18-08-2019 - 17:06

Hạt giống đỏ từ làng biển

Kỷ niệm 74 năm cách mạng tháng 8 (19/8/1945 - 19/8/2019), Tạp chí Hồng Lĩnh số 156 giới thiệu ghi chép "Hạt giống đỏ từ làng biển" của Nhà văn Phan Trung Hiếu.

 

         Nhượng Bạn - Tổng hành dinh trong Cách mạng tháng Tám

        Khi nhận được tin Chính phủ Nhật đầu hàng Đồng minh, đêm 15/8/1945, đại biểu Ủy ban khởi nghĩa Phân khu Nam Hà đã triệu tập hội nghị khẩn cấp ở xã Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên). Trong ký ức của mình về một thời sôi sục ấy ở quê nhà, nhà giáo Lê Xuân Dụ sinh năm 1932 tại xã Nhượng Bạn, lúc ấy mới chỉ là cậu bé 13 tuổi đã bồi hồi nhớ lại: “Phân khu Nam Hà chọn Nhượng Bạn để tổ chức hội nghị vì đây là “xã đỏ”, cái nôi của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Vả lại, vùng đất này xa tỉnh lỵ trên 30 cây số, hương lý trong làng lúc ấy đều là người của Việt Minh bố trí ra làm. Đêm ấy, biển lặng sóng, trăng lưỡi liềm chênh chếch phía tây, trời oi bức. Một cuộc họp bí mật diễn ra tại gian nhà trong cùng của bà Trần Thị Lạch. Ba mươi mốt đại biểu của bốn huyện thị và một số quản đội khố xanh chụm đầu bên ngọn đèn dầu lạc loe hoe. Khi mọi người nhất trí bầu các đồng chí Lê Lộc, Phạm Thể, Nguyễn Danh Phương, Trần Hữu Chương, Trần Hữu Duyệt vào Ủy ban khởi nghĩa và làm lễ tuyên thệ  trước cờ đỏ sao vàng thì tiếng gà cũng đã eo óc gáy canh tư…”

         Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, Uỷ ban khởi nghĩa đã thông báo kết quả cho các huyện và yêu cầu thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa, phân công chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền…Lúc bấy giờ, khắp làng quê, ngõ xóm đều rộn ràng tiếng tù và, chiêng, trống cổ vũ quần chúng nhân dân tham gia các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy. Ở Hà Tĩnh, bộ máy chính quyền của chế độ thực dân phong kiến từ tỉnh đến huyện, xã nhanh chóng bị tê liệt, rệu rã. Ngày 16/8/1945, một nhóm thanh niên cứu quốc ở Can Lộc đã huy động một số thanh niên mang giáo mác vào tước vũ khí của lính bảo an, bắt giữ Tri huyện và chiếm huyện đường, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh. Ngày 17/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa Phân khu Nam Hà đã lệnh cho các huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên lãnh đạo quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng ngày 18/8/1945, hàng ngàn người dân đổ về Thị xã buộc Tỉnh trưởng Hà Văn Đại phải ký giấy trao trả chính quyền cùng toàn bộ sổ sách, ấn tín, súng đạn và tiền bạc. Gần trưa cùng ngày, quần chúng nhân dân giương cao cờ đỏ sao vàng nô nức tiến về sân vận động Thị xã Hà Tĩnh nằm dưới chân núi Nài để chứng kiến buổi lễ trọng đại ghi nhận sự ra đời của chế độ mới. Chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Chủ tịch. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước và  sau huyện Can Lộc thì Cẩm Xuyên cùng với Thạch Hà là một trong ba huyện giành được chính quyền sớm nhất trong tỉnh.

