Trường Sơn - tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, từng mét đất đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu xương của biết bao thế hệ người lính. Nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết: GẶP LẠI NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SƠN “GÙI 55 TẤN HÀNG ĐI TRỌN MỘT VÒNG TRÁI ĐẤT” của tác giả Lê Đình Hùng – Giảng viên Trường Chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh
GẶP LẠI NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SƠN “GÙI 55 TẤN HÀNG ĐI TRỌN MỘT VÒNG TRÁI ĐẤT”
Tháng 7, trong sự bồi hồi xúc động thiêng liêng, ta muốn làm một cái gì đó dù thật nhỏ bé thôi để tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh đã không tiếc máu xương để giành lại độc lập, tự do cho đất nước hôm nay.
Tình cờ, trong một chương trình truyền hình được phát trên VTV1 có tên “Những anh hùng thế kỷ XX”, tôi được biết về một nhân vật anh hùng với những con số ấn tượng: Gùi cõng trên lưng tổng cộng 55 tấn hàng, đi bộ trên đường Trường Sơn với chiều dài trọn 01 vòng trái đất. Và tự nhiên tôi muốn gặp ông - Người mà theo như quy luật tự nhiên trời đất đã xưa nay hiếm, mà nếu không gặp bây giờ thì ít lâu sau biết đâu sẽ chẵng bao giờ còn gặp được nữa! Một ấn tượng nữa là ông ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – Một địa danh rất đỗi thân thuộc - Quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đường đi cũng khá gần nên tôi quyết định đi gặp ông vào một ngày tháng 7.
Trong cái nắng trưa oi nồng của xứ Nghệ, trên con đường quen thuộc dẫn tôi về thăm quê hương Bác Hồ. Hai bên đường những hồ sen thơm ngát vẫn đang nở những nụ sen chúm chím, khiêm nhường cuối cùng của mùa hạ và bầu trời xanh trong thi thoảng điểm xuyết vài cụm mây. Người lính già mà tôi đến thăm là một Cựu chiến binh, 1 thương binh nổi tiếng ở xã Xuân Hòa– Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Viết Sinh, người được đồng đội và nhân dân gọi ông bằng cụm từ quen thuộc là “Kiện tướng gùi hàng trên đường Trường Sơn” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Gặp ông, ngay cái nhìn đầu tiên của tôi đã toát lên ngỡ ngàng về sự giản dị của một người lính cụ Hồ, sống bình dị giữa đời thường. Ông sống trong một ngôi nhà nhỏ, nằm khiêm nhường giữa những hàng cây nơi làng quê Việt Nam. Những vật dụng trong nhà quá khiêm nhường gợi lại ký ức của thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ông năm nay đã 84 tuổi nhưng rất minh mẫn và tỉnh táo, ông hào hứng ôn lại những ký ức hào hùng, oanh liệt của ông và đồng đội thời Trường Sơn.
Năm 1961, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được biên chế vào đơn vị C3, D1, Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 70 của Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, lương thực, thuốc men, vũ khí, quân trang quân dụng qua dãy Trường Sơn, vòng qua Lào chi viện cho chiến trường miền Nam. Là người lính vận tải của Đoàn 559, ông cùng các đồng đội gùi hàng, đẩy xe thồ trên nhiều cung đường cả Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Tuyến đường thường xuyên và quen thuộc của ông là từ Làng Ho của miền Tây huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đến huyện Tà Ôi, tỉnh Xa na va khẹt của nước bạn Lào anh em.
Rừng Trường Sơn mùa khô thì nắng cháy và bụi đỏ. Mùa mưa thì đường trơn trượt, ẩm ướt, vô cùng gian khổ và khắc nghiệt. Những đội giao liên, vận tải bằng đôi chân, bờ vai không mệt mỏi, vẫn miệt mài gùi hàng, đẩy xe trong điều kiện phải đảm bảo tuyệt đối bí mật cho con đường.
Hành trình xuôi ngược, từ Bắc vào Nam, từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn của ông cùng các đồng đội liên tục kéo dài từ năm 1961 đến tháng 8 năm 1974, khi ông được đơn vị cử ra Bắc để đi học. Là những người lính trong chiến tranh, đương nhiên luôn phải đối mặt với nhiều gian khổ, khó khăn, nguy hiểm vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Công việc gùi hàng nghe qua thì tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng trên thực tế của chiến trường đường Trường Sơn thời ấy lại vô cùng gian khổ và căng thẳng. Ông kể lại: “Cùng với đoàn xe nối đuôi nhau chở hàng hướng về phía Nam là đoàn người gùi gạo và xăng trên lưng luồn lách qua rừng núi, dùng bè mảng vượt qua sông sâu. Có những dốc cao, leo đến tức ngực. Nếu đi không khéo, chân người trước dẫm lên đầu người đi sau. Vậy mà người nào cũng gùi 40-50 kg. Để tránh sự rình rập và kiểm soát của địch, có những lúc vượt qua đường cái, đoàn người phải chui qua cống hoặc trải ni lông trên mặt đường rồi vượt qua, không để lại dấu vết gì. Muốn trao đổi với nhau, mọi người phải nói thì thầm”.
