22-06-2017 - 20:27

Đặc sắc chương trình Nghệ thuật “ Khát vọng”

Tối ngày 21/6/2017 tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh đã diễn ra chương trình Nghệ thuật “ Khát vọng” do Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh đoàn cùng Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp tổ chức.

 Chương trình với vở kịch “ Khát vọng”  có sự tham gia biểu diễn của NSƯT Trung Anh, một người con quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh và các nghệ sĩ trẻ: Minh Hải, Minh Hương, Lâm Cương, Ngô Thuận, Thế Nguyên... đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, của đông đảo nhân dân, đồng thời tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, cổ vũ tinh thần vượt khó, vươn lên trong cuộc sống cho tuổi trẻ.
      "Khát vọng" do NSƯT, cố tác giả, đại tá Tạ Xuyên chuyển thể kịch bản sân khấu từ truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Đây là truyện ngắn từng ám ảnh người đọc từ hơn hai mươi năm trước đã được đưa lên sàn diễn qua sự thể hiện của Nhà hát Kịch Việt Nam đã để lại những cảm xúc ấn tượng, ám ảnh và day dứt cho khán giả.
      Câu chuyện về năm con người trong một gia đình bị trói chặt vào một con thuyền chật hẹp, năm tháng nổi nênh theo sông nước bởi một lời nguyền nghiệt ngã “tuyệt giao với lũ người trên bờ” được lập dưới lưỡi rìu rớm máu bởi những uất hận, đắng cay khi không tìm được nơi chôn cất người mẹ mà đành chôn bà dưới lòng sông lạnh lẽo.
 


 
Nỗi đau của người ở lại khi người mẹ ra đi
 

      Sau cái chết của người vợ, người mẹ, gia đình ấy không ai bước chân lên bờ, con thuyền chẳng khác gì một nhà tù, giam cầm vợ chồng người con cả sống trong bi kịch chục năm trời không có mụn con (Cát – Dậu), một thanh niên khoẻ mạnh nhưng nhu nhược, nhận ra sự bức bối nhưng hèn kém không dám phản kháng (Sỏi), một cô gái xinh đẹp nhưng mù chữ (Giang) và một người cha độc đoán, cáu cạnh, đau khổ ( do NSƯT Trung Anh thủ vai ).
 



Câu chuyện của gia đình xoay quanh chiếc thuyền nhỏ


Những va chạm thường xuyên nhưng đành phải chịu đựng. 



Hai anh em Sỏi và Giang luôn mong ước được lên bờ
 

     Trên con thuyền ấy là những giằng xé, tâm sự của người cha và những người con trong gia đình kể từ khi “lũ người bạc ác” đã không để cho họ chôn cất  mẹ trên bờ.  Đây cũng là câu chuyện của hành trình phá bỏ định kiến, sầu hận . Những tưởng cuộc sống cách biệt và hận thù ấy cứ bám riết lấy những con người khốn khổ kia nhưng tất cả bị xé toang  nhờ tình yêu của Giang – cô con gái út và Thao – chủ nhân của vườn hoa cải bên sông. Tuy không được phép vì lời nguyền của cha cô nhưng cuối cùng Giang đã lên bờ vì tiếng gọi của màu hoa cải vàng quyến rũ và bởi tiếng gọi của tình yêu .  Sau quyết định táo bạo đưa mộ mẹ lên bờ và thuyết phục người bố  độc đoán của Thao và Giang, gia đình cô chuyển lên bờ và bước vào xây dựng cuộc sống mới.
 



Giang bị anh trai quát mắng khi biết ước mơ lên bờ của cô



Nỗi đau của Dậu - vợ Cát khi sống trong cảnh tù túng, suốt ngày bị Cát đánh đập, trút giận vì không sinh được con

 



Với nét mặt khắc khổ, NSƯT Trung Anh đã làm người xem hiểu được những đau đớn phải gánh chịu.



Khi biết mộ vợ mình được dời lên bờ, ông rất bất ngờ và giận dữ.



Đôi bạn trẻ hạnh phúc dưới ánh trăng dìu dịu là cảnh lãng mạn nhất của vở diễn



Cái kết đem lại sự ấm áp với cảnh cả gia đình vui vẻ, hạnh phúc bên mâm cơm đoàn viên.
 

       Dù cốt truyện đã quen thuộc, nhưng vở kịch vẫn khiến người xem rùng mình về những định kiến từ lâu đè nặng lên cuộc sống con người. Vượt lên những bi kịch, hận thù hủy diệt, vở diễn là câu chuyện về khát vọng đổi thay, tình yêu và hạnh phúc của con người.  Khát vọng sống, khát vọng đổi thay, khát vọng tình yêu và hạnh phúc sẽ  vượt lên trên mọi định kiến, hận thù. Nếu cứ chìm đắm trong quá khứ, sống mãi trong hận thù cũng giống sự tự huỷ diệt, chỉ có dám vượt qua chính mình mới có thể đổi thay, dám đổi thay mới có thể nắm lấy hạnh phúc!

 

Linh Châu

. . . . .
Loading the player...