27-05-2020 - 14:59

Ký ức trường xưa....

Cuộc sống của chúng ta luôn vội vã và bộn bề với bao công việc nhưng trong đôi chút khoảng lặng của ngày tháng, chúng ta không khỏi bâng khuâng, lắng đọng vì được trỏ về với một miền ký ức. Tháng 5 về, khi bỗng dưng ta bắt gặp một màu tím mát của cánh bằng lăng, một cánh phượng hồng e ấp sớm mai, lcũng là khi ký ức trường xưa bạn cũ lại theo về.

     … “Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỉ niệm/ Kỉ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô”. Nhiều lắm những nỗi niềm xưa cũ đã được đánh thức lại trong những ngày này. Tôi nhớ về ngôi trường cũ, nhớ cô giáo Nguyễn Thị Hiếu dạy Văn và Chủ nhiệm lớp học trò trường huyện chúng tôi suốt những năm cấp hai dấu yêu thời xa ấy. 
     Tôi còn nhớ rõ những ngày đầu tiên tôi học lớp 6. Ngôi trường của chúng tôi khi ấy mới thành lập, chúng tôi chưa có địa điểm riêng, chưa có lớp học cố định. Chúng tôi phải đi học nhờ ở những trường khác mà phòng học của họ còn trống. Tôi nhớ một sáng hôm ấy, chúng tôi mượn được một dãy phòng học đã bỏ trống của một trường trung học phổ thông ở thị trấn. Cô Hiếu và tụi học trò chúng tôi cùng phải cầm chổi quét dọn và quơ vội đám mạng nhện và lớp bụi ken dày. Cô giáo vẫn cười thật tươi, vừa dọn dẹp vừa nói vui: "Chúng ta đang có không gian thật giống không gian trong truyện “Người thầy đầu tiên” của Aytmatov". Lúc ấy, tôi và đám bạn chẳng biết Aytmatov là ai, cũng chưa từng đọc “Người thầy đầu tiên”. Tôi chỉ thấy nụ cười của cô tôi đẹp quá! Và vì lời chỉ dẫn ấy mà mấy ngày sau tôi tìm đọc bằng được cuốn truyện “Người thầy đầu tiên”, để cảm xúc cùng những trang văn của Aytmatov, để cảm nhận được rõ hơn bao giờ hết với những mùi oai oai của đất đai và của những ẩm mốc. Nhưng ngày đó, thật lạ là những đứa trẻ lớp 6 chúng tôi chẳng đứa nào thấy khó chịu với cái mùi ẩm mốc bao quanh phòng học. Chúng tôi cũng chẳng dè dặt, ngại ngần gì với lũ nhện leo thang ngay sát chỗ chúng tôi ngồi và đu dây khắp các ô cửa sổ. Chúng tôi vẫn nhập tâm với thế giới thần thoại, thế giới của truyền thuyết và cổ tích qua lời cô giảng. Tôi vẫn nhớ rõ mái tóc ngang vai của cô Hiếu ngày ấy cùng gương mặt thanh tú và nụ cười đẹp vô ngần. Với tôi, chưa có cô giáo nào đẹp hơn cô ngày ấy của tôi. Chính những ngày tháng ấy đã nhen nhóm trong tôi niềm yêu môn Văn vô bờ bến, và tôi ước ao cho đến bao giờ tôi lớn, tôi sẽ được làm cô giáo. Tôi nhất định sẽ đứng như thế kia, sẽ đi như thế kia và sẽ viết bảng, sẽ giảng văn như thế.

Ký ức trường xưa ( Ảnh: Hoàng Đình Quân)