Mỗi ngày, cả đi lẫn về, phải cuốc bộ với quãng đường hơn 40 cây số trong điều kiện địa hình phức tạp, hiểm trở, rừng núi âm u, đường sá lầy lội và với đủ loại côn trùng, rắn rết đe dọa mỗi khi mùa mưa đến. Đói rét, nhịn ăn là chuyện thường tình nhưng không hề làm ông và các đồng đội nao núng.
Mùa khô năm 1966-1967, đơn vị vận tải của ông đóng tại Mường Phin nước bạn Lào. Cái khắc nghiệt của mùa khô ở đây là không hề có mưa nên việc sinh hoạt, ăn ở, tắm giặt là vô cùng khó khăn. Anh em đồng đội trong đơn vị ông đã phát động phong thi đua “kiện tướng bốc vác”. Đợt nào, ông Sinh cũng là tấm gương điển hình trong toàn đơn vị.
Trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt ấy, ông đã bị thương 2 lần bởi bom bi từ các đợt ném bom của máy bay Mỹ xuyên qua phổi và lưng. Nằm bệnh xá điều trị, lành vết thương, ông lại xin quay lại Trường Sơn để tiếp tục làm nhiệm vụ quen thuộc là đẩy xe đạp, gùi hàng và giao liên dẫn đường với ý chí và đôi chân không biết mệt mỏi. Ông đã đi gần hết chiều dài đất nước và gần trọn thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điều mà ông thấy tiếc nhất là không được tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975. Tháng 8 năm 1974, ông được đơn vị cử ra Vĩnh Phúc để đi học, khi học xong thì miền Nam đã được giải phóng, đất nước đã thống nhất và ông không có cơ hội tham gia chiến dịch cuối cùng mang tên Bác Hồ kính yêu.
Ngày 24/2/2012, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Sinh được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam mời vào Thành phố Hồ Chí Minh để nhận bằng xác lập kỷ lục với lý do là “Người chiến sỹ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với tổng đoạn đường dài nhất” và sau đó đại diện Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã tổ chức Lễ trao bằng xếp hạng kỷ lục đó cho ông.
Trong cuốn sách “Chân trần chí thép” ( BARE FEET, IRON WILI ) của tác giả Jemes G. Zumwalt, cựu Trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, con trai Đô đốc Chỉ huy trưởng lực lượng hải quân Hoa Kỳ tại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, do Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2021, trang 281 đã viết :
“Trước khi xe cơ giới có thể lưu thông trên “Đường mòn”, gùi hàng là cách thức vận tải chính yếu. Những binh sỹ vận chuyển nhiều hàng nhất được tuyên dương. Nguyễn Viết Sinh (ảnh minh họa trong trang này) có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45-50 ky lô. Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, anh đã mang được 55 tấn hàng trên lưng đi qua chặng đường có tổng chiều dài 41.025 cây số - tương đương với đi một vòng quanh trái đất theo đường xích đạo và mang theo một lượng hàng bằng trọng lượng cơ thể. Với thành tích ấy, Sinh đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Viết Sinh đã sang tuổi 84, bộc bạch rằng, gia đình ông có 5 người trên 6 người đều tham gia bộ đội, gồm ông Nguyết Viết Sinh, bà Đinh Thị Vân, 2 đứa con trai là Nguyễn Viết Nhân, Nguyễn Viết Luận và 1 đứa con gái và một đứa con dâu đều làm giáo viên. Tất cả đều cống hiến cho quê hương, đất nước và tôi không có gì phải tiếc nuối. Đời tôi chỉ có một ân hận là chưa được gặp Bác Hồ.
Khi ông trở thành người lính giao liên dẫn đường và gùi hàng trên tuyến đường Trường Sơn, sự cống hiến bằng sức lực và tâm lực của ông cho nhiều cung đường đường Trường Sơn giữa bom rơi, đạn nổ, giữa những cơn mưa rừng rét buốt. Ông kể với tôi, từ năm 1961 đến 1965, ông đã gùi hàng không nghỉ một ngày nào. Ông tâm sự rằng, chính ông cũng không hiểu, không ngờ vì sao ông lại có thể làm được những điều kỳ diệu như vậy. Ông đã ghi một khẩu hiệu trên cái mũ cối của ông là “Một viên đạn là một quân thù, một cân hàng là đồng bào miền Nam bớt đổ máu”.
Với khối lượng vật chất đồ sộ và số lượng km khổng lồ mà ông đã gùi hàng, đã đi qua, ông đã rất vinh dự được đón nhận 2 phần thưởng cao quý do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng. Đó là Huân chương chiến công hạng Nhất cho Chuẩn úy Nguyễn Viết Sinh, Tiểu đội trưởng vận tải, ký ngày 12/7/1966 vì “Đã nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt tốt” và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ký ngày 1/1/1967 vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước”. Ông Nguyễn Viết Sinh chính là một trong ba người lính đầu tiên của bộ đội Trường Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cũng là anh hùng đầu tiên thời chống Mỹ khi ông mới 26 tuổi.
