04-01-2024 - 01:42

HÀNH TRÌNH CẤT BỐC HÀI CỐT ANH TRAI VỀ ĐẤT MẸ của Nhà thơ Lê Văn Vỵ

Tạp chí Hồng Lĩnh số 208 tháng 12/2023 trân trọng giới thiệu bài viết HÀNH TRÌNH CẤT BỐC HÀI CỐT ANH TRAI VỀ ĐẤT MẸ của Nhà thơ Lê Văn Vỵ

lê văn vỵ

hành trình cất bốc hài cốt anh trai

về đất mẹ

 Lo thủ tục

Khi mẹ tôi còn sống, Người có nguyện vọng bốc mộ anh trai là Lê Văn Hiền, Liệt sĩ về nghĩa trang gia đình. Nhưng việc di dời hài cốt là việc hệ trọng, gia đình tôi đi xem nhiều nơi nhưng chưa chọn được ngày lành tháng tốt. Thế rồi, mẹ tôi quy tiên. Chúng tôi vô cùng ân hận vì chưa thực hiện được ý nguyện của Người. Sau khi mãn tang mẹ, chị em tôi bàn di dời hài cốt anh trai từ Huế về và giao trách nhiệm cho tôi chủ trì.

Ngày 26/5/2020, tôi trực tiếp làm việc với phòng Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Hương Sơn và được hướng dẫn thủ tục. Tôi không gặp khó khăn ở đây!

Tôi nghĩ khó khăn nhất đối với gia đình tôi là lo thủ tục tại sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế và phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền. Chị tôi lo lắng bảo: "Cậu phải vào trước ở trong đó lo thủ tục đi đã. Tôi sẽ vận động cháu cùng đi với cậu".

Tôi gọi điện thoại cho chú em là Nguyễn Việt Dũng- PV Báo Thanh tra Chính phủ nhờ xin thông tin, số điện thoại của phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền, sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế. Biết việc hệ trọng nên Dũng đã kịp thời tìm kiếm đầy đủ, chính xác các thông tin tôi cần. Có điện thoại  kết nối, tôi gọi điện thoại cho đồng chí phụ trách công tác di dời hài cốt ở sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế thì nhận được yêu cầu kết nối Zalo để chia sẻ thông tin và tất cả công việc, các bước tiến hành, thủ tục để cất bốc, di dời hài cốt anh trai tôi được hướng dẫn một cách chu đáo tỉ mỉ. Theo hướng dẫn đó, tôi tiến hành trình tự các bước để hoàn tất thủ tục. Làm đến đâu tôi gửi qua zalo để xin ý kiến hướng dẫn. Ngày 27/5, tôi hoàn tất thủ tục "Đơn đề nghị di chuyển hài cốt Liệt sĩ", "Đơn đề nghị điều chính thông tin trên bia mộ" và chuyển qua zalo đồng thời gửi SMS cho sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhận được đề nghị của tôi, đ/c Nguyễn Văn Anh-Sở Lao động thương binh xã hội Thừa Thiên Huế trả lời ngay:"Dạ, em đang trình kí luôn", "Sẽ sớm đính chính để anh làm hồ sơ di chuyển".

Nhận được thông tin, tôi khoe với vợ con, với chị em và cả bạn bè về cách làm của sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế nhanh gọn, không gây phiền hà cho thân nhân liệt sĩ. Cậu cháu tôi cũng không cần vào Huế để lo thủ tục trước nữa.

Được biết, ngày 18/5/2020, sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế có Công văn số 1266/SLĐTBXH-NCC về việc: "Xác nhận thông tin Liệt sĩ Lê Văn Hiền để đính chính thông tin trên bia mộ". Công văn đã được sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế trực tiếp chuyển cho sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ sau ba ngày, các thông tin ấy được xác minh. Vị trí: Mộ số 5, lô 2b hàng 4 và anh tôi Liệt sỹ Lê Văn Hiền mất năm 1968 (khớp với giấy báo tử).

Sau khi có trong tay đầy đủ thủ tục pháp lí để cất bốc hài cốt Liệt sĩ, cậu cháu tôi bắt đầu hành trình vào Huế. 05 giờ ngày 16/6/2021, ba cậu cháu chúng tôi lên đường. Gia đình, bạn bè lo lắng, cầu mong cho chuyến đi của chúng tôi “đi tới nơi về tới chốn”, “thượng lộ bình an” không gặp trục trặc dọc đường. Sau hơn mười giờ, chúng tôi đến phòng Lao động Thương binh -Xã hội huyện Phong Điền...

