Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Đề phòng sự tụt hậu của một nền nhiếp ảnh” của Văn Thành
Nhiếp ảnh Việt Nam đã nhận được nhiều huân huy chương, nhưng nó sẽ mất đi ý nghĩa nếu chúng ta chỉ đứng nguyên tại chỗ. Nhiều khiếm khuyết được nêu ra trong các cuộc bàn thảo ví như: sự xề xòa của một ban giám khảo phong trào, nhiều tác phẩm gửi đến cẩu thả, giản đơn trong những cuộc thi gần đây… Nhiều nghệ sĩ tâm huyết, cùng một số nhà lãnh đạo có chuyên môn đã chỉ ra những thói trì trệ, bảo thủ, sao chép, thiếu ý tưởng, chỉ mạnh về phong trào mà không có chiều sâu.
Những nhược điểm nêu trên vẫn tồn đọng, trở thành bảo thủ ở một số người, trong đó có cả những người cầm cân nảy mực nhưng trình độ thì hạn hẹp không có nền tảng cơ bản. Phân tích, tìm hiểu nguyên nhân đề đi tìm giải pháp khắc phục chứ không phải là tự ti bởi hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều qua giai đoạn tự nhận thức như thế này. Điều quan trọng là phải nhìn vào sự thật, tìm ra những nhược điểm cản trở nền Nhiếp ảnh của chúng ta hội nhập vào thế giới hiện đại.
Nhìn lại những đoạn trường làm giảm tốc độ, thậm chí làm sai lệch cả hướng phát triển của nhiếp ảnh Việt nam thì cái mốc đầu tiên là việc sử dụng photoshop tạo ảnh. Nguyên nhân chính là sự bế tắc của việc phản ánh cuộc sống mới sau nhiếp ảnh chiến tranh. Ban đầu người ta hào hứng, người ta cổ súy bằng giải thưởng, bằng ảnh treo, bằng bồi dưỡng nghiệp vụ mà cứ học photoshop tức là học nhiếp ảnh đỉnh cao… Đã dẫn đến một hậu quả còn phải sửa đến tận ngày hôm nay. Đến khi photoshop không được sủng ái nữa, nhiếp ảnh lại có vẻ đi vào trầm lắng thì “ảnh bộ” lại dường như là một cứu cánh. Gần đây ảnh bộ nhận được nhiều giải thưởng, đến nỗi người ta nghĩ là ảnh bộ đang lên ngôi. Vấn đề ở đây là quan điểm, cái nhìn của những người gọi là “giám khảo” và người sử dụng nó có vấn đề chứ photoshop và ảnh bộ chưa bao giờ là cái lỗi của nhiếp ảnh. Ảnh bộ là một thế mạnh của nhiếp ảnh báo chí từ lâu rồi!
Tuy “lên ngôi”, nhưng nhiều khi thực chất thế nào là ảnh bộ có nhiều giám khảo “nghệ thuật” không hề hiểu cặn kẽ về khái niệm này, hoặc là rất mơ hồ. Kể cả nhiều tác giả gửi thi ảnh bộ cũng chưa nắm được thấu đáo. Họ cứ gom dăm cái ảnh cùng một chủ đề, đem đặt cạnh nhau, có trùng lặp, có thừa thì cũng chả sao. Có những giám khảo “có tâm” muốn cho giải thì bỏ bớt đi hộ! Người ta dễ dàng biến nó thành một chùm ảnh mang tính tường thuật, có tính mô tả với một (kịch bản gượng ép) thiếu ý tưởng.
Bài này không đi sâu về ảnh bộ, vấn đề nêu lên chỉ để cho thấy, một lần nữa nhiếp ảnh nghệ thuật, mà sự thống trị của nó là những bức ảnh độc lập (ảnh đơn) lại rơi vào bế tắc, nó không đủ sức đứng một mình, không có tính điển hình khái quát cao, vốn là sức mạnh của nhiếp ảnh - là yếu tố để nhiếp ảnh được công nhận là nghệ thuật, sánh với mỹ thuật, âm nhạc và điện ảnh... Một bức ảnh đơn, chỉ được coi là tác phẩm ảnh nghệ thuật, khi vẻ ngoài của nó có được giá trị thẩm mỹ và bề sâu nó đủ sức khơi gợi cho nội tâm người xem những cảm xúc vui, buồn.
