Tạp chí Hồng Lĩnh số 214 trân trọng giới thiệu tản văn “Đi giữa mùa sim” của tác giả Trần Đăng Đàn
Quê tôi ở vùng trà sơn có địa hình núi thấp với những đồi hoa sim trải dài tít tắp, vừa là bức tranh phong cảnh gợi nguồn cảm hứng cho thi ca, vừa là nguồn lợi chính đáng mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Không biết cây sim có tự bao giờ, chỉ biết khi tôi lớn lên thì sim đã phủ kín sườn đồi. Thuở còn thơ đến trường thầy giáo dạy tôi cây sim có nguồn gốc từ khu vực Nam Á và Đông Nam Á, với nhiều tên gọi khác nhau như nẫm tử, sơn nẫm, cương nẫm, đào kim cương, dương lê… Mẹ tôi lại kể cho tôi nghe sự tích cây sim từ trong truyền thuyết. Ngày xửa ngày xưa, có người con gái quê rất nết na xinh đẹp tên là Sim đem lòng yêu người trai quê làng bên. Tình yêu đang độ chín thì đất nước có giặc ngoại xâm. Người con trai lên đường ra trận rồi đi mãi không về. Người con gái ở nhà mỏi mòn chờ đợi. Cứ chiều chiều nàng lại lên đồi, đến chỗ ngày xưa chia ly đứng nhìn về xa xăm trong vô vọng. Cho đến một đêm nàng không trở lại. Sáng hôm sau người ta thấy trên đồi chỗ nàng thường đứng đợi có một ngôi mộ mới rất đẹp do mối đùn đất mà đắp nên. Rồi từ trên mộ ấy mọc lên một loài cây hoang dã. Người đời lấy tên nàng đặt cho cây tên gọi là Sim. Truyền thuyết về nguồn gốc loài sim có nhiều dị bản nhưng chủ yếu đều xoay quanh chủ đề về một tình yêu lứa đôi trắc trở. Hoa sim có ý nghĩa đặc biêt trong các nền văn hóa khác nhau. Thời Hy Lạp cổ đại hoa sim là biểu tượng cho sự tinh khiết, thời Victoria tượng trưng cho hạnh phúc và may mắn trong hôn nhân. Ở Việt Nam hoa sim là biểu trưng của tình yêu chung thủy.
Sim sinh trưởng bằng hạt nẩy mầm, nhờ đất trời nuôi lớn lên một cách tự nhiên không cần phải có ai gieo trồng chăm bón, cứ thế mà sinh sôi, mạnh mẽ trường tồn từ đời này qua đời khác. Sim là loài cây bụi thân gỗ nhỏ, lá đơn mọc đối có hình elip hoặc ô van. Mặt trên lá bóng nhẵn có 3 gân dọc nổi hằn lên từ phía gần cuống lá, mặt dưới có lông tơ mịn màu trắng đục. Khoảng cuối tháng Giêng đầu tháng hai âm lịch khi cây lúa có đòng non thì sim cũng bắt đầu nhú những nụ tròn chúm chím, dân gian gọi là “sim bỏ bó”. Quê tôi có câu “sim bỏ bó, ló có đòng non” là vì vậy. Hoa sim lưỡng tính, thường mọc lẻ hoặc thành chùm 3 bông ở sát dưới kẽ cuống lá. Đài hoa có ống dính vào bầu tràng hoa sau lớn dần lên thành quả. Hoa sim 5 cánh màu tím hoặc phơn phớt hồng, khi nở bung xòe ra chừng bốn lăm năm mươi cuống nhụy đỏ tươi mảnh mai đội những bao phấn màu vàng e ấp. Tháng tư khi tiếng nhạc ve sầu râm ran gọi đất trời vào hạ thì sim cũng bắt đầu chín bói. Những quả sim già từ màu xanh chuyển dần sang màu hồng, màu đỏ tươi rồi màu tím sẫm. Lúc đó quả sim căng tròn và chín mọng, nhìn đã thèm mà ăn vào thì mát ngọt với hương vị đặc trưng khó mà diễn tả hết được. Mùa sim chín rộ là vào khoảng tháng 5 tháng 6 âm lịch. Tôi vẫn còn nhớ câu đố của ngày xa xưa là nói về quả sim chín ấy: “Bằng đầu ngón tay/ Ngui ngoay chảy máu/ Đến mùa tháng sáu/ Con cháu đi tìm”.
