26-08-2024 - 00:12

Chuyện anh tôi

Tạp chí Hồng Lĩnh số 216 trân trọng giới thiệu truyện ngắn Chuyện anh tôi của em Trần Nguyễn Ngọc Khánh - Lớp 7A2 Trường THCS Lê Văn Thiêm, Tp Hà Tĩnh (Tác phẩm tham dự Cuộc thi Viết - Vẽ tuổi học trò lần thứ XIV)

Chuyện anh tôi

 

Đã có nhiều lần, tôi vắt tay lên trán rồi tự hỏi rằng “- Liệu mình có giá trị gì không? Mình tồn tại trên thế giới để làm gì? Đến cả những việc nhỏ bé nhất mà mình còn không làm được thì sau này làm gì được cho đời.” Nhưng tôi chợt nhận ra đến cả những ngọn cỏ nhỏ bé cũng góp phần cho cuộc đời thêm xanh, dù không phải là thần thánh, không cao siêu đến nỗi “vá trời, lấp bể” nhưng mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng có những giá trị và ưu điểm riêng. Có lẽ đến ngày hôm ấy, tôi mới biết được giá trị của mình đối với người anh ruột lớn đến mức nào. 

Anh tôi từ bé đã không được may mắn như các bạn cùng lứa, không được hoàn hảo về cách ăn nói diễn đạt. Tôi biết bố mẹ tôi cũng đã rất buồn lòng về điều đó, bố cũng muốn có một người con trai để trò chuyện mỗi ngày như những người bạn tâm giao, mẹ cũng muốn anh tôi có thể chia sẻ với mẹ về chuyện trường lớp, bạn bè. Chắc chắn rồi, anh tôi như vậy nên sẽ có rất nhiều lần bị các bạn trêu ghẹo và bắt nạt. Nhớ hồi năm tôi lớp 1, lúc ấy anh em tôi đang ngồi trên xe đưa đón, bỗng nhiên có một anh học sinh cá biệt liên tục đạp sau ghế của anh tôi. Dù anh tôi đã tỏ vẻ khó chịu nhưng anh bạn ấy thấy anh tôi không nói gì thì càng được nước lấn tới, càng ngày càng đạp mạnh hơn. Tôi lúc đấy có ở đó chứ, vẫn thấy nhưng lại chẳng làm gì được, vì lúc ấy đang còn quá nhỏ, tôi chỉ biết chờ đợi đến lúc về nhà. Mẹ chờ hai anh em tôi ở cửa, tôi liền lao vào vòng tay của mẹ và lập tức tố cáo chuyện ban nãy.

Ngay từ lúc đó, tôi đã nhận thức được mình phải lớn thật nhanh để có thể bảo vệ anh. Nếu có hỏi tôi có buồn không, thì có lẽ đã từng. Đó là khoảng thời gian lớp 4, tôi bắt đầu lớn hơn và có nhiều suy nghĩ sâu sắc hơn. Tôi cảm thấy thật quá đáng khi tất cả các bạn của tôi lại phải bảo vệ ngược lại anh. Có lẽ đó là khoảng thời gian tình cảm hai anh em tôi xuống cấp nhất. Nhưng đến khi lớn hơn một chút nữa tôi mới nhận ra, bản thân mình không có gì phải buồn cả, mình nên tự hào và vui là đúng hơn. Vui vì được bảo vệ anh.

Chuyện anh tôi ( Minh họa: Quỳnh Lan)

