Tạp chí Hồng Lĩnh số 217 trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Gặp lại Sài Gòn” của nhà văn Trần Quỳnh Nga
- Mẹ muốn vào Nam một lần…biết đâu…
Tiếng bà Dần ngập ngừng cất lên trong bữa ăn khiến Thắng sững lại trong phút chốc, nhưng rồi anh đã nhanh chóng kìm nén cơn xúc động cầm đũa gắp một miếng thức ăn bỏ vào bát bà Dần.
- Ăn cơm đi đã mẹ, chuyện đó mình nói sau ha?
Bà Dần thôi không nói, cắm cúi vào bát cơm mãi không vơi đi được.
Bữa cơm lặng lẽ đi qua.
Bóng nắng trưa dọi xuống khoảng sân trước mặt loang loáng. Loan luôn không hài lòng với việc hút thuốc của anh nhưng không dám mở lời. Cô lặng lẽ đặt cốc nước trên bàn đá, thấy gạt tàn của anh đã có thêm một đầu lọc nữa, biết ngay chồng đang có chuyện gì đó khó nói lắm. Loan vờ đưa nhát chổi vào đám lá khô chờ đợi.
- Anh lờ mờ nhận ra hình như mẹ đã biết được điều gì về những việc làm của anh – Thắng nói rồi lại rít một hơi thuốc.
Loan dừng chổi nhìn bóng nắng trên tán cây rồi nhìn chồng thở dài. Đã bao lâu anh lặng lẽ tìm cha. Tìm được rồi lại không dám liên lạc. Anh sợ mẹ biết, sợ những đổ vỡ trong lòng mẹ đành im lặng cho đến ngày hôm nay câu nói của bà khiến anh ngỡ ngàng. Loan biết, mẹ anh không phải là người lạnh lùng nhưng sự im lặng hơn 30 năm của bà như một nút thắt khiến chồng cô không dám làm những điều mà anh mong muốn. Anh sợ làm tổn thương, sợ làm mẹ phật lòng. Vậy mà khi bà đã nói ra rồi, lòng anh lại cảm thấy nặng trĩu.
- Hay để em tìm cơ hội nói với mẹ - Loan ngập ngừng
- Thôi... nói kiểu gì thì anh cũng là “kẻ phản bội”
- Anh kì – Loan nhìn anh cười ngượng - đó là câu chuyện hồi xưa anh nói với mẹ, giờ mẹ đã nghĩ khác mẹ mới nói với anh mẹ muốn vào Nam, như thế là mẹ đang cố gỡ nút thắt trong lòng anh từ trước đến giờ. Chẳng lẽ anh không hiểu lòng mẹ?
Loan nói rồi im lặng. Hơi thuốc trong miệng Thắng chợt đắng. Hồi nhỏ, khi biết cha còn sống và không trở về, anh đã ôm lấy mẹ mà thề rằng con sẽ không đi tìm người phản bội đó nữa. Nhưng sau này lớn lên, không hiểu sao mỗi lần vào Sài Gòn anh đều cố gắng nghe ngóng tin cha. Anh biết cha ở đó, sống êm ấm dưới một mái nhà với một người đàn bà khác và anh yên lòng. Anh sẽ giữ mãi bí mật đó mãi mãi không nói ra bởi hơn ai hết anh là người chứng kiến những đau khổ trong lòng mẹ mấy mươi năm trôi qua. Chiến tranh đã làm cho những người đàn bà như mẹ anh phải cùng lúc chịu đựng những điều không ngờ đến.
Thắng nhớ như in đêm trước ngày giải phóng Sài Gòn, mẹ nhận được tin cha hy sinh. Năm đó anh vừa năm tuổi vừa chạy chơi ngoài sân về đã thấy mẹ nằm xuội ngất trên tay dì Tâm và mấy người hàng xóm đi đi lại lại trong sân nhà đã bắt đầu sẫm tối. Lúc đó, anh nào biết gì, ngơ ngác nhìn mẹ bần thần rồi ngồi im cho người ta thít khăn tang trắng trên đầu như thằng Tố cái Thắm trong làng mọi bữa. Bọn trẻ con không biết đến nỗi đau về sự hy sinh của người mà chúng gọi là cha bởi có mấy đứa sinh ra mà may mắn được nhìn thấy người ấy. Chúng chỉ biết về cha trong tâm tưởng, trong những câu chuyện kể của mẹ hằng ngày rồi cũng thoáng qua, chỉ lời mẹ hứa “mẹ sẽ không bao giờ bỏ con một mình” là làm chúng yên tâm ngon giấc.
