28-10-2024 - 01:41

Ký ức lũ ở quê

Tạp chí Hồng Lĩnh số 218 tháng 10/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Ký ức lũ ở quê” của nhà thơ Lê Văn Vỵ

Quê tôi hạ lưu sông Ngàn Phố, trũng thấp; vài trận mưa xập xòi là lụt. “Lụt lút cả làng”. “Lút làng” do “nước bái”. Nước bái là nước mưa chỗ cao trong vùng đổ xuống chỗ trũng gây ngập úng chứ không phải lũ bất ngờ từ sông Ngàn Phố quét sạch sành sanh làng mạc, ruộng đồng bờ bãi hai bên bờ sông.

Tháng 4 tiểu mãn, lụt lút ruộng đồng. Dân làng tìm cách chạy lụt. Đầu tháng 4, lúa ngậm sữa, nhưng khoai lang vụ hè đã mê tơi củ. Một đêm ngâm lụt, khoai ngấu lên mùi ấu. Cha mẹ tôi cũng như dân làng mang tơi, đội nón đánh vật với bùn nước, lụt lội vớt vát, giành giật  ít nhiều mồ hôi, nước mắt…

Nhưng trận chiến với Sơn Tinh cam go hơn, quyết liệt hơn ấy là lúc cánh đồng sắp vào mùa thu hoạch, bão quật ngang, nước nhấn chìm thảm lúa, cái ăn sắp vào miệng bị giành giật; phải nhanh tay cướp trên lưỡi nước tử thần những gié lúa vàng mẩy. Nhà ngập lũ. Những hạt vàng mang về biết để vào đâu? Nhìn những đống lúa ngoài sân ngâm trong lũ nẩy mầm, cha mẹ tôi đau đớn, xót xa quệt nước mắt!

Sống ở vùng “rốn lũ” trăm lo ngàn khó, vạn việc không tên. Biết tin lũ lụt, cha tôi đẵn tre, chẻ lạt, đóng bè, chằng buộc nông cụ cày, bừa, kê chum, đậy vại… Mẹ tôi xếp chăn gối, quần áo vào thúng, nồi niêu, xong chảo, bát đĩa vào rổ, dọn vại cà, hũ muối lên chạn, cho thóc gạo vào bì, còn chị em chúng tôi mỗi người mỗi việc, gom cái rế, cái chổi, hoặc chờ cha mẹ sai bảo thì lăng xa lăng xăng.

Cha dặn: “Với nhà nông, lũ lụt cốt nhất giữ được con trâu, con bò; còn các con giữ lấy sách vở đừng để trôi lụt”.

Lũ lụt, trâu, bò quê tôi cũng phải chạy lũ. Chạy lũ phải băng qua cầu rú Lở. Gọi là cầu nhưng thực ra đó là khúc đê ngăn con sông cụt nối làng Bàu Đông quê tôi với làng Tiên Long. Làng Tiên Long dưới chân núi Hòa Bảy, cạnh chùa Rẹc. Đỉnh lũ năm 1960, năm 2000 cũng chưa bao giờ đến chân núi.

Những năm trước khi phương tiện truyền thông chưa thuận lợi như bây giờ, chương trình dự báo thời tiết cũng chưa cập nhật kịp thời, vào mùa mưa lũ, dân làng tôi ra sông Ngàn Phố, chạy về rú Lở xem mực nước, tùy vào lượng mưa mà truyền cho nhau phương án ứng phó với thiên tai. Còn nhớ có năm, nước lũ ập về nhanh quá, đập rú Lở vỡ, cầu bị lũ cuốn trôi. Nước lên như trở bàn tay, gia đình ông Phong lùa bò đi chạy lũ đúng vào lúc vỡ đê,  không tránh được tai họa.

