01-08-2024 - 01:58

Còn mãi muôn đời: Cái đẹp

Tạp chí Hồng Lĩnh số 215 tháng 7 trân trọng giới thiệu bài viết “Còn mãi muôn đời: Cái đẹp” của Lê Khắc Chân Như (Đọc Bài thơ thời gian, Lê Quốc Hán, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

Với tôi, đọc thơ trước hết là cảm. Cảm được cái hay của bài thơ sau đó mới đọc lại để hiểu. Bài thơ hay thường “ý tại ngôn ngoại”. Tôi không có tham vọng viết những lời bình, chỉ ghi lại những cảm nhận của mình sau khi đã cảm và hiểu thêm nhiều điều. Và quả thật “thơ Lê Quốc Hán là không thể đọc một lần” bởi “thơ ấy có thể dẫn người đọc vào một miền hun hút thăm thẳm đời sống tâm linh con người và neo giữ mối liên hệ với thực tại bằng sợi dây mỏng manh kỳ diệu có tên gọi thời gian” (TS. Đặng Lưu).

Bài thơ thời gian gồm có bốn phần: Vũ trụ và Tâm Linh, Bài thơ thời gian, Lửa, Vọng.

Phần Vũ trụ và Tâm Linh mở ra bằng Nhắm mắt nhìn xuyên ba cõi/ mở ra bụi thế mù lòa. Hai cái vô cùng tận: đó là Vũ trụTâm linh con người. Vũ trụ bao la và đầy bí ẩn, con người luôn khao khát tìm hiểu, khám phá và tìm cách chinh phục; còn con người lại là trung tâm của vũ trụ: Nếu không có con người vạn vật chẳng sinh sôi/ nếu không có con người trái đất hóa mồ côi. Nhưng con người luôn mang đôi cánh thiên thần và móng vuốt quỷ sứ (Con người). Hai phần tốt xấu trong con người luôn đấu tranh để tồn tại, chỉ cần cái xấu nhích hơn một chút con người sẽ thành quỷ dữ. Còn nhà thơ thì sao? Họ dùng trí tuệ và trái tim mình nối hai bờ xa thẳm kia để bay từ chân trời này đến chân trời nọ. Và bọn họ đã tạo cho mình một vũ trụ riêng, một tâm linh riêng (Vũ trụ và Tâm linh).

Trong cái vũ trụ vô cùng tận đó cuộc đời con người thật ngắn ngủi, chớp mắt như bóng câu qua cửa sổ và thường vui ít buồn nhiều. Chả thế khi chào đời đã cất tiếng khóc oa oa: Trong hạnh phúc đời thường/ chứa hạt buồn lấp lánh// Niềm vui là tấm gương/ Nỗi buồn là nghịch ảnh (Nghịch ảnh). Cõi đời con người thật lắm buồn vui, không sao cắt nghĩa được, kiếp này mơ tưởng kiếp sau. Nhà thơ trăn trở: Cỏ xanh đang đợi trước mồ/ Thương tôi tôi vẫn mơ hồ kiếp tôi (Cõi người). Cuộc đời con người là vay trả trả vay. Ta nợ sữa thơm của mẹ, nợ máu hồng của cha, nợ quê nhà hạt gạo phù sa lở bồi, nợ vợ một đời tần tảo, nợ con một ánh mắt cười thơ ngây: Giật mình chiều tím chân mây/ Vẫn nguyên vẹn nợ như ngày sơ sinh (Nợ).

Nhà thơ nói rằng tìm được cái kết cho bài thơ là khó nhất. Những câu kết các bài thơ của ông chứa đựng những triết lý sâu xa: Dằng dặc con đường đời/ Đích mãi còn phía trước (Con đường); và khổ kết bài “Đo”: Chỉ trí tuệ con người/ Chạm được vào vô hạn/ Chỉ tình yêu con người/ Sâu vô cùng vô tận. Đúng vậy, người ta chỉ đo được chiều cao của núi, chiều sâu của đáy biển. Năm tháng qua đi chẳng có gì lạ. Chúng ta chỉ có thể hỏi ngày hỏi tháng hỏi năm, nhưng: Bờ bên này khổ đau/ Bờ bên kia hạnh phúc/ là sao qua được cầu (Hỏi). Trong cuộc đời mỗi con người tìm được một tri âm thật khó: Men theo bờ vực thẳm/ tìm hoa lạ giữa rừng/ Men tháng ngày mưa nắng/ Tìm dáng hình mỹ nhân/ Men theo trang giấy trắng/ Tìm tứ thơ xuất thần// Men giữa đời chua mặn/ Tìm một người tri âm (Men). Men giữa vũ trụ bao la, chiếc cầu thời gian mỏng manh có cho ta tìm được không, tìm được chưa, một người tri âm? Và nhà thơ mong ước: Con trai làm ngọc/ Từ hạt cát vàng// Sách viết nghìn trang/ Mong còn một chữ (Vụn).

