Phim Đào, phở và piano họp báo và ra mắt khán giả thủ đô vào 23. 9. 2023. Sau đó, phim đạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (năm 2023). Nhưng phải đến dịp Tết năm 2024 phim mới chính thức ra mắt khán giả tại Trung tâm chiếu phim quốc gia. Đây là phim có đề tài lịch sử, tái hiện một lát cắt của Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp, cụ thể là vào tháng 2 năm 1947. Phim do Nhà nước đặt hàng Công ty Cổ phần phim truyện 1 (Hãng phim truyện 1) sản xuất, NSƯT Phi Tiến Sơn đảm nhiệm công tác đạo diễn kiêm biên kịch. Tạp chí Hồng Lĩnh số 212 tháng 4/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Đào, phở và piano” một bộ phim giàu chất điện ảnh của tác giả Huệ Ninh
Cùng hàng loạt phim Việt Nam ra rạp vào dịp này như Mai, Hồng Hà nữ sĩ, Cua lại vợ bầu thì ban đầu Đào, phở và piano cũng như nhiều phim khác âm thầm chìm khuất trước sự bùng nổ phòng vé của phim Mai. Bên cạnh đó, phim cũng không hề có chiến lược truyền thông gì. Với sự phủ sóng bởi các clip, hình ảnh seeding ngày một như vũ bão của phim Mai ở khắp các nền tảng mạng xã hội, cùng hàng loạt bài viết, tranh luận càng lúc càng dày đặc thì Đào, phở và piano vẫn chẳng hề có hình ảnh, video quảng cáo sắc nét nào. Trailer thì mờ nhạt, không ấn tượng. Ý kiến người xem ít ỏi, đa phần hời hợt. Nhưng chỉ sau ngày 18/2, nhờ lời cảm nghĩ của một tiktoker thì phim này trở nên đắt khách một cách không ngờ. Hàng loạt người lũ lượt tới rạp xem phim. Người nọ truyền tai người kia. Đến nỗi, trang web của rạp chiếu bị sập do quá tải số lượng người đặt vé. Lãnh đạo ngành này phải mở rộng các suất chiếu ở nhiều cụm rạp lớn trên toàn quốc để phát hành phim tới đông đảo khán giả yêu điện ảnh, thay vì mang đắp chiếu trong kho như dự định ban đầu, và như rất nhiều phim điện ảnh khác có nguồn đầu tư từ nhà nước. Trong phút chốc, Đào, phở và piano trở thành hiện tượng đặc biệt của điện ảnh Việt Nam. Phần vì số người xem phim tăng đột biến, phần khác phim tạo ra hiệu ứng chưa từng có ở dòng phim có ngân sách nhà nước, có đề tài chiến tranh cách mạng, bên cạnh đó là sự tranh luận về quan điểm hay - dở trong khán giả.
Một số ý kiến đánh giá không tốt về chất lượng phim ở mặt kỹ xảo chưa hoàn hảo, ở cốt truyện nhạt nhòa, không rõ thân phận từng nhân vật và mối dây liên hệ giữa các nhân vật với nhau. Đặc biệt là loạt ý kiến phê bình về tính chân thực lịch sử ở nhiều chi tiết trong phim. Rằng tại sao thời chiến mà người ta vẫn hào hứng với hoa đào hồn nhiên đến thế, vẫn ngồi đó mà chơi đàn, vẽ tranh, trang điểm hay ân ái, vẫn có những bát phở đầy ắp thịt bò… Từ đây, khán giả chê rằng diễn viên diễn khiên cưỡng, thoại nhiều và cứng, không ít đoạn mang tính bố trí của sân khấu hơn là tính chân thực điện ảnh.
Tuy nhiên, vẫn trên nền những thước phim đó nhưng vấn đề được đặt theo cách nhìn ngược lại, căn cứ vào thể loại của nghệ thuật điện ảnh, hẳn sẽ cho chúng ta nhận thức hoàn toàn khác.
