát đau thương kể sao cho xiết
Tượng đài với hai mươi trái tim tươi đỏ
Đứng hiên ngang hòa mình trong gió
Soi bóng dòng Thạch Hãn còn ghi
Tên mười chín anh hùng mãi mãi ra đi
Hy sinh anh dũng vì Tổ quốc
Cuộc sống hôm nay chúng ta có được
Đổi bằng xương máu bao anh hùng
Tổ Quốc mình mãi mãi ghi công
Sông Thạch Hãn - nghĩa trang không bia mộ
Bao chiến sĩ đã hy sinh nơi Thành cổ
Vẫn nằm chật chội nơi đây!
Giổ các anh đều cùng ngày hai mươi bảy
Mong các em hãy về thăm để thấy
Thạch Hãn dòng sông một thời hoa lửa
Nhẹ gót chân mềm trên "cỏ non Thành Cổ"
Thắp một nén nhang thắm đượm nghĩa tình
Về với Quảng Trị mảnh đất tâm linh
Nghe thầy kể về dòng sông biết hát:
Thạch Hãn nghìn năm một bản nhạc hào hùng.
Đồng cảm - Ảnh: Đậu Bình
ĐỖ TOÀN DIỆN
Chiều Vị Xuyên
Mẹ già vái lạy hoàng hôn
Tuổi xuân con mẹ gửi hồn nơi đây!
Sáu ngàn nấm mộ chốn này!
Dựng thành cột mốc rải đầy Vị Xuyên.
Chiến tranh nghiền nát tuổi tên
Đổ bao xương máu giữ yên đất này
Mẹ già gục xuống chân mây
Mái đầu tỏa nắng trắng đầy mộ con.
Con ra trận, tuổi vàng son
Đôi mươi, mười tám ngậm hồn đất nâu
Giữ yên bờ cõi muôn sau
Là trai thời loạn ngẩng đầu ra đi.
Dù cho nát tuổi xuân thì
Núi sông ngậm ngải khắc ghi muôn đời.
Điểm chốt
(Kính tặng các chiến sỹ đang bảo vệ biên giới hải đảo)
Mùa xuân này các anh nơi tuyến đầu
Giữa đảo khơi sóng to gió thổi
Biên giới xa xôi phủ dày sương muối
Đêm căng ra vây bủa vùng trời.
Gió đầu non lặng lẽ không lời
Gió đảo xa ầm ào gào thét
Cơn khát rát lòng run run cái rét
Sốt rừng già, viên thuốc sẻ chia.
Kẻ thù vô hình vẫn rình rập ngoài kia!
Những hiểm nguy vẫn cận kề gang tấc
Mỗi người lính các anh một điểm chốt
Canh giữ đất trời, biển rộng bao la
Cho Tổ quốc thăng hoa ngàn nốt nhạc.
PHAN VĂN CHƯƠNG
Ký ức chiến tranh
1.
Triệu cuốn sách về chiến tranh
không bằng cầm trong tay hòn đá cuội chiến hào
2.
chiều bập bềnh núi chuyển
quá khứ chưa cầm máu
nước mắt nến ròng ròng
3.
làng chìm lòng đất
người đi thác đổ
4.
giữa hai đợt B52
con gái khỏa trần khe suối
5.
ký ức mỗi người mỗi khác
riêng nỗi đau có thật
như tôi với em.
Nghĩa trang Trường Sơn
Những ngôi mộ hình chiếc ba lô
gia tài Tổ quốc máu xương người lính
mười nghìn bình hương
Trường Sơn lửa đổ
rợp rợp quân đoàn
cuộc thánh chiến tử sinh trùng trùng phần mộ
cát bụi anh hùng
dũng sĩ về đất
bao vĩa quặng tinh thần
muôn đời sau khai quật
triệu triệu ngôi sao băng hà nền trời thế kỉ
chưa tới số tận cùng
vạn cành cây tựa nòng súng biên cương
vẫn gác lên mặt trời bộc phá
những bó hương không đủ mỗi phần mộ một cây
nỗi đau sót lại
giữa đồng đội
tôi người lạc ngũ.
