28-08-2024 - 01:22

Có một dòng sông như thế!

Tạp chí Hồng Lĩnh số 216 trân trọng giới thiệu bút ký “Có một dòng sông như thế!” của tác giả Tống Phú Sa.

Có một dòng sông như thế!

                                                                                       Bút ký

 

“Ơi con sông Ngàn Phố của tôi ơi !”.

Âm điệu da diết của nhạc sỹ Trần Hoàn về dòng sông quê hương đã hàng ngàn lần làm trái tim ta xao xuyến. Như nụ hôn đầu của tình yêu say đắm, như vệt nắng cuối trời rưng rưng màu thương nhớ, như bảng lãng sương giăng trên trùng trùng núi của dãy Giăng Màn thẫm xa… Ơi con sông Ngàn Phố của tôi! Ơi con sông chở đầy thương nhớ của quãng thanh xuân đẹp nhất, con sông khiến lòng ta rưng rức mỗi chiều mưa đổ, chơi vơi trong những ngày tràn màu nắng mạ non.

Hương Sơn là vùng đất có rất nhiều sản vật quý, đặc biệt, có nhiều sản vật có hương vị như ngân thơm, gỗ thơm, gạo thơm…Và mạch nước trong lòng đất chiết rịn từ con sông bắt nguồn từ thẫm xanh của dãy Giăng Màn có vị ngọt như nước dừa non. Vùng đất ấy địa thế lại có núi bao quanh, nên có tên gọi là Hương Sơn (Núi thơm).

Sông Ngàn Phố là một con sông nhỏ, bắt nguồn từ động Giăng Màn trên núi Bà Mụ, nằm trong dải Trường Sơn Bắc, chạy dọc biên giới Việt - Lào. Lòng đất mẹ Hương Sơn ôm trọn con sông Ngàn Phố. Và, dòng sông ấy mải miết trôi về xuôi, dâng hiến  phù sa cho bãi bờ mãi xanh, chưng cất dòng nước ngọt lành nhất từ trùng trùng núi của dãy Giăng Màn để  nuôi dưỡng một vùng đất Thơm với bao thế hệ tài năng, góp sức cho non sông đất Việt.

Có độ dài chỉ khoảng bảy mươi hai km, nhưng, dòng sông Ngàn Phố có bề dày trầm tích. Chuyện đời sông, như dòng sông muôn đời mãi chảy, như tên đất, tên làng, như câu chuyện truyền thuyết về núi Bà Mụ trên đại ngàn xanh thẵm, rằng, vùng lòng chảo núi thơm (Hương Sơn) xa xưa như cô gái đẹp, kiêu sa nhưng nồng nàn. Cô gái ấy rong ruổi trong chốn bồng lai, mãi say cảnh đẹp mà vòng tay cơi nới những lo toan. Ấy nên, Bà Mụ trên đỉnh cao sừng sững, giang rộng đôi cánh quyền uy và thơm thảo, nuôi dưỡng chăm chút cho những đứa con trên vùng đất thơm Hương Sơn. Mạch nguồn tinh túy chắt rịn từ lòng đất, như dòng sữa ngọt lành của vùng đất Thơm tạo nên một dòng Phố Giang thơ mộng, trữ tình. Dòng sông ấy chia vùng đất Hương Sơn thành hai miền tả - hữu, lưu giữ theo tháng năm những vàng son của miền đất địa linh.

Sông Ngàn Phố ( Ảnh: PV )

 

Với địa thế dốc, với nhiều thác ghềnh, khe suối như Nước Sốt, Rào Mắc, Rào Qua, Rào Bồng, sông Ngàn Phố chảy về xuôi hợp với dòng Ngàn Sâu làm nên một Tam Soa đẹp như cổ tích, một La Gang với bãi bờ ngát xanh, đậm thơm vị hến. Những thăng trầm của vùng đất Hương Sơn gắn liền với dòng sông Ngàn Phố. Dòng sông ghi nhiều dấu ấn trong trang sử hào hùng của dân tộc. Năm 1407, Hồ Quý Ly để mất nước vào tay giặc Minh. Nhân dân rên xiết, lầm than dưới ách áp bức bóc lột của kẻ thù. Tại vùng núi Lam Sơn (Thanh Hóa) cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã bùng lên và lan rộng. Khi chuyển địa bàn ra vùng đất Nghệ An, Lê Lợi đã dựa lưng vào núi Thiên Nhẫn, xây dựng thành Lục Niên để chống lại quân Minh. Ngàn Phố đã giúp nghĩa quân Lam Sơn vận chuyển quân lương, đã kinh qua những trận quyết chiến, làm cho kẻ thù hồn xiêu phách tán. Tại vực Nầm, nơi dân gian truyền tụ dưới đáy sông có cung điện Thủy Tề, nghĩa quân Lam Sơn đã làm nên trận thủy chiến lưu danh sử sách. Trận đánh xẩy ra vào ngày mười bảy tháng tư năm 1425, nhân dân hai bờ sông Ngàn Phố đã phối hợp với nghĩa quân Lam Sơn làm nên trận đại thắng ở vực Nầm. Quân giặc tháo chạy, đến ngã ba Tam Soa, dưới chân núi Quần Hội, lại bị nghĩa quân do tướng Đinh Lễ chỉ huy đổ ra đánh giết. Giặc Minh thây chất thành đống, chứng tích còn lại là gò đất mà nhân dân nơi đây gọi “Cồn tổng binh”, nay còn có đền Trúc trên đồng Xa Lang (thuộc xã Sơn Tân cũ).

