26-07-2019 - 09:18

Đọc lại thơ viết về thương binh liệt sĩ

Đọc lại những bài thơ viết về đề tài Thương binh liệt sỹ, tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp những tứ thơ gần giống nhau trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ nhưng triển khai theo một cách riêng mang dấu ấn của thời đại, của tâm hồn người Việt trong những hoàn cảnh khác nhau

         Đọc lại những bài thơ viết về đề tài Thương binh liệt sỹ, tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp những tứ thơ gần giống nhau trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ nhưng triển khai theo một cách riêng mang dấu ấn của thời đại, của tâm hồn người Việt trong những hoàn cảnh khác nhau. Ví như bài “Viếng bạn” của Hoàng Lộc và “Mồ anh hoa nở” của nhà thơ Thanh Hải. Cả hai bài thơ đều viết theo thể thơ 5 chữ với lối tự sự, trữ tình. Cũng là nỗi đau nghẹn thắt, nghẹn ngào trước sự hy sinh của đồng đội nhưng “Viếng bạn” là tác giả được chôn cất người đã mất “Hôm nay đã chặt cành - Đắp cho người dưới mộ”. Còn ở “Mồ anh hoa nở” thì: “Hôm qua chúng giết anh - Xác phơi đầu ngõ xóm” và: “Mắt trừng còn dọa dẫm - Thằng này là cộng sản - Không được đứa nào chôn”. Nhưng khi chúng quay đi thì bà con làng xóm đã đưa anh về yên nghỉ trên đồi cao bất chấp cả lời đe dọa lũ giặc. Và trên nấm mộ của người chiến sỹ đó luôn được đắp lên những bó hoa hồng: “Hoa hồng nở và nở - Hương thơm bay và bay”. Bài thơ của Hoàng Lộc viết trong thời kỳ chống Pháp mộc mạc mà không đơn sơ, lời thơ như chạm khắc ký thác. Còn nhà thơ Thanh Hải viết trong thời kỳ chống Mỹ đã nâng tứ thơ lên trở thành biểu tượng như là một tượng đài có vẻ đẹp bất tử… Và gần đây nhất tôi lại được đọc bài thơ “Mộ gió” của nhà thơ Trịnh Công Lộc viết về sự hy sinh của những người chiến binh giữ biển đảo không về. Không về cả về thể xác và chỉ có cuộc chiến đấu trên biển mới có những ngôi mộ gió - Ngôi mộ mà dưới đó hình nhân được làm bằng đất sét: “Mộ gió đây đất thành xương cốt - Cứ gọi lên là rõ hình hài” và: “Chạm vào gió như chạm vào da thịt - Chạm vào nhói buốt Hoàng Sa”. Có những ngôi mộ gió trên biển đảo khơi xa thì lại có hàng ngàn ngôi mộ vô danh trên dãy Trường Sơn trong bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” của nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý. Với lối cấu trúc điệp chữ và điệp ý như những điểm nhấn là cả một dư ba vang vọng và day dứt, thiết tha và ngưng đọng: “Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng - Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn”. Có thể nói bai thơ như chạm khắc một tượng đài trùng điệp trải dài ngút ngàn nhưng không vô vọng với: “Mười ngàn đồng đội nằm rải Trường Sơn - Mười ngàn hài cốt chưa về khói hương - Mười ngàn khát vọng cùng về bên nhau…”. Các anh khi ngã xuống vẫn ở trong tư thế: “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất - Nhưng anh vẫn đứng lên tựa vào xác trực thăng - Và anh chết trong khi đang đứng bắn - Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Một hình tượng thật đẹp, một vẻ đẹp bi tráng hào hùng của người chiến sĩ trong thời đại Hồ Chí Minh tỏa ra không chỉ là hào quang chiến thắng mà còn là hào quang của vẻ đẹp lý tưởng. Nhà thơ Lê Anh Xuân , tác giả của bài thơ nổi tiếng này sau đó cũng đã hy sinh trong một tư thế tiến công… Chính ngọn súng cũng là ngọn bút và máu các anh cũng là mực của những dòng viết này.
         Trong các bài thơ viết về thương binh liệt sỹ, những bài hay và thành công nhất có sức lan tỏa rộng nhất, dễ thuộc nhất là những bài có cốt truyện như “Núi Đôi” của Vũ Cao trong kháng chiến chống Pháp và “Quê hương” của Giang Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Cả hai đều kể về câu chuyện tình yêu thật cảm động với một cô gái cụ thể và sự hy sinh trong những hoàn cảnh cụ thể. Với Vũ Cao thì: “Mới đến đầu thôn, tin sét đánh - Giặc giết em rồi dưới gốc thông - Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa - Em sống trung thành chết thủy chung” thì ở Giang Nam: “Giặc giết em rồi quăng mất xác - Chỉ vì em là du kích em ơi! - Đau đớn lòng anh chết nửa con người”. Giọng thơ Vũ Cao điềm tĩnh, đau đớn tột cùng nghẹn nuốt vào trong, thì Giang Nam là tiếng kêu xe ruột nghẹn thắt. Có một tượng đài bất tử được dựng lên từ sự hy sinh của hai cô gái đó. Một tượng đài thơ và chỉ có thơ mới lưu dấu mãi trong tâm hồn. Đó là: “Em sẽ là hoa trên đỉnh núi - Bốn mùa xanh ngát cánh hoa thơm” trong “Núi Đôi” và: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất - Có một phần xương thịt của em tôi” trongQuê hương. Có một Núi Đôi sừng sững thành địa danh chung trong lòng mỗi người thật ấn tượng thì lại có một Quê hương thật thấm đẫm, trong sự hy sinh hóa thân vào mỗi cành cây ngọn cỏ cội nguồn đất đai sông núi. Không phải ngẫu nhiên mà có những cặp bài thơ như một cặp bài trùng nổi tiếng của hai thời kỳ kháng chiến.
         Có hai bài thơ dài khá thành công của hai nhà thơ nổi tiếng sau này viết khi họ còn là những người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc. Và viết về chính sự hy sinh của những người thân của mình đó là bài “Phan Thiết có anh tôi” của nhà thơ Hữu Thỉnh và “Nấm mộ và cây trầm” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Người anh trai của Hữu Thỉnh hy sinh ở Phan Thiết khi cùng mọi người đi lấy nước cho đồng đội: “Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ - Mặt anh còn cách nước một vài gang”. Cái khoảng cách giữa lấy nước (cho sự sống) và cái chết thật mỏng manh: “Vài bước nữa - Thế mà không thể khác - Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi”. Còn người bạn thân đồng đọi tên là Hùng của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thì: “Nhận cái chết cho đồng đội sống - Ngực chặn lỗ châu mai Hùng đứng thẳng - Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi”. Cứ ngỡ ở đây cả hai thi sĩ không làm thơ nữa mà họ chỉ ghi lại, gọi lên những phút giây oanh liệt ấy, những thời khắc lịch sử ấy… để rồi thăng hoa một chiêm nghiệm sự sống hồi sinh từ cái chết hữu hình. Với Hữu Thỉnh người anh trai vẫn sống trong ký ức của nhà thơ: “Không nằm trong nghĩa trang - Anh ở với đời anh xanh vào cỏ - Cỏ ở đây thành nhang khói nhà mình - Đồi ở đây cũng là con của mẹ”. Thì ở Nguyễn Đức Mậu có một biểu tượng: “Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn - Cây trầm cháy dở thay nén nhang”. Và: “Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ - Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị - Thân hy sinh thơm đất, thơm trời”. Đó cũng chính là tượng đài bất tử sống mãi với thời gian, sống mãi trong ký ức, sống mãi như là một sự trường tồn trong văn học.

