08-05-2024 - 03:21

Không thể không viết…

Tạp chí Hồng Lĩnh số 212 tháng 4/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Không thể không viết…” của Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng

 “Văn chương nết đất, thông minh tính trời” (Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Nhà văn Nguyễn Huy Hoàng (sinh 1953, quê quán: xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là một gương mặt quen thuộc trong làng văn Việt Nam đương thời. Tính từ tác phẩm đầu tay "Lịch sử văn học Nga" (Giáo trình, 2 tập, 1988) đến nay, trong vòng 36 năm, tác giả đã xuất bản 26 tác phẩm, trong đó nổi bật là 9 tập thơ và 4 tập truyện, ký. Độc giả quen nghĩ về ông như một nhà thơ trong nghĩa chính xác của từ này. Nhưng còn một Nguyễn Huy Hoàng - cây bút văn xuôi giàu nội lực, sắc bén chữ nghĩa. Nhân dịp Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành bộ sách "Giữa những cơn dâu bể" (Tuyển tập truyện ký, 2 tập) và "Trông trời, trông đất, trông mây"... (Tuyển tập thơ, 3 tập), với tư cách là đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp khi viết về bạn văn Nguyễn Huy Hoàng, tôi đã đẩy tình cảm lên hàng đầu trên từng con chữ. Ngót 2.000 trang in khổ lớn (24 truyện ngắn, 66 ký và 494 bài thơ), bộ sách độc giả có trên tay, theo cách diễn đạt của nhà phê bình Văn Giá thì “phải có sức khỏe mới đọc được”?!

Tuyển tập thơ và truyện ký của tác giả Nguyễn Huy Hoàng.

Nhà văn đến từ đâu?

Nhà văn đến từ Hà Tĩnh, một không gian đặc biệt “Văn chương nết đất, thông minh tính trời”.

Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, nhưng từ xưa tới nay là vùng đất giàu có về văn hóa, văn chương, giàu tình nghĩa, hiếu học, nhiều nhân tài. Riêng trong lĩnh vực văn chương, đất Hà Tĩnh đã sinh ra những văn tài Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Bùi Dương Lịch... thời trung đại và Hoàng Ngọc Phách, Huy Cận, Xuân Diệu... thời hiện đại. Nguyễn Huy Hoàng là hậu duệ của các bậc tiền nhân. Trong Lời giới thiệu sách Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh (Nxb Hội Nhà văn, 2011), nhà thơ Hữu Thỉnh viết “Một tỉnh thủ thì đới thủy (giáp sông Lam), vĩ thì đạp sơn (đèo Ngang), biển và núi chạy song song với nhau đăng đối hài hòa giữa tĩnh và động, nhu và cương, thu vào thì thâm hậu, mở ra thì mưu lược tìm cách kê đệm cho thiên hạ. (...). Trong cuộc thiên di về phía Nam, Hà Tĩnh là bàn đạp, là hậu phương trực tiếp. Xem thế thì người sinh ra trên đất ấy có thể ví như máu tụ trên đầu ngón tay, cung tên đặt trên lẫy nỏ. Nhưng nết đất là một đại tính cách, là cái vốn pháp định tinh thần đầu tiên nuôi dưỡng những thực tài. (...). Hà Tĩnh là một trong những nguồn mạch có sức nuôi dưỡng và nhuần thắm cho cả nền văn của đất nước”. Tính đến 2024, tỉnh Hà Tĩnh có gần 90 nhà văn trên tổng số hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là một “con số biết nói”.

Nhà văn đến từ khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - một địa chỉ văn hóa, học thuật hàng đầu

