27-05-2018 - 14:10

CHUYẾN NGƯỢC DÒNG CỦA NIỀM ĐẮM SAY THÀNH KÍNH

NHÀ THƠ ĐINH SỸ MINH

CHUYẾN NGƯỢC DÒNG CỦA NIỀM ĐẮM SAY THÀNH KÍNH
( Đọc sách "Phồn sinh" của Nhà thơ Đinh Sỹ Minh của tác giả Phong Lan)

Trong cuộc đời mỗi con người, chuyến đi xa nhất luôn được tính bằng quãng đường từ điểm xuất phát đến đích của nó, nhưng chắc rằng không ai tính hết được quãng nhớ thương dằng dặc của hiện tại nhìn hút về quá khứ. Càng đi xa điểm xuất phát, lòng người lại càng đau đáu nỗi niềm ngược dòng thời gian trở về những ngày tháng cũ, để thanh lọc tâm hồn sau bao nhiêu nắng gió đường đời, để xoa dịu trái tim sau nhiều lần ấm – lạnh. Và trên hết, trở về để được là chính mình.


“Phồn sinh” của Đinh Sỹ Minh thực sự là một cuộc trở về. Không ồn ào tuyên ngôn, nhưng lại khiến người đọc phải chìm vào suy ngẫm khi gặp những dòng thảng thốt: 
Làng của ta ơi, xa lắc của ta ơi
Nơi chôn rau, giờ chỉ là kỷ niệm
Bạn bè, người thân ngày càng trống vắng
Ta hoang mang như đã kẻ lạc loài.
(Nhớ làng)

Cuộc trở về của một người muốn tìm lại những điều đã vô tình quên lãng không đơn giản chỉ là hồi tưởng và tiếc nhớ, mà còn có rất nhiều nỗi tự vấn day dứt. Vì nhiều lí do mà người ta không thể mang theo tất cả: tình yêu, đam mê, thề hẹn, khát khao... trên hành trang vào đời, bởi tuổi trẻ ngày ấy phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm với Tổ quốc, với quê hương, với gia đình, với chính cuộc mưu sinh của bản thân mình. Cứ hình dung nếu “Phồn sinh” được viết ra từ 10 năm trước hay 10 năm sau, sẽ không thể có điểm rơi của tâm trạng người viết vào đúng nỗi xúc động của người đọc như thế:
Đây núi Hồng, biển Đông hùng vĩ 
đội những mùa giáp hạt lên xanh 
dốc ngược sông Lam, lật ngang Ngàn Hống 
chín chín đỉnh dọc ngang trần thế 
dọc ngang nỗi người 
suối nguồn dâu bể 
vắt non xanh xoa vết xước gió Lào
giản dị bên trời, thăm thẳm lên cao!
(Ngàn Hống)  
Làng quê – nơi cất giữ biết bao nhiêu điều thân thuộc của người con được sinh ra trên đồng đất. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn... tưởng như sẽ mãi mãi gắn bó, bỗng một ngày nhìn lại thấy mình thành kẻ lạc loài khi họ lần lượt theo nhau về cõi khác. Một cảm giác vắng lạnh không gì bù đắp nổi. Thương người đã khuất và thấy thương thân phận mình trong một chiều đứng giữa quê hương. 
Nhớ làng là nhớ mẹ. Có thể những đứa con của người mẹ ấy đã đặt chân khắp mọi miền đất nước, còn chính mẹ lại chưa ra khỏi lũy tre làng, nhưng trong lòng mẹ lúc nào con cũng bé nhỏ, cần được yêu thương vô điều kiện và che chở suốt cuộc đời. Con đường mẹ còng lưng gánh nặng áo cơm trong nắng sớm mưa chiều đã in hằn trong kí ức của người con tha hương: 
Còng lưng gánh cả trưa hè
Dòng sông thác lũ cánh bè mẹ trôi.
...
Bây giờ con phận tha hương
Vu lan báo hiếu… trên đường mẹ ơi!
...
Khi xưa còn mẹ, mẹ yêu
Giờ con yêu mẹ - rỗng chiều hoàng hôn!
(Vu Lan nhớ mẹ)
Và hơn cả nỗi nhớ, niềm xót thương khi nghĩ về những vất vả, khó nhọc của đời mẹ chắt chiu cho con được khôn lớn, trưởng thành:
Khảm vào tôi niềm thương nhớ mẹ
Dọc những miền đời khoai lúa 
Dọc những chiều vết cắt tha hương
Đường nhói lòng tôi những luống cày trần thế
(Đường làng)
Nhớ làng là nhớ em – người thiếu nữ đầu tiên gieo vào lòng ta những rung động hồn nhiên và mãnh liệt. Có thể những sợi tơ thương mến đó không đủ dệt nên hoa gấm của hạnh phúc lứa đôi, nhưng mãi mãi là điểm tựa ngọt ngào nhất mỗi khi lần ta thất vọng, chỉ cần nhắm mắt lại và chìm vào hồi tưởng, hình ảnh người con gái ấy lại hiện lên tươi tắn:
Làng trẻ lại sau cơn mưa đầu hạ
Em tinh khôi dạn dĩ 
Mơ yêu
(Xanh đồng)
Tình yêu trong thơ Đinh Sỹ Minh được thể hiện tinh tế mà bạo liệt đến bất ngờ. Cách sử dụng hình ảnh đầy sáng tạo khiến cho đoạn thơ tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ độc đáo:
Ngày xa em thu trút xiêm y
Thấm tận cùng nỗi đau, trao tận cùng hương sắc
Suối vét khô nguồn
Sông u mê trầm tích.
(Lửng thu)
Yêu nhau đến “tận cùng” nhưng không một chút oán hận khi không còn bên nhau nữa thì chỉ có thể là tình yêu của những tâm hồn mãi mãi thuộc về nhau. Để lúc nào đó bất chợt bắt gặp một âm thanh gợi nhớ, lòng bỗng như chùng lại:
Ta nghe tiếng mưa rơi 
Buốt tận cùng nỗi nhớ 
Nghe chân ai qua ngõ
Kéo mùa thu mỏng dần!
(Bước giao mùa)
“Mùa thu mỏng dần” liệu có phải là chỉ dấu của cuộc đời đang đi về phía cuối con đường? Không ai có thể níu giữ mãi được thời trai trẻ, cũng không thể nắm giữ được quá nhiều điều khi con dốc đời người đã đổ nghiêng sang phía mình, vì thế mà hãy buông trôi những sân si, ham muốn... 
Đinh Sỹ Minh làm thơ như một người dạo chơi cùng con chữ, không khó để đọc được những câu anh viết rất hồn nhiên và ngây ngất như hòa tan xúc cảm trời biển quê nhà. Anh viết trong tâm thế của một người con dành tất cả niềm đắm say thành kính đối với nơi mình được sinh thành:
Một chấm xanh
Một chấm biển tung lên
Tôi và gió và cát ngày trở lại
Quyện vào nhau làm một Thiên Cầm
(Thiên Cầm)
Sau nhiều năm viết, Đinh Sỹ Minh đã nhiều lần phủ nhận bản thân qua những bản thảo phải dằn lòng xóa đi không còn dấu vết. Những lần phủ nhận đầy quyết liệt ấy đã khiến hồn thơ anh được “tái sinh” khỏe khoắn, tươi tốt và hứa hẹn rất nhiều mùa sinh sôi...