Nhưng anh mãi không quên được hình ảnh mẹ. Mẹ ngồi thật lâu trước bàn thờ cha mới được lập xong thì thầm “xa xôi gì đâu mà ông không chờ được đến ngày giải phóng?”. Mãi những năm sau đó, Thắng nhận ra thói quen của mẹ là ngồi trước bàn thờ cha chải tóc. Mẹ ngồi lặng lẽ, chải tóc bằng chiếc lược làm từ vỏ đạn cha khắc vội trong chiến trường gửi về tặng mẹ. Mẹ thường kể những câu chuyện về cha cho anh nghe. Về những lý tưởng, những khát vọng của cha chưa thành hiện thực để rồi mỗi ngày qua đi, những tình cảm đó được bồi đắp bằng những tin yêu và hi vọng nuôi nấng anh thành người.
Những tưởng cuộc sống của mẹ sẽ nguôi ngoai và thanh thản an hưởng tuổi già thì mấy mươi năm sau tin cha còn sống lại như một cú sốc giáng vào cuộc đời của mẹ. Suốt một tháng trời bà không ngồi dậy nổi. Bà hết nhìn di ảnh của ông rồi lại nhìn ra ngoài ngõ mơ mơ màng màng nửa mê nửa tỉnh nhưng không hề khóc lóc hay khổ sở. Hình như sau những tháng năm dài đó lòng bà đã không còn nước mắt để khóc nữa, chỉ là những đường đột khiến bà bần thần. Nên anh biết, nếu như anh nói trước với mẹ về dự định của mình chắc cảm giác mình là kẻ phản bội không hành hạ anh như này.
Trưa nay, khi đã đủ can đảm để nói với vợ chồng Thắng chuyện bà muốn vào Nam một lần, Thắng thấy bà khác hẳn. Sự sững sờ của anh lại khiến bà ấp úng mãi không dám mở lời. Chắc bà vẫn nghĩ cú sốc này đã giáng một đòn mạnh mẽ vào anh khiến anh không dễ gì chấp nhận nổi. Loan đứng giữa nỗi mặc cảm của hai người không biết nên mở lời thế nào. Ai cũng có những tâm tư không muốn nói ra sợ làm tổn thương đến người mình yêu thương thì không gì có thể bù đắp nổi.
Đêm ấy, bà gọi anh lại, nói nhỏ đủ chỉ để cho hai mẹ con cùng nghe:
- Ông ấy không về chắc có lí do của ông ấy - bà Dần đặt cốc nước cam tự tay vừa vắt cho con rồi ngồi xuống bên cạnh vẻ mặt rất bình thản - Rốt cuộc điều may mắn nhất trên đời đối với con đó là việc ông ấy còn sống.
- Mẹ…Thắng nghẹn ngào…con…
- Mẹ chỉ mong con đừng giận gì cha con nữa…
- Con…
- Cuối cùng thì mẹ vẫn phải biết ơn ông ấy vì đã cho mẹ một đứa con giỏi giang nên mẹ cũng muốn cho ông ấy biết rằng mẹ đã nuôi dạy được một đứa con hiếu thảo… phận làm con không thể không nhận lại cha mình con ạ…
Thắng nghe những lời mẹ nói, trong lòng như lặng đi. Anh ôm lấy mẹ, nghe rõ cả nhịp thở của mẹ có phần ngắt quãng. Bao lâu nay, mẹ vẫn mang trong mình một nút thắt không gỡ ra được, điều đó khiến anh lo ngại cho sức khỏe của bà, giờ thấy mẹ nói ra những điều như chiều lòng anh, Thắng lại thấy trong lòng mang đầy dự cảm. Đời anh có giông gió nào mà đã không trải qua nhưng đứng trước tâm tư và sức khỏe của người anh lại như một con thuyền nhỏ chòng chành trong làn sóng giữ.
- Con sẽ đưa mẹ đi bất cứ đâu mẹ muốn, làm bất cứ điều gì mẹ mong, chỉ cần mẹ giữ lời hứa với con như hồi con còn thơ bé
*
Sân bay Tân Sơn Nhất một ngày tháng tư đầy nắng. Sài Gòn đông đúc người và xe. Thắng vừa xuống sân bay đang đang ra chỗ xách hành lý. Loan và tụi trẻ con vừa đỡ bà Dần xem chừng đã thấm mệt đang tìm chỗ nghỉ thì một giọng con gái trong trẻo đã ào đến như một cơn gió.