Nói về cảm xúc khi đón nhận danh hiệu cao quý ấy, ông Sinh mộc mạc khiêm nhường chia sẻ “Ai ở trong hoàn cảnh đó cũng biết, cũng hiểu, khi mình được tuyên dương anh hùng thì biết là mình đã vinh dự thay mặt cho nhiều anh em, đồng chí, đồng đội đóng góp. Vinh dự cho cá nhân, nhưng công trạng là của tập thể”.
Năm 1991, ông nghỉ hưu theo chế độ và về sống cùng con cháu ở quê nhà với quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam sau 30 năm cống hiến trong quân ngũ. Ở bất cứ vị trí nào, cấp bậc nào, ông Sinh đều phát huy tinh thần của một người lính Bộ đội cụ Hồ trên quê hương Bác Hồ.
Về địa phương sinh sống, ông tham gia nhiều công việc như Bí thư Chi bộ, Hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Hội trưởng Hội làm vườn của xóm, phường.
Đến tận bây giờ, chiến tranh đã lùi xa và khi ông đã 84 tuổi, nỗi đau về sự hy sinh của nhiều đồng đội vẫn luôn trở thành nỗi đau thường trực mỗi khi nhớ về thời đạn bom ấy. Để tưởng nhớ, tri ơn các đồng đội đã ngã xuống và đang an nghỉ nhiều nghĩa trang liệt sỹ, hàng năm ông thường kêu gọi các đồng đội quyên góp tiền bạc để chung tay cùng tổ chức nhiều chuyến thăm viếng ở Ngã 3 Đồng Lộc, Truông Bồn, Nghĩa Trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9, Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào…
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hoàn cảnh khó khăn do vợ ông – cũng là một người lính, cựu thanh niên xung phong thương binh hạng 4/4, thường xuyên bệnh tật, sức khỏe ốm yếu. Tuy vậy, ông vẫn luôn có ý thức tiết kiệm, chắt chiu, dành dụm đồng lương hưu để thi thoảng có tham gia công tác từ thiện cho đồng bào. Trong cái tủ chứa đầy tài liệu, giấy tờ, tranh ảnh của ông còn lưu giữ ký ức một thời đạn bom, còn nhiều Giấy chứng nhận kèm theo chữ ký, con dấu của lãnh đạo một số huyện xã kèm theo số tiền mà gia đình ông ủng hộ. Nổi bật nhất là năm 2013, ông đã dành dụm chút ít tiền thương binh trong nhiều năm được 30 triệu đồng để tự thân ông đi đến thăm hỏi nhân dân vùng lũ lụt, đặc biệt nghèo khó trong 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Sinh chụp ảnh kỉ niệm cùng giảng viên Lê Đình Hùng
Trò chuyện với ông, tôi mới hiểu và xúc động cái lý do rất đơn giản, bình dị mà ông hay làm những việc nghĩa tình, nhân văn đó là tình đồng chí, nghĩa đồng bào thời gian khó, trong gian khổ. Thời ông và đồng đội là những người lính vận tải nhưng đi bộ xuyên Trường Sơn, gùi hàng, đẩy xe đạp trên nhiều cung đường. Mỗi lần qua những binh trạm để tránh bom hay tạm nghỉ, đồng bào những nơi ông đi qua đều chia sẻ, đùm bọc, cưu mang. Nay, đất nước không còn chiến tranh, ông còn sống cũng là một may mắn. Được nhà nước quan tâm, hỗ trợ chút tiền chính sách hàng tháng, ông thấy mình còn may mắn so với nhiều đồng đội, đồng bào sau chiến tranh, chỉ muốn san sẽ thêm với nhân dân đang còn rất nhiều khó khăn, luôn đối mặt với nhiều thiên tai, lũ lụt sống ven dãy núi Trường Sơn, đường Trường Sơn- nơi mà những người lính giao liên, vận tải đã đi qua.
Năm 2022, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Đài truyền hình Việt Nam mời tham dự và ghi hình chương trình “Những anh hùng thế kỷ XX” và được phát sóng trên chương trình “Chuyển động 24h” và các nền tảng số của VTV.
Chia tay người thương binh già Nguyễn Viết Sinh khi hoàng hôn sắp buông trong chiều hè tháng 7 linh thiêng- tháng của rất nhiều hoạt động ghi ơn, tưởng nhớ, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh khắp mọi miền đất nước . Nhiều hồ sen dọc quốc lộ 46 của huyện Nam Đàn vẫn đua nhau khoe sắc, tỏa hương. Đất nước, quê hương hôm nay luôn ghi công anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh đã chiến đấu và hy sinh vì độc, tự do của Tổ quốc.
Lê Đình Hùng