15-11-2023 - 09:09

GIÓ MÙA YÊU THƯƠNG

Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam là một trong những tập truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Việt Nam, đầy cảm động, chan chứa tình yêu thương và lòng cảm thông đối với những mảnh đời bất hạnh. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn này qua bài bình “Gió mùa yêu thương” của tác giả Nguyễn Thị Hà, giáo viên Ngữ văn trường THCS Hải Thượng Lãn Ông, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

 

GIÓ MÙA YÊU THƯƠNG

 

Thạch Lam(1910-1942) với sự nghiệp sáng tác chỉ kéo dài khoảng 5-6 năm, nhưng quãng thời gian ngắn ngủi ấy cũng đủ để cái tên nhà văn trở nên vô cùng sâu đậm trong lòng độc giả. Dù là một thành viên của Tự lực văn đoàn và chịu những ảnh hưởng nhất định của trường phái lãng mạn nhưng Thạch Lam chọn cho mình một lối đi hoàn toàn riêng biệt trong văn chương. Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện, đó là những dòng cảm xúc nhẹ nhàng  mà tinh tế, những chi tiết rất nhỏ nhưng rất đẹp, giàu ý nghĩa. “Gió lạnh đầu mùa” là một trong những truyện ngắn như thế. Một câu chuyện với cốt truyện đơn giản, được kể một cách rất đặc sắc, lưu giữ trong lòng người đọc những cảm xúc đẹp, những vấn vương, những yêu thương đong đầy.

   Truyện ngắn“gió lạnh đầu mùa” có thể tóm gọn lại trong vài dòng: một sáng gió mùa về, gia đình hai chị em Lan, Sơn đươc mẹ lấy áo ấm cho mặc, rồi hai chị em đi ra chợ chơi cùng mấy đứa bạn xóm chợ nghèo. Thấy cái Hiên không có áo ấm, hai chị em lấy cái áo bông cũ đi cho.  Sau đó mẹ Hiên đến nhà Sơn trả lại áo. Như vậy, truyện dường như không có gì đặc sắc, không có các tình tiết đặc biệt, không có cao trào, kết thúc cũng rất nhẹ nhàng. Nhưng cái riêng, cái ấn tượng ở đây là trong từng ấy nhân vật, từng ấy tình tiết, từng câu chữ đó có thông điệp của tấm lòng được thể hiện một cách tinh tế. Thế Lữ khẳng định: “Không một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó.. bao giờ cũng đằm thắm, cũng nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương”. Hay nói cách khác, một khoảnh khắc gió mùa tràn về với đất trời, dưới cái nhìn của Thạch Lam, qua lăng kính của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, đầy lòng trắc ẩn; người đọc cảm nhận được tình yêu, sự sẻ chia, cảm thông của những con người trong truyện từ những chi tiết nhỏ nhặt.  Đúng là thời tiết đã trở lạnh “trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt..Những cây lan trông chậu, lá rung động và hình như sắc lại vì rét”. Nhưng trong nhà, ta cảm nhận được cái ấm cúng của không khí gia đình. Đó là hơi ấm từ cái bếp hỏa lò, từ ấm nước chè mới nấu bốc hơi nghi ngút “Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống”;  rồi tiếng nói ân cần ấm áp của người mẹ “Con sang đây mà ngồi cho ấm..bước khéo để cho em bé ngủ”; rồi cả hành động nhỏ nhưng đầy sự quan tâm của Sơn trước khi rời khỏi giường đối với đứa em “Sơn kéo chăn lên đắp cho em”. Trong không khí đầm ấm như thế, hoài niệm về em Duyên xấu số đã mất khiến cả gia đình xúc động “Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá”, người vú già nuôi em từ lúc mới đẻ “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía,tay mân mê các đường chỉ”, mẹ “yên lặng không nói gì...hơi rơm rớm nước mắt”. Rồi trước khi cho các con đi chơi, mẹ Sơn còn ba, bốn lần ngắm nghía con mặc áo ấm “vuốt các tà áo cho phẳng phiu”. Rõ ràng, đó là những hành động rất nhỏ, các chi tiết chuyện lặt vặt, Thạch Lam miêu tả và kể một cách nhẹ nhàng mà sao ta thấy thấm thía đến lạ! Ta thấy yêu biết bao gia đình nhỏ ấy với không khí đầm ấm ngày gió mùa về. Ta yêu người mẹ chăm chút cho từng đứa con từng chút nhỏ, ta cũng yêu cả bà vú già đang đượm buồn khi nhớ về đứa trẻ vắn số mình đã từng cho bú mớm, ta càng yêu hơn người anh, người chị quan tâm, nhớ thương em mình. Gió lạnh khiến các thành viên xích lại gần nhau hơn, hay chính tình yêu thương vốn dĩ đã đong đầy trong gia đình ấy? Để rồi, khi ra xóm chợ, với mấy đứa trẻ nghèo, chị em Sơn vui đùa và thân mật, nói chuyện với đứa này, gọi đứa kia lại chơi. Trẻ con thường vô tư, ít để ý lắm; vậy mà cậu bé Sơn, một đứa trẻ có điều kiện khá giả hơn nhiều những bạn cùng trang lứa, không những không kênh kiệu với mấy đứa nghèo hơn mà còn “nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ… môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau”. Chi tiết đó cho thấy Sơn là đứa trẻ hiểu chuyện, tinh tế, quan tâm đến những người xung quanh. Bởi thế, cậu “thấy động lòng thương” bé Hiên và “ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí” rồi “thì thầm… Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ… Ừ, phải đấy. Để chị về lấy”. Có thể nói, dưới ngòi bút của nhà văn Thạch Lam; chuỗi suy nghĩ, hành động của chị em Sơn, Lan diễn ra tự nhiên như hơi thở bởi nó xuất phát từ cái tâm sẵn có, từ động cơ thấy người khác thiếu thì đưa cho, thấy người khác lạnh thì muốn họ được ấm. Theo dòng cảm xúc đó, người đọc chúng ta cũng thấy hăm hở cùng chị Lan khi chạy về nhà lấy áo và “trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui” y như Sơn khi đứng đợi chị . Yêu hai chị em, chúng ta cũng cảm phục trước lời nói của người mẹ “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?”. Dĩ nhiên, hành động tự lấy áo đưa đi cho của hai chị em là không đúng, hơn nữa đó còn là kỷ vật của đứa em xấu số; nhưng động cơ là xuất phát từ tình cảm lại đáng trân quý. Bởi thế, cùng với hành động “âu yếm ôm vào lòng”, lời mẹ nói vừa có trách mắng lại vừa có ngầm ý khen, động viên; vì hơn ai hết, mẹ hiểu con mình là những đứa trẻ biết động lòng trắc ẩn trước bạn bè có hoàn cảnh khó khăn. Chắc hẳn, dù gió ngoài kia có rít có lạnh lên từng hồi, lòng mẹ vẫn cảm thấy bình yên, ấm áp vì những đứa con như thế! Không dừng lại ở đó, nhà văn Thạch Lam còn tiếp tục khai thác những chi tiết nhỏ nhưng ý nghĩa lớn ở hai hình ảnh người mẹ. Mẹ Hiên nghèo “chẳng để dành được đồng nào may áo cho con cả”, nhưng vội vàng đến nhà mẹ Sơn để trả lại áo. Người đọc vừa cảm thương cho cảnh túng thiếu lại vừa cảm phục lòng tự trọng của bà mẹ nghèo. Bà mẹ Sơn lại rộng lòng giúp đỡ, cho mẹ Hiên vay tiền may áo cho con. Hai bà mẹ, hai hành động trả áo, cho vay tiền mua áo giữa cái tiết trời đông lạnh sao ấm lòng ta đến ta đến thế! Một người giàu sự cảm thông, sẻ chia, một người giàu lòng tự trong; cả hai đều sáng đẹp nhân cách. Chẳng trách mấy đứa trẻ lại nói chuyện vui vẻ, chơi hòa đồng được với nhau dù có khoảng cách giàu nghèo.

