25-10-2019 - 18:43

ISABELLE MULLER VÀ SỰ TRỞ VỀ CỦA LOAN

Nhân dịp bộ phim “Loan, Phượng hoàng tái sinh” được chiếu ở Hà Tĩnh ngày 25/10/2019 cùng sự kiện ra mắt với sự có mặt của đoàn làm phim và chị Isabelle Müller tại Hà Tĩnh. Văn nghệ Hà Tĩnh xin giới thiệu bài viết của Nhà văn Trầm Hương- tác giả biên kịch và lời bình của bộ phim.

isabelle muller và sỰ TRỞ VỀ CỦa Loan

 

Trầm Hương

 

Phượng hoàng kiêu hãnh

Người đàn bà trầm luân, được sinh ra từ miền quê hẻo lánh ở Hà Tĩnh, được người mẹ thuộc dân tộc thiểu số Lào, cha cũng là tộc người thiểu số, sống dựa vào nghề săn bắn đặt tên là Đậu Thị Cúc, sau khi mất đứa con đầu lòng, tự đặt tên cho mình là Loan, loài chim phượng hoàng kiêu hãnh. Bà có quyền kiêu hãnh, bởi dù chỉ mới 12 tuổi đã dám trốn nhà ra đi, vượt thoát cuộc hôn nhân mua bán cô, chỉ với mảnh ruộng và hai con lợn. Cô bé mới 12 tuổi đã ý thức thân phận phụ nữ bị chà đạp, bị bạo hành bởi chính những người đàn ông trong gia đình, dùng mái tóc dài của cô cột vào chân giường, đánh đập tàn nhẫn mỗi khi cô bị cho là có lỗi. Cô bé mới 12 tuổi đã biết phản kháng nhìn mặt vị sứ giả nhà vua trong khi thần dân của ông đều phải quỳ lại. Cô bé mới 12 tuổi đã biết kiếm tiền nuôi anh trai học chữ, đã thèm khát học chữ như anh mình và tìm mọi cách tự học từ lũ trẻ. Cô bé mới 12 tuổi đã học được bài học đắng chát: “Một người đàn bà Annamit chẳng là gì so với một người đàn ông Annamit, nhưng so với một người Âu châu thì một người đàn ông Annamit cũng vô giá trị như chính một người đàn bà”. Loan kiêu hãnh vì mới 12 tuổi đã nhận biết mình bị chính bà cô ruột thua bài bán cô vào nhà thổ, tìm mọi cách vượt thoát, tự cứu cuộc đời mình. Loan kiêu hãnh vì đã sống sau khi rơi xuống địa ngục từ ban-công tầng 4 ngôi nhà bất ngờ đổ sụp, kiên nghị vượt qua đau đớn, thương tích để sống và kể lại. Loan có quyền kiêu hãnh bởi dưới mắt người đời là “gái chữa hoang” đã “rất đỗi hạnh phúc, tự hào” một mình sinh con, nâng niu sự sống. Loan kiêu hãnh vì đã dám đương đầu, tự nguyện gánh khổ nạn thay cho người bạn gái “yếu đuối và còn trinh”, trả ơn người đại úy lính Lê dương đã cứu thoát hai người khỏi nhà tù. Loan kiêu hãnh trước tình yêu vô điều kiện với người lính Pháp nghèo và yếu đuối, bao dung cả lỗi lầm, cứu vớt anh khỏi những tình huống nguy hiểm. Loan kiêu hãnh vì dù bị xem là “me Tây”  đầy khinh miệt dưới mắt người dân tộc mình nhưng đã yêu và dám bảo vệ tình yêu của mình, dám quăng thân vào bão đạn để đồng hành với người mình yêu thương. Loan kiêu hãnh trước sự bội bạc con người; cả sự ghẻ lạnh, bạc đãi của người mẹ chồng trên đất Pháp. Loan kiêu hãnh vì là người đàn bà bé nhỏ, không cao hơn một mét bốn mươi lăm nhưng tình yêu thương con người, lòng dũng cảm, sự kiên nghị vượt qua thử thách khôn cùng, không thước nào đo nổi. Loan đã kiêu hãnh sống trong một thế giới thống khổ nhưng không vắng bóng tình yêu thương con người, không lúc nào tắt niềm hy vọng. Loan kiêu hãnh vì từ đôi bàn tay trắng trên xứ người, vượt qua sự kỳ thị màu da, kiến tạo được ngôi nhà, hạnh  phúc trên đất Pháp sau những thăng trầm; đã sinh được nhiều con. Loan đã tự hào khi có được con gái út Isabella Muller cho bà ký thác cuộc đời khổ đau, để sức bật ngôn từ, đưa đôi cánh phượng hoàng bay lượn trên bầu trời thênh thang, bát ngát...