                                                                                                      HN 07-5-2018
                                                                                                        Phong Lan

 

CHÙM THƠ TRÍCH TỪ TẬP "PHỒN SINH"

VU LAN NHỚ MẸ
Vu lan nghe tiếng chuông chùa
Giữa làn hương khói bóng xưa mẹ về
Còng lưng gánh cả trưa hè
Dòng sông thác lũ cánh bè mẹ trôi.

Trên đầu mẹ đội nón trời
Bước chân vội vã chơi vơi xóm nghèo
Bao nhiêu núi bao nhiêu đèo
Mẹ đi qua những xác chiều héo hon.

Giọt mồ hôi gót chân mòn
Lớn khôn con bởi vuông tròn mẹ lo
Con say canh bạc phù du
Đồng tiền mẹ rách, lời ru mẹ buồn.

Quản chi phận mỏng cánh chuồn
Tấm thân cò vạc mưa tuôn nắng hè
Chắt từ thiếu nữ đam mê
Đến thời góa phụ trở về gió sương.

Bây giờ con phận tha hương
Vu lan báo hiếu… trên đường mẹ ơi!
Tình yêu mẹ gửi lên trời
Hồn thiêng con lạy xin Người thoát siêu.

Khi xưa còn mẹ, mẹ yêu
Giờ con yêu mẹ - rỗng chiều hoàng hôn!
                               Hà Nội mùa Vu lan, 16.08.2015

NGÀN HỐNG
Cõng dãy Trường Sơn, trầm mắt biển 
núi cuộn mây mấy ngàn năm say tỉnh 
rượu Tiên Điền đau đáu thi nhân 
 rót sông Lam đẫm mắt nàng Kiều 

Bao khắc khổ, rong rêu trầm mặc
ngửa mặt lên trời gội bão miền Trung 
đá đứng đá ngồi nhập hồn Từ Hải 
nghiêng mắt quê cười trắng nón Cời 

Nghe trong gió rừng thông khát lá 
chắn gió mùa Đông Bắc thổi cùn đông 
 núi cắt những mảnh sườn trơ đá 
xây non cao, biển rộng sông dài

Đây núi Hồng, biển Đông hùng vĩ 
đội những mùa giáp hạt lên xanh 
dốc ngược sông Lam, lật ngang Ngàn Hống 
chín chín đỉnh dọc ngang trần thế 
dọc ngang nỗi người 
suối nguồn dâu bể 
vắt non xanh  xoa vết xước gió Lào
giản dị bên trời, thăm  thẳm lên cao!
                                       6/2016

ĐƯỜNG LÀNG
 Đường chạy trong tôi ngổn ngang  nỗi  nhớ
 Sùi sụt ngày mưa , ngày hun nắng lửa
 Trộn cát, gió Lào
 Rơm cỏ bộn chân  quê.