Phần 2 mở ra bằng cặp lục bát: Phù dung sớm nở tối tàn/ Vẫn dài hơn kiếp hồng nhan giữa đời. Thời gian ở đây không phải là thời gian vô cùng tận của vũ trụ mà là thời gian hữu hạn của một đời người, của nhân sinh. Mở đầu “Bài thơ thời gian”: Thời gian như chuyến tốc hành/ Mang theo lá đỏ và anh trở về. Ấy là chuyến tàu tốc hành của đời người, là hành trình trở về của mỗi con người.  Với bánh xe luân của thời gian tất cả đều mong manh: Tóc xanh vừa lỗi lời thề/…/ Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay… Bởi thế mới có khát vọng đảo chiều thời gian: Trái đất ơi ngược vòng quay/ Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên.

Vạn vật trong vũ trụ đều vô thường; không gian, thời gian cũng vô thường. Thời gian của vũ trụ còn vô hình nữa. Mỗi phút giây trôi qua không bao giờ trở lại. Con người ta sinh ra già đi rồi chết, so với thời gian của một tiến trình với chu kỳ Thành - Trụ - Hoại - Diệt cuộc đời mỗi con người thật ngắn ngủi, Thời gian vô hình vô bóng nhưng với nhà thơ thời gian cũng có màu sắc, có cây thời gian và cả ga thời gian: Đêm đêm thường mơ/ Chuyến tàu thời gian/ giật lùi lên phía trước// Đêm đêm thường mơ/ Cây thời gian đôi bờ/ Rễ mọc ngược// Ga cuối cùng/ Lạnh ngắt/ Hoa thẹn thùng/ Cúi mặt (Ga thời gian). Đúng là Cuộc đời dài như chớp mắt/ sớm xuân chiều ngả đông tàn/ Niềm vui chưa cầm vụt tắt/ Nỗi buồn theo khói mây tan (Chén đời). Cùng nhà thơ, ta suy ngẫm: Trẻ ngỡ mình nặng nhất/ Già biết mình nhẹ tênh/ Thời gian như rìu sắc/ Đẽo bạc mái đầu xanh (Ngẫm).

Với trái tim giàu yêu thương, nhà thơ thương cuộc đời con người nhiều khổ đau, thương cả vạn vật cỏ cây sông núi…, tất cả đều có nỗi buồn như con người: Ai bảo lá không mơ/ sao đêm đêm nghẹn nấc/ Ai bảo hoa không khóc/ cánh có khô bao giờ/ Sông không đợi không chờ/ Sao hè về ngừng chảy/ Núi rừng thường tự cháy/ Sao không giận không hờn/ Ai bảo trời không buồn/ Sao chợt mưa chợt nắng/ Trái đất không cô đơn/ Biển cồn cào dậy sóng/ Giữa cõi đời cao rộng/ Được làm người phút giây/ Mong chi chiều tắt bóng/ Hóa kiếp làm cỏ cây (Hỏi). Nhà thơ thương con người, đau nỗi đau nhân thế. Và con người nhiều khi thật la: khao khát được cười, được yêu, cả khao khát được ưu phiền. Ưu phiền, nhiều khi chỉ vài lý do: thương bạn bè nhỡ chuyến tàu, hay lỡ chuyến đò ngang… và thương mình: Nhiều khi mình chẳng là mình/ Trái tim vô cảm vô tình vô ưu/ Những chiều gió lạnh buồn thiu/ Vọng nghe gió thổi hắt hiu gọi: về (Nhiều khi).

Nhiều thi sĩ làm thơ về mùa thu rất hay bởi mùa thu là mùa chia ly. Thương con người buồn vì cuộc đời, nhà thơ Lê Quốc Hán cũng có nhiều bài thơ hay về mùa thu: Thu, Nét thu, Màu thu, Cảm thu, Gió thu, Sám hối thu, Tiễn thu: Mùa thu mùa của chia ly/ Nên con sông chảy chẳng khi nào ngừng.