Nguyễn Huy Hoàng vốn là học sinh chuyên Văn trường cấp 3 (THPT bây giờ) Trần Phú, Hà Tĩnh; sau đó là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng; tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại làm giảng viên bộ môn Văn học Nga - Xô viết cho đến khi định cư ở Liên bang Nga, từ 1991. Thời gian làm giảng viên ở khoa Ngữ văn chỉ chừng 15 năm nhưng đó là khoảng hạn gần 5.500 ngày trời quý báu vì anh được gần gũi, thụ giáo với những bậc trưởng lão, cây cao bóng cả bậc đại học. Đó là một “Thế hệ thầy giáo vàng”: Các giáo sư đáng kính, tài cao đức trọng Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Kim Đính, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức... Thế hệ chúng tôi có cái may mắn được học với nhiều thầy giỏi nên mình sau này nếu có giỏi thì chính là ân huệ của thời gian. Sau sự biến 1991 (con gái đầu mất tích khi mới 13 tuổi, nay vẫn bặt vô âm tín), Nguyễn Huy Hoàng vẫn cầm bút nhưng như một cú nhảy thẳng đứng ngoạn mục, một ngã rẽ bất ngờ, anh chuyển từ nghiên cứu, giảng dạy sang địa hạt sáng tác văn chương, bắt đầu bằng thơ và cho đến nay vẫn chung thủy với Nàng Thơ. Hẳn vì thơ có cái lõi cốt “trữ tình” nên nhà văn có cơ hội giãi bày, chia sẻ, tìm tiếng nói “đồng chí, đồng ý đồng tình” chăng?! Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng là một cái nôi sinh ra hơn 100 nhà văn thời hiện đại (sau 1945) trên tổng số hơn 1000 nhà Việt Nam, có 12 nhà văn  - nhà giáo (Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Mã Giang Lân, Đinh Xuân Dũng, Lý Hoài Thu, Hữu Đạt, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hinh, Phạm Thành Hưng).

Nhà văn đến từ một nền văn hóa lớn (xứ sở bạch dương, tuyết trắng, mùa thu vàng)

 Một phần ba thế kỷ sống ở nước Nga, Nguyễn Huy Hoàng đã thấm nhuần tận chân tơ kẽ tóc những tinh hoa, tinh túy của một nền văn hóa vĩ đại - văn hóa Nga đầy tính nhân văn, có tính khai tâm, khai trí với người Việt Nam nhiều thế hệ thời kỳ hiện đại (sau 1945). Bản tính Nga có nhiều nét tương đồng, gần gũi với bản tính Việt - dũng cảm, cương trực, nhân ái, hòa hiếu, chân thành. Văn hóa Nga, đặc biệt văn học Nga có tầm kích thế giới, nhân loại được người Việt Nam đón nhận, tiếp biến linh hoạt vì tìm thấy ở đó nhiều “người khổng lồ” về tư tưởng và tài năng nghệ thuật như L. Tolstoy hay F. Dostoevsky... Là một giảng viên dạy và nghiên cứu văn học Nga từ khi còn ở trong nước, khi đến nước Nga, Nguyễn Huy Hoàng có cái đà, cái bệ phóng, cái bàn đạp để thẩm (lặn, nhập) sâu hơn vào văn hóa, văn học Nga từ cổ điển đến hiện đại. Ông đã in một chuyên luận về nhà văn cổ điển Nga thế kỷ 19 Thi pháp truyện ngắn N. Gogol (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011). Trong khoảng hạn thời gian một phần ba thế kỷ qua anh đi về như con thoi giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong nhiều vai khác nhau, lúc thì như một chính khách (dường như ông thích đóng vai này), lúc thì như một lữ khách đầy chất lữ thứ, xê dịch và giang hồ. Có ai đó buột miệng hỏi về chuyện bao giờ ông về ở hẳn Việt Nam thì, tôi biết, khi đó ông đã trả lời trong nghẹn ngào “Đôi khi chờ đợi cũng là một động lực lớn, một niềm hạnh phúc giản dị!”. Song chờ đợi điều gì thì nhiều người rõ, tôi không nhắc lại. Nước Nga đã đem lại cho ông niềm vui và nỗi buồn như một kiếp nhân sinh kép. Biết làm sao được khi số phận đã đặt, đã buộc, đã “gài” ông như thế một phần ba thế kỷ nay.

Viết như một cách thế tồn tại

Theo tôi, muốn biết đời sống nội tâm của nhà văn Nguyễn Huy Hoàng thì nên và cần đọc thơ ông (Trông trời, trông đất, trông mây...) - đó là thơ của một nỗi buồn đẹp, của lòng trắc ẩn, bao dung, của những hy vọng và thất vọng triền miên trong chờ đợi vô biên sau những mất mát lớn lao khó bề bù đắp. Vậy nên, viết văn với Nguyễn Huy Hoàng là một cách thế tồn tại mới, một sự bù đắp những thiếu hụt không thể ngày một ngày hai phục dựng dù cho không thể đủ đầy và viên mãn. Viết với ông, từ nay như là một cách an trú tinh thần. Viết để phóng chiếu, thăng hoa, điều hòa tâm cảm, tâm thế. Không có sự phân biệt rạch ròi rằng, viết thơ là hướng nội, còn viết văn xuôi là hướng ngoại. Viết gì thì cuối cùng nhà văn cũng phơi bày (trình ra) cái bản ngã, cái nhân cách, cái tài trí của mình trên trang giấy luôn được coi là “pháp trường trắng”. Viết, với Nguyễn Huy Hoàng còn là phương cách để không đứt lìa cội rễ. Viết để chống lại sự lãng quên con người. Đọc văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng (Giữa những cơn dâu bể), độc giả lại thấy dù không toàn cảnh (panorama), nhưng có hằng hà vô số “cận cảnh” có ý nghĩa là “trường hợp” (case) của kiếp nhân sinh. Đó là lối viết qua một giọt sương nhìn thấy cả mặt trời, qua một giọt nước biển thấy cả đại dương.