 Bao gương mặt thân quen thời gian  đã  khuất 
 Áo tơi quấn  hồn xứ sở
 Những bóng người lầm lũi mùa gieo cấy
 Hiu hắt ngang đồng tiễn một người đi
 Tiễn bao người về thầm lặng đất
 Đường rung tiếng nấc những bàn chân.

 Chạy qua xóm nghèo,  từ Tây sang Đông 
 Như con sông nối hai miền nhớ
 Nơi đầu nguồn quán trọ
 Nơi cuối nguồn một cõi ngàn thu
 Đường tất bật gánh những đời dân dã
 Dắt ta đi đất đỏ gió sương nhầu.

 Về với làng muôn đời máu thịt 
 Khảm vào tôi  niềm thương nhớ mẹ
 Dọc những miền đời khoai lúa 
 Dọc những chiều vết cắt tha hương
 Đường nhói lòng tôi những luống cày trần thế
 Nơi mẹ cha nâu sồng giản dị 
 Gieo ta  hy vọng con  đường!
                       Hà Nội, 5.7.2015

    GIẾNG LÀNG
Soi mặt xuống giếng làng thấy trời xanh sấp ngửa
một mùa thu  lỡ chuyến  về xưa
mê mải ngác ngơ cuối chân trời góc bể
chợt một ngày tuổi trẻ
hóa cơn mê.

Loanh quanh chiều rong rêu giấu kín
giọt thơ ngây trôi mãi lạc nguồn
bậc đá bạc trẻ trung hai thứ tóc
hôn bàn chân xơ xước 
tay trong tay ấm áp khói  rơm  thơm.

Đã qua biển đời và cả bến sông mơ
chân trời chỉ một bàn tay  mỏi
gió cứ ngược để mùa đi không trở lại
giếng làng vòng vo không tròn nổi câu thề.

Tháng bảy Vu lan  khẽ chạm giếng quê
ta múc giọt thơm rắc vào thu hờ hững
nghe mặn chát ủ từ lưng áo mẹ
nước mắt làng đắng đót 
để cho ta được mất GIẾNG LÀNG.

SỎI
Lăn lóc trần gian, lang  thang bãi chìm bãi nổi
Những suối, sông hờ hững đẩy ta đi
Cũng từng nặng phù sa bên lở bên bồi
Gói lại xa xăm ẩn ức quặn sỏi

Năm tháng vo tròn thai nghén những mầm xanh
Chắt hết ước mơ không thoát khỏi xói mòn mưa lũ
Tin vào đất sẽ đơm hoa kết nụ
Chưa thôi mong ngày sỏi đá cũng phồn  sinh

Định mệnh rồi, duyên nợ gả thời gian
Phận sỏi mãi lăn tròn  ẩn ức 
Trên mỗi lối mòn, sớm mai thức dậy
Một tình yêu sỏi cũng dịu dàng!

Con đường hoa, những ghế đá công viên
Lát ký tự của gồ ghề sỏi đá
Những mảnh đời bé con ghép nhau nhịp thở
Nâng bàn chân hy vọng  
Bước lên ta phận  sỏi  lót đường.
                                            Hà Nội, 07.01.2016.

THIÊN CẦM 
Một chấm xanh
Một chấm biển tung lên
Tôi và gió và cát ngày trở lại
Quyện vào nhau làm một Thiên Cầm
Làm một ngọn xanh từng qua mắt bão 
Làm một cơn mưa bù nắng dãi biển xưa
Cát chín rụng, vàng trong nỗi nhớ
Bờ còng lưng cõng sóng lên sóng vỡ 
Đổ đa đoan mỗi bước tôi về.

Thiên Cầm Thiên Cầm
Ngóng xanh về núi
Hay ngóng tôi, hay ngóng bước em kia
Mưa dụ nhớ thòm thèm bao mắt lạ
Xoa mắt cá trừng trừng ngày sóng dữ
Mây lên ngàn làm mát áo tơi
Mây dắt tôi dọc con đường em gánh biển
Đổ lên từng mắt lưới mặn khơi
Đổ hy vọng vào từng vuông đất mẹ…

Biển sõng soải
Ngực trần lim dim cát
Tôi một gã quê ngập vào tình đất
Nghêu ngao em điệu ví quê mình
Tưới vào biển mà làm tươi gió!
                                 29. 8. 2015

. . . . .
Loading the player...