22-11-2023 - 09:17

Kịch hát Nghệ Tĩnh với đề tài lịch sử

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11/2023 trân trọng giới thiệu bài viết "Kịch hát Nghệ Tĩnh với đề tài lịch sử" của nhà văn Phan Trung Hiếu

                           kịch hát nghệ tĩnh với đề tài lịch sử                                                                                   

                                                          

 
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của quê hương, dân tộc luôn là nguồn cảm hứng vô tận để các nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên sân khấu thỏa sức sáng tạo và gửi gắm những thông điệp nhân văn, đầy tính giáo dục đến với khán giả. Sân khấu truyền thống, trong đó có kịch hát Nghệ Tĩnh từng có nhiều vở diễn về đề tài lịch sử chứa đựng một sức sống mới mẻ, tính thẩm mĩ - giáo dục cao đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giúp mọi người hiểu biết, yêu quý và trân trọng hơn với lịch sử.

Quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh kể từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Nhiều năm qua, gắn với những biến động về tổ chức, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về kịch hát dân ca của Nghệ An và Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều trích đoạn, vở diễn tái hiện những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử của quê hương, dân tộc. Ở Nghệ An, trước khi nhập tỉnh, từ kịch bản chèo “Cô gái Sông Lam” (5 màn) về cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1962 đến năm 1974 thì được Đoàn Dân ca chuyển thể sang kịch hát (3 màn). Ở Hà Tĩnh, sau Cách mạng tháng Tám, xuất hiện một số vở kịch thơ, kịch nói ngắn về đề tài lịch sử của tác giả Lê Quốc Hoài trong Hội Văn hóa cứu quốc được các diễn viên nghiệp dư thể hiện, công diễn tại Nhà hát thị xã Hà Tĩnh như: “Hy sinh”, “Phan Đình Phùng”, “Trên dòng sông Hát” và một số kịch bản lấy từ Hà Nội về dàn dựng như “Tiếng địch sông Ô” về mối tình huyền sử ở Trung Quốc giữa Ngu Cơ với Bá vương Hạng Vũ của tác giả Nguyễn Quang Tuân, “Về Hồ” phản ánh cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong triều Trần của tác giả Hoàng Công Khanh. Trong chống Mỹ có thêm vở kịch lịch sử “Theo bóng nghĩa kỳ” của tác giả Phan Lương Hảo. Phải đến những năm đầu thập kỉ 70, mới xuất hiện hai vở kịch thơ dài: “Cô Tám” viết về khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần vương kháng Pháp của tác giả Phan Lương Hảo và “Đốm lửa núi Hồng” của Nguyễn Thế Kỷ về cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh được Đoàn Kịch thơ Hà Tĩnh dàn dựng, biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Sau hợp tỉnh, Đoàn kịch thơ Hà Tĩnh nhập với Đoàn dân ca Nghệ An thành Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh. Năm 1985, vở kịch hát “Mai Thúc Loan” viết về cuộc khởi nghĩa chống lại ách áp bức bóc lột thời Nhà Đường của tác giả Phan Lương Hảo, đạo diễn: Ngọc Phương, âm nhạc: Hồ Hữu Thới, chỉ đạo nghệ thuật: Thanh Lưu đã giành HCV trong hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại thành phố Vinh, chính thức khẳng định chỗ đứng của kịch dân ca Nghệ Tĩnh trong loại hình kịch hát dân tộc.

Sau tách tỉnh, Nghệ An sáp nhập Đoàn Chèo và Đoàn Dân ca thành Đoàn Kịch hát dân ca Nghệ An, năm 2000 thì nhập Đoàn kịch hát dân ca và Đoàn Cải lương thành Nhà hát Dân ca Nghệ An (2000- 2009), đến năm 2009 lại nay, thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ. Nhiều vở diễn về đề tài lịch sử, dã sử, danh nhân, kháng chiến và cách mạng có quy mô hoành tráng được tiếp tục dàn dựng và công diễn như “Bão táp cửa Kỳ Hoa”, “Ông vua hóa hổ”, “Tiếng hát người áo rách”, “Quyền uy và tội ác”, “Người đẹp không tim”,“Chuyện tình ông vua trẻ”, “Nặng gánh sơn hà”, “Dòng lệ Tố Như”, “Ngọn lửa truyền đời sau”, “Âm mưu chốn hoàng cung”.; “Danh nhân lớn lên từ câu hò, ví giặm”, “Sáng mãi niềm tin”; “Khúc hát Sào Nam”, “Câu Kiều ru một đời người”, “Lời người lời của nước non”, “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng”… Phục dựng lại vở “Cô gái sông Lam”, “Mai Thúc Loan”.

