17-06-2017 - 15:25

CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH TRÊN QUÊ HƯƠNG BÙI XÁ

Bùi Xá quê xưa với bao kỷ niệm thân thương vẫn luôn dội về những dư âm của quá khứ, những ký ức đau thương của một thời, trong đó có trận bom Mỹ ném xuống kho Mí, vụ thảm sát tập thể trong chiến tranh phá hoạt của đế quốc Mỹ, một cái tang chung của làng Hạ Tứ.

CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH TRÊN QUÊ HƯƠNG BÙI XÁ 

 ( Ghi chép của Phan Trung Hiếu)

 

MỘT THỜI ĐẠN BOM

        Những năm tháng tuổi thơ tôi gắn với mảnh đất Bùi Xá, Đức Thọ trước khi chuyển về Thị xã Hồng Lĩnh và bây giờ là thành phố Hà Tĩnh. Khi bắt đầu có tuổi, người ta thường hay hoài niệm về quá khứ, từ cái cảm nhận mong manh của một thời con trẻ cho đến lúc rời quê khi vừa mới 18 tuổi. Những ký ức sâu đậm ngày nào vẫn đeo bám theo tôi vào trong giấc ngủ, hiện hình lên từng trang viết. Trong gia tài hơn chục tập sách của nghề văn, nghề báo, tôi rất quý cuốn tự truyện " Vườn đất Thánh" ( NXB Kim Đồng năm 2000, tái bản năm 2015), gắn với ký ức của những trò chơi con trẻ bên dòng La thơ mộng. Cuốn sách ấy cùng với tập truyện đồng thoại "Hạt nắng bé con" đã giúp tôi có cái hộ chiếu để trở thành một nhà văn. Quê hương với bao kỷ niệm thân thương vẫn luôn dội về những dư âm của quá khứ, với ký ức đau thương của một thời, trong đó có trận bom Mỹ dội xuống kho Mí, vụ thảm sát tập thể trong chiến tranh phá hoạt của đế quốc Mỹ, một cái tang chung của làng Hạ Tứ.
        Bùi Xá là đơn vị anh hùng LLVTND được ghi nhận bởi sự hết mình dâng hiến máu xương, nước mắt, mồ hôi trong hai cuộc chiến tranh của dân tộc, với hàng trăm thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có cả những người đã làm tròn phận sự của hậu phương phục vụ cho tiền tuyến lớn. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá ra miền Bắc, Bùi Xá với nhiều công trình và tuyến giao thông quan trọng đi qua như đê La Giang, rào Lạch Trổ, đường 8A…đã  trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Chúng đã ném bom xuống Bùi Xá 250 lượt với 7.857 quả bom các loại, làm 111 người chết, 77 người bị thương, làm cháy và hư hỏng 322 ngôi nhà, nhiều kho tàng, trường học, nhà thờ, các công trình công cộng. Những trận bom kinh hoàng xảy ra trên sông Lạch Trổ, Lò Vôi, nhà máy cưa …, đặc biệt ở sân kho Mí đã trở thành những ngày giỗ tập thể, trở thành cái tang chung của xã, của làng.  


