27-04-2019 - 02:54

HOA BÔNG BỤT(Tản văn của Phan Trung Hiếu)

Nếu đã từng sống ở các làng quê, chắc bạn không nỡ quên đi trong ký ức của mình loài hoa bông bụt bình dị và quen thuộc, thường được nhiều nhà trồng làm bờ rào. Mùa nắng về, bông bụt  bung nở những bông hoa đỏ thắm, vươn những vòi hoa dài lấm tấm điểm phấn vàng trông thật thích mắt.

        Quê xưa tôi nghèo, thiếu đến cả những thứ ngoài cơm ăn, áo mặc. Hoa chỉ là thứ văn hóa phù phiếm, chẳng mấy người quan tâm. Kể cả trong những hội nghị long trọng ở làng xã, đám cưới, thì trên cái lọ độc bình cũng chỉ chưng mấy loài hoa bông bụt, cúc vàng, phượng vỹ,  thậm chí chỉ là hoa chuối. Ngày còn bé, mỗi năm đến ngày 8/3 hay 20/11, lũ học trò chúng tôi túa nhau sục sạo quanh đường làng, ngõ xóm để tìm hoa. Xin không cho thì trộm, rồi về góp nhau lại thành một nắm tướng đủ thứ những loài hoa dân dã mà trong đó kiểu gì cũng có vài cành bông bụt đỏ. 

       Về cái tên hoa bông bụt, có đứa còn gọi là dâm bụt, râm bụt, lại có đứa khăng khăng cãi cối cãi chày vì từng nghe ông nội nó bảo rằng đó là hoa “dâng bụt”. Chẳng biết sai đúng thế nào nhưng bông bụt vẫn cứ được bọn trẻ chúng tôi mang đến tặng cô chỉ vì cũng chẳng còn thứ hoa nào khác. Hồi còn nhỏ, mỗi khi tôi bị nổi mụn nhọt, mẹ tôi hay lấy lá và hoa bông bụt giã nhỏ trộn với muối đắp lên chỗ đang mưng mủ. Thậm chí trong làng có người còn còn hái lá non đem về kho tép, nấu canh… Hoa bông bụt được dùng trong trò chơi đồ hàng. Những cánh hoa, nhụy hoa khi bóc tách ra có dính nhựa nhơn nhớt được lũ trẻ con chúng tôi dán lên trán, lên mặt mũi, lỗ tai trông như  đang diễn tuồng.

         Với năm cánh mỏng đỏ thắm, hoa bông bụt đơn nghiêng mình thả xuống trông giống như chiếc lọng che. Không biết từ bao giờ, các cụ bảo bông bụt là hoa cửa Phật. Hoa bông bụt ít hương nhưng có thể nở quanh năm và thường rộ vào mùa hạ. Bông bụt là loài hoa sớm nở tối tàn. Hình như biết đời mình ngắn ngủi nên hoa cố gắng phô khoe vẻ đẹp rực rỡ, trẻ trung trong nắng.

        Hàng năm, vào đúng dịp sinh nhật Bác cũng là lúc bông bụt đến độ khoe sắc. Vào thăm lăng Bác, rất dễ nhận ra trư­ớc nhà sàn và dọc theo con đường ven bờ ao phía đối diện, có hàng bông bụt đỏ, gợi nhớ cảnh quê Người. Những bông hoa khoe sắc màu rực rỡ, như đang kể lại cho chúng ta nghe bao câu chuyện về Bác Hồ với tình cảm gắn bó yêu thương với một loài cây cỏ. Bác Hồ là con người yêu thiên nhiên, trong số những loài hoa Người yêu thích, phải nhắc đến bông bụt mộc mạc, dân dã nhưng thanh cao và mang nhiều ý nghĩa.

 

Hoa bông bụt trong lăng Bác

        Hoa bông bụt gắn liền với tuổi thơ, với quê nhà đã theo Bác suốt những năm dài hoạt động cách mạng. Khi ở nước ngoài, lúc về sống ở Khu ATK Định Hóa hay những ngày trở lại Thủ đô Hà Nội, Bác thích trồng cây bông bụt làm bờ rào, trang trí khuôn viên. Bác từng tâm sự cùng các chiến sĩ cảnh vệ:  “Nhìn bông bụt nhớ mẹ cha, nhìn cây đa nhớ làng xóm”. Hai loại cây được trồng ở những nơi thường xuyên Người có thể nhìn thấy được đó là cây vú sữa của miền Nam và cây hoa bông bụt của quê nhà. Cây vú sữa được trồng ngay trước cửa sổ bàn làm việc; cây bông bụt trồng ở con đường bậc thang ngày ngày Bác vẫn thường đi dạo.

      Ngày trước, ta thường thấy hoa bông bụt đơn màu đỏ. Các cụ xếp loài hoa này vào nhóm của hoa nhài tượng trưng cho những người con gái lẳng lơ, không đứng đắn chắc bởi vì hoa thường được trồng làm hàng rào, người qua kẻ lại đều dễ dàng ngắm nghía và ngắt hái.  Vậy là ở ta, bông bụt chỉ là hạng "hoa hèn, cỏ dại" thế nhưng ở một số nước như Malaysia, Hàn Quốc, dâm bụt được coi là là quốc hoa.  Ngày nay, nhờ việc lai tạo giống, bông bụt có thêm loài hoa kép và mang nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Nhiều người trồng bông bụt làm cây cảnh trang trí trong nhà, ban công, sân vườn, hàng rào… làm đẹp không gian sống.

 

        Trước ban công trụ sở cơ quan tôi có một cây bông bụt kép màu vàng nở hoa tứ mùa và tại nhà tôi, cái chậu hoa bông bụt màu đỏ thắm từ dạo Tết tới giờ vẫn chưa thôi ra búp. Những lúc rảnh rỗi, tôi lại cứ thích ngắm những cánh hoa bông bụt cứ hồn nhiên ong lên trong nắng mà lắng lòng nhớ về một thủa đã xa …

                                                                                     Chớm hạ, 2019

. . . . .
Loading the player...