Bìa sách Loan- từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng của Nhà văn Isabella Muller

Sức mạnh từ nỗi đau chôn giấu

Isabella Muller đã viết bằng sự thấu cảm nỗi đau của người mẹ. Lên năm tuổi, những chuyện kể của mẹ đã gây ấn tượng mãnh liệt với chị. Cô bé mới  sáu tuổi đã ấp ủ viết câu chuyện về mẹ mình. Chuyện kể của Loan ngày càng đầy lên, thấm vào tâm hồn chị. Sống trong một đất nước bốn ngàn năm phong kiến với quan niệm “trọng nam khinh nữ” ăn sâu vào tâm thức các thế hệ, chúng ta dường như quá quen với việc người phụ nữ bị trói vào chân giường bằng chính mái tóc mượt dày của họ; những bé gái bị những người đàn ông quất roi, đánh đấm vào bất cứ nơi nào trên thân thể, những bé gái không được quyền đòi hỏi sự công bằng, không được đi học; chúng ta cũng quá quen với tập tục “một người đàn bà An Nam, không được phép sinh con trong ngôi nhà của mình... làm như vậy sẽ mang lại tai họa cho cho trẻ sơ sinh và cả gia đình”; cũng không có gì phải kinh ngạc khi người phụ nữ phải cáng đáng, lo toan cho cả gia đình lại là người ăn sau cùng những thú còn sót lại... Nhưng với Isabella Muller, một cô bé được sinh ở Pháp, với nửa dòng máu Việt, chị quá đỗi kinh ngạc, bất bình và phẫn nộ. Ý nghĩ viết quyển sách nung nấu dần trong chị. Nhưng nếu chỉ có sự thấu cảm, tình yêu mãnh liệt dành cho mẹ, chị không thể thực hiện được hoài bão ấy. Đó là một công việc ngoài lòng yêu thương, sự thấu cảm còn đòi hỏi trí tuệ, nghị lực, dũng khí vượt qua nhiều cánh cửa số phận. Bản thân chị đã phải vượt lên nỗi đau với nghị lực mạnh mẽ, được truyền dẫn từ người mẹ. Cô bé sinh năm 1964, trong một làng quê nghèo nước Pháp, lớn lên trong giằng xé hai nền văn hóa Á - Âu, đã từng sống trong cảnh nghèo và hơn cả địa ngục càng thấm cuộc đời trầm luân, dâu bể, khổ đau của mẹ. Những năm Loan mở quá ăn trên nước Pháp để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức đứa con gái bà: “Vào năm 1970, mẹ tôi mở cửa hàng “Quán ăn Việt   Nam” ở đó. Khách ăn của bà, có người đến từ tận Paris, phải kiên nhẫn xếp hàng trước cửa để có được một chỗ ngồi. Khách đến đây không chỉ vì muốn được ăn ngon. Họ cũng còn tò mò chờ đợi sự xuất hiện không thể trộn lẫn, được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng của bà chủ quán bé nhỏ, mỗi buổi tối lại diện một bộ áo dài thêu đẹp đẽ khác nhau. Khi thức ăn đã bày biện xong thì bà chỉnh lại đồ nữ trang, điềm tĩnh châm một điếu thuốc lá, rồi mở cánh cửa vào phòng ăn với cử chỉ và giọng nói điệu bộ như trên sân khấu: “Bonsoir, Messieurs Dames!”. Rõ rang bà tận hưởng ấn tượng mà mình gây ra cho người khác!”. Dốc sức vào việc kinh doanh, Loan không nghĩ con gái bà sớm đối mặt vối nối bất hạnh khủng khiếp. Mới 8 tuổi, cô đã bị xâm hại tình dục từ chính người thân trong gia đình. Có một lần cô định nói với mẹ về nỗi đau  này. Nhưng chị  đã quyết định không nói vì học được sự hy sinh của mẹ. Còn rất bé nhưng Isabelle hiểu khi nói ra điều khủng khiếp ấy, mẹ chị sẽ giết ông ta. Bà sẽ đi tù, gia đình tan nát. Nghị lực vượt qua khổ đau sức mạnh của Loan đã truyền dẫn sang con gái. Isabelle Muller đã không chết trong những ngày đen tối mà tuổi thơ chị phải gánh chịu. Cô bé không nổi loạn, phá phách. Cô vượt qua nỗi  tổn thương của mình bằng sức mạnh tinh thần lẫn thể chất. Cô bé luôn gắng sức ở trường học, làm việc nhà, tự gặt quần áo, giúp mẹ nấu nướng phục vụ quán ăn mà vẫn đứng đầu lớp. Isabelle  đi học võ Karate, để đủ sức mạnh đấm vào bố khi ông định tiếp tục làm tổn thương chị. Cú đấm phản kháng ấy vào năm 17 tuổi giúp chị thấu hiểu, để chiến thắng cái ác, người ta phải có sức mạnh. Cuộc đời cơ cực, gian truân của mẹ và cuộc đời với nỗi tổn thương do phải “hứng chịu sự ê chề của gia đình, phải lặng im để chấp nhận cảm giác thất vọng”  của Isabelle Muller đã trộn lẫn thành một. Vĩnh viễn mẹ chị không thể biết con gái mình đã nhiều lần muốn tự sát. Năm 17 tuổi, chị nằm trên đường ray đợi đoàn tàu đi qua để kết thúc cuộc đời mình. Những giọt nước mắt của hai thế hệ đã hòa lẫn vào nhau, cùng mang vị đắng của số phận. Isabelle Muller không phải chỉ viết cho mẹ mà còn cho chính mình: “Vì có nhiều miệng không muốn nói và nhiều tai không muốn nghe, tôi ghi lại lời của mình cho những đôi mắt rộng mở, cho những trái tim xúc cảm sau khi chạm vào lời”. “Điều gì đã thôi thúc tôi? Hy vọng! Hy vọng cho những kẻ bị xua đuổi, bị ruồng bỏ, cho những kẻ cô đơn và những người có đức tin. Hy vọng sẽ để lại một hành trang kinh nghiệm cho các con tôi trên đường đời; rằng chúng sẽ xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn so với thế giới mà tôi từng biết đến; sẽ đạt thành quả mà tôi không có được! Nếu không phải là các con tôi, thì hỏi ai sẽ làm được điều đó?”.