Nhớ lại lịch sử điện ảnh thế giới từng chấn động bởi những thước phim đầu tiên của anh em nhà Luymie tại Pháp vào năm 1895 ta sẽ hiểu vì sao có các hiệu ứng kiểu đó. Đầu tiên, người xem rú lên hoảng sợ khi thấy đoàn tàu chạy rần rần trên màn hình chực đâm sầm vào họ. Rồi người xem cười toáng bất ngờ và hứng thú với cái vòi phun nước tóe lên do sự vô tình của người tưới cây. Điện ảnh ra đời từ những thước phim mang tính trực quan sinh động như thế. Sau, nó phát triển thành phim câm, phim có tiếng, rồi đến phim có cốt truyện, cùng rất nhiều thể loại phim ảnh khác.
Có thể thấy rằng điện ảnh là bộ môn nghệ thuật thứ 7, ra đời sau 6 bộ môn khác. Nó tiếp thu những tiến bộ của nhiều nghệ thuật trước đó. Đặc trưng của nghệ thuật này là hình ảnh động. Cho nên, các trường phái nghệ thuật điện ảnh lớn trên thế giới quan niệm phim truyện hay đầu tiên là phải giàu hình ảnh, phim phải kể được chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh. Việc yêu cầu xây dựng một câu chuyện lớp lang, mang tính drama người ta thường dành tìm trong tiểu thuyết, phim truyền hình dài tập chứ gần như không chú trọng hay đề cao trong phim điện ảnh.
Với cách nhìn mang tính chuyên môn ấy thì Đào, phở và piano xứng đáng là bộ phim truyện điện ảnh giàu ngôn ngữ hình ảnh. Phải khẳng định hình ảnh trong phim này quá đẹp. Nhà biên kịch, nhà báo Đỗ Trí Hùng từng thốt lên “nó đẹp đến từng dấu phẩy”. Thực tế phim đẹp, chuẩn ở từng khuôn hình. Mỗi thước phim có thể ví như một bức tranh sâu lắng, giàu ý nghĩa. Đó là những cảnh chiến tranh tàn khốc bởi bom đạn, người chết, cảnh đổ nát tang thương, cảnh yêu đương ân ái nhiều sức gợi, nên thơ và ám ảnh, cảnh những biểu tượng của Hà Nội như: cành đào, bát phở, cây đàn piano đều có ngôn ngữ riêng. Nó hiện lên lung linh, đối lập với sự dữ dằn, bạo tàn của quân địch. Tất cả tạo thành những mảng màu tương phản, ấn tượng. Từ đây, phim không chỉ xây dựng câu chuyện mang tính biểu tượng cao mà còn thể hiện được chiều sâu tư tưởng bởi những hình ảnh sắc nét, đập mạnh vào thị giác. Chuỗi hình ảnh này lôi kéo người xem từng chút từng chút một vào không khí truyện phim không chỉ ở phần ý thức mà còn ở cả phần tâm thức.
Bên những hình ảnh được thể hiện tinh tế, bạo liệt là việc sử dụng âm thanh cũng đầy nghệ thuật, có phong cách. Đó là tiếng nhạc và tiếng động. Nhạc phim được đan cài giữa bản nhạc cổ điển phát ra từ chiếc đài đĩa melodia trong căn phòng tân hôn của hai nhân vật chính là đôi nam nữ yêu nhau: Văn Dân - Thục Hương, hay đoạn nhạc Thục Hương thể hiện ca khúc tự sáng tác bằng chiếc đàn piano mang âm hưởng nhạc phương Tây, đoạn khác nổi bật là nét nhạc ca trù của hai cô ả đào với phong vị dân tộc trong căn biệt thự sang trọng của vị me xừ Phán nhà giàu. Đây là sự pha trộn có chủ đích của tác giả điện ảnh gợi dẫn cho người xem tới việc cảm thụ và tôn vinh những giá trị văn hóa nhân loại. Dù là Tây hay ta thì những phạm trù thuộc về văn hóa, những nét đẹp tâm hồn vẫn luôn cần được trân trọng, tôn vinh và cần được phát triển song hành. Nó có giá trị tương sinh, thúc đẩy nhau chứ không phải sự triệt tiêu để suy tôn một thứ gì độc nhất. Nó chứng minh cho tinh thần bất diệt của sự sống. Pha trộn với những âm thanh nên thơ, giàu văn hóa ấy là tiếng đạn bom gào xé, inh ỏi, ghê lạnh choán ngợp.