Khổ nhất lúc nước lũ tràn về đêm. Nước trên trời trút xuống, nước dưới đất dâng lên. Bốn bề mênh mông nước. Ánh đèn bão nhập nhòe đom đóm. Đèn pin quét loang loáng. Tiếng hú, tiếng gọi truyền nhà này sang nhà khác. Vì vậy, ngay từ chập choạng dự đoán thế nào nước lũ cũng vào nhà, dân làng quê tôi đã lùa trâu bò chạy lũ. Còn nhớ, cha tôi cột hai bó rơm khô vắt lên lưng bò, rồi dắt tôi qua rú Lở đưa bò đi tránh lũ. Đêm hôm đó, mưa như mác đâm, dao chém. Được phép của bảo vệ trường PTTH Hương Sơn chúng tôi lùa bò vào nhà xe, rồi mấy đứa đến hành lang lớp học trú tạm. Đêm mưa. Gió gầm rít. Giật mình nghe tiếng bò “Húc ọ!”. Dọi đèn pin mới biết bò báng nhau. Bất chấp mưa trút, đứa dọi đèn, đứa cầm sào, kịp thời tách đàn bò. Kỷ niệm tuổi thơ của tôi có những đêm lũ lụt bất yên như vậy!

Còn sách vở bút giấy cha tôi cuộn ni lông, tuồn bao tải. Để chắc ăn, Người còn đùm qua lớp áo tơi, cột lên kẻ nhà. Có những gia đình thiếu kinh nghiệm, để sách vở, bút giấy trôi trong dòng nước lũ, thậm chí, có thư viện trường học ngập lũ, quyển trôi xuôi dòng nước, cuốn chôn trong bùn non, phải vất vả lắm mới thu gom được một phần nhỏ. Nhìn những cuốn sách nhàu nát phơi trên mái tôn, trên sân trường sau lũ mà xa xót!

Đi qua bao mùa lũ, ký ức chồng ký ức. Tôi đã tận mắt chứng kiến lũ lụt trôi nhà cửa, trâu bò, lợn gà. Tang thương nhất nước lũ cuốn trôi sinh mệnh của người xấu số. Nước mắt ngày lũ cay đắng và mặn chát. Tôi quặn thắt khi chứng kiến tiếng khóc xé trời của người con khi nước lũ đã cuốn trôi quan tài mẹ vừa mới chôn cất mấy ngày. Sau lũ, ông hàng xóm của tôi dằn vặt đau đớn vì sơ ý để lũ trôi mất bức ảnh thờ của bố mình. Bố ông là Liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Bức ảnh là kỷ vật duy nhất: “Trời ơi! Trôi nhà, trôi cửa còn có thể làm lại, nhưng trôi ảnh bố, biết tìm đâu ra! Sao khổ ri, hở trời!”. Tiếng gào xé lòng

Mùa lũ năm 2010, một cô giáo trường làng, trên đường về nhà, không may bị lũ cuốn trôi. Mênh mông bốn bề nước. Đám tang trên thuyền, không cầm nổi nước mắt.

Sân phơi sau lũ. Ảnh: Đậu Bình

Vợ chồng anh bạn dạy cùng trường, ở cùng xã với tôi, bố mất khi nước lũ tràn vào nhà, dâng cao. Nghĩa trang cũng chìm trong nước lũ, chẳng thể lo tang cho bố. Thế là vợ chồng tắm liệm, treo quan tài lên hạ nhà chạy lũ, dăm ngày sau chờ nước rút mới tổ chức đám tang được. Ở vùng lũ, những kiếp người không chỉ lận đận khi sống mà khi qua đời cũng chẳng được thảnh thơi!

Sống chung với lũ, dân quê tôi thích ứng với lũ. Mô hình nhà nổi, nhà tránh lũ cho người và gia súc, với chi phí đầu tư không nhiều, giảm thiểu tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra được nhân rộng khắp nơi. Chống lũ theo phương thức tại chỗ vừa tiện lợi, vừa chủ động...

Quê tôi miền núi. Núi rừng chiếm ¾ diện tích. Mùa lũ lụt, tôi không lạ gì cảnh sạt núi lở đồi. Đường 8A đi qua Đại Kim, mùa lũ lụt đã từng sạt lở gây ách tắc giao thông. Nhưng sạt lở chỉ xẩy ra cục bộ, có thể khắc phục thông tuyến kịp thời. Cách đây 10 năm, tôi đã chứng kiến sạt lở ở phía Tây Nam núi Nầm, đất chảy tràn vào nhà hai hộ dân. Lực lượng công an, bộ đội đã ứng cứu kịp thời. Khi tôi đang viết những dòng này thì quê tôi đang gồng mình lên chống lũ. Sạt lở, đất chảy đã xẩy ra cục bộ ở Sơn Kim 2. Nhiều nơi rừng xanh bị xẻ thịt, rút ruột, lột da, chảy máu hiện hữu nhân tai khủng khiếp... 

