Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Tạp chí Hồng Lĩnh số 218 tháng 10/2024 trân trọng giới thiệu tùy bút “Hà Nội - tình yêu và nỗi nhớ” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam
Vài ngày trước kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) qua Facebook (Fb) tôi mời các bạn yêu ảnh hay đạp xe thể dục buổi sáng tụ tập đúng 5 giờ sáng ngày 10/10 làm 7 vòng quanh Hồ Gươm và sau đó uống cà phê ở phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội. Hồ gươm và Nhà hát Lớn là hai trong hàng trăm di tích lịch sử văn hóa và cách mạng của Tổ quốc, là trái tim của cả nước. Quảng trường này mang tên “Quảng trường Cách mạng tháng Tám” là vì thế. Tôi biết ngày này, hàng trăm ngàn người Hà Nội và các địa phương lân cận sẽ đến nơi này để nhìn ngắm 5 cửa ô Hà Nội. Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử nhưng 5 cửa ô của Hà Nội (xưa là cửa ô của kinh thành Thăng Long) vẫn gắn bó với người dân Hà Nội, trở thành những địa danh nổi tiếng của Thủ đô. Đặc biệt, 5 cửa ô cũng là các điểm đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô. Từ vài hôm nay, các bài hát về Hà Nội, đặc biệt là bài “Tiến về thủ đô” của Văn Cao được vang lên ở khắp nơi, trên các chương trình truyền hình. “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.
Ngày đoàn quân tiến về Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (Ảnh tư liệu)
Có lẽ, với Hà Nội, chẳng cứ người sinh ra ở đây mà bất cứ ai từng học tập, làm việc, thậm chí chỉ ghé qua nơi này, như với khách du lịch nước ngoài chẳng hạn, đều có cảm xúc ấn tượng, đều có tình yêu với về mảnh đất đặc biệt này của đất nước. Cảm xúc gắn với kỷ niệm nhưng để viết lên cho cụ thể thì người ta thường so sánh cảnh vật, sinh hoạt đời sống giữa hôm nay và hôm qua. Và con người, sự đổi thay của từng gia đình, nơi ở, điều kiện vật chất giữa hiện tại và quá khứ, cái hay, cái lạ ở nơi này so với các vùng đất khác.
Còn nhớ, trước ngày 10/10/1954, bọn nhóc chúng tôi được chính quyền sở tại bảo đi mừng lễ tiếp quản, mặc sơ mi trắng, quần xanh, tay cầm 2 lá cờ: đỏ sao vàng và “cờ hòa bình” màu xanh da trời có hình con chim bồ câu trắng ở giữa và hát vang các bài ca cách mạng như “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, nhất là bài “Hà Nội giải phóng” của thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Văn Quỳ. Hà Nội hồi đó chưa đầy 30 vạn người. Ngoài các phố cổ mang tên hàng (Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Hàng Đồng, Hàng Nhang, Hàng Hòm…) có 3 phố đẹp, to và dài nhất là Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo. Sáng hôm nay, sau vài vòng đạp xe tại Hồ Gươm, tôi đã trở lại cái căn nhà nơi mình đã từng sống suốt tuổi thơ. Phố đẹp và hiện đại, tất nhiên bây giờ đông vui lắm bởi từ một thành phố vài chục vạn dân nay đã gần 10 triệu người, lớn hơn khá nhiều dân số của một quốc gia. Dân Hà Nội đông bởi Hà Nội nay có diện tích gấp vài chục lần trước đây. Hồi bé, ngay cả những năm 60, 70, ngoại thành Hà Nội, làng xã như ở đâu đây rất gần, đi tàu điện từ Bờ Hồ chỉ một tiếng leng keng là biết, đi cắm trại chỉ quanh quẩn có Công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất là hết. Hôm rồi, đến chơi nhà ông bạn từng cùng làm báo ở Đường mòn Hồ Chí Minh, từ tầng cao 25 khu đô thị Văn Khê, tôi chụp từ trên cao vài khu tập thể cũ kỹ trong số vài chục khu sắp tới phải đập đi làm lại. Thời trước đổi mới, nhà cao tầng chỉ là 5 tầng, có được phân nhà phải là cán bộ trung cấp, là Vụ trưởng, Phó vụ trưởng. Bây giờ thì không phải ai cũng muốn ở nơi đó, cao tầng dù tiện nghi tốt hơn ngày trước rất nhiều. Ở tầng 1, người Hà Nội có điều kiện sống nhanh hơn, đi lại thuận tiện hơn. Giá nhà đất Hà Nội ngày càng trở nên đắt đỏ cũng vì thế.