Kỹ thuật hình ảnh và âm thanh điêu luyện, đa nghĩa này phục vụ hữu hiệu cho việc tái hiện những nhân vật trong phim và làm nổi bật họ. Đó là chàng dân quân Văn Dân, là cô tiểu thư Hà thành giỏi đàn piano Thục Hương, là vợ chồng người bán phở, là ông họa sĩ già, cậu bé đánh giày, me xừ Phán. Họ là những người có tên và không tên, tưởng mờ nhạt vì được phác họa hết sức hồn nhiên, tự nhiên nhưng lại vô cùng sống động. Họ làm nên sự phong phú tiêu biểu cho một xã hội thu nhỏ. Sự hiền hòa, sang trọng, thiện lương từ căn cốt mỗi người hình thành nét đẹp nhiều sắc vẻ của cốt cách người Hà Nội. Cốt cách này tồn tại từ nhiều đời, kéo dài đến tận ngày nay, không thể trộn lẫn. Đó là cách sống, cách tư duy, là phong thái giản dị mà cao quý, hết sức hào hoa, phong nhã nhưng vẫn rất gần gũi, chan hòa. Họ đẹp từ hình thức đến tinh thần, cầu kỳ, cẩn trọng trong từng nếp ăn, nếp mặc, nếp nói, nếp nghĩ, nếp cảm, nếp chơi, và đẹp trước cả cái chết, đẹp tới tận khi chết. Để rồi, chính những con người này cùng làm nên một cái chết đẹp cho chính mình. Những cái chết không chút run sợ, hoảng loạn, không một giây cúi đầu, hay chần chừ khuất phục hèn nhát. Những cái chết tận hiến cho công việc mình yêu thích, cho sự sống giản đơn: Đôi nam nữ thì được chết bên nhau, chết vì tình thương yêu những người đã hi sinh trước đó. Ông bán phở thì chết vì gánh phở cuối cùng mình dồn tâm sức vào để phục vụ thực khách. Ông họa sĩ chết vì bức tranh mà mình cống hiến đến giây phút cuối cùng. Cậu bé đánh giày chết vì tình yêu lý tưởng cộng sản…
Tất cả họ làm nên một câu chuyện gần như không có cốt truyện. Câu chuyện về cái sự sống cuối cùng trước khi chết bởi họng súng của quân địch. Chuyện không đao to búa lớn, tưởng như không có gì mà lại hết sức sâu sắc, bao trùm cả một lớp người, cả không khí một thời kỳ oanh liệt. Không nặng phe ta phe địch, với những mô típ thông thường về âm mưu đối kháng hay sự căm thù cháy bỏng nào đó, truyện phim chỉ như một lát cắt nhưng tạo hiệu quả bất ngờ, sắc nét. Những nhân vật ở đây đều là người tốt và đầy khí chất. Họ không phục vụ cho đường dây nào hết, kể cả ở ngoài đời lẫn trong nghệ thuật. Họ hồn hậu như hoa cỏ mùa xuân, an nhiên sống và tỏa hương. Thế thì cái gì tạo ra đối trọng, cái gì là sự phản diện để hình thành chất kịch trong kịch bản, nhằm kết cấu ra một bộ phim hoàn chỉnh? Phải hình dung những thứ “cỏ hoa người” ấy cứ bình thản như thế, bỗng đâu bom đạn dội xuống, tất cả sự sống tàn lụi, tan hoang trong khoảnh khắc. Nó có màu sắc y như những thước phim nguyên thủy của ông tổ anh em nhà Luymie xưa kia. Tuy nhiên tư tưởng lại sâu sắc và kín kẽ hơn rất nhiều bởi vì những kiểu người này ý thức rất rõ về cái chết của mình, họ sẵn sàng tận hiến cho sự sống cuối cùng; bởi thế những hành động của họ trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Cái chết của họ cũng như bừng sáng. Cảm nhận sâu thêm một chút, ta sẽ thấy được những nhân vật phản diện trong phim – sự đối trọng của hệ thống nhân vật người tốt đẹp này. Chúng có khi ẩn có khi hiện. Đó chính là con quái vật chiến tranh, những tên địch mang dáng hình khác nhau: cả da đen, lẫn da trắng, cùng có chung một dã tâm là sự hủy diệt tàn khốc và bất chấp.