         Hạt giống đỏ từ làng biển

        Ông Trần Hữu Duyệt, vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Tĩnh sinh ra và lớn lên tại làng biển Nhượng Bạn, mảnh đất giàu truyền thống yêu nước. Sớm tham gia hoạt động cách mạng, năm 1927, ông đã trở thành đảng viên Đảng Tân Việt. Trong những năm 1928-1930, ông được Xứ ủy Tân Việt Nam kỳ cử ra hoạt động ở 5 tỉnh Cực Nam Trung bộ: Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Rang, Phan Thiết, Đà Lạt (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Chi bộ Đảng Tân Việt Liên tỉnh do ông làm Bí thư có mật danh “Ngũ Trang”. Thời gian này, ông lên Đà Lạt hoạt động, sau một thời gian đã tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Tân Việt đầu tiên vào đầu năm 1929 tại nhà số 5A Hồ Tùng Mậu - Đà Lạt.  Đảng bộ Khánh Hòa được thành lập do Xứ ủy Nam kỳ trực tiếp quản lý, về sau do Xứ ủy Trung kỳ quản lý, thuộc liên tỉnh Ngũ Trang do ông Trần Hữu Duyệt làm Bí thư Tỉnh ủy. Cuộc họp thành lập liên tỉnh được tiến hành tại Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). Ông Duyệt lúc đó là Ủy viên Ban chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ được hội nghị nhất trí bầu làm Bí thư liên tỉnh. Cơ quan của liên tỉnh đóng ở Tháp Chàm, tại hiệu tạp hóa Chấn Hưng do đồng chí Nguyễn Hữu Hương lập ra làm bình phong để che mắt địch.

        Sau khi có chủ trương cải tổ Đảng Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, tháng 12-1929, Kỳ bộ Nam kỳ cử đồng chí Trần Hữu Duyệt trực tiếp chỉ đạo phong trào tỉnh Khánh Hòa, kiêm phụ trách các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột. Đồng chí Trần Hữu Duyệt gặp đồng chí Nguyễn Khắc Tài rồi liên hệ với các đồng chí khác vận động thuê nhà mở hiệu ăn hiệu “Tân Thành” (nay là nhà số 76 đường Phan Bội Châu - Nha Trang) để làm trạm liên lạc. Ngày 24-12-1929, tại phố Mười Căn đã diễn ra một hội nghị quan trọng gồm các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và đại biểu các phủ, huyện. Tại đây, đồng chí Trần Hữu Duyệt thay mặt Xứ ủy Nam kỳ phổ biến chủ trương kế hoạch thanh Đảng và chuyển những cơ sở của Đảng Tân Việt sang Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, củng cố các chi bộ, thành lập Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn do đồng chí Trần Hữu Duyệt trực tiếp làm Bí thư.

Chân dung ông Trần Hữu Duyệt năm 1930 lưu tại hồ sơ Sở mật thám Pháp

        Khi thành lập Tỉnh ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, đồng chí Trần Hữu Duyệt vẫn làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm phụ trách Nha Trang. Một lớp học bồi dưỡng cán bộ được tổ chức tại cây số 12 trạm Bò (Le Bosquet) trên quốc lộ 11 (Phan Rang - Đà Lạt). Đồng chí Trần Hữu Duyệt phụ trách chung và giảng một số bài. Để giữ bí mật cho lớp học, các học viên giả làm cu li khai thác đá, đêm ở trong nhà, ngày ra ngồi học ở hầm đá, tay cầm dụng cụ làm đá. Phần lớn học viên sau khi về địa phương đã trở thành cán bộ của Đảng, góp phần phát triển sâu rộng phong trào cách mạng ở các tỉnh Khánh Hòa và cực Nam Trung bộ. Sau đó, đồng chí Trần Hữu Duyệt bị địch bắt, bị kết án tử hình, sau giảm xuống tù chung thân và đày ở ngục Kon Tum, nhà tù Lao Bảo. Năm 1936, ông bị đưa về quản thúc tại quê nhà Hà Tĩnh. Năm 1941, ông nối liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, tham gia Việt Minh Nghệ Tĩnh.

        Sau khi Tổng khởi nghĩa thành công, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh và trong kì họp HĐND tỉnh khóa I, ngày 12/7/1946, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Tĩnh. Năm 1949, ông được điều động làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa. Từ tháng 7/1950 đến 5/1952, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và là Khu ủy viên Liên khu IV đặc trách mặt trận Bình - Trị  - Thiên. Sau 1954, ông lần lượt được giao các trọng trách là Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, Phó ban Mặt trận Trung ương, Ủy viên đoàn Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, khóa II và từng được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quí.