Ảnh: Internet
Sim là loài cây mọc tự nhiên hoang dã nhưng lại hiến dâng cho con người thật nhiều nguồn lợi lớn. Cây sim là nguồn dược liệu quý trong y học dân gian. Lá sim dùng để cầm máu, cầm tiêu chảy, thanh nhiệt, giải độc. Rễ sim có tác dụng khu phong trừ thấp, cầm máu, giảm đau. Quả sim ngoài hái ăn trực tiếp còn ép lấy nước giải khát và ngâm rượu. Rượu sim có tác dụng bổ máu, bổ thận, tráng dương và giúp chống lão hóa rất hiệu quả. Tinh dầu sim được chiết xuất từ hoa lá và quả sim, chứa các hợp chất có hương thơm ngọt ngào tinh tế, dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa, chăm sóc da và các sản phẩm làm đẹp khác, tạo cảm giác thư giãn làm dịu mát tâm hồn.
Cây sim gắn bó thân thuộc với người dân miền trà sơn quê tôi như thể cây kơ nia của đồng bào Tây nguyên vậy. Cây sim hào phóng dâng tặng cho người nhiều sản phẩm hàng hóa được thị trường ưa chuộng, thực sự trở thành cây góp phần xóa đói giảm nghèo. Vào mùa sim chín, người dân quê lại đua nhau lên đồi hái sim, và thương lái lại về đặt mối gom hàng, gửi đi cho khách hàng khắp mọi miền đất nước. Có nhà cả vợ chồng con cái đều đi hái sim. Hôm nào các nhà trường nghỉ dạy thì trên những đồi sim càng thêm rực rỡ sắc màu và tiếng cười nói ríu rít râm ran của các cô cậu học trò về tham gia cùng bố mẹ nữa. Đi hái sim được coi như là nghề phụ trời cho người nông dân “hái ra tiền” mỗi năm một vụ. Nếu chịu khó chăm chỉ thì trung bình mỗi ngày một người có thể hái được từ 10 đến 15 kg sim và bán cho thương lái từ 18 đến 22 ngàn đồng một kg. Tuy nhiên đi hái sim cũng gặp không ít những rủi ro trở ngại, có khi bị rắn rết cắn, bị loài ong vang hay ong vò vẽ đốt, lại có khi gặp ngày trời mưa thương lái không về thu mua thì phải bán rẻ từ 10 - 15 ngàn đồng một kg cho ai cần dùng gửi làm quà hay ngâm rượu.
Ngày nay trong cơ chế thị trường cây sim trở thành hàng hóa. Nhiều người bứng sim về cho vào chậu cảnh chưng trước sân nhà. Có người đã mạnh dạn đào hàng loạt cây sim đem về trồng thay thế toàn bộ cây cối trong vườn tạp cũ, tạo nên những khu vườn mẫu độc đáo điển hình trong phong trào xây dựng Nông thôn mới hiện nay. Người đam mê chơi cây cảnh đã dày công lùng tìm những cây sim có hình thế ưa thích hay những cây sim cổ thụ về chăm sóc cắt tỉa, rồi thổi hồn vào tạo nên những cây cảnh độc đáo được nhiều người ưa chuộng. Nhờ thế mà cây sim quê có cơ hội được rời làng lên phố. Tuy nhiên có điều đáng suy ngẫm là những đồi sim bây giờ đang bị thu hẹp dần về diện tích bởi thêm việc quy hoạch bán đất làm nghĩa trang hay trồng keo lấy gỗ.
Ôi cây hoa sim, loài cây mang những nét đặc trưng của hồn quê dân dã từng đi vào thi ca nhạc họa với biết bao tác phẩm để đời. Đi giữa mùa sim hôm nay, lòng tôi dâng trào bao niềm cảm xúc, chạnh nhớ về một thời đã xa không bao giờ trở lại mà thốt lên được mấy dòng thơ cũ:
Lên đồi tìm lại dấu xưa
Mùa sim vẫn mọng thu vừa chớm xanh
Rêu phong lối cũ đã đành
Thề non hẹn biển cũng thành… gió bay?
Còn vương vấn giữa chiều nay
Thoảng thơm hương mật nồng say tình đời
Tôi hái sim, sim hái tôi
Chông chênh trời đất đầu môi ngọt lừ…
Chiều hạ chốn quê 2024
T.Đ.Đ