 Ý nghĩ viết quyển sách về mẹ luôn nung nấu trong lòng chị. Mỗi tác phẩm ra đời đều có nhân duyên. Nhân duyên ấy là cả quá trình vận hành, tích lũy qua nhiều thế hệ. Loan  vượt lên mọi khổ đau, nghịch cảnh với sứ mạng sống và kể lại, như cô Bè - một người phụ nữ tốt bụng đã cưu mang, yêu thương Loan bằng tình người bao la ký thác nhưng bà không có điều kiện để viết nên câu chuyện của mình. Isabella Muller đã nhận lấy sứ mạng ấy để đền ơn lòng tốt của những con người đã cứu rỗi người mẹ thân yêu của mình, giúp bà không nguôi niềm hy vọng trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Để thực hiện ước mơ ấy, Isabella trải qua một quá trình sống và rèn luyện, vượt lên những thương tổn tuổi thơ bất hạnh của mình. Thi đỗ tú tài, chị học thêm ngoại ngữ. Năm 1985, chị hành nghề biên phiên dịch tại Đức. Năm 1992, chị kết hôn với ông Stephan Muller - một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có hai con gái và sống ở Đức. Isabelle trải lòng: “Tôi biết ơn về mục tiêu nhất quán mà tôi theo đuổi hơn 30 năm nay rằng mình sẽ viết và xuất bản cuốn sách này giờ đây đã được thực hiện. Vào thời gian về sau tôi đã hiểu rõ:  Trước hết tôi phải trưởng thành và phải nghiệm trải đỉnh cao và vực sâu của cuộc đời để có thể truyền lại các tình cảm một cách chân thực, như mẹ đã đòi hỏi với tôi và như bà có quyền được hưởng”. Chị đã viết quyển sách tái hiện cuộc đời người mẹ với đức tin mãnh liệt: “Và như chính mẹ, con chim Phượng Hoàng tuyệt vời đã mang theo tổ tiên bên mình, nay con mang mẹ trong tim và biết có bàn tay mẹ đang độ trì cho con”. Hơn bốn mươi lăm năm sau, Isabelle Muller mới thực hiện lới hứa với mẹ- lời hứa chị đưa ra lúc sáu tuổi. Cô lý giải nghị lực, sức sống mãnh liệt  của Loan: “Nếu bạn đọc những trang sách này và đặt câu hỏi, làm sao trái tim của mẹ từng tan vỡ bao lần mà vẫn luôn tìm lại được sức mạnh và hy vọng, thì câu trả lời của tôi là: Trái tim của mẹ quá lớn”.

