26-04-2019 - 14:02

Kiến trúc Việt Nam - Những bước chân ra với thế giới

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Kiến trúc Việt Nam (27/4/1948 - 27/4/2019). Tạp chí Hồng Lĩnh số 152 giới thiệu bài viết "Kiến trúc Việt Nam - Những bước chân ra với thế giới" của PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục.

Kiến trúc hiện đại bắt đầu từ tư tưởng công nghiệp hoá ở phương Tây đã nhanh chóng trở thành toàn cầu hoá, và trong lịch sử chưa có thời kỳ nào kiến trúc lan toả rộng rãi như vậy. Nhìn nhận vấn đề này từ góc độ người sáng tác kiến trúc là một vấn đề không mới, nhưng sẽ làm sáng tỏ thêm một số con đường hiện đại hoá Kiến trúc Việt Nam.

Kiến trúc hiện đại có mặt tại Việt Nam - những thời kỳ đầu tiên rực rỡ

Sự thèm khát thiên nhiên, cảm nhận được vẻ đẹp của con người, địa điểm, sự gắn bó với một vùng đất… làm con người hiện đại ngày càng hướng tới một nền kiến trúc địa phương nhưng vẫn khai thác hiệu quả các vấn đề về tổ chức công năng và phương tiện kỹ thuật của kiến trúc hiện đại. Nền Kiến trúc Việt truyền thống nảy sinh từ cuộc sống cần lao nuôi dưỡng trong văn hoá làng xã hàng ngàn năm đã đạt được sự kết tinh của vẻ đẹp và giá trị sử dụng. Căn tính của Kiến trúc Việt phải chăng là sự kiệm lời, linh hoạt trong tổ chức không gian, chức năng, biểu đạt tinh thần thẩm mỹ của sự hoà nhập - với thiên nhiên, cây cỏ, bầu trời?!

Thử nhìn lại Kiến trúc Việt Nam những chặng đầu tiên tiếp xúc giao thoa với kiến trúc hiện đại thế giới. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1925 đã đưa ra tôn chỉ đào tạo các nghệ sỹ, KTS những tri thức về phương Tây (được hiểu là nghệ thuật hiện đại thời kỳ đầu) và cả phương Đông – như một phong cách bản địa và thực sự phải phát huy được “sức sáng tạo của Việt Nam” (theo Carinne D.M). Tư tưởng này đã làm nên một thế hệ KTS thứ nhất ở Việt Nam với sự ra đời phong cách Đông Dương nổi tiếng (Indochina Style – KTS tiên phong Ernest Hébrard), để lại dấu ấn trong lịch sử kiến trúc Việt Nam thời cận và hiện đại. Các KTS thế hệ thứ nhất của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sử dụng kỹ thuật và vật liệu mới, nhưng không bao giờ xa rời vẻ đẹp mộc mạc, thanh tao của Kiến trúc Việt truyền thống, vốn chống lại sự mầu mè, phô trương, nặng nề.

Thời kỳ hoà bình lập lại, kiến trúc miền Bắc Việt Nam có nền tảng xã hội chủ nghĩa với phương châm thiết kế: “Thích dụng, bền vững, mỹ quan trong điều kiện có thể”. Kiến trúc thời kỳ này có nhiều cống hiến khi ra đời một phong cách trong sáng, cô đọng, phù hợp với đời sống cán bộ công nhân viên chức XHCN, về thực chất gần gũi với kiến trúc công năng thời kỳ đầu.

Trong chiến tranh chống Mỹ, kiến trúc hiện đại vẫn phát triển ở nước ta thông qua các nguyên lý kiến trúc của trường phái Xô Viết, toàn diện hơn, đầy đủ hơn, chú trọng đến công nghiệp hoá cấu kiện, tính thống nhất của hệ thống modul và tiêu chuẩn hoá các loại hình kiến trúc. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng về học thuật để đào tạo và sáng tác kiến trúc. Kiến trúc Việt Nam thời kỳ này phát triển đầy đủ các loại hình thông dụng: Trường học, nhà ở, chung cư, nhà văn hoá, trụ sở, bách hoá, nhà máy… với ngôn ngữ kiến trúc giản dị, ảnh hưởng bởi kiến trúc Liên Xô cũ (còn nhiều dấu vết ở cấu tạo mái và hệ thống panel sàn) các sáng tác kiến trúc tốt đều mang tính cơ bản của các nguyên tắc loại hình kiến trúc (typology) và thống nhất về phong cách (chủ yếu là các hình hộp chạy dài, ít trang trí như là các trường đại học, các chung cư lắp ghép tấm lớn…).