Mở đầu phần 3 là lời tự vấn: Lửa sinh ra tự trên trời/ Hay sinh từ trái tim người khổ đau? Đọc những bài thơ trong phần Lửa, tôi nhận ra đó là những bài thơ về tình yêu thương của con người, là lửa của trái tim, lửa của tình yêu đôi lứa. Trong bài “Hạt bụi”, viết theo thể thơ văn xuôi, nhà thơ tự thức: Ngày xưa chúng mình hai hạt bụi, ở hai vì tinh tú xa xôi, một ngày kia qua hơi thở Chúa Trời, quằn quại hóa đôi linh hồn bất diệt. “Dỗi” là bài thơ diễn tả một cung bậc của tình yêu trong muôn vàn cung bậc của tình yêu đôi lứa: Thôi em Cứ việc đi tìm/ Cho môi khỏi héo cho tim khỏi tàn/ Biết đâu cuối bến trần gian/ người xưa vẫn đời em sang một bờ. Người ta hay nói hai từ: duyên nợ. Là duyên thường đi với nợ. Người ta yêu nhau, lấy nhau là duyên và cũng là nợ. Họ nợ nhau từ nhiều kiếp trước trong cõi luân hồi. Bởi vậy: Giật mình trong cõi luân hồi/ Biết đâu kiếp trước chính tôi phụ nàng (Luân hồi). “Vắng” là một bài thơ về một tình yêu bất diệt, vĩnh cửu. Khi về thế giới khác, dù được hóa thân thành phật thành tiên, giàu hay nghèo: Không em không cả muôn vàn/ Trần gianĐịa ngục - Thiên đàng vắng teo. Và đây phải chăng là triết lý sâu xa về tình yêu đôi lứa: Ngọt ngào và bí hiểm/ Là tình yêu lứa đôi/ Mong manh không hoàn thiện/ Là hạnh phúc con người (Mong manh).

Song sinh với ngọn lửa tình yêu con người và của con người là ngọn lửa tình yêu thi ca, tình yêu cái đẹp. Nhà thơ luôn khát khao dâng hiến: Xin góp thêm một nốt nhạc dâng đời/ Ôi! Giọng hát trút cả hồn lẫn xác/ có làm rung nhịp đập trái tim người (Dâng). Rất nhiều bài thơ trong thi tập đã làm nhịp đập của trái tim người đọc rung lên, làm ngọn lửa yêu thương bùng cháy, xua tan nỗi khổ niềm đau, tràn lên niềm tin hy vọng cho cuộc đời ngày một đẹp hơn, tươi sáng hơn. Nhà thơ đồng cảm sâu sắc với tình thương con người vô bờ của Đại thi hào Nguyễn Du, tạ Thúy Kiều, khóc Đạm Tiên, yêu kính nữ sĩ Hồ Xuân Hương: Nhân tình dù bạc như vôi/ Hồn thơ chị nhuốm bụi đời vẫn son (Tạ). Thương thi sĩ Hàn Mặc Tử, mỗi mùa trăng lên, cắn rứt nỗi đau thể xác, vẫn: Miệng ngậm đầy trăng thơ ngân đầy lưỡi/ Trăng đóng thành băng trăng tan thành suối, để Trần gian Thượng giới nối một đường trăng/ …/ đường đời cát bụi đường thơ sạch trong/ chảy tràn hai lối trăng trăng trăng trăng (Trăng Hàn). “Tiếng hót” như một tuyên ngôn thi ca của nhà thơ; Dẫu đôi lần dính mũi tên hòn đạn/ Vẫn trong veo tiếng hót thuở ban đầu/ Trong hữu hạn gắng tìm ra vô hạn/ Để tình người chạm đến đáy thẳm sâu// Rồi một mai héo trên cành cổ thụ/ Gửi lời ca trong tiếng gió xạc xào/ Xác tan biến dạt ra ngoài vũ trụ/ Hồn vẫn còn thánh thót hót trên cao.

