11-01-2024 - 00:38

Hình tượng nhân vật trẻ qua một số tác giả phi hư cấu viết về chiến tranh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 208 tháng 12/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Hình tượng nhân vật trẻ qua một số tác giả phi hư cấu viết về chiến tranh” của Tôn Phương Lan

1. Nói về hình tượng thanh thiếu niên - những người trẻ tuổi trong văn học viết về chiến tranh ở Việt Nam, chí ít là nói đến hai vấn đề lớn: những người viết trẻ tuổi tham gia chiến tranh với cây bút là vũ khí và thế hệ ấy là nhân vật trong văn học viết về chiến tranh.

Nhân vật thanh thiếu niên là một đề tài của một chuyên luận, một công trình nghiên cứu lớn mà ở đó người đọc có thể thấy một cách bao quát diện mạo của cả nền văn học viết về chiến tranh. Tất nhiên, vấn đề lớn này đã được cắt tỉa và triển khai trong rất nhiều những bài viết và công trình nhỏ đã được công bố rải rác từ lâu nay, đặc biệt từ sau năm 1986 bởi bất kỳ một cuốn tiểu thuyết nào cũng có nhân vật hoặc là người lính trẻ, là những cô thanh niên xung phong, những cô du kích... chưa nói là chúng ta có một nền văn học thiếu nhi ra đời trong chiến tranh.

Thế hệ các nhà văn chống Mỹ là một thế hệ các nhà văn/ nhà thơ trẻ bao gồm những tác giả khởi đầu văn nghiệp của mình từ lúc tuổi còn rất trẻ. Có thể họ là những nhà văn, nhà thơ mặc áo lính, cũng có thể là những nhà văn nhà thơ không là người của quân đội nhưng tất cả những nhà văn nhà thơ đó có chung cảm hứng về đất nước, nhân dân, về sứ mệnh của mình trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đó là những nhà thơ như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo, Phạm Ngọc Cảnh, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Nguyễn Duy...; là những nhà văn như Đỗ Chu, Lê Lựu, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Bảo Ninh, Văn Lê, Trung Trung Đỉnh, Lê Minh Khuê... Trong số đó có những người đã ngã xuống vào độ tuổi đời tươi đẹp nhất: họ vừa rời cây bút, từ giã mái trường Đại học, như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong. Nguyễn Trọng Định. Người mẹ trẻ Dương Thị Xuân Quý gửi lại đứa con gái mới 16 tháng tuổi cho ông bà, cũng lên đường vào tiền tuyến, nơi cách đó một thời gian không lâu, chồng chị - nhà thơ Bùi Minh Quốc, cũng đang chiến đấu. Chị cũng đã hi sinh trong một trận càn. Và trước đó, trong những giấc mơ của chị được ghi lại trong Nhật ký là nỗi nhớ thương đứa con đến đứt ruột mà tôi chắc tiếng kêu cuối cùng của chị trước khi từ giã cõi đời là “Con ơi!”

Họ là những người trẻ, tham gia chiến tranh với cây bút như một vũ khí trong tay.

2. Nghiên cứu văn học viết về chiến tranh Việt Nam không thể không đi sâu vào thể phi hư cấu, một thể loại hàm chứa những thông tin về cuộc sống và tâm trạng chân thật nhất của con người mà người viết khi cầm cây bút viết ra, chỉ nghĩ là viết cho bản thân và gia đình. Nhiều người trong số đó sau này trở thành nhà văn: họ là người chấp bút, cũng là nhân vật trong tác phẩm của mình. Và những trang nhật ký ghi lại cuộc sống của một thời tuổi trẻ, dù là của mình hay của người khác đã trở thành nguồn tư liệu sống động. Các nhà nghiên cứu ít nhiều đã đề cập đến vấn đề này trong một số công trình về tác phẩm và hình tượng tác giả trẻ qua các sáng tác của họ.

Từ sau năm 1975, phi hư cấu đã trở thành một xu hướng khá thịnh hành và được cả người viết lẫn người đọc tiếp nhận. Trong văn học đương đại, đã có những tác phẩm giành được các giải thưởng cao. Vào những năm đầu của thế kỷ mới, nhật ký của những người lính viết trong chiến tranh và hồi ức cũng của những người lính trờ về từ chiến trường đặc biệt nở rộ. Ngoài hai cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm của Bác sỹ Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc là những cuốn sách trở thành một sự kiện trong giới truyền thông lúc bấy giờ, còn có những sáng tác khác chủ yếu vốn là của học sinh, sinh viên xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Những tác phẩm này cho thấy những hình ảnh đặc sắc về một thế hệ cầm súng cầm bút ghi lại cuộc đời mình.