Nhưng cũng từ đó, mà chuyện vui đó cũng có một phần tiêu cực ảnh hưởng đến tôi. Câu chuyện mới xảy ra gần đây thôi. Đó là chuyến đi Singapore vào hè năm trước của chúng tôi. Vì đây là một khóa du học hè nhỏ nên tất nhiên tôi và anh phải xa bố mẹ trong khoảng 2 tuần. Trong 2 tuần đó, có lẽ anh em tôi không chỉ học được các kiến thức bảo vệ môi trường hay tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn là hiểu rõ về nhau hơn nữa. Vào khoảng 2-3 ngày đầu mọi chuyện đều xảy ra rất suôn sẻ và vui vẻ. Nhưng chuyện sẽ không còn gì để nói đến khi vào lúc lên xe buýt để đến nơi tham quan, tôi vô tình nghe được cuộc trò chuyện giữa một đám con trai với nhau. Họ nói về anh tôi và xem anh tôi như một trò đùa để trêu ghẹo nhau vậy. Họ đùa vui, cười vui với nhau rất khoái chí và cũng không để ý tôi ở phía sau. Cứ thế chỉ vì mấy câu nói bông đùa ấy mà như những ngọn giáo vô tình xuyên thấu trái tim tôi. Cả buổi trên xe tôi không nói không cười, chỉ dám ngồi lặng lẽ tủi thân mà bật khóc. Từng giọt nước mắt ấy, tôi lại muốn che giấu đi. Tôi không muốn mọi người nhìn tôi với ánh mắt thương cảm, tôi không muốn cô giáo biết, không muốn bố mẹ buồn lòng. Tôi là vậy, luôn thích chịu đựng nỗi đau một mình, luôn muốn lan tỏa ra năng lượng tích cực nhất với người thân, bạn bè, bởi tôi biết bố mẹ bằng một lý do nào đó lại cảm thấy dằn vặt và buồn lòng, tôi không muốn bố mẹ buồn. Những ngày sau đó việc nói xấu anh tôi, cứ thế mà tiếp tục, không ai ngăn cản và bản thân tôi cũng không biết làm gì. Tôi chỉ thấy thương anh vô cùng. Cứ thế vào một ngày, tôi vô tình nghe được có hai anh chị với nhau “Nhật Tân… không bình thường”. Sự kiên nhẫn trong tôi đã không còn nữa, đã quá đủ rồi. Tôi từ từ từng bước lại gần đám nói xấu ấy. Mặt mày đỏ rựng, mắt như lóe lên tia lửa, tay thì siết chặt thành nắm đấm, hùng hổ tiến sát đến ba người con trai ấy. Tôi lao nhanh vào và xảy ra một cuộc ẩu đả với một đám con trai to con hơn tôi. Khí thế tôi vẫn vậy, tôi vừa đánh vừa kể ra các “tội lỗi’ mà đám người ấy làm ra. Cuộc ẩu đả vẫn cứ thế tiếp tục cho tới khi tôi thấy anh tôi với vẻ mặt hoảng hốt, miệng liên tục nói “Dừng lại”. Thấy thế tôi liền ngừng đánh, chạy lại phía anh rồi quay ra, nói lớn với đám đó: 

- “Bây cẩn thận đó, anh tao hiền chứ tao thì không nha.” Tôi hét lớn với vết máu bên môi.

Nói rồi tôi quay đầu đi về kí túc xá. Tôi hôm đó anh hẹn tôi ra ngoài sảnh. Tôi cố gắng làm xong bài tập thật nhanh để xuống đó mà quên mất những vết bầm, xước trên tay của tôi chưa lành. Vừa bước xuống tới đại sảnh, tôi đã thấy một bóng dáng cao, gầy nhom và trên tay đang cầm một bịch thuốc. 

- Bi xuống rồi à, có thuốc này, để anh xức cho.- Anh vẫy tay, cười và nói lớn.

- Dạ ! 

Tôi chạy lại, cười tươi và đáp.

Tôi biết dù là anh hơi ngốc nhưng vẫn rất yêu thương và quan tâm đến tôi. Chỉ là vì rào cản ngôn ngữ nên cách biểu đạt của anh hơi khác lạ. Cả buổi tối đó, anh xức thuốc cho tôi rồi hỏi: 

- Tại sao em gái lại đánh nhau vậy ? -  Anh nghiêng đầu, hỏi tôi với giọng nghẹn ngào.

Tôi chợt nhận ra khóe mắt anh có chút đỏ, tôi thấy anh rưng rưng như sắp khóc, vội ôm chầm lấy anh và vỗ về bảo:

- Tại bọn đó hay trêu em đó, em không sao đâu, vết thương nhỏ ý mà.

