Sáng 21/11, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017 – 2022) đã chính thức khai mạc trọng thể.
Dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, Đoàn đại biểu Phật giáo nước ngoài cùng đông đảo đồng bào phật tử Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.
Đại hội được khai mạc dưới sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VII. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội VIII; Các Hòa thượng trong HĐTS GHPGVN, cùng 1.250 đại biểu tăng ni, cư sĩ, phật tử ưu tú đại diện cho các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các ban, viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu về dự Đại hội.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội cho biết, mục tiêu của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, thể hiện quyết tâm của toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, bản lĩnh nhập thế, hội nhập của Phật giáo Việt Nam để xây dựng Giáo hội phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, kiên định theo lý tưởng: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Đại hội đi sâu phân tích và làm sâu sắc về 9 mục tiêu mà Đại hội VIII (nhiệm kỳ (2017 - 2022) đề ra, tiếp tục tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho phù hợp với Luật tín ngưỡng, Tôn giáo và định hướng phát triển tầm nhìn đến năm 2030 của Phật giáo Việt Nam.
Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua 36 năm trưởng thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu phật sự quan trọng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ VII (2012-2017). Tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung Hoằng pháp và Hội thảo khoa học...
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vương nhấn mạnh: "Phật giáo Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Phật giáo luôn lấy đức từ bi, hỷ xả, lấy chân - thiện - mỹ để giáo hoá chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp và phương châm hành đạo. Từ xa xưa, giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần trong đời sống của đông đảo người Việt Nam. Giá trị tốt đẹp của Phật giáo đã góp phần hun đúc nên những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận thời nào Phật giáo cũng có những người đóng góp xứng đáng cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước, gắn bó với dân tộc để “Hộ quốc an dân”.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022 khẳng định sự phát triển về nhiều mặt, sự đoàn kết thống nhất và lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam. Đại hội tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa chính trị và xã hội, là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm về của đất nước giai đoạn 2016 - 2021. Để thực hiện mục tiêu này, cùng với toàn Đảng, toàn dân ta, tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều công sức, trí tuệ với những việc làm lợi đạo, ích đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người khó khăn…; thực hiện các Chương trình tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.
Phó Thủ tướng mong muốn quý vị chức sắc và toàn thể đồng bào Phật tử tiếp tục khẳng định những giá trị tốt đẹp của Phật giáo và bày tỏ niềm tin sâu sắc vào những đóng góp xứng đáng mà Phật giáo đã, đang và sẽ đem lại cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn... Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa các Hội Phật tử Việt Nam, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, cùng đồng bào trong nước chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Theo baodansinh.vn