Cô Nguyễn Thị Diệu Chi - người được phân công phụ trách mảng Người có công nhỏ nhẹ hỏi: "Có phải chú từ Hà Tĩnh vô bốc hài cốt cho Liệt sĩ Lê Văn Hiền ở nghĩa trang Hương Điền không? Hôm qua cháu không chỉ nhận được Công văn của sở LĐ-TB&XH tỉnh, mà còn được đồng chí Anh trao đổi cụ thể về trường hợp của chú". Giọng Huế đặc trưng, dịu dàng đã xua tan không khí bức bối và nỗi lo lắng trong tôi. "Thủ tục chú đầy đủ, hoàn toàn hợp lệ. Bây giờ cháu chuyển hồ sơ để Kế toán tính hỗ trợ cho thân nhân Liệt sĩ". Nói xong, cô chuyển hồ sơ sang bộ phận kế toán và gọi điện thoại mời anh Hồ Thống (Tổ trưởng tổ Quản trang) bàn bạc, phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho gia đình chúng tôi.

Tối ngày 16 tháng 6, trời sấm chợp, đổ mưa rào, ấy vậy mà không quản đường sá xa xôi, cô Chi vẫn đến nghĩa trang Hương Điền kiểm tra công tác chuẩn bị của Ban quản lý nghĩa trang, ân cần dặn dò và cho tôi số điện thoại để có khó khăn gì thì gọi cô bất cứ lúc nào để cô giúp đỡ.

Hai người đàn bà đang bụng mang dạ chửa. Cô Lê Thị Lan (kế toán) tháng 9 sinh và cô Nguyễn Thị Diệu Chi tháng 10 cũng sẽ sinh. Nhìn các cô bụng mang dạ chửa, khoác ni lông đi giữa trời mưa gió đến nghĩa trang mà cậu cháu chúng tôi rưng rưng xúc động về tấm lòng chân thành, tinh thần phục vụ vô điều kiện. Hành động của họ đã phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát, gieo vào lòng chúng tôi về những điều tốt đẹp ở con Người.

Tấm lòng những người quản trang

 Anh Hồ Thống gây ấn tượng mạnh với ba cậu cháu chúng tôi là anh xé mưa mà đến tìm chúng tôi ở phòng LĐ-TB&XH Phong Điền. Quần áo, tóc tai, ướt hết. Ấy vậy mà bước lên thềm nhà, gặp chúng tôi, anh tươi cười, giơ tay ướt sũng bắt tay ba cậu cháu chúng tôi rồi bộc bạch: “Túi ni hay túi mai cất bốc. Bác với các anh nỏ phải lo chi trơn. Tụi cháu làm quen rồi. Chờ ngớt mưa, bác cháu ta về bên phòng đón tiếp nghĩa trang hi".

Ngớt mưa, anh dẫn chúng tôi về phòng đón tiếp. Đó là một ngôi nhà xây cấp 4, có hai phòng nghỉ và một phòng khách. Ba cậu cháu chúng tôi được bố trí tại phòng nghỉ. Tối hôm đó, anh Thống và anh Hồ Văn Hùng trực nhường phòng ở cho ba cậu cháu chúng tôi ra nằm ở đi văng phòng khách.

Ban Quản trang có năm người, trong đó chỉ có hai người biên chế là anh Thống và anh Hùng, còn ba người hợp đồng theo thời vụ. "Năm người, nhưng anh Nguyễn Văn Quý vừa mới mất do tại nạn giao thông nên Ban Quản trang hiện chỉ có 4 người, ba nam, một nữ. Nữ là chị Hoàng Thị Kim Oanh; vợ anh Hồ Văn Hùng". Anh Hồ Thống trao đổi.