- Anh Hai, chị Hai và má mệt không? Anh chị xách hành lý đi, má để em đỡ.
Cô gái nói rồi nhanh nhảu lại ôm vào tay bà Dần đỡ bà đứng dậy.
Bà Dần hết nhìn Thắng rồi nhìn cô gái trước mặt như có chút e ngại
- Cô Mai đó mẹ, con cho mẹ xem ảnh rồi mà – Loan nói như đỡ lời
- À… Bà Dần nắm tay Mai… Xin lỗi con, mắt mẹ nhìn không rõ.
- Sài Gòn đông đúc quá ha má?
- Phồn hoa quá
Minh họa: VÂN NGUYỄN
Bà Dần nói khi nhìn qua cửa kính xe vừa lướt qua dọc các tuyến phố Sài Gòn. Kể từ ngày tiễn chồng vào Nam chiến đấu, lòng bà đã mang đầy yêu thương với tên gọi này rồi vậy mà giờ đây, đi giữa thênh thang phố phường bà lại thấy rợn ngợp, xa lạ. Cũng đúng thôi, thành phố này dẫu đã xem nhiều trên truyền hình đến quen thì đây cũng là lần đầu tiên bà được đặt chân đến. Như cô gái bên cạnh bà đây vậy, bà vẫn tự dặn lòng dù sao đó cũng là em của con trai mình, máu mủ của con bà thì cũng là của bà, phải rộng lòng mà dang tay với chúng ấy vậy mà khi gặp rồi vẫn có chút ngại ngần không dễ vượt qua.
Bà lén nhìn cô gái có đôi mắt trong veo và nụ cười tươi đang háo hức chỉ cho con trai bà về những nơi trong thành phố rồi phút chốc cầm lấy tay cô gái. Cô gái cầm lấy tay bà Dần như đồng cảm.
- Má con mình về nhà trước nghỉ ngơi, ba má con chắc phải qua trưa mới về nhà được.
- Ba đi đâu? – Thắng buột miệng
- Ba với má Mai đi Xuân Lộc, hôm nay giỗ ba em đó
- Ba em?
- Vâng, ba em hy sinh vào đúng ngày này. Thương lắm, đâu có chờ được đến ngày thống nhất.
Bà Dần nghe thế lặng người. Thắng như không tin vào tai mình nữa. Cô gái tự xưng là em gái đang ngồi trước mặt anh đây đang kể câu chuyện của chính cha mình mà Thắng nào hay biết. Câu chuyện của một nữ biệt động thành nhận được tin chồng mình hy sinh cũng không rời bỏ vị trí chiến đấu đã tình nguyện yểm trợ chặn đường địch để đồng đội cõng những người chiến sĩ giải phóng quân bị thương nặng ở cửa ngõ Sài Gòn ra được vùng an toàn…
Cô gái kể rồi lấy khăn lau nước mắt.
- Anh Hai biết không? Khi em tìm thấy thông tin anh đăng tìm cha trên facebook, em về nói với ba ba không tin đâu. Chỉ đến khi ba nhìn thấy ảnh mình và thông tin của người con là Lê Tất Thắng thì ba mới òa lên khóc. Thương lắm! em bảo sao từng ấy năm ba không về. Ba bảo ba giờ đã là tàn phế về Bắc chỉ tội mẹ Hai. Ba bảo chẳng thà cứ để cho người ở nhà nghĩ mình đã hy sinh đi, nỗi đau lâu rồi cũng sẽ nguôi chứ về nhà trở thành gánh nặng một đời cho người ta, không đành…
- Ba nghe tin má và anh hai vào ba rối lắm, mấy đêm không ngủ được. Anh Hai và má đừng giận ba nghe anh Hai, thương lắm…
- Ừ…Thắng nghẹn ngào
Cô gái nói lặng đi. Bà Dần ngồi lặng như hóa đá không nói được một lời nào. Nắng Sài Gòn lênh loáng sau cửa kính khiến bà lấy khăn lau nước mắt. Bà không cả dám thở mạnh. Bà sợ sự tủi thân trong con trai của bà như chiếc bóng căng quá sẽ vỡ ra không kìm lại được. Dường như có bao nhiêu điều chất chứa trong lòng bà giờ như đã được gột rửa. Nỗi đau đáu, niềm giận hờn cả những ý nghĩ vị tha trong lòng bà bao lâu nay giờ lại hóa thành nỗi niềm day dứt. Bà đã từng trách ông tham phú phụ bần mà chưa một lần nghĩ rằng chính ông vì đã nghĩ cho mẹ con bà mà không một dòng thư qua lại. Và bà, việc quyết định vào thăm ông cũng là có ý để ông nhận con nhưng cũng để cho ông tự hiểu rằng không có ông bà cũng nuôi dạy con thật tốt, thật xứng đáng. Bà cầm lấy tay cô gái vỗ vỗ không dừng.