Những nhân vật cụ thể - là người Hà Nội không được miêu tả rõ nét ở sự căm thù giặc sâu sắc tới mức nào, hay sự căm thù ấy được khởi nguồn, được giáo huấn, được chỉ đạo kiểu gì, theo một đường lối đảng phái cụ thể ở đâu. Họ không trốn chạy cái chết hay kẻ hủy diệt đang ào ào xông tới dù là vẫn nhìn thấy và cảm nhận được từng giây phút. Họ cũng chẳng phản kháng với một mưu lược thâm sâu gì mà tất cả hành xử của họ hoàn toàn xuất phát từ sự bản năng, từ những gì vốn có. Họ đối diện với những kẻ hủy diệt, với con quái vật chiến tranh một cách an nhiên. Sự an nhiên từ trong căn cốt, từ chiều sâu văn hóa, từ tình yêu cháy bỏng với những điều hết sức giản đơn, bình dị hàng ngày: yêu người, yêu đồng loại, yêu đồng bào, yêu từng đồ vật, món ăn, hoa cỏ. Yêu đến mức sẵn sàng chết vì nó. Điều ấy tưởng là yếu ớt hay tự phát nhưng lại mạnh mẽ đến gai người, và có sức đồng thuận lớn lao. Nhìn ở chiều sâu, thì đặc điểm này không chỉ có ở riêng người Hà Nội mà tất cả những con dân đất Việt cũng đều chứa đựng tố chất ấy. Chính vì thế họ mới có sức mạnh, tâm thế để sau này cùng nhau làm nên những chiến thắng phi thường. Vì tình yêu người, yêu đất, yêu cuộc sống thường nhật mà họ tận hiến cho một sự sống đẹp. Cái đẹp trong phim Đào, phở và piano sống động, cảm hóa từ lõi nội dung tư tưởng, đến hình thức thể hiện. Những thước phim đẹp ấy đã tái hiện những con người đẹp, hình thành nên câu chuyện đẹp.
Dù biết chắc mai giặc tới thì đôi nam nữ vẫn tổ chức cưới đàng hoàng, cô dâu Thục Hương vẫn mặc đẹp, trang điểm xinh theo kiểu biểu tượng phụ nữ Hà Nội một thời. Dù mai giặc càn quét người bán phở vẫn nấu gánh phở ngon cuối cùng, ông họa sĩ vẫn sáng tạo bức tranh tường tâm đắc, còn chàng dân quân dù khó khăn di chuyển qua trận tuyến của giặc thì vẫn cố mang bằng được cành đào về nơi mình trú ẩn. Đây cũng là lý do để nhiều người chỉ trích rằng thời ấy, hoàn cảnh ấy lấy đâu ra, hơi đâu để thưởng hoa đào, chơi đàn piano, ăn phở đầy ắp thịt, hoặc dùng son phấn… Nếu nhìn ở quan điểm lý tính theo kiểu toán học khô khốc, thiếu xúc cảm như thế chắc sẽ rất khó tiếp nhận được cái hay cái đẹp của bộ phim này. Cũng như những phim hiếm hoi đậm chất điện ảnh kiểu này. Thế nào là sự thật lịch sử? Nhiều triết gia về lịch sử đã định nghĩa “lịch sử là sự nhận thức các sự kiện của quá khứ”. Nghĩa là làm thế nào để khẳng định quá khứ có những sự kiện (đã xảy ra) nếu không có nhận thức. Nhận thức bắt nguồn từ sự tìm hiểu, khám phá. Nhận thức thì rất khác nhau ở mỗi người nên nhận thức về quá khứ cũng khác nhau. Hê - ghen từng nói “cái hiện thực là ở tinh