06-10-2017 - 14:02

Để có bình yên sau cơn bão.....

Sáng rằm Trung thu, tại quán cà phê nhỏ giữa lòng thành Sen, tôi được gặp lại khuôn mặt trăng rằm quen thuộc: Lê Kim Phượng - có "tên phây" là Hoa Hướng Dương, và được bạn ấy tặng tập thơ "Bình yên sau cơn bão" do Hội Nhà văn cấp Giấy phép xuất bản trong tháng 8/2017.

 

Tập thơ Bình yên sau cơn bão

        Nhìn tấm bìa thơ đa màu, thoảng nhẹ và cô bé gái xúng xính váy nơ giữa cỏ xanh trời hồng, thoạt nghĩ hình như tập thơ ra đời cho dịp Trung thu năm nay? Nhưng không phải vậy! "Bình yên sau cơn bão" được in xong trước cơn siêu bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri và "nó" - cuốn thơ ấy cùng tác giả của "nó" đã chuẩn bị cho mình một sứ mạng...
        Ai ai cũng đã biết, bão số 10/2017 ập vào eo biển Đèo Ngang, nơi vừa trải qua những cuộc khủng hoảng về môi trường, về kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Vùng đất xơ xác ngàn xưa, sau những trận bão hóa chất, bão mất mùa, bão nhân tâm và bão trời càng thêm xơ xác. Đến cả bây giờ, sau khi cơn bão đã 'xuất ngoại" sang tận cõi trời Tây Á hàng nửa tháng thì vườn tược, nhà cửa, ruộng vườn và rừng núi vẫn trơ troác một màu hủy diệt của phong ba. Sự tương phản của mái tôn mới vừa lợp vội với những mái nhà còn trống hoác dầm mè chưa có ngói, gỗ để trùm lên; sự tương phản của kẻ giàu - người nghèo từ những căn nhà vững chải trơ trơ với những túp lều chỏng chơ xiêu vẹo mà lâu nay được cây lá che phủ bao trùm ít người nhận biết; đến sự tương phản giữa những mầm xanh còn sót lại, cố vươn lên sau bão với phần còn lại đang bị hủy hoại sau khi bị bức tử.... Những người đã trải qua cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày xưa khi về chứng kiến cảnh tàn phá này đều có một sự so sánh với những trận bom B52 hủy diệt ngày nào..."Thậm chí còn dữ dằn hơn".
        Sau bão số 10, đa phần người dân vùng tâm bão trắng tay. Và sau bão số 10, cũng như bao lần tai ương khác, cộng đồng người Việt khắp mọi nơi lại tìm về sẻ chia, giúp đỡ. Có phải vậy mà Lê Kim Phượng đã lấy tên tập thơ đầu tay của mình là "Bình yên sau cơn bão " không? Và sứ mạng của cuốn thơ, ngay sau khi ấn hành, 64 bài thơ xinh xẻo trong ngần đã cùng tác giả và một người bạn thơ của chị nữa lên đường vào Hà Tĩnh, tổ chức một đêm "trình diễn " thơ để lấy tiền đi cứu trợ đồng bão vùng tâm bão.
          Tôi không được dự đêm thơ rất tình đời ấy nhưng dư âm của nó lan tỏa như sóng xung kích tới rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và qua mạng intenet . Vì vậy tôi biết được đêm trình diễn Thơ có tên rất phụ nữ trẻ: "Vầng trăng, chiếc lá và em" đã thành công trên cả tuyệt vời bởi sự chu đáo của tổ chức, chất lượng thơ và kỹ năng trình diễn, bởi sự ưu ái của người yêu thơ và đặc biệt bởi mục đích và ý nghĩa của chương trình. 