Vũ Công Chiến - một chàng trai Hà Nội nhận giấy báo vào Đại học Bách khoa cùng khi anh nhận giấy báo nhập ngũ, và anh đã lên đường ra mặt trận phía Nam. Hơn 40 năm sau, Hồi ức lính - Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2017 - ra đời, mà như anh tâm sự “nếu những người trong cuộc không viết ra thì làm sao mọi người có thể biết trong chiến tranh chúng tôi đã sống và chiến đấu như thế nào...” Và Vũ Công Chiến đã “kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó” qua những trang viết đầy sức hấp dẫn, lôi cuốn về cuộc sống và chiến đấu của những người lính từ chiến trường Lào sang Tây Nguyên rồi vào Sài Gòn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong quãng thời gian 6 năm. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh - nhà văn Bảo Ninh đã có những đánh giá cao về tác phẩm này khi cho rằng đây “là một tác phẩm văn học đích thực văn chương và đích thực là viết về chiến tranh và người lính bộ binh” bởi tính chân thực, sự am hiểu về người lính chiến mà để làm sống lại những năm tháng có sức ám ảnh lớn trong cuộc đời mình, Vũ Công Chiến đã có nguồn tư liệu từ những cuốn nhật ký được anh ghi trong những năm tháng đó cũng như trí nhớ tuyệt vời của một người làm kỹ thuật, sự từng trải của chính bản thân.

Nguyễn Long Trảo viết Khi tổ quốc gọi tên mình từ ý muốn của cô con gái muốn hiểu một cách cụ thể về cha cô - một người miền Nam tập kết ra Bắc sau đó được gửi đi đào tạo chuyên môn quân sự ở nước ngoài rồi những năm chiến tranh ông phục vụ trong một binh chủng đặc biệt của quân đội: binh chủng xe tăng. Ông viết cuốn sách này khi đã ở ngưỡng tuổi tám mươi mà như ông nói “Tôi chỉ muốn ghi lại những điều tôi đã thấy, đã nghe và cũng đã làm, dọc theo những năm tháng đầy biến động của đất nước, của dân tộc”. “Cái lãng mạn của người lính Nam bộ cụ thể này vẫn kín đáo thăng hoa từ những câu văn trúc trắc, từ những chi tiết, hình ảnh gồ ghề sống động. Chính sự chân thực của cách kể, cách nhìn đã làm bật lên vẻ đẹp đích thực của những trang hồi ký” (Phạm Thành Hưng) về cuộc đời của bản thân với đầy đủ những vui buồn, lo toan, hạnh phúc và đắng cay của một con người sống suốt chiều dài đất nước, chưa một phút xa rời cuộc chiến đấu chung của dân tộc và những thăng trầm của đất nước, của nhân dân.

Cùng trong xu hướng đó, còn có Lính bay của Phạm Như Thái, Phi công tiêm kích của Lê Hải, Quảng Trị 1972 của Nguyễn Quang Vinh, Có một thời như thế của Võ Minh, Nhật ký phi công tiêm kích của Nguyễn Đức Soát cùng nhiều tác phẩm khác. Có thể nói từ những trải nghiệm của chính bản thân một thời tuổi trẻ, qua những hồi ức được nhớ lại một cách chân thực, những người đọc có thể hình dung ra cuộc chiến đấu bảo về nền độc lập của dân tộc khó khăn gian khổ đến thế nào và sự hy sinh của thế hệ cha anh là to lớn xiết bao.   

Tôi muốn nói đến một tác phẩm khác của một tác giả trẻ, ở đó cho thấy một hình tượng người lính trẻ, một trí thức trẻ đã tham gia chiến tranh và cuốn nhật ký ra đời sau ngày anh mất gần ba mươi năm - cuốn Tài hoa ra trận của liệt sỹ Hoàng Thượng Lân vì ở đó hội tụ đủ trong cả tư cách người viết trẻ cũng như một hình tượng đặc sắc về tư cách công dân trẻ trong chiến tranh.

Đấy là một chàng trai Hà Nội. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và nghệ thuật. Từ nhỏ, tranh của anh được gửi đi và nhận giải trong một số cuộc thi của thiếu nhi Ba Lan và Ấn độ. Anh biết chơi một số nhạc cụ như Ghi ta, Accordêon, thổi kèn Acmonica... Trước khi nhập ngũ, anh là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Nhập ngũ năm 1967, sau một thời gian huấn luyện ở miền Bắc, anh được vào chiến trường. Đây là thời kỳ cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt. Cả hai bên tham chiến đều muốn có cơ sở để đàm phán trên thế mạnh ở hội nghị Pari về Việt Nam

Vả chăng, trong huyết quản của Hoàng Thượng Lân dòng máu yêu nước và năng khiếu, đam mê nghệ thuật được tiếp tục truyền lại từ ông cha nên anh ý thức về trách nhiệm của mình khi tạm thời rời cây bút, cây cọ để nhận vào tay mình khẩu súng. Đó là những năm miền Bắc kiên cường chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lúc này trung tâm Hà Nội - phố Huế - ở rất gần nhà anh, đã bị ném bom. Vào chiến trường chưa lâu, anh bị thương, ra Bắc điều trị và được báo Quân đội nhân dân nhận về nhưng Hoàng Thượng Lân đã xin vào lại chiến trường dù lúc bấy giờ ở đó đang rất ác liệt và gian khổ. Cũng như nhiều thanh niên khác cùng thế hệ, anh nghĩ đến những hoang tàn đổ nát sau những trận ném bom ngay ở Thủ đô Hà Nội và những hy sinh của đồng đội, đồng bào và trách nhiệm của một công dân? Hay vả chăng anh nghĩ đến cảm hứng sáng tạo sẽ dồi dào hơn nếu được sống thêm một thời gian nữa ở chiến trường: biết đâu anh sẽ viết được những tác phẩm văn học từ những gì mà anh nhìn thấy với tư cách một người trong cuộc?

