17-08-2017 - 21:52

Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về hoạt động chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở khu giải phóng Việt Bắc

Kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng 8 (19/8/1945 - 19/8/2017). Tạp chí Hồng Lĩnh giới thiệu trích "Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về hoạt động chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở khu giải phóng Việt Bắc".

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, 2 giờ rưỡi chiều. Một đơn vị giải phóng quân trong đó có một bộ phận của bộ đội Việt – Mỹ, tập hợp ở dưới gốc cây đa Tân Trào, làm lễ xuất phát tiến về hướng Nam.

Trước mặt toàn thể đại biểu đến tham dự đại hội, trước mặt toàn thể bộ đội tập hợp dưới cờ, tôi thay mặt cho Ủy ban khởi nghĩa, tuyên đọc bản Quân lệnh số 1 cho giải phóng quân. Kế đến lời huấn thị của vị đại diện cho đoàn đại biểu về dự Đại hội Tân Trào và lời thế quyết thắng của các tướng sĩ.

Một đoàn nhân sĩ đủ các giới, những chiến sĩ đã từng nếm gian khổ trong các lao tù, những nhà văn, nhà nghệ sĩ đã từng hoạt động ở Thủ đô, mấy vị nữ đại biểu với dáng điệu yêu kiều của nơi đô thị…Đối diện là một bộ đội ăn mặc đủ các kiểu, thể cách khỏe mạnh, dũng khí có thừa, đã từng chiến đấu ở nhiều mặt trận, đã từng len lỏi trên các đường rừng, kẽ lá của miền rừng núi Việt Bắc. Đứng bên là mấy sĩ quan trong phái đoàn quân sự Mỹ. Tất cả cùng tập họp dưới bóng cây cổ thụ, cạnh nhà Hội đồng cứu quốc xã Tân Trào. Thực là một quang cảnh vừa hùng tráng vừa mới lạ.

Hôm ấy, tôi không hiểu, trong sự vui mừng của họ, dân chúng mộc mạc ở Tân Trào đã suy nghĩ những gì. Nhưng còn các người có mặt, tham dự buổi lễ xuất phát thì ngước nhìn bóng cờ, ngắm các chiến sĩ quân giải phóng sẵn sàng để Nam tiến, ai nấy đều nhận thấy một cuộc thay đổi lớn đang bùng nổ, và xa xa, như đã hiện lên hình ảnh rực rỡ của nước Việt Nam giải phóng.

Bộ đội giải phóng quân từ Tân Trào tiến thẳng về Thái Nguyên, một đô thị có ý nghĩa chiến lược, một trọng trấn ở phía Nam Việt Bắc, giữa triền núi Tam Đảo và triền núi Đình Cả, Yên Thế, một cứ điểm có thể làm bàn đạp để tràn về miền trung châu Bắc Bộ. Vì tình thế bấy giờ khác hẳn, vì cần phải tranh thủ thời gian, cho nên bộ đội bỏ rơi đằng sau các đồn trại lẻ tẻ của Nhật. Đồng thời với đơn vị giải phóng quân xuất phát ở Tân Trào, các đơn vị đóng quân ở vùng lân cận đều được lệnh tiến về Nam và cùng gặp nhau trên đường về Thái Nguyên.

Ngày 19 tháng 8 lúc 1 giờ trưa, bộ đội kéo đến làng Thịnh Đán, phía Tây tỉnh Thái Nguyên, quân số đã đến trên một chi đội, 450 người, tương đương với một tiểu đoàn.

Cùng một lúc với việc tiến đánh Thái Nguyên, bộ đội các nơi đều được lệnh tập trung để hành động. Giải phóng quân ở Cao Bằng tiến đánh Cao Bằng và Hà Giang. Giải phóng quân ở Bắc Kạn tiến vào Bắc Kạn. Các bộ đội mặt Lục An Châu, Yên Bình, Bắc Mục tiến đánh vào Tuyên Quang, rồi được lệnh kéo về Phú Thọ.