Ai cũng có một quê hương để khi xa mà nhớ mà thương. Vọng - phần 4 - là tiếng lòng của nhà thơ Lê Quốc Hán tha thiết nhớ quê như con sông tha thiết nhớ nguồn: Ba phần đời trôi dạt/ Hồn lạc về cố hương (Lạc). Người chốn đây mà hồn lạc nơi nao? Nơi có dòng La Giang, có sông Ngàn Phố, có tiếng chuông chùa, có những kỷ niệm thơ ngây, có những bạn xưa còn hay đã mất: Giật mình chợt tỉnh cơn mơ/ Linh hồn neo lại bên bờ xót xa (Cố hương). Hay: Đem tuổi xuân rao bán chốn thị thành/ Đêm day trở nghe sông nhà bật khóc (Tạ cùng Ngàn Phố). Quê hương, nơi đó có người cha ngày ngày mòn mỏi ngóng trông: Cha gieo con một ngày chớm nắng/ Rồi ra đi khi lúa trổ đòng đòng/ Mỗi lần nhìn bông lúa vàng trĩu nặng/ Cảm thương Người một kiếp mỏi mòn mong (Gieo); có người mẹ hiền với những bước chân nhè nhẹ mà con chưa nhầm lẫn bao giờ. Mẹ đã nhỏ bao nhiêu giọt máu để nuôi nấng và dạy dỗ một người, Mẹ đã vắt kiệt mồ hôi cạn khô nước mắt đánh mất cả sắc đẹp lẫn tuổi trẻ (Bốn khúc ca ngắn của mẹ). Quả như câu hát: “Quê hương nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người”.

Tình yêu quê hương được mở rộng biên độ thành tình yêu đất nước. Bàn chân nhà thơ đã đặt lên biết bao vùng đất Tổ quốc Việt Nam. Đến đâu, ông cũng ghi lại tình cảm của mình với mỗi vùng đất, mỗi con người nơi đó: Một Huế thơ Huế mộng với Nghìn năm sót lại/ Điệu hò trên sông (Âm thanh), với “Trường Tiền” lung linh bí ẩn: Trường Tiền nhịp thấp nhịp cao/ Nhịp ra thả nhớ nhịp vào thả thương/ Chiều tà nghe thỉnh hồi chuông/ Linh hồn rụng xuống dòng Hương. Ướt chìm, với Chuông chùa Thiên Mụ/ Đổ thành tòa sen// Vầng trăng thôn Vĩ/ Cháy thành mắt đen (Ảo); một “Đà Lạt” mộng mơ Ngỡ trông như mới chớm sang rằm/ Pren thác trắng xòe tay trắng/ Vuốt mái tóc dài Lang Bian với Dã quỳ gặp nắng tưng bừng nở/ Nhón gót thông xanh ý đợi người, với những đỉnh đồi chen ngọc bích/ Lâu đài biệt thự đứng song đôi … để nhà thơ khi xa không thể quên lời hứa: Em ơi Đà lạt mờ sương/ Chiều mai anh lại lạc đường đến đây (Đà Lạt mờ sương); một Vũng Tàu đêm say/ Chưa quen đã lạ; một “Bến Ninh Kiều’ với cuộc gặp tình cờ người yêu tuổi thanh xuân đầy tiếc nuối: Ngập ngừng chưa kịp cầm tay/ Ngước lên sông Hậu rót đầy mắt em; một cuộc kỳ ngộ với “người con gái Quan Họ” đầy thi vị: Gặp nhau một thoáng mưa rơi/ Thoáng thôi, thoắt đã đất trời chao nghiêng/ Người ta quan họ giao duyên/ Mình không liền chị vẫn quên lối về…  

Đi khắp năm châu bốn biển, đứng trước những kỳ quan thế giới, nhà thơ không bị choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của chúng, chỉ rút ra những bài học Lịch sử đấu tranh sinh tồn đầy máu và nước mắt của nhân loại cho hậu thế: Người quá yêu mãnh sư/ Để tội tình kiếp đá/ Sáu nghìn năm phù du/ Tìm sao ra thật giả (Nhân sư), Câu hỏi thời tiền sử/ Sức mạnh thuộc về ai/ Hóa thành cây Thập tự/ Đóng đinh giữa tim Ngài (Tháp Nghiêng), Xa trông Vạn Lý Trường Thành/ Mong manh sợi chỉ thêu quanh vòm trời/ Bao nhiêu thế kỷ vèo trôi/ Vẫn nghuyên vẹn chuyện khóc cười thế gian (Xa). Nhà thơ vui mừng khi phát hiện ra rằng, dù trải qua bao thăng trầm, Cái đẹp vẫn luôn tồn tại với con người trên trái đất thân yêu này: Tất cả đã vèo trôi, tất cả sẽ sẽ vèo trôi/ Giấc hồ điệp/ May còn sói lại muôn đời/ Cái đẹp (May). 

Xin mượn câu thơ của tác giả thay cho lời kết:

          Mai sau thi sĩ về trời

Câu thơ ở lại với người mai sau

                               Mai sau

Hà Nội, 20/5/2024

L.K.C.N

. . . . .
Loading the player...