Nhân kỉ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2020) và 75 năm ngày chiến thắng phát xít Đức (9/ 5 /1945- 09/5/2020), xin trân trọng giới thiệu chùm thơ của Nhà thơ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng vừa gửi về cho Văn nghệ Hà Tĩnh.
Nhà thơ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng sinh 1953 tại Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, nguyên là cán bộ giảng dạy khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện đang sống và làm việc tại Liên bang Nga. Anh đã trở thành một nhịp cầu nối hai nền văn hóa Việt và Nga, nhất là khi trong thơ anh đã thể hiện rất rõ tình yêu với nước Nga, đời sống của cộng đồng người Việt ở Nga và nỗi nhớ quê hương của một người con xa xứ.
Tôi luôn mang trong mình tình yêu hai Tổ quốc
Một nước Việt lầm than mang nặng, đẻ đau tôi
Và nước Nga, nơi gánh chịu biết bao nhiêu tủi cực
Tôi tự đặt trái tim rớm máu dưới chân Người!
THỜI HẬU CHIẾN
Hoà bình bốn chục năm, vẫn đang thời hậu chiến
Những vết thương băng bó mãi không lành
Lửa đã tắt, nhưng tro than chưa nguội
Đâu đây vẫn còn mùi khói của chiến tranh
Đứa trẻ bị bỏ rơi ngày bên kia di tản
Giờ tóc điểm hoa râm, ngơ ngác hỏi nguồn cơn
Phận lưu lạc lìa nơi chôn rau, cắt rốn
Nửa day dứt yêu thương, nửa âm ỉ oán hờn
Người lính trận đã dâng xong một thời trai trẻ
Buông súng ra, lóng ngóng chẳng tay nghề
Cuốc bẫm, cày sâu vẫn cháo rau đắp đổi
Phần còn lại cuối đời tập làm mướn, trông xe
Làng xóm cũ vẫn đói nghèo truyền kiếp
Chất độc da cam, đất cũng đổi hình hài
Dòng máu Việt ngàn năm trộn lẫn vào hoá chất
Suy kiệt hết giống nòi, dị dạng những bào thai
Bốn chục năm, dai dẳng thời hậu chiến
Cơn gió nghĩa trang lạnh thấu tận hồn người
Lẫn lộn đục trong, đảo điên thế sự
Thói vô cảm từng ngày lừng lững lên ngôi
Ôi hậu chiến mới thực là cuộc chiến
Giữa thế giới phẳng này, ta đang ở nơi đâu?
Rồi chẳng lẽ kiếp nợ nần đeo đẳng
Ta để lại gì cho con cháu mai sau?
Rồi chẳng lẽ bao cánh đồng mỡ màu suy kiệt
Ngọn gió Lào hun bạc phếch những cánh rừng
Khoáng sản, tài nguyên từng ngày khoét rỗng
Đêm rập rình mối hiểm hoạ Bắc phương?
Ôi lịch sử, tiền chiến hay hậu chiến
Bại hay thành, cũng hai chữ: Lòng Dân
Người lật thuyền, hay chèo thuyền, muôn thuở
Cũng là Dân trong bao cuộc chuyển vần.
VẪN NHƯ LÀ NGƯỜI LÍNH LÚC RA ĐI
Người thương binh già qua đời sáng nay
Đồng đội cũ còn dăm người lác đác
Mắt nhoà lệ. Suốt một đời trận mạc
Những tấm lưng rũ xuống chiếc quan tài
Chiếc nạng gỗ nửa đời không thiếu được
Giờ thừa ra, lặng lẽ xếp bên tường
Dưới hốc tủ, những chiếc giày một phía
Trên ngăn bàn, đầy các loại Huân chương
Con chó già bỏ ăn bên bếp lạnh
Nằm dài ra, hiểu rằng chủ không còn
Vòi nước cũ lâu ngày, không khoá chặt
Chảy giọt dài, giọt ngắn suốt đêm hôm
Một tấm áo màu hoa cà thấm máu,
Quyển vở rách bươm với chiếc nơ hồng
Theo trăng trối của người quả cố
Được đặt vào phía trái tim ông.
Người thương binh già qua đời sáng nay
Người ta liệm bộ áo quần quân phục
Ông cất kỹ hồi chiến tranh kết thúc
Vẫn như là người lính lúc ra đi!
Matxcơva
NGỌN LỬA VĨNH CỬU
Dẫu màu cờ có thể đổi thay
Những tên phố và quảng trường cũng khác
Nhưng ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt
Sẽ ngàn năm cháy đỏ trước tượng đài!