Có một dòng sông như thế ! Dòng sông với rất nhiều những bến đò ngang và những chuyến đò dọc. Những chuyến đò chở bao trái tim căng tràn nhiệt huyết, tỏa đi muôn nẻo đường của tổ quốc để viết nên những trang sử hào hùng. Làng Thịnh Xá nằm bên tả ngạn dòng Ngàn Phố, như trái tim đỏ tươi phập phồng những lời hò hẹn. Bến đò Choi, bến đò bà Cát, đò Bến Lội… là những tên gọi rất đỗi thiêng liêng với những chàng trai từ các binh đoàn về làng Thịnh Xá, Bàu E… để an dưỡng. Bến đò cũng là nơi những người mẹ, người chị tiễn các con lên đường vào Nam hay vượt Trường Sơn sang Lào để bổ sung cho chiến trường chống Mỹ. Nhiều trái tim thanh xuân đã mãi mãi nằm lại, tuổi trẻ chỉ mới kịp nắm vội bàn tay người con gái mình yêu trên bến đò Choi. Có những mối tình dang dở với lời hẹn trở về. Rồi, đạn bom khốc liệt cuốn anh đi… Ngày chiến thắng, bến đò xưa, dòng sông xưa, lời hẹn xưa… không dễ để tìm về. Tất cả là dòng ký ức, tươi đẹp và hào hùng, mến yêu và chưa bao giờ cũ.

Những chuyến đò dọc trên sông Ngàn Phố là một trong những phương tiện giao thông vô cùng đặc biệt của người dân Hương Sơn. Địa thế như hình lòng chảo, chân đạp núi Bà Mụ và động Giăng Màn, đầu gác lên dãy Thiên nhẫn, phần ngực nhấp nhô của núi Đại Hàm, Kê Quan (núi Mồng Gà) và dòng Ngàn Phố từ xanh ngắt rừng già chảy cắt ngang những làng mạc, những đồng đất… Vậy nên, từ ngàn đời nay, người dân của miền núi Thơm lấy phương tiện đò dọc làm chính để xuôi về Đức Thọ, theo dòng La Giang và sông Lam để đem những sản vật quý hiếm của miền sơn cước tỏa đi muôn nẻo. Hương Sơn là miền đất thơm. Miền đất  được bồi đắp từ những tinh túy ngọt lành của con sông bốn mùa nước mát. Những chuyến đò dọc từ Phố Châu đưa ta qua những vườn cam bù trĩu quả, những cây quýt già chín rực hai bên bờ sông. Cam bù Hương Sơn có vị rất riêng. Tép cam màu sánh đỏ, vị cam không ngọt lịm mà thanh chua đầu lưỡi, rồi ngọt dịu khi ta nuốt vào. Cam bù phải biết cách ăn. Người sành, không bóc vỏ cam từ cuống. Cam được tách nhẹ nơi hỏm sâu của quả, không ăn vội vàng mà nhấp nháp, cho nước cam ngấm dần vào lưỡi. Những ngày thời tiết hanh khô, cam bù ăn cả quả, vỏ cam vò nát, lấy tinh dầu xoa lên tóc, lên da. Con gái Hương Sơn, nhất là vùng quê Thịnh Xá, da trắng tóc đen, thướt tha và duyên dáng vô cùng.