Ở miền Nam Việt Nam, những năm 50, 60 (thế kỷ 20) các KTS thế hệ thứ hai của trường Mỹ thuật Đông dương đã theo đuổi tư tưởng của thế hệ thứ nhất thông qua việc sử dụng tối đa nguyên tắc thiết kế khí hậu bản địa. Những công trình hiện đại như Dinh Độc lập, Đại sứ quán Mỹ, Khu nhà Ngân hàng cao tầng trên đường Nguyễn Huệ, Đại học Y… đều có chung một ngôn ngữ của phong cách Kiến trúc hiện đại nhiệt đới nổi tiếng cả Đông Nam Á thời đó, tạo nên tính bản địa cao của Kiến trúc hiện đại Việt Nam. Thời kỳ này bằng Kiến trúc của Trường ĐH Kiến trúc Sài Gòn có giá trị hành nghề quốc tế.

Từ thời kinh tế thị trường năm 1985 đến nay

Từ thời kinh tế thị trường năm 1985 đến nay, kiến trúc Việt Nam đổi thay mạnh mẽ. Đô thị hoá rộng khắp và các dự án mọc lên như nấm (sau 1996). Các loại hình kiến trúc của thời kỳ phát triển này là nhà chia lô, khách sạn, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp, chế xuất tập trung và các khu đô thị mới cao tầng. Nhưng về phong cách và tính thẩm mỹ, thậm chí về công năng lại tụt hậu đáng kể so với thời kỳ trước. Ở các khu đô thị lớn, do hệ quả của dự án, thành phố đã bị xé lẻ thành những mảnh riêng biệt, ngôn ngữ kiến trúc vụn vặt chắp vá, tính tổng thể xưa kia vốn là nền tảng cho vẻ đẹp đô thị nay bị phá vỡ, làm tổn hại nặng nề đến bộ mặt thành phố. Có thể nói “thành phố đứt gẫy” tương đồng với thuật ngữ “thành phố bị phá vỡ cấu trúc” đang đại diện cho kiến trúc đô thị Việt Nam thời mở cửa.

“Sau mở cửa năm 1985, giới kiến trúc tỏ ra lúng túng trước quá nhiều ngả đường thể hiện qua tính chất lai tạp Á - Âu, kim - cổ, không có sự nhất quán trong tư tưởng nhận thức thiết kế như thời kỳ trước. Cuối cùng, sau 20 năm, kiến trúc sa vào chủ nghĩa hình thức lạc hậu và lãng phí” (KTS Tôn Đại). Nhiều hội chứng “kiến trúc Pháp”, “kiến trúc Thái”, “củ hành, củ tỏi”, mái úp, mái xoè mà như nhà lý luận kiến trúc W.Curtis đã bình luận: “Các kiến trúc tạp nham xa lạ thời kỳ đổi mới ở Việt Nam có thể giải thích một phần nào do những tầng lớp mới phất muốn tách bản thân họ ra khỏi những giá trị quê hương họ để chạy theo văn hoá tiêu dùng phương Tây. Họ ham muốn những hình ảnh hào nhoáng, hợm hĩnh, dùng hàng nhái, hàng rởm để khẳng định vị trí riêng của họ. Tình trạng này giống như một số nước châu Mỹ Latinh thập niên 50, 60 của thế kỷ 20”.

Sau năm 1996, Kiến trúc Việt Nam đổi thay mạnh mẽ nhưng về phong cách và tính thẩm mỹ, thậm chí về công năng lại tụt hậu đáng kể so với thời kỳ trước.

Hệ quả của “sự bơ vơ” về tư duy đô thị hiện nay thể hiện sự hẫng hụt trong học thuật và lý luận đô thị, kiến trúc và văn hóa đô thị. Kiến trúc thời bao cấp không còn đáp ứng được xã hội. Kiến trúc mới chưa kịp ổn định thì gặp phải làn sóng dự án đầu tư vì mục đích thương mại, vùi lấp các khoảng sáng để lại nhiều khoảng trống và miền tối trong sự hình thành văn hóa mới trong đô thị.

Lối ra cho kiến trúc Việt Nam

Cũng từ nền tảng văn hóa, địa lý, khí hậu để thử đề xuất vài ba hướng đi cho giới chuyên môn chúng ta có thể tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho đô thị - kiến trúc Việt Nam:

* Mở ra sự đa dạng của kiến trúc trên nền của không gian địa lý Việt. Vốn sinh ra từ nền tảng địa lý - nhân văn rất khác biệt theo vĩ tuyến suốt Bắc - Trung - Nam dài 3000km, chiều ngang hạn hẹp theo kinh tuyến, ở mỗi miền đều qua núi cao, trung du, đồng bằng, duyên hải, có khí hậu, môi sinh riêng do các vùng sinh thái không đồng nhất. Tính đa dạng làm chỗ dựa cho nền kiến trúc phong phú, nhiều sắc thái, có chung động lực của công nghệ – kỹ thuật, vật liệu mới sẽ tạo nên ngôn ngữ thống nhất của Hiện đại – Bản địa.