Nhà văn Isabella Muller và nhà văn Trầm Hương- Tác giả biên kịch và lời bình của bộ phim Loan, Phượng hoàng tái sinh

Bay lên từ tro tàn đổ nát

Isabelle Muller đã học cách bay lên từ đống tro tàn đổ nát của chim phượng hoàng. Chị đã dũng cảm chiến đấu, đã dám mở miệng nói để cái ác bị đẩy lùi, để thế giới này tốt đẹp hơn thế giới tuổi thơ đen tối và đau khổ mà chị đã phải chịu đựng. Hai mươi năm cuối đời, Loan đã sống hạnh phúc, tận mắt chứng kiến sự thành đạt của con gái út. Bà rất tự hào nói với chị, dẫu mãi mãi bà không bao giồ biết một sự thật đau lòng mà con gái mình đã chôn giấu: “Con rất giống mẹ về ý chí và nghị lực”. Ông Trời trao tặng cho Loan trực giác kết nối những giá trị tâm linh. Và khả năng ấy được truyền cho Isabeller, như chị thú nhận: “Mẹ Loan mãi về sau này mới chia sẻ cho tôi vốn tri thức của bà, sau khi bà đã quan sát tôi trong nhiều năm, khi tôi còn là đứa bé đang lớn và chưa hiểu tại sao bản thân lại nhiều lần tiếp nhận những tín hiệu từ các lễ nghi thầy cúng của ông Phan đã trao truyền lại cho mẹ mà mình không thể luận giải chính xác, đơn giản là tôi chấp nhận chúng”.

