Tác giả Minh Nho (14.7.1935 – 05. 01. 2012) – một trong những hội viên đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, tên khai sinh là Đinh Nho Liêm, sinh tại làng Xa Lang, Hương Sơn, Hà Tĩnh....
Tác giả Minh Nho
Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến một nhà báo có uy tín của Xứ Nghệ, từng nhiều năm đảm nhận Tổng biên tập báo Hà Tĩnh và báo Nghệ Tĩnh (trong thời gian nhập tỉnh). Nhưng bạn bè yêu thơ quê tôi còn nhớ đến ông, một người có nhiều duyên nợ với thi ca. Ông để lại cho đời bốn thi tập: Niềm vui của đất (1972), Dòng suối (1977), Mai em về (1994) và Mây trắng (2008), trong đó Mây trắng có thể được xem như tập hợp những tinh túy thơ ông.
Mái đầu mây trắng bềnh bồng
Trái tim vẫn thắm máu hồng nhân gian
Minh Nho
Đối với Minh Nho, thường nhật làm thơ giúp ông nuôi dưỡng tâm hồn. Ấy là khi sau một ngày làm việc với bao vất vả đời thường, ông để tâm hồn lắng lại với bao vui buồn của cuộc sống: Thơ về trần trụi hanh hao/ Hòa thành nhịp sóng vỗ vào hồn tôi (Thả thơ). Mở đầu tuyển thơ “Mây trắng”, ông chia sẻ: Thơ ơi chưa ngọt tiếng đàn/ Xin làm ánh lửa lụi tàn ngày đông. Câu thơ biểu hiện rất rõ tính cách con người ông: giản dị và khiêm tốn, nhẹ nhàng và dễ gần. Nhưng tôi tin những vần thơ ông gửi lại không lụi tàn ngày đông mà vẫn cháy mãi trong tim những người yêu thơ như lời gửi gắm của ông: Mái đầu mây trắng bềnh bồng/ Trái tim vẫn thắm máu hồng nhân gian (Mây trắng).
Thơ ông thấm đượm tình yêu quê hương đất nước và nâng niu quý trọng những dâng hiến, những hy sinh thầm lặng của con người. Sinh ra bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, con sông không chỉ tắm mát tuổi thơ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn ông suốt đời. Từ kỷ niệm: Con đò ngơ ngác ven sông/ Nhớ cô lái trẻ lấy chồng tuần qua, để: Bây giờ còn đó con đò/ Cô đơn gác mái bên bờ sóng xao. Hẳn trái tim thi sĩ chạnh lòng khi trở lại quê nhà với tâm trạng hụt hẫng “Cảnh đây người đâu luống đoạn trường”: Bao năm tôi trở về quê/ Con đò còn đó người đi phương nào (Bây giờ). Nhưng điều đó cũng không đau lòng bằng khi dòng sông Ngàn Phố quê ông vốn Xanh trong như áng mây trời bỗng có ngày khép lại đục ngầu với cảnh tượng: Ngơ ngác đàn bò uống làn nước đục. Ngày xưa sông rộng mênh mang, ít người bơi được từ bên này sang bên kia, thế mà giờ đây: Chàng trai vác bò lội qua sông/ Nhìn về rừng xanh nơi sông sinh nở. Ông mơ ước một ngày sông tìm lại được mạch nước hồi sinh (Dòng sông quê).
Càng xa quê, ông lại càng nhớ quê da diết. Một tiếng chích chòe rót giọt vàng vào ánh bình minh làm ông tỉnh giấc, gọi bao kỷ niệm ùa về: Tiếng chim gọi về bao nỗi nhớ/ Bóng mẹ già bên bếp lửa liêu xiêu/ Tiếng bố gọi đàn con dậy học/ Điếu thuốc lào bố rít đến là kêu (Tiếng chim gọi bình minh). Kỷ niệm về người cha qua tiếng rít điếu thuốc lào thật ấn tượng, nếu chúng ta biết cha ông xa nhà khi ông còn quá bé, Chỉ mấy bức thư bạc màu, nhắn gửi:/ ” Cha sẽ về lúc đất nước hòa bình”/ Lời nhắn ấy gửi vào với đất/ Trong một trận càn, cha hy sinh (Hình của cha). Rồi sau đó mẹ ông cũng vĩnh viễn ra đi, để lại lòng tiếc thương vô bờ: Trong làn khói hương bay/ Con thấy hình bóng mẹ/ Bước trên đồng đơn lẻ/ Gánh nặng trĩu trời chiều (Bên mộ mẹ).