PHẠM THỊ THANH HOA
Tưởng vọng
Tháng giêng năm ấy chú về
Đất QuảngTrị bao dung đón người lính trẻ
Xương thịt kia đã hóa non sông
Lưu muôn đời hậu thế
Thanh xuân người dừng mãi tuổi hai mươi!
Chiến tranh đã lùi xa
Câu chuyện cũng cũ rồi
Di ảnh người ố dần theo năm tháng
Nhưng lời cha cứ nghẹn trong dĩ vãng
Thuở em đi, mình biền biệt chưa về!
(LínhTrường Sơn giữ trọn lời thề
Nhớ thương nén trong nỗi mong chờ cánh thư hậu phương
gửi từ bên kia biên giới
RừngTrường Sơn cao xa vời vợi
Thư bay nghìn trùng!)
Cha kể:
Chiến dịch Mậu Thân năm ấy bi hùng
Căn cứ Khe Sanh phủ xanh áo lính
Máu xương người hòa đỏ đất đường chín
Chú của con anh dũng vô cùng!
Giá như đừng có danh xưng "người mẹ anh hùng"
Bởi có ai không ngậm ngùi nhìn con nối tiếp nhau lên đường nhập ngũ?
Rồi đứa biền biệt xa,
Đứa thì báo tử
Đàn em thơ không biết mộ anh mình!
Sau ngày trở về, cha cùng họ hàng lầm lụi kiếm tin
Nước mắt chảy xuôi, có đời nào khác?
Cuộc chiến bên ngoài cuối cùng kết thúc
Nhưng lòng người còn vò xé tâm can
Có gia đình nào mất mát người thân
Mới thấu hiểu sự đợi chờ mòn mỏi
Đời hiến dâng cho dân tộc có ai đòi hỏi
Nhưng nắm xương tàn của con, em mìnhvẫn muốn biết nơi nao!
Đời người có trăm khúc
Có khúc mừng khúc đau
Máu mẹ chia thành con,
Ra đời đạp đầu nhau
Khúc ruột nào mà chẳng thương chẳng nhớ
Khói nhang thắp vạn nỗi niềm
Mong người xa đường về không cách trở
Dẫu mơ thôi cũng muốn được trùng phùng!
Có phải quá xót thương nên QuảngTrị mở lòng?
Trả bớt người về quê hương
Nơi đang có bao đợi chờ khắc khoải
Đất Hải Lăng nơi chú nghỉ cùng đồng đội
Tiễn biệt người trong nắng hạ nôn nao!
Thời gian trôi như nước chảy qua cầu
Chiến tranh đi qua, nỗi đau ở lại
Triệu trái tim còn rưng rưng tháng bảy
Và bao nhiêu người còn quặn lòng hàng giờ trước dãy mộ nghĩa trang?
LÊ THANH NGA
Chiều Âu Lâu
Phía xa kia là tượng đài Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông
Nơi mỗi chuyến đầu rơi là một lần kẻ thống trị phải tái mặt
Nơi những tiếng thét găm sâu vào lòng đất
Chiếc vòng cứa vào lịch sử một vết gãy vạn cổ sầu (1)
Hồ Cô Giang (2) oằn mình vào đông
Nước ngăn ngắt những lặng im thấu suốt
Nơi nào cô đã nhảy sau mấy tiếng khóc chồng?
Nơi nào cô đã nhảy sau mấy tiếng khóc số phận?
Nơi nào cô đã nhảy sau mấy tiếng khóc đất?
Nơi nào cô đã vuốt ve con chiến mã màu bạc
Và nói với nó - chỉ là nó - những lời sau cuối?
Tôi nghe tiếng cỏ thổn thức dưới bước chân những người đi thể dục
trong cơn chập choạng.