Vì muốn thế giới biết đến câu chuyện của mẹ mình, như cách đẩy lùi tội ác, bằng cách kể về nỗi thống khổ của những người phụ nữ bé nhỏ, thầm lặng mà Isabelle đã viết và nỗ lực đưa câu chuyện đến với nhiều người, bằng cả tự truyện về cuộc đời mình. Chị căm ghét chiến tranh vì sau những trải nghiệm, Isabelle Muller hiểu người cha sinh ra chị đã bị chiến tranh tàn phá cuộc đời, làm biến dạng những phẩm chất tốt đẹp trong ông. Isabelle có 150 buổi thuyết trình nói lên sự đấu tranh của những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục. Chị đã đưa được “Loan” về Việt Nam, chính quê hương của mẹ, được độc giả đồng cảm, đón nhận. “Loan” được ra mắt độc giả Việt Nam vào những ngày đầu tháng 3 năm 2018, như một nhân duyên giành cho giới phụ nữ. Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ: “Năm 2016, tôi có chuyến công tác vòng quanh châu Âu, đi qua các nước Pháp, Ba Lan, Hungari, Áo, Tiệp Khắc và điểm dừng cuối cùng ở Đức. Đại sứ quán ở Đức giới thiệu với tôi quyển sách “Loan” và kết nối tôi gặp tác giả vào một buổi sáng tháng tám ở Franfurt. Tôi thật sự có ấn tượng với Isabella, vì cô là một phụ nữ mang hai dòng máu Pháp - Việt, vẫn đau đáu tìm về cội nguồn. Mẹ của cô là người dân tộc thiểu số Lào sống ở Việt Nam,  lấy chồng cũng tộc người thiều số. Mẹ cô đã lớn lên trong thời kỳ lịch sử đầy biến động, nên phụ nữ là giới hứng chịu những hậu quả và hệ lụy chiến tranh nặng nề nhất. Cô đã viết quyển sách bằng lòng tri ân với tổ tiên, tìm về nguồn cội khiến tôi xúc động và tự nhận lấy sứ mạng làm cầu nối đưa “Loan” về Tổ quốc. Tôi đã trao quyển sách cho Nhà xuất bản trẻ. Và nay, “Loan” đã đến với độc giả Việt Nam”. Tác giả quyển sách đoạt giải một trong 5 quyển sách hay ở Đức năm 2015 đã dùng nhuận bút quyển sách thành lập quỹ “Loan”, với phương châm “chung tay vì một tương lai tốt đẹp hơn cho thanh thiếu niên trên toàn thế giới“, thực hiện các dự án giúp đỡ học sinh các dân tộc ít người, những mảnh đời khó khăn ở vùng cao Việt Nam. Chỉ  mới hai năm hoạt động, quỹ “Loan” do Isabelle Muller sáng lập đã triển khai 12 chương trình, dự án với tổng số tiền viện trợ cho Hà Giang khoảng 6,8 tỷ đồng (tương đương 317.035.000 USD).  Isabelle Muller chọn cách trở về, đến Hà Giang vì còn rất nhiều “miệng không muốn nói tai không muốn nghe” ở cao nguyên xa xôi. Chị mong muốn được cho đi bằng trái tim, đến với những số phận, được lắng nghe và chia sẻ những nỗi đau, được cứu vớt, mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ như Loan đã từng không được học chữ vì là con gái, bị bán đi chỉ để lấy miếng đất và hai con lợn. Loan đã dẫn dắt con gái mình chọn một cách sống “cho đi và làm người khác hạnh phúc là mình hạnh phúc”. Với Isabelle Muller, Loan - chim phượng hoàng không bao giờ chết. Chị luôn có niềm tin: “Mẹ Loan đã nói như vậy. Nếu bạn đọc những trang sách này và đặt câu hỏi, làm sao trái tim của mẹ từng tan vỡ bao lần mà vẫn luôn tìm lại được sức mạnh và hy vọng, thì câu trả lời của tôi là: Trái tim của mẹ quá lớn. Được sống hạnh phúc cùng chồng và hai con gái, Isabelle Muller càng thấu hiểu sức mạnh ẩn chứa trong những cuộc đời  bé nhỏ, thầm lặng: “Và như chính mẹ, con chim Phượng Hoàng tuyệt vời đã mang theo tổ tiên bên mình, nay con mang mẹ trong tim và biết có bàn tay mẹ đang độ trì cho con”.

Đoàn làm phim và cộng sự trong một cảnh quay ở Hà Tĩnh. Đạo diễn, NGƯT Nguyễn Hoàng (người ngoài cùng bên phải) 