Ảnh: Văn Bảy

         Thơ viết về thương binh, những người “Tàn mà không phế”, những người không chỉ mất một phần máu thịt mà còn mang trong mình những cơn sốt sét rừng âm ỉ những di chứng của chất độc da cam. Lại có những “vết thương lòng” chia cắt không chỉ là thể xác mà cả tâm hồn, sự trống vắng cô đơn, sự thiếu hụt tình cảm của bao cô thanh niên xung phong trở về quá tuổi và vào chùa thành sư nữ. Nhà thơ Phạm Tiến Duật trong trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” viết thật xúc động về người nữ thương binh từng bị những mảnh bom xuyên vào đầu đau nhức những khi trái gió trở trời: “Sao sư thầy không gõ mõ - Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình - Có thể nào những giây phút thời bình - Còn có thể làm vết thương thủa nào tái phát”.
         Chiến tranh đã đi qua nhưng khi trở lại dòng sông Thạch Hãn, người cựu chiến binh Lê Bá Dương đã nức nở, thổn thức: “Đò lên Thạch Hãn xin… chèo nhẹ - Đáy sông còn đó bạn tôi nằm - Có tuổi hai mươi thành sòng nước - vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Cũng như năm xưa trong kháng chiến chống Pháp nhà thơ - Người lính tây tiến Quang Dũng đã từng độc hành khúc tráng ca lẫm liệt bi thiết: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh - Áo bào thay chiếu anh về đất - Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Vâng, máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hóa thân vào mỗi ngọn núi dòng sông đất nước, đã hóa thân vào mỗi trang thơ, trang văn cho các thế hệ mai sau. Đó chính là tượng đài được dựng nên bất tử trong trái tim mỗi người…

Nguyễn Ngọc Phú

. . . . .
Loading the player...