thần”, cho nên tinh thần ta đến đâu thì hiện thực sẽ hiện ra tới đó. Tóm lại không ai dám khẳng định về sự tồn tại của chân lý lịch sử mà lịch sử là quá trình nhận thức, khám phá dài bất tận của loài người. Nhờ tính chất bất định của lịch sử mà các nghệ sĩ tha hồ sáng tác về lịch sử miễn sao không xuyên tạc tinh thần lịch sử. Thế giới đã có rất nhiều tác phẩm bất hủ về lịch sử được sáng tác như thế. Đó là Ba chàng lính ngự lâm của Dumas, Kim Dung, Tam Quốc diễn nghĩa của Trung Quốc v.v Vô vàn tác phẩm kiểu này có chi tiết hoàn toàn khác xa sử liệu. Những thành quả đó được gọi là tiểu thuyết hóa lịch sử hay văn học hóa lịch sử, hoặc nghệ thuật hóa lịch sử, sáng tạo lại lịch sử. Việc soi mói phim có phải đúng chi tiết lịch sử này kia hay không thì hẳn không phải sự cảm thụ nghệ thuật đúng đắn. Bởi vì phim điện ảnh về lịch sử không phải là minh họa lịch sử hay phải chuẩn như tài liệu lịch sử thuần túy.
Người làm phim làm bật được một vấn đề căn cốt là vẻ đẹp tinh thần của những con người vô danh. Vẻ đẹp ấy đã choán ngợp, át chế đạn bom bạo tàn. Dù họ chết nhưng tinh thần đó vẫn nối dài và vẫn được cảm nhận đúng cho tới hôm nay.
Phim đã hữu hình hóa được những yếu tố vô hình – khiến bao thứ tưởng vô tri lại như có linh hồn và trở thành biểu tượng văn hóa, đó là: đào, phở và piano. Mô tả những con người sống động, đẹp đẽ, mỏng manh trước cái chết, nhà làm phim đã đồng thời thể hiện được tiếng nói tố cáo mạnh mẽ, vạch trần sự tàn khốc, dã man của chiến tranh, của những kẻ cướp nước. Điều này tạo nên sự căm thù sâu sắc – căm thù sự hủy diệt vô lối và phi nghĩa; hình thành tính tư tưởng cao của phim.
Không thể không kể đến chuỗi hình ảnh cuối cùng: một cô gái tiểu thư Hà thành (Thục Hương) mặc áo dài trắng, cầm bom ba càng lao như bay vào xe tăng địch khiến tất cả bùng nổ đã tạo nên biểu tượng có một không hai của điện ảnh Việt Nam. Nó là đỉnh cao của sự bi tráng, vừa thơ vừa tàn bạo mà suốt phim tác giả điện ảnh đã dày công khắc họa. Người xem dễ lặng đi bởi sự bùng nổ của những xúc cảm mãnh liệt: vừa đau đớn, vừa cảm phục, vừa căm hận, vừa tự hào và tràn đầy tình yêu, sự xót thương. Hình ảnh xuất thần cũng như toàn bộ vẻ đẹp mà phim Đào, phở và piano đem lại chắc chắn sẽ khiến mọi tầng lớp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về một vùng “địa linh nhân kiệt”, “ma nhiều hơn người”, để rồi khơi gợi trong họ lòng biết ơn, sự trân trọng từng giây phút sống của mình ngày hôm nay. Một bộ phim như thế không chỉ được tiếp nhận, hưởng ứng mà hẳn sẽ còn được khán giả hậu thế tôn vinh, trân trọng dài lâu./.
H.N