“Loan” chứa đựng nhiều giá trị cốt lõi. Tràn ngập trong lòng tôi là sự đồng cảm giữa hai người phụ nữ cầm bút, viết về thân phận phụ nữ. Tôi biết Isabella Muller đã bị ám ảnh, kiên trì, nỗ lực như thế nào trong quá trình lao động sáng tạo để viết quyển sách “Loan”, bởi dù rằng mỗi con người khi nằm xuống là mang theo quyển tiểu thuyết xuống đáy mồ nhưng không phải cuộc đời nào cũng viết được tiểu thuyết. Một lịch sử khác đa chiều của đất nước, thật sinh động, khách quan được nhìn thấu, xuyên qua thân phận của những người phụ nữ dưới đáy xã hội. Bằng cách kể chuyện nhẹ như hơi thở, vậy mà bao lần tác giả làm tim tôi thắt lại, không ngăn được nước mắt khi khát vọng yêu thương, hạnh phúc của những người phụ nữ nhỏ bé đã luôn bị đe dọa, bị tước đoạt một cách thô bạo bởi chiến tranh và lòng tham ác con người. Chi tiết chiếc khuyên tai - món quà một người chủ tốt bụng đã cứu vớt, cưu mang Loan sau khi thoát khỏi nhà thổ bị người đàn ông có trang bị vũ khí tước đoạt và sau khi “nhét vật trang sức đẫm máu vào túi”, không chờ anh ta giật tiếp chiếc khuyên thứ hai từ vành tai, Loan đã tự nguyện tháo nó ra đưa cho anh ta và những người có vũ khí trong tay “tỏ ra thỏa mãn, để cho chúng tôi đi tiếp và lại biến mất sau các lùm cây” làm thắt lòng người đọc. Nhân danh lòng ái quốc “Mất một hạt gạo vào tay kẻ xâm lược là đánh rơi một giọt máu đào của nhân dân”, những người được trang bị vũ khí đã hành động như kẻ cướp, tước đoạt những đồng tiền còm thấm mồ hôi, cả những nắm xôi hẩm của dân nghèo. Loan đã bị ám ảnh mạnh mẽ từ những giọt máu, nắm gạo trên con đường “tìm một cuộc sống bình an cho tương lai”. Nỗi ám ảnh đó đi theo Loan suốt những năm sang Pháp, để ngày thành hôn, Loan không nỡ quăng những nắm gạo chúc mừng hạnh phúc theo phong tục của người Pháp văn minh, khiến phu nhân thị trưởng ngỡ ngàng. Trong bỗi đắng lòng khi lễ cưới chẳng có tiếng chuông rung, không được linh mục ban  phép  phước cho nhẫn cưới, bị mẹ chồng chối bỏ, khước từ làm chủ hôn  cho con trai, bởi  cho rằng Loan hủy hoại tương lai con bà, Loan cũng không phải là người công giáo, một ý nghĩ lại vụt đến với người phụ nữ đau khổ và bản lĩnh, trong thẳm sâu vẫn giữ hồn cốt của dân tộc: “Dù sao đi nữa, tôi cũng không nỡ lòng nào mà vãi gạo ra đất. Trong đầu tôi bỗng vang lên câu nói của Việt Minh: “Mỗi hạt gạo là một giọt máu đào của nhân dân”. Cảm ơn một độ lùi lịch sử đã tạo nên nhân duyên cho tôi được gặp “Loan”, để soi chiếu những số phận phụ nữ, trong đó có những người bà, người mẹ của tôi và cả bản thân mình, có cùng thân phận như Loan; cũng từng bị những người đàn ông bạo hành, cột mái tóc dày mượt vào chân giường tra tấn, đánh đập khi bị kết tội, bị đánh vào bất cứ nơi đâu trên thân thể, bị bạc đãi lúc sinh con, bị chà đạp nhân phẩm và hạnh phúc. Tôi tự hỏi tương lai mình sẽ ra sao nếu 40 năm trước, cô bé nơi làng quê xa xôi một tỉnh Nam Trung bộ không dũng cảm trốn nhà đi học, khi người cha cấm đoán với định kiến “con gái học lên cao cũng chằng ích lợi gì”. Lòng hiếu học và dũng cảm của tôi đã thuyết phục được ông. Mấy mươi năm sau, tôi trở thành nhà văn, đọc “Loan”, thấy mình còn mắc nợ những số phận phụ nữ thầm lặng không được nói, được sẻ chia. Tôi cảm ơn nghị lực mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh của Loan để con chim Phượng hoàng kiêu hãnh tìm mọi cách đập cánh bay lên, không chọn lấy cái chết lúc mang thai để được giải thoát như người bạn gái tên Anh khi chồng cô bội bạc. Loan cũng không gieo mình xuống dòng nước như người phụ nữ mang thai vượt mặt cùng cảnh ngộ trong giờ phút tàu nhổ neo đưa những người lính Pháp rời Sài Gòn, vang lên tiếng còi tàu chết chóc: “Người phụ nữ trẻ hai tay ôm bụng và gào lên:Hãy nhìn đây! Thà mẹ con em chết còn hơn là sống không có anh”. Rồi bất ngờ cô lấy đà nhảy ào xuống dòng nước bẩn, nổi bọt đục ngầu do chân vịt tàu quay tít bên bến tàu và chìm nghỉm”. Loan đã sống vì cuộc đời còn có ông Hương, cô Bè, Rose- cô gái điếm tràn ngập tình yêu thương con người... Và Loan đã dũng cảm tìm được hạnh phúc đích thực của người phụ nữ, có được báu vật cuộc đời là cô gái út Isabella Muller đã thay Loan thực hiện sứ mệnh sống và kể lại cuộc đời mình. Tiếng đập cánh con Phượng Hoàng kiêu hãnh đã khiến những đôi mắt mở to trước điều kỳ diệu của số phận, đã chạm đến những trái tim đa cảm của nhân gian như sinh thời Loan đã từng ao ước.