Với hơn 4 năm mặc áo lính, sống và chiến đấu chủ yếu ở chiến trường Quảng Trị - chiến trường mà những năm 68 - 72 có thể coi là ác liệt nhất, những trang viết của anh cho thấy cuộc chiến đấu thật sự là khốc liệt và cái chết có thể đến với bất kỳ ai, bất cứ lúc nào. Tài hoa ra trận không chỉ thể hiện sự trưởng thành của một người lính, từ xúc cảm đến ý nghĩ, mà còn cho thấy một đời sống chiến tranh thu nhỏ, ở đó không chỉ có sự chịu đựng hy sinh cùng các biểu hiện khác nhau của  lòng yêu nước. Chính ngay từ những ngày đó, nhìn đoàn quân đi về Nam, anh đã tự hỏi lòng: rồi đây, ai mất, ai còn? Ai sẽ có cái may mắn được trở về sum họp với người thân của mình? Cảm hứng về tình người, về vẻ đẹp của những miền đất anh qua, khiến lòng anh luôn dậy trào cảm xúc. Nơi đây, con người và phong cảnh tạo nên vẻ đẹp hài hòa, ấn tượng, thẩm thấu vào tâm hồn yêu nghệ thuật bẩm sinh của người lính trẻ. Những điều mắt thấy tai nghe, kể cả những yếu đuối thường tình của người lính lẫn biểu hiệu của sự dối trá, hay hạn chế về năng lực, trình độ của các cấp chỉ huy... đã được anh ghi lại với một thái độ nghiêm cẩn, gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về con người đời thường trong chiến tranh. Chính ở nơi gian khổ ác lịêt đó Hoàng Thượng Lân và đồng đội của anh lại sống đẹp nhất. Những trang nhật ký ghi vội của tác giả đã cho thấy dù có nghiệt ngã đến đâu cuộc sống vẫn cứ tồn tại, nhất là với những con người trẻ tuổi. Người lính đó đã dành những tình cảm yêu thương trân trọng đối với những người dân, những đồng đội hy sinh vì Tổ quốc, thẳng thắn và sẵn sàng giúp đỡ đối với những người nhụt chí, nhưng cũng lại rất mềm lòng trước những xúc cảm yêu đương. Cho nên thật xúc động khi giữa những ghi chép trên, thỉnh thoảng lại xuất hiện những nỗi nhớ cháy lòng về ba mẹ, các em, nỗi lo của người con cả trong gia đinh sau một thời gian chinh chiến xa nhà và tình yêu thương mà anh luôn dành cho gia đình yêu quý. Câu chuyện về cuộc hỏi chuyện một tù binh - thương binh và nghe những câu trả lời của người lính Sài Gòn đã gợi lòng trắc ẩn, làm dịu lòng căm phẫn trong anh vì trong trận chiến đó, nhiều đồng đội của anh đã hy sinh một cách đau xót. Vậy là cảm thức nhân văn không chỉ có trong những tác phẩm viết sau chiến tranh mà điều này đã được thể hiện trong chính nhật ký của một người lính trẻ viết từ dưới chiến hào trong những ngày cuộc chiến tranh đang xảy ra ác liệt nhất. Qua những gì được anh thể hiện, chân dung một người lính trẻ vừa dũng cảm, nhân hậu, vừa tài hoa và bản lĩnh, biết nhường nhịn, lại rất giàu tình cảm đã được hiện lên khá rõ. Anh vẽ lại một góc chân dung cuộc sống chiến tranh cũng là tự vẽ chân dung mình. Và qua anh là một thế hệ những người cầm súng.

Vũ Công Chiến, Nguyễn Long Trảo, Nguyễn Quang Vinh, Võ Minh, Phạm Như Thái, Nguyễn Đức Soát... những người lính đã ghi lại cuộc đời mình từ hồi ức về những năm tháng chiến tranh đã đi qua cuộc đời họ; hết chiến tranh, các anh may mắn được trở về. Còn tác giả Tài hoa ra trận đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị vào năm 1971, khi anh đang vượt sông Sê băng hiêng.

Chỉ từ một góc nhìn hẹp về một thể loại nhỏ, hình tượng những con người trẻ tuổi trong chiến tranh như một cách giải thích hết sức thuyết phục: vì sao chúng ta bảo toàn mục tiêu giữ nước trong cuộc chiến tranh gian khổ vừa qua. Và vì sao người lính là nhân vật trung tâm, cũng là hình tượng tiêu biểu nhất trong văn học viết về chiến tranh./

 Hà Nội, cuối tháng 9 năm 2023

T.P.L

. . . . .
Loading the player...