Tôi nghe tiếng nức nở của thân nhân mười bảy người hoặc bao nhiêu triệu người ngã xuống
Cú ngã nghìn năm
Không tìm danh xưng
Tôi đi tìm máu
Trong những lâu đài cổ
Trong những ngôi mộ cổ
Những giọt máu lạc đường đậu chiều nay trên môi em thắm.
Chiều Âu Lâu cô đơn
Lẩn thẩn người ngồi câu bóng chữ (3)
Yên Bái, 11/ 2023
________________
(1). Vòng tròn tượng đài khởi nghĩa Yên Bái được đỡ bởi 17 cây trụ, trong đó có có một đoạn “bị cắt ra” và đặt xuống đất.
(2) Hồ Cô Giang: hồ nơi vợ của Nguyễn Thái Học trầm mình sau cái chết của chồng. Người dân địa phương lấy tên bà đặt tên hồ.
(3) Thơ Lê Đạt: “Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu”.
TRẦN VŨ THÌN
Với mẹ!
(Tặng đồng đội trở về sau cuộc chiến)
Cởi áo lính con chạy về chăm mẹ
Mẹ yêu ơi, sắp sửa tám mươi rồi
Sao không nói, mẹ lặng im như thế
Để con buồn tơi tã nước mắt rơi
Ngày con đi mẹ vẫn còn khỏe lắm
Bám ruộng, lội đồng chẳng chịu thua ai
Gái làng Kênh về làm dâu làng Vịt
Nhịn mặc, nhịn ăn mong con lớn từng ngày
Con vào lính với đôi chân vạn dặm
Cuộc trường chinh hết Bắc lại vào Nam
Những năm tháng dầm dề đất nước bạn
Mẹ vẫn bên con vượt suối băng ngàn
Bao cay đắng con đã từng nếm trải
Nhưng mẹ ơi, cũng chẳng thấm tháp gì
Bằng hôm nay khi chạy về với mẹ
Nén nỗi đau, con xin được ôm ghì
Con vì nước, mẹ vì con phải khổ
Đời vô thường nên chẳng nhịn nhường ai
Và con biết nếu đầu thai kiếp nữa
Mẹ vẫn vì con, không một chút u hoài...
Đưa anh về với biển
(Kính viếng hương hồn anh Nguyễn Xuân Cừ,
nguyên Chủ tịch Hội Truyền thống Hải quân Hà Tĩnh)
Vĩnh biệt nhé, người anh, người đồng chí
Người thuyền trưởng một thời đánh Mỹ
Anh dũng, kiên trung trước cái chết cận kề
Bám biển, bám tàu, một tấc cũng không đi
Bao chuyến hàng vượt đường mòn trên biển
Theo tàu anh, tới khắp mọi chiến trường
Nếu có lúc gặp phút giây nguy biến
Nguyện hoá thành con sóng giữ quê hương
Anh đã đưa bao chuyến hàng như thế
Lộ Diêu, Ninh Vân, Vàm Lũng, Vũng Rô*
Những tên đất, vang danh thời thắng Mỹ
Tô đẹp chân dung, người lính cụ Hồ
Nói sao hết những tháng ngày gian khổ
Cái chết treo trên sợi tóc vô hình
Thương các anh, những con người không số
Chẳng bao giờ, mặc cả giá hy sinh
Về với mẹ, tưởng rằng mình sẽ sống
Chút thời gian còn lại với vợ con
Lại vì bạn, vào hội hè truyền thống
Động viên nhau khi lực kiệt, sức tàn
Vết thương nặng gặp đêm trời trở gió
Gọi anh đi, về phía biển đang chờ
Đất Nhượng Bạn, mãi rì rào sóng vỗ
Hát ru anh, như biển khát ru bờ…
Cẩm Nhượng 24/9/2023
________________
* Những địa danh đoàn tàu không số đã cập bến trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước