Sáng 19/12 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay".
Hình ảnh tại Hội thảo
Đến dự Hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cùng các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật…
Động lực cho phát triển văn học, nghệ thuật
PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng xã hội hoá trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là chủ trương lớn, đúng đắn, cần thiết và đã được thể hiện trong các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đáp ứng đòi hỏi khách quan của thực tiễn, từng bước lan toả trong đời sống, huy động sự tham gia rộng rãi của các lực lượng trong xã hội.
Dưới tác động của chủ trương xã hội hóa, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã có những thay đổi khá toàn diện từ phương thức tổ chức hoạt động đến đầu tư, sáng tạo, thẩm định, đánh giá, phát hành và quảng bá sản phẩm. Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm giải quyết ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, song không thể phủ nhận được rằng quá trình xã hội hóa đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu như: Kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo huy động được các nguồn lực của toàn xã hội tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm lý của người dân và yêu cầu phát triển của đất nước. Rất nhiều mô hình văn học nghệ thuật đã xuất hiện, có phương thức hoạt động đa dạng.
Tuy nhiên, thực tiễn sôi động, phong phú và không kém phần phức tạp của hoạt động xã hội hoá văn học nghệ thuật rất cần được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm một cách kịp thời để tìm kiếm các bài học, các mô hình, xác định nguyên lý cho sự phát triển văn học, nghệ thuật trong tương lai.
Các ý kiến trình bày tại hội thảo cũng như các tham luận của đại biểu đã tập trung đề xuất ý kiến về 3 vấn đề chính: Hiểu đúng việc xã hội hóa; phân tích thực tiễn, chỉ ra những thành công và hạn chế, tổng kết và đúc rút các bài học kinh nghiệm; Đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách xã hội hóa và Dự báo xu hướng, vận động, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ tiếp theo.
Hiểu khác nhau nên triển khai lúng túng
Đáng chú ý, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu, nhận thức khác nhau về khái niệm xã hội hóa dẫn đến lúng túng, bất cập, thiếu thống nhất khi triển khai ở các địa phương.
Hệ thống quản lý thiếu đồng bộ, cụ thể và chưa phù hợp. Tiêu chí đánh giá thẩm định nghệ thuật chưa có, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vai trò của Nhà nước và tư nhân trong hoạt động văn học, nghệ thuật chưa được xác định rõ ràng, thiếu định hướng của Nhà nước.
Hệ quả là quá trình xã hội hóa chưa xác định được mô hình hợp lý để nhân rộng, phát triển; không ít trường hợp bị đồng nhất với tư nhân hóa đơn thuần. Nhiều đơn vị xã hội hóa hoạt động được một thời gian rồi rơi vào bế tắc. Các tiêu cực như thương mại hóa, nghiệp dư hoá… xuất hiện. Các giá trị nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương và nhạc cụ truyền thống không có cơ hội được đầu tư, dẫn đến nguy cơ mai một. Thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.
Nguyên nhân được các tham luận phân tích và chỉ ra rất nhiều nhưng bao gồm một số nguyên nhân chủ yếu. Trước hết là tâm lý dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước của không ít đoàn nghệ thuật. Chủ trương xã hội hóa chưa được thể chế hóa cụ thể, rõ ràng, chưa có chiến lược lâu dài và bước đi cụ thể. Thực tế chưa có các mô hình xã hội hoá văn học nghệ thuật tiêu biểu có thể nhân rộng. Chưa có sự coi trọng hoạt động khảo sát, trao đổi, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, nhất là những nước có thành tựu về văn hóa, về xã hội hoá trên lĩnh vực này.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, các tham luận kiến nghị rất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, thực hiện có kết quả chủ trương xã hội hóa tập trung thành 3 nhóm chính.
Nhóm giải pháp tăng cường nhận thức lý luận nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng hành động.
Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách chú trọng làm rõ vai trò của từng chủ thể, khuyến khích đầu tư.
Nhóm giải pháp về hoạt động thực tiễn, xây dựng mô hình tổ chức, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, tham khảo kinh nghiệm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo
Xu thế không thể đảo ngược
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một xu thế không thể đảo ngược. Mục tiêu của xã hội hoá văn học, nghệ thuật không chỉ huy động thêm nguồn lực của xã hội mà quan trọng hơn là tăng mức hưởng thụ của người dân. Đồng thời tăng cường vai trò của các tổ chức, hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, xã hội hóa không phải là Nhà nước buông lơi về lãnh đạo và đầu tư cho văn học, nghệ thuật. Đây là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, đồng tình với ý kiến nhiều đại biểu, Phó Thủ tướng cho rằng giữa mục tiêu, định hướng xã hội hoá và quá trình thực hiện có rất nhiều bất cập.
Điển hình là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho văn học, nghệ thuật không được như mong muốn. Sử dụng ngân sách rất khó khăn, thủ tục vướng mắc. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa chú ý đúng mức đến tầm quan trọng của các thiết chế văn hoá, mà câu chuyện cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam là một ví dụ. Việc đào tạo một số ngành như lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật truyền thống rất khó khăn.
“Kinh phí dành cho đặt hàng đào tạo một số ngành văn học, nghệ thuật, hỗ trợ sáng tác đã ít, nhưng thủ tục cũng vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng trăn trở
Cùng với đó, sự phối hợp giữa các đoàn thể, chính quyền, các hội văn học, nghệ thuật chưa tốt. Vấn đề giữa bảo tồn truyền thống và chạy theo thị hiếu mang tính thị trường, cũng như bảo tồn, chọn lọc, tiếp thu các yếu tố văn hoá bên ngoài đang có nhiều bức xúc.
Nhưng bao trùm hơn hết, theo Phó Thủ tướng là nhận thức về tầm quan trọng của văn hoá trong quá trình phát triển. Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy nếu không coi trọng đúng vấn đề môi trường thì sẽ mất nhiều chục năm, nhiều phần trăm GDP để khắc phục, nhưng đối với những hậu quả về văn hoá xã hội thì đó có thể là nhiều thế hệ và nhiều chục phần trăm GDP.
“Văn hóa là nền tảng tinh thần, nhưng có nơi, có lúc bị sức ép kinh tế lấn át. Chúng ta đã nhận ra những vấn đề môi trường nhưng các vấn đề văn hoá xã hội cũng thật sự đáng báo động. Nhìn trong ngắn hạn các hoạt động văn hoá, xã hội nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, không đóng góp trực tiếp về kinh tế nhưng lâu dài thì sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác như du lịch. Chưa kể khi đã nhận diện được những bất cập, hạn chế về văn hoá, xã hội thì thường chưa xử lý được ngay nên tiếp tục tích tụ. Trong giải quyết các vấn đề văn hoá, ý kiến chuyên gia chưa được coi trọng đúng mức”, Phó Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh để thay đổi nhận thức này không đơn giản.
Đánh giá cao sự tâm huyết của các đại biểu cũng như ý nghĩa của hội thảo, Phó Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, kết quả tại hội thảo trong quá trình tiến hành tổng kết Chiến lược phát triển văn hoá giai đoạn 1999-2020 và xây dựng dự thảo chiến lược phát triển văn hoá sau năm 2020.
Theo chinhphu.vn