Trong lịch sử giải phóng quân, trận Thái Nguyên có một ý nghĩa đặc biệt. Một, là vì Thái Nguyên là một đô thị quan trọng tiêu biểu cho tinh thần cách mạng từ trước. Hai, là vì quân số huy động đến hơn một chi đội. Ba, là vì thế trận từ tập kích lúc đầu chuyển dần sang trận địa bao vây, phối hiệp với các cuộc chiến đấu trong đường phố. Bốn, là vì trong trận ấy, lần đầu tiên giải phóng quân dùng đến những vũ khí tinh xảo.

Quân địch trong tỉnh Thái Nguyên gồm hai bộ phận, thành phần khác nhau. Một bộ phận là Bảo an binh, độ 400 người với gần 600 súng trường và một số súng máy, đóng tại trại lính tây cũ gần bến Tượng, cạnh dinh tỉnh trưởng. Một bộ phận là lính Nhật; theo tình báo thì tất cả độ 120 người, trong đó có từ 60 đến 70 lính chiến đấu, đóng tại trại khố xanh và dinh công sứ cũ, giáp cầu Gia Bẩy. Mặc dầu lực lượng của quân giải phóng về số lượng không đủ để tiêu diệt địch, nhưng căn cứ vào tình hình đặc biệt bấy giờ, vào tinh thần bối rối hoặc tan rã của địch, tôi quyết định hành động.

Bộ chỉ huy quân giải phóng quân vừa đến Thịnh Đán thì được tin đã có một đội tuyên truyền từ Đình Cả đến tỉnh Thái; ngay gần Thịnh Đán. Một số thanh niên và công chức tỉnh Thái đang tổ chức một cuộc mít tinh nhỏ ở gần đấy. Chúng tôi ra lệnh cho tất cả những người nào là dân của tỉnh đều đến trình diện tại trụ sở xã, một mặt ra lệnh cấm không cho người ngoài vào tỉnh để phong tỏa tin tức. Một ban tình báo lâm thời được thành lập, điều tra ngay tin tức trong số hơn hai chục người thanh niên và công chức vừa đến trình diện. Mấy người làm việc ở sở công chính tình nguyện về giúp chúng tôi những tấm bản đồ khá chi tiết. Các anh em thanh niên và công chức cung cấp tin tức xong, tình nguyện đi cùng các đơn vị bộ đội để làm hướng đạo.

10 giờ đêm, bộ chỉ huy ấn định xong kế hoạch, có phái đoàn quân sự Mỹ nhất là quan tư X tham gia ý kiến.

12 giờ đêm, bộ đội được lệnh xuất quân. Theo mệnh lệnh chiến đấu, 4 giờ sáng toàn thể bộ đội và bộ chỉ huy đều có mặt ở địa điểm chỉ định và bố trí xong xuôi, 5 giờ 30, lúc tang tảng rạng là bắt đầu hành động.

Chi đội giải phóng quân đặt dưới quyền chỉ huy của chi đội trưởng Lâm Cẩm Như, gồm có đại đội Quang Trung, đại đội Vị, đại đội Quốc Trung. Đại đội Vị, được lệnh bố trí xung quanh đồn Bảo an. Đại đội Quang Trung với nhiều vũ khí mới, được lệnh bố trí tất cả các vị trí xung quanh trại Nhật, từ đồi thông đến cầu Gia Bẩy. Bộ chỉ huy có hai địa điểm, một ở Thị xã Thái Nguyên và một ở nhà máy điện. Đi theo bộ chỉ huy có một đại đội vừa bảo vệ vừa là quân dự bị. Sĩ quan tuy tòng là Hùng Việt được chỉ định làm nhiệm vụ điều động thanh niên tỉnh Thái đắp chướng lũy dọc các đường phố.

Ngày 20 tháng 8, 5 giờ 30 sáng, tối hậu thư của bộ đội cách mạng được giao cho viên tỉnh trưởng. Sau khi phục tùng mệnh lệnh, trao chính quyền lại cho đại biểu Ủy ban khởi nghĩa, viên tỉnh trưởng được lệnh khuyên các binh sĩ đồn khố xanh phải trao khí giới lại cho cách mạng. Trừ ra một vài hành vi chống cự không đáng kể, toàn thể anh em binh lính đều phục tùng. Một số binh sĩ tình nguyện tham gia giải phóng quân được bổ sung ngay vào hàng ngũ, số đông xin giải ngũ về quê, được cấp lộ phí và giấy thông hành.