Bể dâu đời người

 Nếu thơ Nguyễn Huy Hoàng ẩn chứa một nỗi buồn đẹp thì văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng, theo tôi, có cái chất của “Xã hội ba đào ký” (một mục trên báo trước 1945 do văn tài Nguyễn Công Hoan cầm trịch, rất bắt mắt, nhờ đó báo bán chạy). Đừng nói người Việt thì khổ hơn người Nga. Dưới gầm trời thiên la địa võng này thì người dân thường, lương thiện, áo ngắn, bé cổ thấp họng đâu đâu cũng bị ghì níu xuống sát đất vì miếng cơm manh áo. Nói theo cách của nhà thơ C. Ximonov thì “Nỗi đau khổ này không của riêng ai”. Cách nay hơn 50 năm nhà thơ Việt Phương đã viết bài thơ NƠI GỪ (xé chữ NGƯỜI ra xếp lại). Bài thơ khiến cho chúng ta thời đó xôn xao, ngạc nhiên, ngỡ ngàng, rúng động nhưng đến hôm nay tỉnh trí lại, thì mới rõ năng lực tiên cảm của nhà thơ thấy trước cái tình trạng “lạc giữa cõi người” vốn dĩ là đã có gieo mầm mống, đã sinh sôi nảy nở từ thưở nào, chỉ có điều chúng ta giả bộ làm ngơ (là vô tình hay cố ý đây?!). Ở một xứ sở, ngày xưa đã từng “Lão ngồi mơ nước Nga”, nay không phải, không còn là thiên đường, thì đã rõ. Ở Việt Nam, mấy chục năm đổi mới cũng không hẳn đã khang trang, sáng sủa, bền vững toàn bích. Những mảng màu trắng đen, những đường nét trồi sụt cứ chập chờn, quanh co, lắt léo trên từng trang văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng. Anh mê văn hào Nga cổ điển Gogol nên thỉnh thoảng cũng vẽ phác đôi ba những “linh hồn chết”. Đấy là những “thằng người” vô sỉ, kẻ hãnh tiến, tiểu nhân đắc chí chỉ luôn muốn giày xéo, dẫm đạp ăn chặn đồng loại cho thỏa mãn cái thói vị kỷ đến mức đê mạt. Bọn này thì ở đâu chẳng có, trừ trên mặt trăng. Viết như thế nhưng chẳng hề rơi vào bôi đen vì không có ý tô hồng điều gì cả. Đại văn hào Nga thế kỷ 19, L. Tolstoy đã viết “Nhân vật mà tôi yêu mến nhất khi viết, không gì khác ngoài SỰ THẬT”. Văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng, tôi thấy, có định hướng tiệm tiến đến “sức mạnh của cái đúng”. Tôi tin như thế và tin nhiều người đọc văn xuôi của anh tin như thế.

Nhưng nếu thiếu một phần quan trọng trong tuyển tập thơ và truyện, ký đồ sộ này, tôi  gọi là “nơi cất giấu ký ức lương thiện” (viết về phần ánh sáng, thiên lương, nhân hòa, hữu ái) thì những gì nhà văn đã viết ra khó bề bén gót độc giả, đừng nói đến chinh phục hay quyến rũ họ dù nhà văn rất nhiều “chiêu”. Một nhà văn trứ danh trong quá khứ đã minh định “Thơ cốt chơn” (chân thật). Suy rộng ra thì văn xuôi cũng cốt “chơn”. Những trang văn xuôi viết về bạn bè đồng nghiệp, người thân, quê hương, bản quán, công việc yêu thích trong những không gian văn hóa khác biệt... là phần, theo tôi, phát sáng, thành điểm độc sáng, tạo nên những điểm nhấn mãn nhãn trong văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng. Bởi vì mỗi câu mỗi chữ nhà văn “nhả ra” là do đã “bấu chặt” lấy đời sống mà viết, nên thật dồi dào, phong lưu những “ròng ròng sự sống”. Nhà văn là người có năng khiếu quan sát, lúc xa lúc gần cuộc đời và những kiếp người nên đọc cứ có cảm tưởng như mình đã gặp, đã nghe, đã thấy, đã chứng kiến. Đọc văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng tôi liên hệ với nhận định sắc bén và thuyết phục của nhà văn Pháp J. P. Sartre “Nhưng hành động viết bao hàm hành động đọc như tương liên biện chứng của nó và hai hành vi có liên quan chặt chẽ với nhau đó cần có hai tác nhân khác nhau. Chính sự hợp lực của tác giả và độc giả sẽ làm nảy sinh ra vật thể cụ thể và tưởng tượng, là công trình trí tuệ. Chỉ có nghệ thuật cho người khác và bởi người khác” (Văn học là gì?).

Sự đỏng đảnh của bút pháp “nửa tỉnh nửa mê”

Chưa đến độ nói đến một phong cách nghệ thuật Nguyễn Huy Hoàng. Tất nhiên! Song, nói đến bút pháp của nhà văn thì đã chín, đã phát lộ rõ ràng, cả trong thơ, cả trong văn xuôi. Tôi tạm gọi là “bút pháp nửa tỉnh nửa mê” trong sự đỏng đảnh đáng yêu của nó.

Viết văn trước hết phải “say mê”, “mê đắm”, thậm chí đôi lúc “mê sảng”. Làng văn đã biết đến độ “mê” của nhà văn Nguyên Hồng thường khi khóc lóc vật vã với từng con chữ theo cùng số phận nhân vật, như trường hợp viết Bỉ vỏ - một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất trên văn đàn Việt Nam thế kỷ 20. Trong thơ, văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng, tôi thấy, cũng có cái độ “mê đắm”. Có người hỏi tôi, vì sao “ông” này không viết tiểu thuyết khi vốn sống đầy ứ?! Đấy lại là một câu chuyện nghề nghiệp khác rất dài, sẽ bàn sau. Thực tiễn văn chương chỉ rõ: thể loại chọn nhà văn, nhà văn không chọn thể loại. Thơ Nguyễn Huy Hoàng nhiều đam mê đã đành, văn xuôi cũng nhiều chất keo đặc biệt này. Nhưng để văn bản nghệ thuật đạt tới tầm khái quát, kết tinh cao hơn, cần thiết “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ” khi viết. Điều này tuy khó nhưng ngòi bút văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng đã đạt được ở những mức độ khác nhau, bởi “Văn xuôi là một tư thế trí tuệ: sẽ là văn xuôi khi, như Valery nói, từ đi qua cái nhìn của ta như thủy tinh xuyên qua ánh mặt trời” (J. P. Sartre - Văn học là gì?). Trí tuệ có căn đế văn hóa, trí tuệ và văn hóa là đôi cánh của nghệ thuật đích thực, thành công.

Vĩ thanh (Đường văn Nguyễn Huy Hoàng)

Lần này về Việt Nam giới thiệu sách, nhà văn Nguyễn Huy Hoàng có ý ngoái lại, nhìn lại như là cách tổng kết một chặng đường hơn 30 năm cầm bút viết văn (1988-2024). Anh viết nhiều thể loại, nhưng lần này ưu ái, ưu tiên ra tuyển tập thơ (3 quyển) và văn xuôi (2 quyển). Ai đó nói vui, kiểu này nhà văn sắp sửa “rửa tay gác kiếm”. Cũng chưa biết thế nào, nếu một ngày nào đó trong tương lai gần, “Ông lão” ngoài thất thập bỗng lại nôn nao nhớ chữ, có khi lại cầm bút (gõ máy tính). Biết đâu lại “một đứa con tinh thần” mới ra đời. Tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra. Cuộc đời cũng như văn chương nhiều điều bất ngờ mới thú vị và hấp dẫn. Quý vị “Tin thì tin không tin thì thôi” (theo cách diễn đạt của thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo)./.

Hà Nội - Hà Tĩnh, Xuân 2024

B.V.T

. . . . .
Loading the player...