Đê La Giang qua Bùi Xá. Ảnh: Linh Châu


TANG CHUNG CỦA LÀNG

          Tối ngày 18/6/1972, trong lúc đội thanh niên xung kích của Đội 2- làng Hạ Tứ, HTX Long Thành được lệnh đi tuốt lúa ở kho Trạng Mí thì bị máy bay địch  ném bom làm 12 người bị chết và nhiều người khác bị thương. Trong số người bị mất, đa phần tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới từ 16- 22 tuổi, một số người không còn tìm thấy xác để gia đình được chôn cất, làm mộ. Sự kiện này đã được ghi lại trong Lịch sử Đảng bộ xã Bùi Xá, xuất bản năm 2011.
          Trong tập tự truyện" Vườn đất Thánh, tôi nhớ như in cái đêm kinh hoàng  ấy: " Làng tôi rung lên trước bom Mỹ. Trong khói bom nồng nặc, vương vất mùi khét của da thịt người. Trận bom dội xuống sân kho Mí thật thê thảm. Chập tối, chị Hoà còn cúi xuống hôn tôi mà  bảo: " Còn buổi này nữa, mai mốt hết lúa, chị ở nhà chơi với em". Thế mà chị chẳng về nữa. Đêm ấy, phía kho, dội lên tiếng bom nổ chát chúa. Lửa cháy đỏ lựng cả một góc trời. Tắt tiếng máy, thôi tiếng cười đùa ca hát. Hơn chục người chết, toàn người trẻ. Người lớn tuổi nhất là ông Vinh - bố thằng Cung, Đội trưởng sản xuất bị bom phạt dập nát cả ngực, máu me chảy đầm đìa, không cứu được. Mỗi chị Hoà tôi mất tích. Sáng hôm sau, tôi cùng bố và mấy người nữa trong làng ra kho tìm xác. Lửa khói vẫn còn nghi ngút. Lật hết bao nhiêu là bó lúa, thứ còn cháy nham nhở, thứ bê bết máu người. Lại đi mãi ra ngoài nương lạc, bờ hói mà chẳng thấy gì ngoài những mẩu da thịt còn ứa máu nằm lẫn cùng đất cát. Bố tôi tìm thấy chiếc khăn tay có thêu chữ của chị Hoà. Chỉ mỗi vậy thôi nên đành đem chiếc khăn chôn xuống đất.…"
          Ngày 18/6/1972 được xem là ngày giỗ tập thể, cả làng trắng toát khăn tang và râm ri tiếng khóc vọng lên từ con hói trước nhà bà Tứ Pháp cho đến bến ông Ngụ sát cạnh sông La. Năm ấy, có một đợt tuyển quân. Nỗi đau ấy đã thực sự trở thành sức mạnh để những người lính cùng độ tuổi ra chiến trường như được tiếp thêm dũng khí khi đối mặt với kẻ thù:
"…Hận thù khoan vết thương đau
Bom kho Mí khói nghẹn ngào còn vương
Cầm cây súng giữa chiến trường
Mang theo bao nỗi xót thương quê mình
Người vì tiền tuyến hy sinh
Người đi quyết giữ an bình nước non…"
 ( thơ Bảo Phan)

 


Một cuộc họp đại diện các gia đình nạn nhân có sự chứng kiến của lãnh đạo xã. Ảnh: Linh Châu

          45 năm đã trôi qua, nỗi đau ngày ấy tưởng chừng như đã vón cục, đông lạnh ở lòng người ấy thế mà khi nhắc lại ai cũng như thấy nó mới chỉ như hôm qua, hôm trước. Ông Nguyễn Xuân  Kỷ nguyên Trạm trưởng Trạm y tế xã xúc động hồi tưởng lại: “ Lúc đó vào khoảng 10 giờ, khi cả Chi đoàn các thanh niên thuộc đội 2 đang tuốt lúa tại sân của hợp tác xã ở Kho Mí thì một quả bom rơi xuống đúng ngay bàn máy tuốt. Nhận được tin dữ, tôi chạy lên đến nơi thấy mọi thứ tan hoang, lửa khói nghi ngút, người chết và bị thương nhiều lắm. Tôi băng bó, sơ cứu cho người bị thương, cùng một số người bế xác những người bị nạn tập kết ra ngoài. Nhiều người bị thương nặng, khi đưa ra còn tỉnh táo nhưng do máu ra nhiều quá không cầm được nên đã mất. Ví như cô Nguyễn Thị Phúc rất tỉnh, trước lúc mất còn nắm tay mẹ dặn phải sống tốt với chị dâu để sau này còn có người phụng dưỡng. Sau những lời dặn dò đó, cô hôn trán mẹ nói “chào mẹ con đi”, rồi trút hơi thở cuối cùng”. Nhiều người bị thương nặng được cứu sống nhưng chỉ một thời gian ngắn cũng mất như bà Bỉnh…Những người bị thương hiện đang còn sống như anh Đại tá Đặng Hoa ( Vinh, Nghệ An), Đại tá Trần Sương ( TX Hồng Lĩnh), Kỹ sư Hoàng Hùng ( Vũng Tàu), Anh Đặng cảnh ( nay vẫn ở quê)… đều cho rằng đây là những ký ức kinh hoàng mà họ từng nếm trải trong cuộc chiến.