Trên những chuyến đò dọc xuôi sông Ngàn Phố, những sản vật của vùng đất thơm, mỗi mùa một thức, được tỏa đi muôn nẻo. “Chè xanh thêm chút gừng cay/ Cu đơ thơm ngọt đắm say lòng người”. Chè Hương Sơn om trong ấm tích, rót bằng bát tô. Nước chè có màu xanh ngắt, chè uống đến đâu ngọt lừ đến đó, thơm vị đặc trưng rất khó tả. Từ bao đời nay, dân hai bờ tả ngạn sông Ngàn Phố có thói quen nấu nước chè xanh vào buổi sáng. Tiếng gọi nhau qua bờ cây mạn hảo, mùi vị thơm ngọt ngào của hoa chim chim… và màu xanh của chè trong chiếc bát to trên chiếc mươn bóng loáng. Chè xanh, chuối tiêu, cam bù, nhung hươu và kẹo Cu Đơ… là những đặc sản của làng quê yên ả hai bên bờ con sông Ngàn Phố. Bên bến đò chợ Kẻ Bàng, gia đình ông Cu Hai nấu kẹo từ mật mía và lạc nhân ngon nức tiếng khắp vùng. Ban đầu, kẹo được đổ vào lá chuối hay những bát ô tô để lấy thìa xúc ăn. Dưới thời Pháp thuộc, học sinh trường Thiếu sinh quân đóng cách nhà ông Cu Hai chừng 2km, thường rủ nhau đến đó ăn kẹo lạc. Từ Hai trong tiếng Pháp là (Deux) đọc là "Đơ", nên sau đó cứ truyền miệng và quen dần, từ kẹo lạc ông Cu Hai sang kẹo lạc ông Cu Đơ. Hai tiếng kẹo Cu Đơ trở thành máu thịt với người dân ven dòng sông Ngàn Phố, để ngày mai đi xa, để mãi luôn nhớ về một miền quê đẹp như tranh vẽ mỗi chiều hoàng hôn buông tím mặt sông. 

Có một dòng sông như thế! Dòng sông của những ngôi làng, đặc biệt là Thịnh Xá với những mái nhà tranh, những con đường nhỏ phẳng lỳ hai hàng mãn hảo. Dòng sông của những cô gái tóc dài, da trắng, môi đỏ và mắt biếc. Những phiên chợ Gôi, chợ Choi, chợ Bè, chợ Phố, chợ Trùa… những chiều hè lộng gió trên bến đò bà Cát, đôi mắt thoáng gặp nụ cười duyên dưới vành non lá… Bao mối tình đã ủ ấm và lên men nồng say trên bến sông quê, để rồi đi xa, để rồi nhớ mãi! Làng Thịnh Xá như một nốt son trữ tình trong bản nhạc rất tình của vùng đất Hương Sơn. Những nàng tiên nữ tuổi mười tám, đôi mươi má ửng hồng bên những khung dệt, mắt biếc nồng say chao nghiêng quang gánh bên bến sông, để cho bao trái tim xao xuyến… Những chuyến hàng vội vã trên những chuyến đò dọc chở về xuôi, những đôi guốc mộc tinh tế mềm mại, những tấm mành mành đủ màu sắc, những tấm thảm in hình dòng sông quê trong bóng chiều tà… Ngàn Phố chở tinh túy ngọt ngào của trời đất, chắt chiu những vàng son của bãi bờ để cho con gái của vùng đất này có bàn tay khéo léo, tài hoa. Những mặt hàng thủ công của vùng đất Thịnh Xá, của những làng quê muôn nẻo của bãi bờ Hương Sơn, góp mặt ở những phiên chợ có tiếng một thời, làm nức danh một vùng đất Thơm - tụ khí, tụ nghĩa và tài hoa.

Có một dòng sông như thế! Một dòng sông nhỏ bé nhưng nồng nàn hiến dâng. Dòng sông đã nuôi dưỡng những anh hùng, hào kiệt, những nhân tài cho đất nước như Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Thượng thư Đào Hữu Ích (1839 - 1899),  Tiến sĩ Lê Mậu Tài (1616), Đô ngự sử Tiến sỹ Nguyễn Tử Trọng (1485), Tiến sỹ Đinh Nho Công, danh sỹ Lê Hầu Tạo, Phú lân hầu ích Quang điện Phạm Phúc Kinh và Điền nhạc hầu Nguyễn Điều... Dòng sông ấy vẫn miệt mài chở phù sa bồi đắp cho bãi bờ, tạo nên một vùng đất Hương Sơn với nhiều vỉa tầng… Mãi là một dòng Ngàn Phố hiền hòa xuôi chảy, mãi nép mình bên những vườn cam bù trĩu quả, những vườn quýt rợp màu xanh tươi. Mãi đằm lịm câu ca “Chè Hương Sơn lá xanh nước chát /Lụa Hương Sơn thơm mát lòng người …”.

Văn hóa là “biên giới mềm” của mỗi quốc gia. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Và, huyết mạch trong dòng chảy văn hóa ấy là những dòng sông. Trong thời kỳ hội nhập, những người con của dòng sông Ngàn Phố tỏa đi muôn  nẻo, đứng ở nhiều cương vị, làm nhiều công việc khác nhau. Nhưng, lòng người vẫn rưng rức tin yêu, vẫn mơ về một đêm trăng trên dòng sông Ngàn Phố, vẫn tìm về khi lòng chực ngã… và tha thiết hiến dâng những nồng nàn vì một dòng sông neo đậu trong tận cùng ký ức!

Có một dòng sông như thế, ơi Ngàn Phố của tôi!

                                                                            Hương Sơn, 25/7/2004

                                                                                           T.P.S

 

. . . . .
Loading the player...