Giao lưu với tác giả, và các nhà làm phim tại Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh vào chiều 25/10

Tôi chạm được “Loan” trước một ngày sách ra mắt, từ tổ chức quỹ học bỗng Vừ A Dính. Các em khẩn thiết mời tôi đến dự và phát biểu vì tin rằng tôi sẽ đồng cảm được thân phận cuộc đời “Loan”. Lòng nhiệt tình của các em khiến tôi đọc quyển sách một cách cầu thị và cẩn trọng. Ngay trang đầu tiên, quyển sách đã cuốn hút tôi mãnh liệt, dù những gì tác giả viết ra không  mới mẻ với tôi. Chúng ta đã tắm trong nỗi đau của Loan trong từng chi tiết bởi sự bạo hành, sự bất bình đẳng giới bị áp đặt trên đất nước mình hàng ngàn năm, về thân phận phụ nữ mà thi hào Nguyễn Du đã từng bi thiết thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Rõ ràng, Isabella Muller đã viết bằng sự thấu cảm nỗi đau của người mẹ. Đọc Loan nhiều lần, được nghe chị kể chuyện, tôi cứ bị ám ảnh. Với mong muốn được chia sẻ câu chuyện đến với nhiều người hơn, tôi trao đổi với đạo diễn Nguyễn Hoàng. Anh rất nhiệt tình thực hiện bộ phim, với sự đồng  cảm mãnh liệt. Tôi đã gởi email cho tác giả ý định này. Thật hạnh phúc khi tác giả “Loan” sẵn sàng chia sẻ câu chuyện lên phim. Đầu năm 2019, êkíp làm bộ phim tài liệu “Loan-phượng hoàng tái sinh” cùng Isabelle Muller về Hà Tĩnh, tìm lại cội nguồn tổ tiên của chị. Đó là ngôi nhà mang dấu ấn tuổi thơ bất hạnh của bà Đậu Thị Cúc, làng quê Thạch Đài nơi những người thân yêu của bà Cúc yên nghỉ, con đường đất hoang vắng ngày xưa nay đã thành đường nhựa giữa trung tâm thành phố. Isabelle lần tìm dấu chân của mẹ, cảm nhận Loan đang trở về bằng sự dẫn dắt của tổ tiên. Băng qua một thế kỷ đầy biến động, tang thương; “Loan - phượng hoàng tái sinh” đã trở về đúng nơi vạch xuất phát; bỏ qua thù hận, cay đắng, ngộ nhận; chỉ có thình thương và những giọt nước mắt thấu hiểu. Tôi thấy bàn tay dạo diễn Nguyễn Hoàng một thoáng rung lên vì xúc cảm khi chộp lấy khoảnh khắc những giọt nước mắt rơi ngày đoàn tụ.

19.10.2019

T.H

. . . . .
Loading the player...