Ngôi nhà 3 tầng ở thành phố Hà Tĩnh xây dựng dựa trên ý tưởng hòa trộn kiến trúc và nông nghiệp - nền tảng của sự phát triển bền vững. Các kiến trúc sư đặt tên cho công trình là “Tổ ấm ruộng” với mong muốn đưa người dân thành thị gần lại với thiên nhiên hơn thông qua những trải nghiệm đời thường thú vị. 

* Nhỏ là Đẹp – Gần với tư duy người Việt? Trong đô thị liệu có nên thay thế dạng đô thị mà đặc trưng là Phố và Nhà phố, thuộc về phương thức sinh sống nhỏ, mà đặc trưng là kinh tế hộ gia đình bền vững (bám vào các trục lộ, mặt nhà, hè phố, lòng đường để buôn bán) vốn là bản chất của người Việt (chắc còn tồn tại khá lâu nữa)? Liệu kiểu dự án các Khu đô thị – phòng ngủ như hiện nay, thiếu vắng việc làm và dịch vụ đời sống thiết yếu tại chỗ, có làm nên kiểu “kiến trúc mì ăn liền” bạt ngàn trong các thành phố hiện nay? Hay chúng ta lại quay về với sự “Nhỏ là Đẹp” của không gian phố xưa nhà cũ?

* Tiếp cận sinh thái học bản địa để tạo các “ego” cá tính nghệ thuật trong kiến trúc. Con người không chỉ là một thực thể xã hội, mà còn là một thực thể sinh học – xã hội (biosocial), yếu tố sinh học nền tảng của nó biến đổi theo yếu tố xã hội ở những mức độ nhất định, nhưng tính xã hội cũng bị qui định trong những giới hạn sinh học, dù những giới hạn này không cố định:

Như vậy, một không gian xã hội phù hợp nhất với con người, có tính nhân bản không phải là một xã hội chỉ cần dọn dẹp môi trường chung quanh để thích hợp với “tính tăng trưởng” của nó; cũng không phải là một xã hội khuôn theo những công thức lý tưởng nào đó nhân danh chính quyền áp đặt những công thức đô thị và giới kiến trúc chỉ có việc “nhào nặn” lại cho thích hợp. Một nền kiến trúc cần được tổ chức sao cho những bản tính của con người tồn tại một cách tự nhiên, tạo ra những không gian sống tối ưu cho sự phát triển toàn diện và tự do cho mỗi cá nhân con người – Chủ nghĩa nhân văn mới gọi điều này là các “ego cá nhân” sáng tạo, độc lập để kết nối thành các “ego cộng đồng” văn minh của đô thị. Muốn như vậy, kiến trúc mới phải có tư duy phát triển xứng với sự chờ đợi của con người nhân văn mới.

Chúng ta đang ở vận hội mới của kiến trúc thế giới khi nền văn minh tri thức đã lộ diện. Biết bao nhiêu sáng tạo của con người đã thay đổi tận cội rễ đời sống. Không gian và thời gian sống dường như mở rộng, trải nghiệm dài hơn với mỗi người qua màn hình tivi, internet và tốc độ đi lại… Không gian kiến trúc đã được giải phóng khỏi các bức tường và khẩu độ của dầm bê tông bằng công nghệ mới, vật liệu nhẹ, thông minh và đa năng – Mục đích là mang lại cho con người các giải pháp tiết kiệm tối đa năng lượng, nước sạch, tài nguyên và thật nhiều không khí, cây xanh, sức khoẻ. Sao chúng ta không đi vào xu hướng này? Nên tổ chức những cuộc thi xem ai có thể tạo ra các toà nhà dùng ít năng lượng nhất, có nhiều sáng kiến để chống lại các bất lợi khí hậu và tiết kiệm tài nguyên nhất; thi thiết kế những ngôi nhà thông minh ở biển, ở núi cao, ở khu đô thị chật chội, những ngôi nhà có khả năng tự điều chỉnh thích ứng với môi trường bên ngoài với tên gọi khiêm nhường nhưng chứa đựng tính nhân văn sâu sắc: “Nhà cacbon thấp”, “Nhà sinh thái mới”, “Nhà xanh”…

Phải chăng, đây vẫn là những ý tưởng xa xỉ với kiến trúc Việt đang chạy theo thị hiếu của thị trường kiến trúc đang bị thương mại hóa quá mức?

                                                                                   N.H.T

. . . . .
Loading the player...