Bốn con người quản nghĩa trang rộng 23 ha (trong đó có 12,5 ha rừng tràm bao phủ quanh nghĩa trang; 10 ha nghĩa trang và cây cảnh (hàng ngàn cây cảnh); 0,5 ha mặt nước đồng thời quản lý 3595 mộ Liệt sỹ (trong đó khoảng 2/3 là mộ không tên). Để vệ sinh 3595 phần mộ, ngày 14, rằm, 30, mồng 1 hương khói cho 3595 mộ không phải dễ. Đó là chưa kể đến chăm sóc hàng ngàn cây cảnh, hàng chục bồn hoa, nhất là mùa hè phải tưới nước đủ để cây tươi xanh, nở hoa không hề dễ dàng. Để có được một khuôn viên nghĩa trang "Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng" những người quản trang ở đây không có thứ 7 và Chủ nhật. Ấy vậy nhưng lương hợp đồng của chị Oanh, bác Nguyễn Văn Đoàn chỉ trên dưới 2 triệu, và lương của anh Thống, anh Hùng cũng chỉ 3,5 triệu. Thế mà họ không hề phàn nàn một lời mà âm thầm, lặng lẽ, làm việc tự giác, tận tụy, gắn bó với nghĩa trang vì họ ý thức được công việc đang làm vô cùng thiêng liêng. Chị Hoàng Thị Kim Oanh tâm sự:"Tôi thấy chồng hàng ngày đi làm vất vả, nên một phần muốn san sẻ công việc với chồng, một phần vợ chồng tôi muốn báo đáp công ơn với các Anh hùng liệt sĩ".

Tối 17/6, không chỉ ba cậu cháu tôi không ngủ mà cả ba người quản trang cũng thức với chúng tôi. Sau khi làm Lễ, xin đồng đội đưa hài cốt anh về quê, ba người quản trang cùng chúng tôi đi thắp hương các phần mộ, kể cho cậu cháu tôi nghe bao nhiêu là câu chuyện cảm động về những người thân đến nghĩa trang. Nào là, có hai anh em, anh ở Sài Gòn, em ở Hà Nội, dịp nào 27/7 cũng hẹn gặp nhau tại Nghĩa trang Hương Điền để viếng mộ cho anh trai. Nào là có cô người yêu ngày 22/12 năm nào cũng đến viếng mộ người yêu, hát cho anh và đồng đội nghe rồi thức bên mộ, ngủ bên mộ suốt đêm…

Biết tôi lo lắng, anh Thống, anh Hùng động viên: "Không phải lo lắng gì đâu. Nếu tôi nói không sai thì mộ anh Hiền được liệm vào bao tử sĩ. Và nếu vậy, thời gian cất bốc không cần đến một tiếng. Còn nếu không như vậy, thì thời gian vẫn kịp. Bác không nên quá lo lắng. Ở đây chúng tôi làm quen rồi!".     Đúng 01 giờ, ba người quản trang đã phối hợp với nhau theo đúng trình tự: Lật giở nắp mộ, xúc cát. Các anh làm cẩn trọng và chính xác. Khoảng 30 phút thì bao tử sĩ đựng hài cốt lộ diện. Anh Đoàn lồng tay nhẹ nhàng đưa hài cốt lên khỏi huyệt mộ. Cậu cháu chúng tôi rưng rưng đón nhận xương cốt ruột rà.  Hơn nửa thế kỷ âm dương cách biệt… 30 phút sau, chúng tôi đã làm thủ tục khâm liệm và hoàn tất việc bốc mộ. Những dự đoán của anh Hùng hoàn toàn chính xác. Không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả được tâm trạng của ba cậu cháu chúng tôi trong khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng này…

03 giờ sáng xe lăn bánh. Chúng tôi chụp với nhau mấy kiểu ảnh. Tôi cảm ơn các anh và mang chút tiền bồi dưỡng, nhưng các anh xua tay khước từ. "Đây là nhiệm vụ của chúng tôi mà. Chúng tôi được sống trong hòa bình nhờ xương máu các anh đổ xuống. Lòng nào nỡ lấy tiền của thân nhân các anh!". Anh Thống nói.

Xe lăn bánh, anh Hùng dặn:"Phần mộ anh Hiền như ngôi nhà chúng tôi giữ nguyên. Khi nào đi qua về lại, bác và cháu có thể đến thắp hương cho đồng đội và thăm lại nhà của anh". Còn anh Đoàn thì nhắc nhở: "Đồng đội anh Hiền theo về quê đông đấy!"

Mặc dầu lưu luyến, bịn rịn, nhưng đã đến giờ, cậu cháu chúng tôi đành phải chia tay những người quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền lòng mang theo ân tình ân nghĩa. Tấm lòng của họ khiến cho cậu cháu tôi được an ủi, được chia sẻ và cảm thấy đâu đó trên đất nước ta những tấm lòng tốt đẹp, những con người tốt còn nhiều. Họ nghèo vật chất, cuộc sống bình dị, nhưng có cả kho báu về nghĩa cử, tấm lòng cao đẹp...

                                                                                                            L.V.V

. . . . .
Loading the player...