Hiện tại, trong sáng tác nhiều nhà nhiếp ảnh sẵn sàng lặp lại đồng nghiệp, lặp lại chính mình nhằm mục đích có giải, sinh ra các trào lưu như ảnh shop, ảnh flycam, ảnh bộ. Người ta đua nhau chụp đồng muối, ruộng bậc thang, mặt trời, phơi cá… Kết quả nhiều cuộc thi ảnh chưa thuyết phục, lặp lại và nhàm chán. Đến khi tổng kết, đánh giá lại rất chung chung, mang tính phong trào hoặc lặp lại những vấn đề đã quá cũ như khuyến khích tự do sáng tạo, đón nhận các khuynh hướng nghệ thuật, các phương pháp sáng tác cũng như việc ứng dụng công nghệ hiện đại… Người cầm máy cần biết thế nào là sáng tạo, đón nhận các khuynh hướng nghệ thuật là những khuynh hướng gì và áp dụng những công nghệ hiện đại vào nhiếp ảnh là áp dụng như thế nào là đúng, còn rất mơ hồ. Điều này đòi hỏi những nhà thẩm định phải tự học hỏi nâng lên, đủ bản lĩnh để định hướng cho nền nhiếp ảnh nước nhà.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức với bất kể lĩnh vực nào. Nó sẽ thay đổi cái nhìn, cách tiếp cận vấn đề xã hội, cách thể hiện bằng hình ảnh của nhiếp ảnh. Nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, nhiếp ảnh Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Tỉ dụ như bức ảnh người ăn mày không chỉ còn là sự chia sẻ đùm bọc, không còn là tiếng kêu “con lạy ông đi qua, bà đi lại…”, mà còn đòi hỏi sự quan tâm của xã hội, tiếng nói của sự bình đẳng, độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Hình ảnh người mù bây giờ không phải là chiếc gậy quờ quạng trên mặt hè phố, mà nó được thay thế bằng con chó dẫn đường rồi đến chiếc Iphon với chương trình GoogleMap có tiếng. “Chuyện tâm linh” giờ cũng không phải là hình ảnh người ta đốt vàng mã giản đơn, mà là ảo ảnh của những miền hư vô không nhìn thấy được. “Sự cô đơn” không phải là hình ảnh một mình tựa cửa ngóng chờ ai, mà là sự thờ ơ của người với người, mà “Chơi cờ” với chính mình bên tấm kính trên hè phố của René Maltête là một ví dụ. Người xem sẽ tìm thấy sự bất ngờ, sự hài hước, nhưng hơn cả một bức ảnh, ở đó còn có cả ý vị triết lý được hiểu theo góc nhìn của riêng mỗi người. Nếu như bức ảnh “Đi tìm điều răn thứ 10” của Việt Văn, để lại cho người xem một sự lắng đọng, day dứt, thì “Phía sau cánh gà” của Sergey Melnitchenko lại để cho ta nhiều suy ngẫm. Ảnh bây giờ là phương tiện truyền thông, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ và biên giới bằng những cái nhìn riêng khác biệt. Tác phẩm và nghệ sĩ tồn tại trong lòng người chứ đâu phải bởi tước hiệu!
Hiện nay, nghệ sĩ thì đông, huân chương, tước hiệu thì ngày càng nhiều, nhưng ảnh thì vẫn ở tình trạng thiếu sức sống, vay mượn, đạo nhái, ít sáng tạo đang khiến nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đi vào lối mòn, chưa có cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao. Từ trước tới nay, chủ đề quanh quẩn Việt Nam đất nước con người, sắc màu hay vẻ đẹp cuộc sống… Sự cố gắng thật sự của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có, nhưng dường như cái đầu máy đang quá tải, lạc hậu không đủ sức lôi kéo một đoàn tàu dài nhưng thiếu động lực.
Thêm vào đó, trên con đường hội nhập và phát triển dường như nhiếp ảnh Việt Nam lại đánh mất đi cái cơ bản của nhiếp ảnh là tính trung thực. Nhưng xin đừng hiểu trung thực là những gì giống như ngày xưa, y nguyên, vẫn thế. Vâng đó là cái trung thực của thời đã qua, của quá khứ, cái “trung thực” của ngày hôm qua chưa chắc đã là cái “trung thực” của ngày hôm nay. Cần phải hiểu đúng, cái trung thực của ngày hôm nay mang cách tư duy mới, cái nhìn mới đầy sự sáng tạo và đa dạng của thời đại.
Xu thế hội nhập với nhiếp ảnh thế giới là không tránh khỏi, song đa số các nhiếp ảnh gia trong nước vẫn duy trì tư duy cũ, trong khi thế mạnh của nhiếp ảnh thế giới là phản ánh chân thực cuộc sống, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đồng cảm cùng chia sẻ với người trong cuộc, mang sắc màu thời đại, có tính phản biện xã hội khá mạnh mẽ. Và cái quan trong hơn là nhiếp ảnh của ta đang thiếu lớp trẻ có nhiệt huyết, có năng lực tham gia.
Nhiếp ảnh Việt Nam cần phải định hướng giúp các nghệ sĩ tập trung đi sâu vào những đề tài “nhỏ”, cụ thể dễ dàng tìm thấy trong cộng đồng, ngoài xã hội, buộc người cầm máy phải tìm tòi, bóc tách, không thể bấm máy một cách quá giản đơn. Dù chiếc máy ảnh có hiện đại đến đâu nó cũng chỉ làm công việc rất đơn giản có tính cơ học. Chiếc máy càng hiện đại thì công việc sản xuất ra ảnh càng giản đơn hơn!
Những tác phẩm nghệ thuật là sự phản ánh cảm xúc trăn trở của người nghệ sĩ, ẩn chứa trong đó những sự trải nghiệm, nét văn hóa cá biệt để khơi dây và làm rung động người xem cả về mặt lý trí và tâm hồn. Nhưng nó phải bắt nguồn từ hơi thở của cuộc sống, khát vọng vươn lên nhưng với một cách diễn giải không cũ, phải mang nét văn hóa của thời đại mà chúng ta đang sống, đang vươn tới. Mỗi khoảnh khắc đều bí ẩn và khơi gợi, mỗi người nghệ sĩ là mỗi thế giới khác nhau, vì thế mà nó không bao giờ có giới hạn.
V.T