Bắt đầu từ 6 giờ 30, đồng chí Lân thay mặt Bộ chỉ huy điều khiển các thanh niên tự vệ tỉnh Thái lần lượt thu thập gần 600 khẩu súng chuyên chở về phía Nam, phối bị cho các đội tân binh đã tuyển mộ từ Bắc Giang lên và thành lập ngay một chi đội mới.

Từ 6 giờ sáng tiếng súng đầu tiên đã nổ ở xung quanh trại Nhật. Theo kế hoạch, bộ đội chưa được lệnh xung phong chờ đúng lúc binh sĩ địch tập hợp buổi sớm, sẽ từ một vị trí thuận lợi nã súng máy và ném lựu đạn vào. Sau đó, sẽ tiếp tục bao vây và trao thư giao thiệp. Trời vừa tảng rạng, độ 10 người vừa sĩ quan vừa binh lính Nhật tụ tập ở trước sân. Quang Trung ra lệnh nổ súng. Một số quân địch chết ngay tại chỗ. Lập tức từ tất cả mọi mặt, các loại súng máy, Ba-dô-ca đều bắt vào các mục tiêu trong trại Nhật.

8 giờ, bộ đội được lệnh ngừng bắn và báo tin cho chỉ huy quân Nhật biết sẽ có người mang thư của giải phóng quân vào nói chuyện. Chỉ huy quân Nhật cắm cờ trắng ra đón đại biểu Giải phóng quân, sau đó, cho 2 phái viên ra tận bộ chỉ huy ta để thảo luận các điều kiện. Cuộc đàm phán kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Chúng tôi hiểu rõ ý định của phía Nhật là tranh thủ thời gian để đợi tiếp viện từ Hà Nội. Tôi bèn cho hai phái viên trở về trại và hạn đến 2 giờ chiều, nếu không có trả lời dứt khoát, bộ đội ta sẽ tiến công tiếp tục.

Trong thành phố Thái Nguyên, ngoài đồn trại, quân Nhật còn đóng ở 3 điểm lẻ, trong những nhà gạch lớn nằm giữa thị trấn, uy hiếp một số trục đường. Tôi cùng quan tư người Mỹ cho điều tra và phái từng tổ xung phong, đồng thời dùng Ba-dô-ca, lựu đạn lửa để triệt hạ và tiêu diệt ba ổ tác chiến của Nhật. Kết quả mỹ mãn. Ta thu được một số thắng lợi phẩm. Sau đó, sự đi lại trong thành phố mới tương đối an toàn, vì không còn bị những binh sĩ Nhật từ những vị trí bí mật trên mái nhà hoặc cửa sổ, lúc lúc lại bắn từng phát đạn xuyên suốt các đường phố.

Theo kinh nghiệm đó, thấy rõ rằng chiến đấu trong thành phố, nếu có những tổ tác chiến gan dạ thì với một lực lượng rất ít có thể làm tê liệt sinh hoạt của một đô thị.

2 giờ chiều, không được trả lời của chỉ huy quân Nhật, bộ chỉ huy thông báo cho dân phố biết cuộc tiến công sắp bắt đầu, 3 giờ bộ đội Quang Trung được lệnh huy động tất cả các thứ vũ khí, thêm cả Moóc-chi-ê hạng nặng, đánh vào vị trí của Nhật. Tiếng lựu đạn nổ, tiếng súng máy Brenn, súng Na-dô-ca, súng tự động kiểu Mỹ, lẫn với tiếng Moóc-chi-ê bắn trả của địch làm rung chuyển cả thị xã Thái Nguyên.

Dân chúng Thái Nguyên và cả các vùng lân cận hết sức mừng rỡ khi được tin bộ đội giải phóng kéo đến. Họ ủng hộ bộ đội triệt để về mọi mặt, lương thực, tình báo, giao thông, vận tải, nhiệt liệt tham gia xây đắp hầm lũy khắp các đường phố. Ngay chiều 20 tháng 8, trong một cuộc mít tinh, chúng tôi thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật, thành lập chính quyền nhân dân, bắt đầu thi hành chính sách của chính phủ lâm thời trong thị xã và trong toàn tỉnh.