Tôi biết nói dối thì rất xấu nhưng tôi không muốn làm anh tủi thân, buồn lòng. Biết là nói dối rất xấu nhưng nói để người khác cảm thấy an lòng thì có lúc ta cũng đành chấp nhận.

- Nhưng sau này em đừng đánh nhau nữa nhé, nếu ai mà ghẹo thì hãy kể với anh, anh sẽ bảo vệ em.

 Anh nhìn tôi, vỗ ngực tự hào.

- Vậy sau này phải hứa bảo vệ em gái này nha, móc ngoéo đi.” - Tôi dơ tay ra, rồi cười ngốc.

- Hứa! - Tôi đáp lại

- Em cũng phải hứa với anh là không được đánh nhau, nữa nhé?

- Vâng ạ, hứa luôn! -  Tôi đáp lại

Kể từ ngày hôm đó, anh em tôi như càng hiểu nhau thêm, từ đó tình cảm hai anh em chúng tôi càng ngày sâu đậm, gắn bó hơn.

Năm anh tôi 18 tuổi, tỉnh tổ chức cuộc thi nói tiếng Anh. Tôi biết nếu anh tôi đạt giải, sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc thi đại học, và tôi biết anh tôi thừa khả năng để giành lấy chức “vô địch”. Tôi liền động viên và khích lệ khi thấy anh lo sợ trước khi vào phòng thi. Ngồi dưới khán đài, tôi hồi hộp, tay bấu vào nhau, siết chặt lại, lo lắng liên tục cắn môi. Trên khán đài anh nói tiếng Anh lưu loát, tự tin, tôi vui lắm. Vui vì anh đã vượt qua được nỗi sợ của bản thân, vượt lên chính mình. Tôi chợt để ý đến nội dung, anh đang nói về tôi - người mà anh yêu thương nhất!

- “Tôi biết em gái tôi dù rất nhỏ bé nhưng luôn muốn trưởng thành thật nhanh để bảo vệ tôi. Tôi đã rất buồn khi biết em nói dối mình về việc đánh nhau, nhưng tôi biết em làm vậy là vì tôi, vì muốn bảo vệ cho tôi. Nhưng dù như thế nào thì em vẫn mãi là em gái nhỏ của tôi. Em làm tất cả vì tôi, vì muốn tốt cho tôi. Và qua đây, tôi muốn gửi muốn gửi lời cảm ơn đến cô gái nhỏ ấy.” Anh vừa nói vừa nhìn vào tôi.

Tôi đã thực sự rất xúc động mà rơi lệ, tôi chưa làm vì anh, có lẽ tôi đã nghĩ rằng “hạnh phúc là cho đi không phải là nhận lại”.

Khi anh xuống đến chỗ tôi, tôi liền lao vào vòng tay đang dang rộng và nở một nụ cười: “Anh làm tốt lắm. 10 điểm!”. “Cảm ơn em” - Anh đáp lại.

Sau ngày hôm đó, tôi biết được tình yêu thương anh dành cho tôi là vô hạn, không có gì sánh bằng. Lúc đó anh và tôi đang chờ kết quả, “pháo giấy xuất hiện”, anh tôi đã đạt giải ấn tượng nhất. Tôi đã ôm lấy anh và khóc, anh vỗ về tôi nói: “Có phải em đậu đâu mà khóc trời” - Anh ghẹo tôi nói. “Em vui quá đó. Hihi. Cuối cùng anh cũng vượt qua giới hạn của bản thân rồi” - Tôi cười, đáp.

Đôi khi hạnh phúc, chỉ đơn giản là những cuộc trò chuyện vui vẻ với nhau, là những bữa cơm đầy ắp tiếng cười, là những lần anh em hiểu nhau hơn. Đối với tôi, chỉ cần anh lớn lên và thành công trong cuộc sống, là điều hạnh phúc nhất. Tôi thương anh, tôi làm mọi thứ vì anh không ngừng cố gắng phát triển bản thân để tôi thấy vui lòng.

Trần Nguyễn Ngọc Khánh

. . . . .
Loading the player...