Hà Nội phát triển nhanh chóng, đổi thay từng ngày, mọi công việc luôn được cập nhật trước cả nước đã tạo nên sức hút các địa phương. Vài chục năm qua, Hà Nội đã đào tạo cho cả nước hàng chục vạn cán bộ lãnh đạo, các nhà văn hóa, kinh tế, văn học nghệ thuật… Các trường đại học lớn nhất, các đại học chuyên ngành đã gây dựng lớp cán bộ cốt cán cho các địa phương. Hà Nội đã “vì cả nước” là như vậy. Đó là lý do vì sao, các cán bộ có tuổi ở Hà Nội, lúc đương chức hay nghỉ hưu vẫn vui khi đi cơ sở, hoặc đi thăm bè bạn, đồng nghiệp ở các địa phương.
Và ngược lại, gần chục triệu người đang sống ở Hà Nội hôm nay là ai? Họ đến ở các tỉnh từ vài chục năm về làm việc, học tập, gây dựng và đổi mới tạo ra lớp người Hà Nội mới. Vì vậy, Hà Nội, vẻ đẹp của Thủ đô năm thứ 70 là kết tinh vẻ đẹp văn hóa, truyền thống, tập quán của nhiều nơi trong cả nước rất phong phú, hấp dẫn đang có ở Thủ đô là nhờ thế.
Chầm chậm đạp xe các buổi sáng, tôi nhớ và nhẩm lại các câu thơ “Khi ta ở chỉ là nơi đất nở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” của Chế Lan Viên. Đây là tình cảm của ông, lớp người như ông khi nhớ lại nơi bà con miền núi đã có công nuôi nấng cán bộ nơi căn cứ cách mạng. Và Tế Hanh khi xa nước, tại Hàng Châu (Trung Quốc) đã có những câu thơ khó quên trong “Bài thơ Tỉnh ở Hàng Châu”:
“Anh xa nước, nên yêu thêm nước
Anh xa em càng nhớ thêm em”
Những người Hà Nội khi đi xa đều nhớ về Hà Nội như thể, nhớ cả tiếng leng keng các con tầu, nhớ “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, “nhớ những bước chân trên hè phố” như trong ca khúc của Phú Quang, và còn bao nỗi nhớ khác…
Cùng với hàng trăm bài báo viết về Hà Nội của khách nước ngoài là những ấn tượng về Hà Nội qua những bạn ngoại quốc tôi gặp trên các phố nhỏ ở Hà Nội. Ở các phố Đinh Liệt, Lò Đúc ngày nay có hàng trăm bạn trẻ nước ngoài, ăn kem và các món ăn Việt. Ngồi ở quán cà phê mà, mắt ngắm ra đường. “Ở nước chúng tôi, phố xá buồn lắm, ngoài đường vắng vẻ, trong công viên chỉ có các ông bà dắt chó đi chơi”. “Còn ở Việt Nam, con người thật gần gũi nhau, tuổi tác, nghề nghiệp ra phố không hề phân biệt và “người Việt Nam lúc nào cũng cười vui thân thiện”. Tôi đã nghe nhiều bạn nước ngoài nhận xét khi có dịp được đến Hà Nội.
Cảm ơn các bạn xa gần đã yêu Hà Nội, yêu Việt Nam và cả nước luôn hướng về Thủ đô, chờ đợi ở đó những kỳ tích, chờ ở đó những kinh nghiệm, bài học tốt cho phát triển kinh tế xã hội.
Bằng tình yêu của một người Hà Nội gốc, tôi hình dung chỉ vài chục năm nữa thôi, cả nước sẽ kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ kính yêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hà Nội lúc đó sẽ là thành phố hiện đại của Châu Á. Và chỉ trên hai bờ sông Hồng thôi cũng sẽ có hàng chục cây cầu mới mang tên các nhà lãnh đạo kiệt xuất, các nhà văn nghệ nổi tiếng của Việt Nam.
V.H