Sau ngày tách tỉnh, Hà Tĩnh thành lập Đoàn ca múa kịch Hồng Lĩnh và sau đó là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh (năm 2012). Một thời gian khá dài, sân khấu Hà Tĩnh gần như im ắng, không có sự đầu tư lớn cho hoạt động sân khấu chuyên nghiệp, chỉ có những vở diễn ngắn, các màn sử thi nghệ thuật theo đơn đặt hàng nhân các sự kiện, phục vụ các hội diễn nghệ thuật quần chúng trong tỉnh. Có một số kịch bản dài hơi như “Trăng soi nỗi oán” viết về danh nhân Bùi Cầm Hổ của tác giả Phan Lương Hảo; “La Sơn Nguyễn Biểu” (2003), “Lửa Ngàn sâu”( 2012) viết về cuộc khởi nghĩa Hương Khê của nhà văn Đức Ban nhưng rất tiếc cả mấy kịch bản trên đều không có điều kiện dàn dựng thành vở diễn, chỉ vở “La Sơn Nguyễn Biểu” được Nhà hát tuồng TW dàn dựng. Thời gian đầu mới tái lập tỉnh, Đoàn có dựng được một số vở về đề tài lịch sử như “Người trong kỳ vọng (1995) viết phong trào Cần vương chống Pháp, giành 2 HCV do Trần Đình Toàn thủ vai Phan Đình Phùng và Đặng Duy Hải thủ vai Tôn Thất Thuyết; vở “Thượng kinh ký sự” về Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác của tác giả Chu Minh năm 2003, “Bữa tiệc đầu người” của Nguyễn Anh Biên, đạo diễn: Doãn Hoàng Giang (tiết mục tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc ở Nha Trang năm 1999) , phục dựng trích đoạn vở kịch hát “Mai Thúc Loan” nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập Đoàn văn công Hà Tĩnh. Sau nhiều năm rơi vào quên lãng, năm 2018- 2019, Nhà hát mới khôi phục được kịch hát dân ca với vở diễn “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (kịch bản Vũ Hải; đạo diễn Vũ Hải, Tạ Dương) với sự tham gia của NSƯT Duy Hải thể hiện hình tượng Bác Hồ năm 2018, màn sử thi truyền thống về cố TBT Trần Phú “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” (kịch bản An Ninh, đạo diễn NSƯT Duy Hải) năm 2022…

Trong mấy chục năm qua, sân khấu chính là phương thức, phương tiện rất quan trọng để cho dân ca tồn tại và phát triển. Để có những vở diễn kịch hát dân ca về đề tài lịch sử tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, Nhà nước cần có một chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút lực lượng sáng tạo từ khâu sáng tác kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật và diễn viên. Cho đến nay, rất ít có tác giả viết kịch bản riêng cho sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, nhất là về đề tài lịch sử. Ngoài tên tuổi của các kịch tác gia, đạo diễn, nhạc sĩ gắn với các vở diễn, nhiều nghệ sĩ gắn với thành tựu trong sáng tác, biểu diễn các vở kịch hát đã được phong tặng các danh hiệu cao quý là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.  Là nghệ sĩ, ai cũng ao ước được vào vai những nhân vật lịch sử lớn bởi nếu thành công sẽ là những vai diễn để đời, có sức sống lâu bền trong lòng khán giả. Ví như Trịnh Hồng Lựu với vai Ngọc Anh trong” Chuyện tình ông vua trẻ”, bà Hoàng Thị Loan trong ”Danh nhân lớn lên từ câu hò, ví giặm”, Nguyễn Thị Minh Khai trong “Sáng mãi niềm tin”; Danh Cách với vai Mai Thúc Loan trong vở kịch cùng tên, vua giả trong “Chuyện tình ông vua trẻ”, Lê Hồng Phong trong “Sáng mãi niềm tin”; An Phúc với vai Thái tử trong “Chuyện tình ông vua trẻ”, hình tượng Bác Hồ;  Song Thao với vai Hạnh trong “ Đốm lửa núi Hồng”, bà mẹ Mai Thúc Loan trong vở kịch cùng tên; Vũ Thị Thanh Minh với vai cô Vải trong vở Mai Thúc Loan, vai Hạnh trong” Đốm lửa núi Hồng”;  Đình Bảo với vai Lý trưởng trong “Cô gái sông Lam”, Xã quan trong “Mai Thúc Loan”; Minh Tuệ với vai vua Tự Đức trong “ Đối mặt với thời gian” ?: Quế Chung với vai Nguyễn Trường Tộ trong “Đối mặt với thời gian”; Tạ Hồng Dương thể hiện hình tượng Bác Hồ trong “Danh nhân lớn lên từ câu hò, ví giặm”, “Lời Người - lời của nước non”; Trần Đình Toàn với vai Phan Đình Phùng trong “Người trong kỳ vọng”; Hồ Thủy Kiên với vai bà Thanh trong” “Lời Người, lời của nước non”, Đặng Duy Hải với vai Tôn Thất Thuyết trong vở “Ngươi trong kỳ vọng” và hình tượng Bác Hồ trong” Lời Bác dặn trước lúc đi xa”… Hiện tại, tuy đã có một dàn các nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện nhưng liệu nay mai, khi thế hệ nghệ sĩ có kinh nghiệm sẽ già và vắng dần đi, cần có kế hoạch đào tạo, bổ sung kịp thời mới hy vọng có được một đội ngũ biểu diễn nghệ thuật có tay nghề cao và tâm huyết với sân khấu dân ca.

Ngoài việc xây dựng các vở diễn về đề tài lịch sử ở các Trung tâm, Nhà hát mang tính chuyên nghiệp, chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động “Sân khấu học đường”, tăng cường kết nối với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nhằm sản xuất và công bố các tác phẩm, đưa vở diễn về đề tài lịch sử phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Các vở diễn kịch hát Nghệ Tĩnh về đề tài lịch sử nói chung thường được dàn dựng công phu, hoành tráng, kinh phí lớn. Hi vọng với chính sách đầu tư của Nhà nước, các nghệ sĩ sân khấu của chúng ta sẽ không thờ ơ với đề tài lịch sử, với cách nhìn tươi mới cùng những sáng tạo nghệ thuật được thể hiện trong từng vở diễn, sẽ giúp khán giả hiểu hơn, yêu hơn và trân trọng hơn lịch sử của quê hương, dân tộc.

            Viết nhân Kỷ niệm ngày sân khấu truyền thống (12/8, Quý Mão)

          Phan Trung Hiếu

 

. . . . .
Loading the player...