Đồng chí Trần Hữu Duyệt cùng Chủ tịch  Fidel Castro trong một chuyến đi thăm và làm việc tại Cuba
 

         Thác là thể phách, còn là tinh anh

       Ông Trần Hữu Duyệt qua đời năm 1986 tại Hà Nội. Anh Nguyễn Trọng Thanh, Thạc sĩ Luật gốc quê Cẩm Nhượng đã giúp tôi kết nối liên hệ được với gia đình. Cháu của ông Duyệt là anh Trần Hữu Hồng Trường hiện công tác ở Hà Nội đã cung cấp cho tôi nhiều bức ảnh tư liệu quý giá và những bút tích ghi trong sổ tang của các vị lãnh đạo, nổi tiếng cùng thời như Luật sư Phan Anh, ông Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Văn Chi, Đinh Nho Liêm… Đảng ủy, UBND xã Cẩm Nhượng cũng tiễn đưa ông về với tổ tiên bằng câu đối thật ý nghĩa và cảm động: “- Yêu nước thủy chung với nước, năm mươi năm chí thép gan vàng, khi khởi nghĩa Nam Hà, khi cướp thành Hà Tĩnh, anh nỡ ra đi, biển Nhượng nhớ thương xanh màu nước

        - Vì dân trọn vẹn với dân, tám mốt tuổi lòng son dạ sắt, lúc gieo mầm lục tỉnh, lúc phá ngục Nha Trang, người còn ở lại, Hồ Gươm tiễn biệt thắm sắc cờ”.

        Về xã Cẩm Nhượng, chúng tôi được con cháu trong dòng họ Trần Hữu cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về gia đình, dòng họ của người con ưu tú sinh ra và lớn lên tại làng biển này. Cái khoảnh đất của  nhà ông Duyệt giờ thuộc đường Hoàng Chuân, thôn Xuân Nam đã từng ghi dấu bao nhiêu kỉ niệm thủa thiếu thời và những năm ông bị bọn thực dân Pháp đưa về quản thúc tại quê nhà. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, cuộc đời ông cũng có nhiều kí ức đau buồn, nhất việc em trai ruột là Trần Hữu Khẩn (cha đẻ của Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam- VIAC) đã bị xử oan sai trong cải cách ruộng đất khi ông Duyệt từ Thanh Hóa đã chuyển ra công tác tại thủ đô Hà Nội. Ông Trần Hữu Tiến cho biết thêm, các con, cháu trong đại gia đình của ông Duyệt sau này đều học đại học, trên đại học, có người là Tiến sĩ, nhiều người thành đạt, có người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật. Phần đất cũ của gia đình, sau này ông không ở mà nhường lại người cháu gái là bà Phạm Thị Liên gọi ông bằng cậu ruột.

        Tôi ghé vào thăm nhà thờ họ Trần Hữu được con cháu tôn tạo xây dựng lại khá đàng hoàng, mặt ngoảnh ra phía Cồn Mom ngày trước, nay là chợ đầu mối của xã. Nghiêm cẩn thắp lên bàn thờ một nén nhang mà lòng tôi vẫn băn khoăn tự hỏi, không biết hàng chục năm qua, ngôi nhà thờ của dòng họ đã sinh ra người con danh giá này đã từng được đón bao nhiêu đoàn khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến nơi đây để tri ân?

        Trong phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh gần đây, tôi và nhiều người dân Hà Tĩnh được chứng kiến cuộc bàn giao trang nghiêm, cảm động của hai vị Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và Trần Tiến Hưng. Trách nhiệm lịch sử nặng nề đã chuyển từ vai người này sang vai người khác. Những cái tên ấy được vang lên trong hội trường, xuất hiện trang trọng trên các mặt báo. Cũng đúng vào thời khắc ấy, tôi lại đang tranh thủ mò mẫm tư liệu để viết những dòng hồi tưởng về vị Chủ tịch đầu tiên của tỉnh nhà, một hạt giống đỏ sinh ra từ làng biển.

        Chắc không ai nỡ quên đi một thời, một con người như thế nhưng thời gian rất dễ làm phôi phai trong lòng hậu thế những thứ đáng ra phải được khắc cốt, ghi tâm. Trong không gian mờ ảo khói hương, tôi vẫn đinh đinh linh hồn ông Trần Hữu Duyệt đã theo về với cảnh cũ, quê xưa để chứng kiến những sự đổi thay và biết đâu đó, đang giúp sức phù hộ độ trì cho quê hương, họ tộc.

                                                         Biển Nhượng, tháng Tám năm 2019   

                                                                                                      P.T.H

. . . . .
Loading the player...