Tập thơ Mây Trắng
Với Minh Nho, quê hương là máu thịt. Từ “Cây Đa Làng” vững vàng qua bao biến cố lịch sử: Mưa bão đi qua bom đạn xới cào/ Đa vẫn uy nghi như chàng dũng sĩ/ Cành lá gãy vết máu bầm cơ thể/ Đa lại hồi sinh trên đất quê nhà đến “Cây đa trước đền Thánh mẫu” linh thiêng : Tựa vào rễ si đứng thế chân kiềng/ Si siết chặt từng vòng chảo lớn/ Đa vẫn vượt lên trong nắng gió màu thiền. Từ ngôi chùa “Thiên tượng” uy nghiêm nhưng không kém phần thơ mộng với: Tiếng chuông chùa vang ngân/ Giữa rừng thông trầm mặc, với Chùm hoa tím nỗi niềm/ Nghiêng mình bên suối biếc đến “Tượng đài Lý Tử Trọng” gợi nhớ người thanh niên anh hùng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc: Mắt anh như tia nắng mặt trời/ Sáng theo làn đu bay lớp trẻ.
Yêu quê hương, anh yêu những con người cần cù chịu khó, chịu thương đã dệt nên cuộc sống tươi đẹp bằng những việc làm bình dị mà cao cả. Nhớ những người nông dân “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” ông rưng rưng: Cầm trên tay hạt thóc/ Thấy một trời nón trắng quê hương. Trong tuyển có bài thơ “Dòng xe nồi đất” khá toàn bích, những người cùng thế hệ chúng tôi đọc lên xúc động: Đi về đâu? Đi đến đâu? Đêm ngày mưa nắng dãi dầu kể chi/ Áo dài quần cộc dép lê/ Nghênh ngang đi giữa bộn bề tháng năm/ Còng người đẩy bánh xe lăn/ Bờ cây, vạt cỏ là sân là nhà/ Đưa nồi đến tận quê xa/ Màu đất như ráng chiều tà đó em! Nếu dựa vào những câu thơ trên vẽ nên một bức tranh sẽ thấy hình ảnh cần cù chịu khó của người dân lao động quê mình thật đẹp, thật đáng trân quý.
Từ quê hương Xà Lang thân thương, Minh Nho đã đặt chân đến bao miền đất khác của Nước Việt thân yêu. Đến đâu anh cũng ghi lại với những vần thơ đẹp. Đối với tôi, bài thơ “Bè bạn” ám ảnh nhất, bởi vì anh viết về mũi Đao ở Đèo Ngang (Kỳ Anh), nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Bài thơ với tiết tấu nhanh và gọn, sắc như chính mũi Đao: Tôi lại về mũi Đao/ Giữa một trời biển động/ Sóng chồm lên ngọn sóng/ Mây trời vần vũ say// Mũi Đao thành đá xây/ Đứng dầm chân trong biển/ Tựa dáng hình mũi kiếm/ Canh biển suốt đêm ngày// Sóng biển ùa vào đây/ Vờn lên cười trắng xóa/ Gió biển thổi vào đây/ Trốn tìm nơi vách lạ// Ngỡ đâu cằn cỗi đá/ Mà bỗng hát thành lời/ Vui trong tình bè bạn/ Giữa trùng trùng biển khơi. Sau này ông còn có điều kiện đi đến nhiều vùng đất lạ khác trên thế giới: nghe một “tiếng chào Xamakhi” (đoàn kết) của cô gái Lào xinh đẹp/ hong tóc trong nắng vàng hay “Giữa Hồng trường” kỳ vĩ của nước Nga để thấm thía bài học lịch sử của một dân tộc hùng cường: Tôi càng hiểu nước Nga trên đường cất cánh bay/ Phải vượt qua bao đám mây vần vũ.
Nhưng tôi tin dù đi đâu đến đâu, không có nơi nào đẹp và đáng yêu như quê hương ông, đất nước ông. Hồn thơ ông mãi như mây trắng bay trên bầu trời quê hương Hương Sơn soi mình xuống Ngàn Phố xanh trong.
Thanh Minh Canh Tý (04.4.2020)
Lê Quốc Hán
(*) “Mây trắng”, thơ Minh Nho – NXB Văn học, 2008