Rất may ở quê tôi dự án HEPA, mô hình hợp tác xã Rào Àn, HTX Trường Sơn, HTX Đại Thành, mô hình tái sinh rừng nguyên sinh của các hộ ông Bình (Hà Trai, Sơn Kim 1), ông Hùng (Chí Lời, Sơn Tây)… đã tái sinh những cánh rừng. Cách đây một tháng, ông Trần Việt (HTX Rào Àn, Sơn Kim 1) mời tôi về Đại Kim dự Lễ ra quân của các chủ hộ rừng cam kết với Dự án HE PA trồng, phát triển cây bản địa, phá bỏ rừng keo “ăn xổi ở thì” để hồi sinh rừng, hồi sinh thảm thực vật, xác định một hướng đi bền vững, chỉ tiếc quá muộn. “Muộn còn hơn không!”. Ông Việt ghé vào tai tôi thì thầm

Trong ký ức tôi về lũ lụt làng quê không chỉ có u ám, màu đen mà còn có mảng màu tươi sáng.

Còn nhớ, những ngày nước sông Ngàn Phố dâng cao, đục ngầu, chị em chúng tôi  mang sào ra bờ sông vớt củi, vớt dế. Dòng nước lũ cuồn cuộn cuốn theo những chú dế trôi xuôi, chỉ cần nhanh tay vợt  là “trúng quả”. Chả mấy chốc, chị em tôi vớt được đầy oi dế. Mấy chục năm rồi, đến bây giờ tôi vẫn nghe xèo xèo mỡ dế béo ngậy cháy trên than hồng, thơm nhức mũi!

Nước lũ lên, bố tôi cũng như dân làng bận chạy lũ, không mấy ai rỗi đánh cá. Nhưng khi nước rút, dân làng tôi mới đơm đó, đặt lừ, rải đăng đón cá về lại sông. Có khi, cá chép, cá leo chạy xé nước trên đồng. Nơm. Xỉa. Chạy đâu cho thoát. Cho nên mùa lũ với chúng tôi là mùa cá. Cá diếc, cá chép, cá leo tẩm ướp gia vị, mắm muối, hành tỏi, nghệ tươi, cho thêm nắm vỏ quýt dậy mùi thơm. Mùa lũ, nói không ngoa chút nào, có bữa cơm cá tươi ăn một lần nhớ cả đời!

Lũ về, mang theo phù sa. Sau lũ, trời hửng nắng. Những cánh đồng, những bờ bãi như được tắm gội, bồi đắp thêm lớp phù sa tươi mới. Cha mẹ tôi cùng bà con ra bờ bãi cày đất. Lớp phù sa tơi xốp phơi dưới nắng mỡ màng. Những luống đất được đánh vồng, vãi cải, trồng khoai, vừa nẩy mầm đã như có phép tiên vọt lên lên xanh tốt. Hái những rổ cải, ngắt những đọt rau lang, về luộc lên hay xào, chẳng cần mỡ sao mà ngon, mà ngọt đến vậy!

Sau lũ, vườn cây cũng được bồi đắp phù sa, nên năm đó, hoa trái mít bưởi, cam quýt cũng đơm hoa kết trái. Khoai lúa trên đồng cũng được mùa. Chỉ có vườn nhà sau lũ, giàn trầu bị úng chết ẻo. Thương bà nội, phải vát thân trầu thay lá quệt vôi.

Giờ lũ lụt về, nước đục ngầu, mà sao không còn phù sa, không còn cá? Nghe đất núi chảy mà sởn cả gai. Thương nhớ lũ quê ngày xưa ơi!

Viết sau bão Yagi

                                                                                         L.V.V

. . . . .
Loading the player...