Gió lạnh đầu đông ( Tranh: St )

Có thể nói, cũng như rất nhiều truyện ngắn khác,“ gió lạnh đầu mùa” thể hiện rất rõ phong cách của nhà văn Thạch Lam “một ngòi bút lặng lẽ và điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút đó chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những tình cảm, những cảm giác con con nảy nở và biểu lộ ở đủ các hạng người mà ông tả một cách tinh vi” (Vũ Ngọc Phan). Chỉ là khung cảnh sinh hoạt sáng sớm của một gia đình nhỏ vào sáng sớm gió mùa về, bên ấm nước chè nóng cạnh cái bếp lò; hai đứa trẻ tự ý cho áo, hai bà mẹ nói với nhau vài câu; nhưng người đọc cứ vấn vương, xúc động mãi không thôi. Truyện có cảm thương, buồn buồn về cảnh nghèo, có tiết trời lạnh giá bất chợt thay đổi qua một đêm; nhưng hơn hết mỗi chúng ta được sống trong không khí ấm áp của tình thương, sự cảm thông, sẻ chia của những con người đáng quý. Đúng là gió lạnh mà ấp áp tình cảm giữa những con người với nhau. Qua bao nhiêu mùa trở gió, giữa rất nhiều đổi thay của thời tiết, lòng người, “gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam vẫn là một áng văn đẹp, nên thơ, vấn vương tơ lòng biết bao người.

                                                   

                                                           Nguyễn Thị Hà

 

 

 

. . . . .
Loading the player...