Bấy giờ vì nước lụt tràn ngập từ Phúc Yên sang Bắc Giang, ngăn cản tất cả sự đi lại từ Hà Nội đến Thái Nguyên, quân tiếp viện Nhật không thể từ phía nào kéo đến được. Bộ đội giải phóng quyết định tiếp tục bao vây quân Nhật, cùng lúc, các đội tuyên truyền giúp thành lập chính quyền nhân dân và các đơn vị bộ đội khác diệt các đồn trại lẻ tẻ. Mãi về sau, đến ngày thứ bẩy, khi phái viên của bộ tư lệnh Nhật cùng phái viên của Bộ tham mưu ta ở Hà Nội lên Thái Nguyên để điều đình, quân Nhật mới bằng lòng tiếp nhận các điều kiện nghĩa là để vũ khí lại cho Giải phóng quân, còn binh sĩ thì được chúng ta phụ trách đưa về Hà Nội.

Tôi không thể đợi đến khi trận Thái Nguyên kết liễu. Sáng ngày thứ ba, tin khởi nghĩa ở Hà Nội đã truyền đến. Cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động ở Thủ đô và khắp các tỉnh Trung Nam Bắc. Trung tâm công việc bây giờ không còn ở Thái Nguyên nữa. Tôi bèn cùng một số Đại biểu đại hội toàn quốc và ủy viên trong Ủy ban khởi nghĩa, ngày 23 về thẳng Hà Nội, chuẩn bị đón Chính phủ lâm thời và bộ đội giải phóng quân.

Dọc đường Bắc Giang, về đến Hà Nội, thấy quang cảnh đã khác hẳn. Từ thôn quê đến thành thị, cờ đỏ rợp trời, các khẩu hiệu đòi độc lập nhan nhản khắp nơi. Thấy rõ cả một quốc dân đang vùng dậy cả một quốc gia mới xuất hiện. Lực lượng dân chúng và lực lượng vũ trang của nhân dân đưa cuộc Tổng khởi nghĩa đến thành công.

Ngày 26 tháng 8, Chi đội Giải phóng quân đầu tiên vào Thủ đô Hà Nội, đáp lại lòng mong đợi thiết tha và trước những tiếng reo mừng dậy đất của đồng bào. Ngày hôm sau, lúc 8 giờ sáng, là cuộc duyệt binh đầu tiên tại quảng trường Nhà hát lớn, trước hàng vạn dân chúng và đại diện của Chính phủ lâm thời.

Sực nhớ lại buổi mới dựng cờ vũ trang tranh đấu ở chốn rừng xanh, sực nhớ lại câu hát của toàn đội và lòng ước vọng của tất cả

Cờ Nam tiến phất cao, mau thẳng tiến.

Trời phương Nam, dân chúng đang ngóng chờ…

Đến nay thắm thoát chỉ mới 8, 9 tháng mà trung đội giải phóng quân đầu tiên đã trở nên một quân đội khá mạnh, và đã từ nơi rừng rậm núi cao, tiến về Thủ đô của nước nhà, một quá trình tiến triển nhanh chóng và ly kỳ như vậy làm cho chúng ta tin tưởng vào sức mạnh vô cùng tận của dân tộc Việt Nam.

Ấy là nhờ tinh thần độc lập nghìn năm bất diệt của dân Việt, ấy là nhờ sự tranh đấu gian khổ của hàng vạn, hàng triệu đồng bào từ Nam chí Bắc, ấy lại là nhờ ở sự chiến đấu anh dũng của bao nhiêu đội tự vệ, đội tự vệ chiến đấu, đội tự vệ xung phong khắp Trung Nam Bắc, lực lượng vũ trang của toàn dân mà Giải phóng quân chỉ là một bộ phận, chỉ là đội tiền phong, trên hết là nhờ ở con đường chính trị chính xác của đoàn thể Việt Nam độc lập đồng minh và sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chủ Tịch cùng Chính phủ nhân dân lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân và tuyên bố độc lập cùng quốc dân và thế giới./.

. . . . .
Loading the player...