Đêm thơ "Vầng trăng, chiếc lá và em" của hai Nhà thơ nữ Lê Kim Phượng và Phạm Thị Ngọc Thanh (Hà Nội)

     Kể cả các nhà thơ có bề dày và tên tuổi, cho đến nay chưa nhiều người dám tổ chức trình diễn tác phẩm của mình để thu tiền, đó là sự thật. Các nhà thơ vốn nghèo, nghèo và sĩ nữa, cho nên nếu có ra mắt, giới thiệu tác phẩm của mình thì thường là vừa tặng vừa nhờ mua. Mà giá một cuốn thơ (trừ Tuyển) thì cùng lắm cũng chỉ ...bằng dăm bát phở. Vậy mà cũng khó khăn lắm khi "phát hành". Riêng Đêm thơ "Vầng trăng, chiếc lá và em" của hai Nhà thơ nữ mới toanh Lê Kim Phượng và Phạm Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) đã nhận được sự ủng hộ bất ngờ: 246.700.000đ. Trong đó số tiền hai chị ủng hộ là 50 triệu. Mà là tiền tươi thóc thật trên quê bão mới ý nghĩa làm sao.
      Là người có mặt ngay sau khi bão tan, trực tiếp đến những nơi bão hoành hành dữ dội nhất và để lại hậu quả nặng nề nhất để đưa những tấm ảnh đau nhói lên công luận; là người trực tiếp đi kêu gọi bạn bè trong vài tuần qua để có hai chuyến hàng cứu trợ cho các xã Kỳ Sơn, Kỳ Thượng (Kỳ Anh). Tôi hiểu được giá trị những đồng tiền các nhà thơ nữ "huy động" được trong chương trình thơ này quý như thế nào với đồng bào đang khốn khó; càng hiểu được giá trị bất tử của thơ trong đời sống nhân dân. Ai bảo thơ đã hết đất sống? Ai bảo thơ chỉ để mua vui? Ai bảo thơ giờ không lay động được lòng người...??? Xin thưa: không chỉ lay động lòng người mà còn có thể "thay trời hành đạo", điều hòa cuộc sống khi có khả năng móc hầu bao của những nhà hảo tâm đến chia cho người nghèo khó nữa kia. Ôi! Thật đáng yêu sao những nàng thơ mềm mại, dịu dàng, nhân ái. Và nữa, trong đêm Trung thu sớm với hơn ngàn khán giả đa phần là thiếu niên nhi đồng ở xã Kỳ Thượng – nơi tâm bão, tôi ( Nhà thơ Bùi Quang Thanh) đã tặng các bạn nhỏ mấy bài thơ viết cho thiếu nhi của mình, cũng được ngần ấy nhân đôi những bàn tay nhỏ vỗ ran ran, ran dài hơn cả chương trình bánh kẹo đấy nhé. 

       Lê Kim Phượng kể lại chuyến cứu trợ của các chị với hành trang là số tiền thu được trong đêm thơ, chị đã gặp bao nhiêu hoàn cảnh thê lương, bao nhiêu số phận còn cần giúp đỡ. Lúc đầu cứ tưởng vậy là cũng khá sum suê về số quà tặng, ai ngờ như muối bỏ bể "và em thấy tiền vẫn còn... ít quá". Phượng cũng cho tôi một nhận xét thú vị khi đánh giá về sức sống của thơ: tại buổi trình diễn thơ, có nhiều nghệ sĩ thể hiện các ca khúc và bản nhạc "hộ tống" thơ nhưng phần đọc thơ vẫn vô cùng hấp dẫn và chinh phục người nghe. Vậy là không gian của Thơ vẫn còn rộng lớn và sâu đậm lắm.
       Cầm tập thơ xinh xắn của Lê Kim Phượng trên tay, dù chỉ mới đọc được mươi bài, không thể nhận xét được gì nhiều nhưng qua cuộc đồng hành giữa tác phẩm và tác giả đến với cuộc sống của nhân dân vùng bão, tập thơ "Bình yên sau cơn bão" như một lời nhắc nhở người đọc: muốn có bình yên sau cơn bão phải biết sẻ chia. Tôi nghĩ chị đã thành công, rất thành công trong tập thơ đầu tay của mình.
       Cho tôi nói một lời cám ơn tác giả!

Bùi Quang Thanh

. . . . .
Loading the player...