Cuộc chiến tranh đẫm máu đã qua rồi
Chiến hào cũ chỉ hằn trong kỷ niệm
Nơi khốc liệt thành địa danh thăm viếng
Tấm bảng đồng ghi chiến tích tuổi tên
Không dễ gì lại có thể nguôi quên
Nơi sỏi đá cũng thấm dòng máu đỏ
Nơi nắm đất cũng chứa từng trang sử
Bao người đi ra trận đã không về
Bao cuộc đời gửi lại cánh đồng Nga
Tuổi xuân lẫn trong màu xanh bất diệt
Trong ngọn gió vang lời thề quyết liệt:
- Không thể lùi, phía sau, Mạc tư khoa!
Trên nẻo đường những người lính đi qua
Chiến thắng chỉ được đổi bằng máu lửa
Dẫu ngừng đập, những trái tim bất tử
Thành tượng đài người chiến sĩ vô danh
Qua lâu rồi năm tháng cuộc chiến tranh
Dẫu tên phố và màu cờ đổi khác
Nhưng ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt
Vẫn ngày đêm cháy đỏ trước tượng đài.
Ngọn lửa vĩnh cữu ở Mộ chiến sĩ vô danh trong khu vườn Alexander, bên chân tường thành Kremlin, Nga. (Ảnh: Internet)
NƯỚC NGA
Nước Nga ơi!
Tôi không cắt rốn, chôn rau trên mảnh đất của Người
Tôi mang họ tên Á Đông thuần khiết
Đêm xa nhà, trong những giấc mơ, tôi gọi thầm tiếng Việt
Bàn thờ tổ tiên ngự nơi trang trọng giữa nhà …
Nhưng cõi lòng tôi sâu nặng với hồn Nga!
Nước Nga ơi!
Người không ban cho tôi bạc vàng và châu báu
Tôi không được hưởng vinh quang, sự giàu có của Người
Tôi không cầm luỡi liềm gặt hái trên cánh đồng no ấm
Người chỉ dành cho tôi sắc mùa thu vàng thắm,
Những huyền thoại về rừng taiga
Và sự trắng trong của tuyết,
Mùi đất nồng nàn bốc lên từ những đụn rơm,
Những dòng sông bao la, những cánh đồng ngút ngát
Chiếc gầu bạch dương cô gái quê múc vỡ ánh trăng vàng,
Lúa mạch chín rợp như bờm tuấn mã
Khi cơn gió đi qua ngỡ sóng giữa đại ngàn.
Nước Nga ơi!
Người cho tôi biết thế nào là tận cùng của khổ đau và mất mát
Tôi úp mặt vào gốc bạch dương sần sùi và bao lần khóc.
Trong biển mặn chát của Người có cả nước mắt tôi
Và những giọt mồ hôi rơi dọc con đường đất
Những đêm trường nghe tiếng quạ kêu than, không hề chợp mắt
Bạc trắng đầu với nỗi sợ ngày mai…
Nhưng tôi không hề oán giận Người
Tự tìm ra cho mình lời giải thích cuối cùng về sự tha hương:
Đó là số phận!
Nước Nga ơi!
Người dạy cho tôi biết thế nào là tình yêu nước non nhà,
Biết thương đồng bào khi sống xa ngoài vạn dặm
Biết quý mặt trời giữa xám xịt ngày đông,
Người dạy cho tôi khi cầm ổ bánh mì, thương củ khoai, củ sắn,
Nhìn băng tan, thương lũ cuốn trên đồng.
Người dạy cho tôi biết nghĩ về thước đo và tầm vóc,
Mỗi dân tộc phải có riêng đường đi và một ngọn cờ,
Khi vay xin có nghĩa là trả giá.
Phải biết gạt sang bên những tị hiềm, đố kị
Phải là tấm gương để người khác soi chung.
Biết ngẩng cao đầu khi cường quyền dìm xuống,
Dẫu bị dập vùi vẫn đại lượng, bao dung.
Nước Nga ơi!
Mặc ai theo gió thả buồm, tôi vẫn lội ngược dòng
Vẫn hướng về Người bởi không thể nào nghĩ khác
Tôi luôn mang trong mình tình yêu hai Tổ quốc
Một nước Việt lầm than mang nặng, đẻ đau tôi
Và nước Nga, nơi gánh chịu biết bao nhiêu tủi cực
Tôi tự nguyện đặt trái tim rớm máu dưới chân Người!
Tranh: Mùa thu vàng của Levitan