LÒNG VÒNG CON ĐƯỜNG TRÌNH MỘT HỒ SƠ LÀM BIA CHỨNG TÍCH
 

          Với nguyện vọng dựng lên một tấm Bia tưởng niệm ( hay còn gọi là Bia chứng tích chiến tranh) nhằm tri ân quá khứ, tưởng nhớ những người con của quê hương đã mãi mãi ra đi trong khi làm nhiệm vụ của hậu phương phục vụ cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cuối năm 2016, gia đình các nạn nhân đã có bản kiến nghị gửi lên lãnh đạo xã. Đầu năm 2017, sau khi tiếp nhận đơn chung của các gia đình cùng hồ sơ chứng tích, Thường trực Đảng ủy xã đã cùng đại diện đơn vị nhận đỡ đầu, đại diện gia đình các nạn nhân đi khảo sát thực địa và sau đó Chủ tịch UBND xã Dương Đức Đồng đã có Tờ trình số 51/TT-UBND ngày 15/3/2017 chính thức gửi lãnh đạo huyện Đức Thọ.  

 

Lãnh đạo xã Bùi Xá cùng đại diện gia đình nạn nhân khảo sát,  tìm chọn vị trí đặt Bia tưởng niệm. Ảnh: Anh Đức

          Ngày 18/ 4/ 2017, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh là tổ chức được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đỡ đầu xã Bùi Xá trong xây dựng NTM đã chính thức có Tờ trình kèm Đề án cụ thể gửi lãnh đạo xã và huyện, tổ chức họp các gia đình nạn nhân hiện còn sống tại địa phương để thống nhất và bàn kế hoạch triển khai, hoàn chỉnh hồ sơ, thiết kế công trình, vẽ mẫu Bia, lập dự toán, phát động kêu gọi nguồn lực xã hội hóa trên trang Thông tin điện tử của Hội liên hiệp VHNT và trang cộng đồng mạng Facebook…" Bùi Xá quê nhà". Bia tưởng niệm được đề xuất dựng lên trên bãi đất trống mọc đầy cỏ dại nằm trên dằm đất cũ với diện tích khoảng 100 mét vuông, phía sau Hội trường trụ sở xã, phía trước trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều. Sau hơn 1 tháng, ngày 18/4/ 2017, Chánh Văn phòng Huyện ủy Nguyễn Tiến Thắng đã có công văn thông báo ý kiến kết luận của Thường trực Huyện ủy với nội dung chuyển hồ sơ và đề nghị UBND huyện, xã Bùi Xá xem xét để trả lời trước ngày 12/5/2017.
          Đã qua mốc ngày 29/5 ( tức mồng 8 tháng 5 âm lịch, và cận kề ngày 18/6 dương lịch) kỷ niệm 45 năm ngày lịch sử đau thương ấy, tổ chức được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đỡ đầu, gia đình các nạn nhân vẫn ngóng cổ chờ một thủ tục kéo dài đến mấy tháng trời mà vẫn chưa hề nhận được một câu trả lời chính thức từ những người đứng đầu huyện, xã. Qua điện thoại, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách Văn hóa xã Bùi Xá Phan Hùng cho biết, sau cuộc về làm việc của Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức, hiện nay lãnh đạo xã đang còn phải hoàn thiện một số thủ tục trước khi chính thức mời đại diện các gia đình và đơn vị nhận đỡ đầu đến bàn bạc kế hoạch triển khai. Lẽ ra, sau khi có ý kiến kết luận của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện phải có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra cụ thể việc thực thi của các phòng chức năng có liên quan nghiên cứu, thực địa,  hướng dẫn, chỉ đạo UBND xã, gia đình các nạn nhân để sớm hoàn tất một thủ tục hành chính. Nếu việc quá bé, UBND huyện giao lại quyền quyết định cho xã, nếu cảm thấy  vượt quá thẩm quyền, có thể chuyển hồ sơ lên tỉnh. Về việc này, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Hùng chia sẻ: " Việc đặt vấn đề và xây dựng  Bia chứng tích ghi tên các nạn nhân trong vụ máy bay Mỹ sát hại tại kho Mí năm 1972 là một việc làm vừa là tâm linh vừa ghi lại lịch sử những mất mát thương vong mà người dân chúng ta phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta".