     Sang học kỳ hai của lớp 6, chúng tôi được chuyển về học ở một nơi mới, nơi ấy có phòng học đàng hoàng. Trường có biển hiệu rất to “Trường Bồi dưỡng học sinh giỏi”. Đối với chúng tôi ngày ấy, cái biển hiệu ấy thần thánh vô cùng. Chúng tôi ngày nào đến trường cũng ngắm nó một cách say sưa trong niềm hân hoan bất tận. Không gian của ngôi trường chúng tôi chuyển về có khuôn viên đẹp và thơ mộng vô cùng. Những dãy nhà mái ngói lẩn khuất trong những xanh thẫm của rặng nhãn, rặng dừa. Bao quanh những rặng dừa là những con mương nước trong vắt chứa đầy hoa lục bình tím ngát. Ngôi trường đựng đầy tiếng gió, tiếng cười và những trò đùa nghịch của lũ học trò nhỏ chúng tôi. Năm học mới, trường của chúng tôi có tám lớp. Mỗi khối có 2 lớp: một lớp Toán và một lớp Văn. Tôi cảm thấy rất may mắn vì được là học trò của cô Hiếu suốt bốn năm của thời cấp hai. Cô là người đầu tiên chỉ cho chúng tôi cách làm những cuốn sổ tay văn học, để ghi chép những áng văn hay, những dòng thơ đẹp, những lời bình sắc sảo, sâu sắc. Những bài giảng của cô Hiếu lúc nào cũng lắng sâu và tạo dư âm. Cô dắt lũ chúng tôi vào thế giới văn chương. Cô thắp lên ngọn lửa đam mê học văn. Cô dẫn chúng tôi đến những chân trời mới, đến những thảo nguyên ngàn xa, đến những bông hồng vàng và bình minh mưa. 
     Cô giáo đã mở cho tôi thấy cả một chân trời rộng ngợp những niềm đam mê, những niềm ước ao, đối diện với cảm xúc và sự rung động. Những bài giảng của cô có một sức thu hút kì lạ bởi một giọng truyền giảng ấm áp, tinh tế, lắng đọng, thấm sâu. Mỗi bài giảng là một sự tươi mới. Tôi cảm nhận đó là cách dạy học truyền cảm hứng. Cô như người nhạc trưởng định hướng và khơi gợi niềm hứng khởi cho các nhạc công. Cô như người thắp lên ngọn lửa và truyền lửa cho các học trò. Chưa bao giờ cô coi học trò chúng tôi là những cái bình để nhồi nhét kiến thức mà cô luôn gợi mở và đồng hành cùng chúng tôi khám phá và tìm kiếm các giá trị, tìm kiếm những cái hay, cái đẹp trên cánh đồng văn chương huyền diệu. Cứ thế, cô đã tự nhiên gieo vào lòng tụi học trò trường huyện chúng tôi sự rung cảm, sự đam mê. Cô đã khơi gợi và đánh thức dậy những niềm trắc ẩn thẳm sâu trong mỗi tâm hồn thơ trẻ chúng tôi, nuôi dưỡng cho chúng tôi những tình cảm đẹp đẽ về lòng yêu thương và sự cảm thông với thân phận con người. Sau này lớn lên, khi được đi đó đây, được trải nghiệm với chính nghề dạy học, tôi mới thấm thía hơn nữa những gì cô đã truyền dạy cho chúng tôi, đúng như câu nói của triết gia Rabindranath Tagore: "Mục đích của giáo dục nên là truyền đạt đến con người hơi thở của sinh mệnh". Những bài giảng của cô thực sự luôn hướng những tâm hồn thơ trẻ đến với chân, thiện, mỹ, khiến cho tâm hồn và trái tim của tụi học trò chúng tôi luôn rộng mở.
     Tôi viết những dòng này khi mà hiển hiện trong tôi ánh mắt dịu dàng của cô Hiếu với những niềm vui nhấp nhánh cô gieo vào lòng chúng tôi thuở ấy. Tôi nhớ đến lớp học của chúng tôi, nhớ những hộc bàn xinh xắn, nhớ góc sân trường đẫm rêu xanh, nhớ khôn cùng những ngày tháng lắc lơ xa… Những ngày tháng ấy mãi được lũ học trò trường huyện chúng tôi cất giấu trong tim như một phần của ký ức ngọt lành, để rồi chúng tôi mãi mang theo bên mình như một hành trang thiêng quý. Tôi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các bạn, nhớ cô giáo của tôi. Cô giáo tôi như một cây sồi, như một cánh chim không mỏi, như dòng sông chở nặng phù sa lấp lánh tận chân trời, như ngọn gió ngọt lành thổi mãi…  

 

  Đặng Thị Lan Anh


 

. . . . .
Loading the player...