*
Chiếc xe dừng lại trước căn nhà nhỏ xinh nằm khép mình dưới rặng hoa giấy dập dìu. Càng nắng, màu hoa càng rực rỡ, thắm đỏ.
Người đàn ông ngồi trên xe lăn vừa thấy người đàn bà bước vào cổng đã chới với sắp ngã. Ông cứ nghĩ thời gian qua đi sẽ khiến cho người ta nguôi ngoai phần nào vết thương lòng, nhưng không, khi nhìn lên mái tóc bạc trắng của người đàn bà trước mắt mọi ý nghĩ trước đây đều trở nên vô nghĩa. Vợ ông, người con gái đẹp nhất làng Tranh với mái tóc xanh ngày xưa trong mắt ông đã không còn nữa chỉ còn lại người đàn bà tóc bạc lưng còng đang đứng trước mặt nhìn ông thổn thức. Mắt ông nhòe đi. Người đàn bà bước lại đỡ lấy tay ông nghẹn ngào.
- Tôi luôn tin rằng ông còn sống, hằng đêm tôi vẫn cầu nguyện rằng, giá như tôi có thể đánh đổi những năm tháng được sống ở trên đời này để lấy được sự đoàn tụ của ông và con trong một khoảnh khắc. Bây giờ đã thành rồi, tôi xin phép trả con cho ông. Bà nói rồi nắm lấy tay Thắng đặt vào trong tay ông rồi òa khóc.
- Mình… Mình… tôi xin lỗi - Người đàn ông luống cuống khóc không thành tiếng.
Người đàn bà mếu máo vỗ vào lưng ông rưng rưng. Bao nhiêu người có mặt lúc ấy cũng òa lên khóc. Bao nhiêu lời cho đủ để đổi lấy một phút giây yêu thương ngày gặp mặt. Ông cầm tay con trai ấp lên má đầm đìa nước mắt. Thắng quỳ xuống hai ống quần buông thõng ôm chầm lấy cha. Lần đầu tiên trong đời anh tiếng cha bật lên nghẹn ngào và khó khăn đến thế. Một lúc lâu bà mới quay sang bà Thu nghẹn ngào:
Còn cái này tôi tặng lại cho mẹ bé ba xem như là kỉ vật - Bà Dần nói rồi đặt vào tay bà Thu chiếc lược được làm bằng vỏ đạn nghẹn ngào – trước khi đi anh ấy bảo tôi em hãy giữ chiếc lược này làm tin, sau này thống nhất anh sẽ về chải tóc cho em. Giờ anh ở lại, chị đưa chiếc lược này vào cho em giữ bởi không có em, ngay cả tính mạng của mình anh ấy cũng không giữ được.
Người đàn ông nghe vậy thì òa lên khóc. Người trao cũng khóc, người nhận cũng khóc chỉ có những đứa con họ tay trong tay nhau nghẹn ngào cười.
*
Dinh Độc Lập một ngày đầy gió. Người ta thấy một gia đình đông đủ đi vào tham quan, người đàn ông mặc quân phục ngực đầy huy chương đang ngồi trên xe lăn đang chỉ cho người con trai xem những vết đạn bắn trên cổng dinh và những câu chuyện bi tráng vào ngày ông theo đoàn xe tăng từ cửa ngõ Xuân Lộc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau lưng họ hai người đàn bà mặc áo dài truyền thống dắt nhau đứng gần bãi cỏ trước cổng dinh cho con gái họ chụp những tấm hình kỉ niệm.
Bức ảnh đó, sau được in làm hai treo ở nhà trong Nam ngoài Bắc, dưới bức ảnh đó đều chung một dòng chữ: “Những điều còn lại trong mỗi người chúng ta đó là gia đình!”
T.Q.N