 

Mẫu Bia tưởng niệm trận bom kho Mí do nhà điêu khắc Nguyễn Đình Đường thiết kế

          Bia chứng tích về trận bom kho Mí là một công trình công cộng cấp xã nên bên cạnh việc khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ lẽ ra phải được chính quyền xã, huyện quan tâm, có trách nhiệm xây dựng nhằm giáo dục phát huy truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, của thế hệ trẻ. Cái đáng quan tâm là cách chỉ đạo, điều hành của cả một hệ thống chính trị từ cấp xã lên huyện. Việc ôm hồ sơ của tổ chức, của nhân dân " ngâm" đến hàng tháng trời mà không thèm phản hồi như thế quả khó lòng chấp nhận. Tờ trình của ông Chủ tịch UBND xã, văn bản kết luận ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy do ông Chánh Văn phòng ký chả lẽ chỉ là những tờ giấy lộn vô giá trị hay sao? Vậy thì rốt cuộc, ai sẽ là người đứng ra trả lời Đảng, trả lời các văn nghệ sĩ, các nạn nhân cùng gia đình họ, các nhà hảo tâm đã sẵn lòng nhiệt tình đóng góp cho công trình này ở quê nhà? Hàng tháng trời loay hoay đi tìm nút gỡ, rốt cuộc chả thấy ai có trách nhiệm vào cuộc mà chỉ lòng vòng, trốn tránh thiếu trách nhiệm. Công trình lịch sử- văn hóa- tâm linh dành cho những người chết trẻ đang thực thi nhiệm vụ của xã giao trong trận bom kho Mí phải được đối xử một cách trân trọng, đầy ý thức chính trị và có văn hóa chứ không chỉ là sự ngoảnh mặt làm ngơ để gia đình các nạn nhân bươn chải tự lo.
       Sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực hàn gắn vết thương, giải quyết hậu quả chiến tranh, chăm lo thực hiện các chính sách xã hội. Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng chia sẻ: " Đảng và Nhà nước đã có chính sách đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, thanh niên xung phong… nhưng còn nhiều đồng bào và nhân dân ta là nạn nhân chiến tranh chưa được quan tâm. Nền độc lập này có được là nhờ sự đoàn kết cống hiến của toàn dân tộc. Nếu chúng ta làm tốt việc này thì sẽ khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân tộc". Thiết tưởng, việc dựng một tấm Bia tưởng niệm cho trận bom kho Mí không thể chỉ là câu chuyện riêng tư của các gia đình nạn nhân mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, của những nhận thức đúng, tình cảm trong sáng, đầy trách nhiệm với thế hệ trẻ mai sau. Biết rằng hiện tại xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ hiện đang tập trung toàn lực cho nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới để về đích trong năm 2017. Vậy nhưng, xây mới không có nghĩa là lãng quên, vô tình với lịch sử. Với diện tích trên 600 ki lô mét vuông, lẽ nào lãnh đạo xã, huyện không thể dành nổi vài trăm mét vuông để dựng lên những tấm bia chứng tích ở Kho Mí, bên bờ lạch Trổ, Lò Vôi… nhằm tri ân, tưởng niệm, lưu giữ ký ức một thời.


Sen quê. Ảnh: Bảo Phan

          Chiều nay, tôi lại về thăm quê. Mùa hạ, những đóa sen dưới ao đầm Mặt cắt đang độ trổ hoa. Chợt nhói lòng nhớ lại những dòng thơ cũ của nhà thơ Hoàng Nguyên Phú, cán bộ Ty văn hóa Hà Tĩnh cũ sau trận bom đã về thăm Nghĩa trang Bùi Xá:
…Cháu thương ơi! mùa này trên quê hương
Đêm ngan ngát hương thơm mùi sen nở
Nhưng mãi mãi các cháu không về nữa
Đau xé lòng máu ứa cánh hoa sen!…
 
        Tôi thẫn thờ nhìn ngắm những bông sen phơn phớt màu hồng tươi, có những cánh đã ngả màu bầm tím. 45 năm rồi,  hương linh của những người chết trẻ chắc đang rủ nhau về ẩn bóng trong những cánh sen hồng của ao quê như thầm nhắc chúng ta đừng vội quên những người đã khuất!

                                                            Ngày 16/6 năm 2017
                                                    Nhà văn, nhà báo Phan Trung Hiếu
                                                            ( Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh)

. . . . .
Loading the player...